Thế vận hội thể thao Olympic từ thời cổ đại cho tới thời hiện đại vốn luôn được coi là ngày hội thể thao vui tươi toàn cầu, tình đoàn kết, tương thân tương ái. Dù cho các quốc gia đang có vấn đề bất đồng với nhau thì tuyển thủ của các quốc gia đó khi gặp nhau trên sân đấu cũng không bao giờ tỏ thái độ thù địch, ngược lại họ vẫn đối xử với nhau nhã nhặn vì đó là truyền thống thể thao Olympic.

Hoạt cảnh trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris bắt chước bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci đã gây ra tranh cãi vì chế nhạo Cơ đốc giáo. Nguồn: Youtube

Tuy nhiên, trái với quá khứ, Olympic 2024 Paris vừa khai mạc đã gây tranh cãi và hứng chịu sự phẫn nộ của phần lớn tín hữu Công giáo toàn thế giới. Mọi người cứ tưởng khi nước Pháp tổ chức Olympic 2024 tại thủ đô Paris hoa lệ, khán giả sẽ được thưởng thức màn biểu diễn khai mạc đầy tính nghệ thuật truyền thống quý tộc Pháp thanh cao, không ngờ khán giả đã bị coi những trò biểu diễn đầy tính ma quái, máu me, mà đỉnh điểm bị phản đối dữ dội là một hoạt cảnh nhái na ná bức tranh “Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper, tác giả danh họa Leonardo da Vinci) mô tả Chúa Jesus và 12 tông đồ, không có thuyết minh, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tín hữu Công giáo, kể cả chức sắc ở Vatican đều cho rằng Tổng đạo diễn Thomas Jolly đã diễn tả The Last Supper thành hình ảnh tục tĩu và báng bổ Công giáo. Rất nhiều người đã dùng từ ngữ nặng nề chửi bới, chế hình chế giễu giới tính ông Thomas Jolly.

Người bênh vực ông Thomas Jolly thì cho rằng hoạt cảnh đó không phải phỏng theo bức tranh The Last Supper, mà là diễn tả bức tranh  “Bữa tiệc của các vị thần” (The Feast of the Gods, tác giả là hai danh họa Giovanni Bellini và Tiziano Vecelli.)

Vậy là khán giả hai phe chửi nhau kịch liệt từ trên mạng xã hội ra ngoài đời. Ở đây tôi chỉ đề cập tới quan điểm trái chiều nhau của người Việt và người gốc Việt, nhìn sơ qua thì ý kiến phe nào cũng có lý cả. Tôi, một tín hữu Công giáo, nhưng tôi không vội chửi mắng hay bênh vực ai, tôi thận trọng phân tích từng bức tranh và trình bày ra đây cho quý độc giả đánh giá.

Xem thêm:   Vĩnh biệt Francoise Hardy!

Tôi đã đọc Thần thoại Hy-La từ năm học lớp Tám, đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học thời Phục Hưng, đã xem nhiều tranh vẽ, điêu khắc thời Phục Hưng, vì vậy tôi là người yêu mến văn hoá Phục Hưng châu Âu. Từ nhỏ tôi cũng đã đọc sách dạy về hội hoạ và bình phẩm hội hoạ của Hoạ sư Vương Quốc Đạt nên tôi không lạ gì về kiểu tả thực rất ư phồn thực thời Phục Hưng: phồn thực và thánh thiện, không một chút gợi dục.

Nếu cho rằng màn hoạt cảnh mô tả “The Feast of the Gods” thì tại sao không thấy những người đàn ông lực lưỡng cởi trần khoe cơ bắp, những phụ nữ ăn mặc gợi cảm khoe ngực, những binh lính mặc giáp và đội mũ sắt, không có ông già quắc thước râu tóc dài trắng như cước cầm đinh ba tượng trưng cho thần Hải Vương Tinh như “The Feast of the Gods” mô tả? Không lẽ ở Pháp ngày nay nam giới thân hình tráng kiện hiếm tới mức không kiếm ra được ai diễn vai các vị thần sao? Đặc biệt, nhân vật được cho là diễn vai thần Dionysus (thần Rượu Nho) thì không có đôi chân dê, mà “thay vào đó” là thò lộ liễu ra bộ phận giống đực của ông ta trông thật thô tục, xấu xí. Màu xanh biển tô lên thân mình người đàn ông giống một loài/loại quái vật/thần thánh ở biển hơn là để mô tả vị thần Rượu Nho tượng trưng cho nhạc kịch, nhảy múa và vui tươi. Nếu tranh vẽ Dionysus tràn đầy sinh lực, thánh thiện, tươi mát, thì người đàn ông màu xanh ngực lép, tay chân thiếu cơ bắp, bụng ỏng, không có chân dê, nhìn thật phản cảm.

