Trên những chuyến xe khách chạy dọc quốc lộ, vào mỗi dịp du lịch cùng công ty, về quê thăm nhà hoặc đi công tác ở tỉnh… tôi và hành khách chung xe vẫn thường được tài xế tấp vào cho nghỉ ngơi ở những trạm dừng chân mang tên từa tựa như một chuỗi thương hiệu: “Bò sữa Long Thành”.
Quy mô của những trạm dừng chân dọc đường này khá giống nhau, rộng lớn, có rất nhiều gia đình buôn bán tại đây; đủ các món hàng từ áo quần, vật phẩm lưu niệm, bánh kẹo chế biến cho đến trái cây tươi, nước uống, cà phê các loại; bên cạnh dịch vụ vệ sinh, rửa mặt … dành cho những khách hàng hãy còn đang ngái ngủ, mỏi mệt trên chặng đường thiên lý. Những điểm dừng chân này đúng nghĩa giúp cho hành khách được “nghỉ xả hơi – bừng hứng khởi”, y như câu slogan đang treo trên mấy tấm bandroll lúc lắc vui vẻ ở đây.
Do thuộc hệ thống “Bò sữa Long Thành” nên đương nhiên món chính ở đây là sữa và những chế phẩm từ sữa. Ngoài sữa tươi, sữa chua, phô-mai, kem được chế biến từ sữa tươi… tôi còn được giới thiệu một món bánh ngọt có cái tên ngồ ngộ: bánh phèng la!
Chiếc bánh hình tròn và dẹt, đúng là nhìn hình dạng rất giống với cái phèng la (một loại nhạc khí gõ làm bằng đồng thau, có hình đĩa tròn, phát ra tiếng vang và chói). Nhưng như vậy thì chữ “phèng la” (có g) mới đúng chứ, sao thấy nhãn hiệu để trong hộp bánh toàn ghi là “phèn la”? Có lẽ người đầu tiên đã ghi tên bánh dân dã kiểu nghe sao viết vậy, chưa cần vội kiểm tra lại, còn những người sau thấy cũng hay hay nên để luôn chăng?
Đúng là món đặc trưng ở xứ sở bò sữa, bánh phèng la được chế biến từ nguyên liệu chính là bột, đường, trứng gà, sữa tươi… được đánh nhuyễn, dậy lên, trộn lại thành hỗn hợp sền sệt, cũng gần giống như nguyên liệu để làm bánh bông lan. Song, thay vì được đổ ở khuôn nhôm định hình và nướng trong lò nóng kín như bánh bông lan thì những cái bánh phèng la này được nướng trực tiếp ngay trên mặt gang nóng. Và thao tác nướng thủ công, đều đặn, nhanh thoăn thoắt của cô em dễ thương đã khiến cho loạt bánh ra lò có hình tròn, dẹt, đều tăm tắp đến như vậy.
Mỗi lần ghé lại những trạm dừng chân này, tôi đều tìm cách lân la đến quầy nướng bánh phèng la và tò mò đứng nhìn cách các em đổ bột nướng bánh. Trước mặt là những tấm gang lớn, đã được nung nóng đến nhiệt độ vừa phải, các em cầm cái phễu bột rót nhẹ nhàng, dứt khoát, từng lượng bột xuống ổn định, rất đều tay. Bột sệt rơi xuống mặt chảo nóng cộng với động tác đảo nhẹ tay của em liền xòe ra thành hình tròn, đường kính tầm khoảng 7-8cm, chiều dày lớp bột vào khoảng gần 1cm. Bánh nằm thành hàng thành lớp ngay trên mặt chảo rất dễ thương. Sau khi bánh chín xong mặt dưới, em gái cầm cái sạn lật đảo ngược cho bánh được nướng chín mặt còn lại. Độ vài phút, bánh đã chín hết trên mặt chảo, em xúc ra mâm, cào nhẹ cho sạch mặt chảo, chuẩn bị cho đợt đổ bột nướng mẻ mới. Tùy vào bề mặt chảo gang lớn hay bé mà số lượng nướng một lô nhiều hay ít. Như chỗ tôi đang đứng chụp hình đây, mỗi lần nướng được khoảng 35 bánh, hành động đều đặn, thuần thục cứ như một thói quen, cái nào cái nấy gần bằng nhau, nhìn thật thích mắt.
Bánh sau khi bày ra mâm cho đỡ nóng, liền được xếp vào mỗi hộp tầm 10 cái. Với giá bán 50,000vnđ/hộp, bánh phèng la phù hợp để mua tặng, làm quà cho người thân ở nhà sau chuyến đi chơi, đi công tác về.
Bánh phèng la không quá ngọt, lại thơm ngậy mùi trứng sữa. Cầm miếng bánh mềm mềm, vừa tay, cắn một miếng cảm giác vị tơi, xốp, như tan nhẹ trong miệng. Nhớ đến từng công đoạn từ đánh bột, đổ bánh nướng đến cẩn thận gói ghém thành món quà đi xa về cho du khách, vẫn không khỏi bật cười khi nghĩ đến cái bánh nhẹ nhàng, mịn màng mềm mỏng là thế mà tên gọi lại nghe rất chói và vang: Bánh phèng la!
Con gái nói, ở siêu thị cũng có bán bột làm bánh giống vậy, nguồn gốc từ Nhật Bản. Một hôm, cháu mua về rồi đọc theo hướng dẫn in trên bao bì, cũng hì hụi pha trộn bột, rồi lật cái chảo không dính ở nhà ra mà nướng trực tiếp. Thao tác cũng tương tự các cô bé nướng bánh tôi thấy ở trạm dừng chân kia, cũng đổ bột trực tiếp lên mặt chảo nóng. Cầm miếng bánh của con gái nướng cho ăn, cảm giác bánh cũng mềm, mịn, thơm mà sao vẫn thấy khang khác với chiếc bánh dùng thử ở chặng đường gió bụi ngày nào…
Phải chăng, thêm một chút gia vị của đường xa, thêm chút gió bụi, thêm chút tình cảm được trân trọng gói vào hộp bánh làm quà mà cái bánh phèng la dường như thơm hơn, ngọt hơn, dậy mùi hơn… Thế mới biết, món ngon đâu chỉ đến từ nguyên liệu và cách làm, mà còn thêm nhiều những phong vị của địa phương, thổ nhưỡng, bên cạnh tình cảm đong đầy không thể thiếu của người đi xa vẫn luôn đau đáu nhớ về những người thân của mình đang ở nhà, với một món quà dầu chỉ là nho nhỏ, ấm lòng.
Bài và hình NTB
(Tháng 6.2024)