Những ngày cuối năm, người nào cũng bận rộn đi mua sắm, sửa soạn nhà cửa cho đẹp để đón Xuân, đi mua hoa tươi về chưng ở nhà, ở văn phòng, mua hoa để dưới chân Ðức Mẹ hay dưới chân Phật Bà Quan Âm… Chúng tôi 3 người: Christina Lê, Thu Anh và Kiều Mỹ Duyên rong ruổi về hướng Nam San Diego, thành phố lớn thứ hai trong 58 quận của tiểu bang California, nơi có 2 tu viện Phật Giáo lớn nhất ở miền Nam CA, đó là Ðại Ðăng và Lộc Uyển. Tu viện Lộc Uyển có rất nhiều Phật tử người Mỹ có bằng Tiến sĩ đang tu.

Cả tuần lễ nay Trời mưa, mưa liên tục, mưa ban ngày, mưa ban đêm, cây cỏ xanh mướt, núi rừng hai bên xa lộ không khô cằn như những ngày nắng nóng của mùa hè, đường sá xe cộ tấp nập. Chúng tôi đến thăm nhiều người thân, thăm chùa, thăm nhà thờ  v.v.

Christina lái xe tuyệt vời, một phụ nữ đã từng lái xe xuyên bang thì từ Orange County đến San Diego đâu có gì làm khó được Christina. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, chuyện trên Trời, chuyện dưới đất, chuyện thị trường địa ốc cho năm sắp tới, kinh tế suy thoái, lạm phát chưa từng thấy trong vòng 40 năm ở Mỹ.  Dù vậy, với chuyên viên địa ốc chịu khó học hỏi không ngừng, làm việc tận lực thì việc làm không bao giờ hết, nhất là làm thương mại hay buôn bán làm ăn chữ tín là quan trọng nhất, nói 1 là 1. Xem chữ tín hơn mạng sống của mình thì làm việc gì cũng thành công. Trời không phụ người, chỉ có người phụ người mà thôi.

San Diego, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang California

Trước khi lên đường, chúng tôi gọi Kevin Dũng ở San Diego, một thương gia thành công về địa ốc, cũng là một người trong tờ báo Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi vừa xuất bản số đầu tiên là số Xuân. Tôi nói với Dũng:

– Chị sẽ đến San Diego hôm nay.

Dũng nói:

– Em sẽ đợi chị.

Người trẻ này rất nhanh nhẹn, Dũng đón chúng tôi rất vui vẻ.

Văn phòng của Dũng ở tầng lầu thứ 3, người trẻ này có 2 văn phòng, một về địa ốc và một cho mượn tiền.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Khu phố này không có chợ nên không có vẻ tấp nập, nhưng người nào hái ra tiền vẫn hái ra tiền, nếu làm tận lực thì tiền vào mà thôi. Nhân viên của Dũng có lẽ đi ăn trưa.

Dũng mở văn phòng được 5 năm, 5 năm làm địa ốc liên tục nhất định phải thành công, nếu không thành công thì đã bỏ nghề từ lâu rồi. Dũng cũng là một người thành công trên thương trường địa ốc ở San Diego.

Rời văn phòng của Dũng, chúng tôi đến thăm Anthony Tuấn Lưu.

Kevin Dũng, Kiều Mỹ Duyên và Christina Lê tại văn phòng của Dũng.

Tôi nói:

– Cô sẽ đến thăm gia đình em.

Anthony nói:

– Hôm nay, em không ra văn phòng, con em về, em ở nhà với con, mời cô đến nhà em.

Tuấn Lưu là học trò của tôi ở trường Văn Hóa Quân Ðội Quang Trung, quận Hốc Môn. Tôi dạy nhiều lớp từ đệ thất đến đệ tam, cô giáo không nhớ từng trò nhưng học trò thì nhớ cô giáo. Cô giáo càng nghiêm khắc thì học trò nhớ nhiều hơn, có lẽ như thế.

Tuấn Lưu, học trò gầy gò của tôi, khi bố đi tù cải tạo, Tuấn ngồi ở dọc đường bán thuốc lá, bánh kẹo để có cơm ăn, sau này đi theo diện H.O. Qua đây, Tuấn rất thành công, làm việc từ thiện không ngừng nghỉ.

Gia đình Tuấn ấm cúng, có 2 cô con gái học rất giỏi, nhìn lên tường có hình con gái Tuấn là võ sinh đệ nhất đẳng huyền đai Karate. Cả hai cháu đều tốt nghiệp đại học, cô thứ nhì tốt nghiệp báo chí ở đại học Fullerton. Cô thứ nhất có công ăn việc làm tốt ở Oregon. Ngày lễ 2 cô về với cha mẹ. Hai cô đẹp, hiền lành, dễ thương, được giáo dục một cách cẩn thận theo phong tục tập quán Việt Nam, nên 2 cháu rất lễ phép với người lớn tuổi.

Tuấn Lưu nghe tôi đến thì mừng lắm.

– Chúng em đợi cô, chúng em dời xe để cô đậu xe trước garage.

Học trò hơn cô giáo vì học trò ở nhà triệu đô nhưng cô giáo ở nhà nhỏ xíu chỉ được có đất rộng hơn.

Thu Anh, Christian Lê, Kiều Mỹ Duyên, con gái Tuấn Lưu và Tuấn Lưu.