Xem thêm:   Bánh canh xứ Trảng

Trở lại quan điểm phía Công giáo nói họ chế giễu Chúa Jesus và 12 tông đồ nghe có lý hơn. Nhân vật nữ béo (đồng tính) ngồi giữa đội vương miện nhìn giống như vầng hào quang của Chúa Jesus trong bức tranh “The Last Supper” (sao chép) mà tôi thấy đang bày bán trên Amazon.

Thấy mọi người từ Tây sang Đông đều phẫn nộ đối với ông Thomas Jolly mà không đá động gì tới ông bà nào khác thì cũng tội cho ông Thomas Jolly, tôi nghĩ không lẽ ông này có khả năng “một mình một chợ” đội đá vá trời dữ vậy sao?

Tôi tìm được một bài viết trên trang quảng cáo du lịch Paris (đăng ngày 19 Tháng Bảy, 2024, trước ngày khai mạc một tuần,) được biết có 15 nhà thiết kế trang phục diễn viên, ngoài Thomas Jolly còn có những cái tên đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật, viết kịch bản nổi bật tham gia đồng đạo diễn như: Tony Estanguet, chỉ đạo tổ chức; Daphné Burki, Giám đốc nghệ thuật trang phục. Quan trọng hơn hết là ban tổ chức đã chi ra 150 triệu Mỹ kim cho lễ khai mạc, lẽ nào Ban tổ chức không có trong tay cuốn kịch bản buổi lễ? Không lẽ tất cả các đạo diễn, người viết kịch bản, các nhà thiết kế đều không biết bản thân mình viết kịch bản về cái gì, làm quần áo cho nhân vật nào mặc?

Việc kẻ bênh người chống tới ngày hôm nay dư luận vẫn chưa ngã ngũ. Theo tôi nghĩ nếu Ban tổ chức công khai kịch bản được phê duyệt ngày nào, chi ra kinh phí ngày nào thì chứng minh được nhóm ông Thomas Jolly có ý đồ nhạo báng Công giáo trước hay không. Vấn đề sẽ được giải quyết một cách hết sức đơn giản.

Màn trình diễn khai mạc Olympic 2024 làm cho tôi nhớ tới ông sư Chưn Quang ở Việt Nam tạc cái tượng Phật khổng lồ, mà cái mặt tượng Phật thì giống y mặt ông sư. Chúng sanh ai coi đó là “Phật” thì cứ vái lạy, ai chửi thì sư Quang cũng làm thinh. Nếu chúng sanh không ai phản đối, cứ coi sư Quang là Phật sống luôn thì có lẽ sư Quang càng đắc chí???

Xem thêm:   Tạm biệt sư phụ

Sự phẫn nộ của công chúng thêm leo thang khi mọi người cho rằng Ban tổ chức Olympic 2024 đã không công bằng khi chấp nhận cho “nữ” tuyển thủ Imane Khelif (mang nhiễm sắc thể XY) thi đấu với nữ tuyển thủ Angela Carini, làm cô Angela Carini bỏ cuộc sau 49 giây. Tuyển thủ người Ý – cô Carini ngã xuống sàn đấu, hét lên “Điều này thật bất công” và khóc. Trước đây, Hiệp hội Quyền Anh quốc tế (IBA) chuyên điều hành các giải vô địch thế giới đã tuyên bố Khelif không đủ điều kiện thi đấu giải nữ.

Vào năm 2023, sau một loạt các cuộc xét nghiệm DNA, hiệp hội đã phát hiện ra những tuyển thủ đã cố gắng giả làm phụ nữ. Các xét nghiệm đã chứng minh những tuyển thủ này có nhiễm sắc thể XY, do đó bị loại khỏi các sự kiện thể thao và Khelif cùng Lin Yu-Ting cũng nằm trong số đó. Ông Umar Kremlev, Chủ tịch Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA) cho biết.

Nhiều người Việt cho rằng Paris giờ đây đã không còn sự rực rỡ của văn hóa truyền thống Pháp, thay vào đó là sự thối tha, bẩn thỉu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen tức là họ – Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Paris đã muốn tuyển thủ bơi lội thi đấu dưới dòng nước sông Seine bẩn thỉu, dù kết quả xét nghiệm nước sông làm nhiều người e ngại cho sức khỏe của tuyển thủ, nhưng phần thi bơi vẫn được tổ chức dưới dòng sông Seine. Đây chính là bẩn thỉu thiệt chớ không phải bẩn giả vờ.

Nhiều nhãn hàng lớn tài trợ cho Olympic 2024 đã “bỏ của chạy lấy người” trước làn sóng phẫn nộ của công chúng.

Trên mạng xã hội, nhiều tín hữu, người không Công giáo và chức sắc Công giáo kêu gọi tẩy chay không coi Olympic 2024 vì Ban tổ chức đã nhạo báng người Công giáo, đối xử bất công với tuyển thủ. Paris đã “thua” khi muốn dùng Olympic 2024 để lôi kéo khách du lịch.

TPT