“Người đàn bà xây bệnh viện Vì Dân”, nói cho thật chính xác, đó là người đàn bà chủ trương và đứng ra vận động xây dựng bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn vào khoảng giữa tháng 8 năm 1970, nhằm phục vụ cho nhân dân miền Nam thời bấy giờ. Bà chính là Đệ nhất phu nhân của Tổng Thống VNCH, Nguyễn Văn Thiệu, mà khuê danh là Nguyễn Thị Mai Anh, hay còn gọi là “Cô Bảy Mỹ Tho”. Bà sinh năm Canh Ngọ, 1930, tại Mỹ Tho, là con thứ bảy trong một gia đình có 10 anh chị em, là một phụ nữ gương mẫu, mẫu mực và giàu lòng nhân ái, thường tham gia các công tác xã hội giúp đỡ những gia đình thương binh, tử sĩ và người dân nghèo khổ. Ý tưởng xây dựng bệnh viện Vì Dân, và phục vụ hoàn toàn miễn phí cho dân là một công đức rất lớn của bà, được nhiều người ca ngợi và các vị thân hào nhân sĩ, mạnh thường quân khi đó hết lòng ủng hộ. Bà mới vừa qua đời tại nhà con trai lớn ở Đông Bắc San Diego County, Nam California, vào sáng thứ Sáu ngày 15 tháng 10 năm 2021, hưởng thượng thọ 91 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh     

Bệnh viện Vì Dân được xây ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, trước đó là một đồn phòng thủ có từ thời Pháp thuộc, khu đất nằm ngay trên đường Phạm Hồng Thái (ngày nay là Cách mạng tháng 8) và đường Nguyễn Văn Thoại (bây giờ là Lý Thường Kiệt), rộng đến 3 ha. Bệnh viện được giao cho Kiến trúc sư Trần Ðình Quyền vẽ họa đồ và xây dựng. Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành vào ngày 17 tháng 8 năm 1970. Do có sự đồng tình và hưởng ứng của các cấp và mọi giới, mọi thành phần trong nước và cả quốc tế nên bệnh viện được nhanh chóng hoàn thành và trang bị rất hiện đại so với thời đó.

Bệnh viện VD cắt băng khánh thành

Ngày 04 tháng 9 năm 1971, bệnh viện được khánh thành gồm 400 giường bệnh và các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm và Quang tuyến X v.v… Trong lễ khánh thành, đích thân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cắt băng khánh thành, và bà Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu chính trong buổi lễ trang trọng ấy.

Bà Ng. Th. Mai Anh trước khi mất

Bệnh viện Vì Dân, trên danh nghĩa là bệnh viện tư nhưng được điều hành như một bệnh viện công. Bác sĩ, Y tá làm việc hầu hết là những người có đạo đức và chuyên môn giỏi và phần lớn là tự nguyện tham gia như làm việc từ thiện. Mọi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đều không phải đóng tiền. Các loại thuốc bệnh viện có, đều được cấp phát miễn phí, trừ trường hợp các biệt dược, đặc trị, Bác sĩ ghi toa, và người nhà bệnh nhân ra tiệm thuốc để mua. Ðiều đặc biệt là dù bệnh viện không lấy tiền, coi như là “Nhà thương thí”, song lúc ấy, người Sài Gòn và dân miền Nam, không ai gọi là “Nhà thương Vì Dân” hay “Nhà thương thí” như cách gọi bấy giờ, mà tất cả đều gọi là “Bệnh viện bà Thiệu” như một cách tri ân bà. Nhiều người cũng sẵn sàng góp tiền, góp thuốc men, vật dụng cho bệnh viện để bệnh viện hoạt động ngày càng hiệu quả và tốt hơn.

Bệnh viện Vì Dân

Sau ngày 30 tháng 4, bệnh viện được tiếp quản và đổi tên là bệnh viện Thống Nhất, nhưng tiếc thay, thay vì “Vì Dân” như chủ trương chính sách của người “cánh mạng”, bệnh viện đã được người dân Sài Gòn gọi là “Vì quan” vì chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp của chính quyền mới, còn người dân thì không hề được đến…

Bà Mai Anh luôn bình dị, gần gũi, thân thiện khi giao tiếp với mọi người. cochinchine-saigon.

Tưởng nhớ bà, cầu chúc linh hồn bà luôn được thanh thản và sớm trở về nơi nước Chúa.

Gia đình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

THV