Người nào làm địa ốc cũng ở nhà cao cửa rộng, riêng tôi quan niệm nhà nhỏ cũng được miễn đất rộng để trồng cây và ở gần thành phố dễ đi chợ, gần chùa, nhà thờ v.v. là đủ rồi.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Trong khu nhà sang trọng, người Việt Nam làm chủ nhà rất nhiều, nhìn vào trước nhà biết ngay chủ nhà là người Việt Nam, như trước nhà có trồng bông hồng, sau nhà có chuối, trước nhà xe hơi đắt tiền.

Vợ chồng Tuấn Lưu đón tiếp chúng tôi rất ân cần, niềm nở. Vợ Tuấn Lưu đổ bánh xèo đãi khách.

Các cháu cúi đầu thật thấp chào cô giáo của bố.

– Em làm việc hơn 30 năm cô ạ. Bây giờ các cháu ra trường có công ăn việc làm. Chúng em hưu trí, em vừa bán công ty, nhưng bây giờ cũng còn giúp cho người chủ mới một thời gian.

Học trò hưu trí trước cô giáo thật là phúc đức. Có nhiều người hưu trí chỉ cần 1 tháng cho thuê nhà chừng $10,000 là đủ sống. Ðó là tối thiểu, có người không làm gì hết, thu tiền cho mướn nhà, cho mướn shopping vài chục ngàn mỗi tháng. Thôi thì khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, biết đủ là đủ.

Nhà của hai vợ chồng Tuấn Lưu đẹp, sau nhà là rừng cây. Chúng tôi thích rừng cho nên đi đâu có rừng là chụp hình lia lịa. Thiên nhiên và người có mối liên hệ mật thiết, cây cỏ không có tiếng nói nhưng có sức quyến rũ người yêu thiên nhiên, thiên nhiên gần gũi với con người.

Nhà văn Lý Thành Phương ký sách tặng Kiều Mỹ Duyên

Rời nhà Tuấn Lưu trong sự lưu luyến, chúng tôi thăm cơ sở thương mại của nhà văn, chủ báo Lý Thành Phương, chủ báo “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”, vừa phát hành số Xuân. Văn phòng của Phương ở một vị trí rất tốt, đối diện một siêu thị thật lớn, người ra vào tấp nập. Nhà văn Thành Phương tặng báo, lịch miễn phí. Nhiều nhân viên trẻ lặng lẽ làm việc, không ai nói với nhau một lời, nhìn văn phòng với sự làm việc của nhân viên, chúng tôi biết cơ sở này kiếm hàng triệu mỗi năm dễ dàng.

Xem thêm:   S.O.S.

Nhà văn Lý Thành Phương in rất nhiều sách, tiếng Anh và tiếng Việt, đa số sách biếu cho người thân và thân chủ. Ông bà mình thường nói tiền đẻ ra tiền, có tiền sẵn, dễ thành công trên thương trường, bây giờ ra báo, dễ dàng thôi, trong lúc báo Mỹ cũng phải bớt trang, in ít lại, nhưng báo Việt Nam vẫn ra đời. Tốt thôi, người lớn tuổi vẫn thích đọc sách báo Việt Nam. Thành Phương cười nhiều hơn nói, biết nhiều, chùa nào cũng biết. Dũng và Phương là thổ địa ở San Diego, vì ở thành phố này lâu năm và làm việc trong cộng đồng, nên khi chúng tôi hỏi đến chùa nào, mở cửa giờ nào thì các thương gia này biết ngay. Không hiểu tại sao chúng tôi gặp toàn là triệu phú người Mỹ gốc Việt, những người đến đây từ hai bàn tay trắng, tốt nghiệp đại học, làm việc tận tụy rồi thành triệu phú hồi nào cũng không biết?

Rời văn phòng của Lý Thành Phương, chúng tôi đi thăm chùa Ðại Ðăng mà ngày xưa chúng tôi đã thăm viếng nhiều lần. Mỗi lần đến San Diego, chúng tôi thường thăm nhiều chùa, thăm nhiều nhà thờ, biển Coronado, thành phố y như ở Úc Châu, Canberra, thủ đô của Úc nơi mà ngày xưa chúng tôi du học ở đó.

Biển lên tiếng gọi con người như người tình lên tiếng gọi trở về. Biển có sức thu hút người yêu biển. Biển ở San Diego rất đẹp, sóng không to lắm, cát trắng. Nhà ở biển rất đắt, luật sư cố vấn của văn phòng chúng tôi ngày xưa mua một miếng đất sát bờ biển giá 1 triệu, xây nhà 1 triệu, bây giờ nhà trên 20 triệu. Người Việt Nam tị nạn ở nhà 20-50 triệu là chuyện bình thường. Tiền ở trong bàn tay của mình, ở trong khối óc của mình, muốn giàu làm việc tận lực thì giàu, điều đó dễ quá, ai cũng biết.

Một ngày đến một thành phố xa nơi mình ở, người lái xe mệt nhất, nhưng khuôn mặt Christina vẫn bình thản. Ði bình yên, về bình yên là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi còn muốn đi nữa, đi nữa, có những nơi gần San Diego, chúng tôi cũng muốn đến, nhưng mặt trời đã đi ngủ. Tạm biệt biển, tạm biệt người thân, trên đường trở lại Orange County, chúng tôi biết một điều nơi nào có người Việt Nam tị nạn là nơi đó có thêm triệu phú nhờ sự làm việc cần cù, nhẫn nại mà nên.

KMD

Orange County, 10/1/2023