Mỗi năm đến Hè lòng sao thấy… buồn! Không phải nỗi buồn man mác của thời hoa niên chia tay mùa Hè hoa phượng đỏ – vì lứa chúng tôi bây giờ đã 60 – mà là nỗi buồn da diết, mênh mang, vời vợi, chơi vơi, hoài nhớ không nguôi một mùa Hè bi tráng trong cuộc đời của mỗi người Sài Gòn: mùa Hè năm 1975, mùa Hè có một ngày đặc biệt mà nhiều thế hệ, ai ai cũng nhớ, ngày 30 tháng 4.

46 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nửa thế kỷ vật đổi sao dời, bao lớp người ra đi, bao lớp người kế tiếp, bao nhiêu điều muốn nói, bao tâm tư trăn trở ẩn tàng, bao nhiêu kẻ vui bấy nhiêu người buồn!

“Bên thắng cuộc” trong Dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975 – nguồn anhxua.net

o O o

Ngày đó, chúng tôi 15 tuổi, học lớp 9. Lứa tuổi hoa xuân đầy nhiệt huyết, niềm tin và căng tràn sức sống, nuôi dưỡng mộng đẹp sẽ góp sức xây đời cho ngày mai huy hoàng của quốc gia, dân tộc thì đùng một cái, thay đổi, thay đổi hoàn toàn – thay đổi đến tận bây giờ và không biết đến bao giờ! Cũng không phải là thay đổi mà gần như là một sự đảo ngược hoàn toàn – từ nếp sống, đồng tiền, chế độ, nền giáo dục, cách hành xử, luân lý, đạo đức, nếp ăn ở và tính cách lẫn tình cảm con người!

Thế hệ chúng tôi – với bao người thành đạt nơi trời Âu, Mỹ, Úc. Từ năm 1971 trở về sau, cùng với nền kinh tế miền Nam đang đà khởi sắc, nền giáo dục cũng được đổi mới theo hướng khai phóng, sáng tạo và thực học. Học sinh được tăng cường sinh ngữ Anh, Pháp và trui rèn theo hướng giáo dục toàn diện: trí dục, đức dục, thể dục thể thao, âm nhạc, hội họa… Thầy cô giỏi được các trường mời về dạy với lương cao, nhiều ưu đãi; học sinh giỏi thi đậu tú tài II, hạng bình trở lên có nhiều cơ hội du học tại Nhật, Mỹ, Tây Ðức… Một tương lai huy hoàng cho tuổi trẻ, một viễn cảnh bừng sáng cho xã hội thì bỗng dưng – sau cái ngày định mệnh của mùa Hè năm đó – trở thành một thế hệ tan tác, tan đàn xẻ nghé trong buổi giao thời bi kịch của lịch sử.

Trường Lasan Taberd (1) của chúng tôi, cùng với các trường danh tiếng khác, là những nơi cho “ra lò” biết bao người ưu tú cho xã hội. Trường vừa tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm trước, thì năm sau, biến cố 30/4/1975 ập đến. Giữa tháng 6 năm 1975, trường Taberd chúng tôi “bị” trở thành điểm tập trung các sĩ quan và công chức chế độ cũ để “đi học tập cải tạo 10 ngày”.

Xem thêm:   Đông dược

Trường Taberd được mở cửa lại một niên khóa, bọn tôi được đi học lại một năm ở trường cũ; đến mùa Hè năm 1976 thì trường bị giải thể hoàn toàn. Cho đến bây giờ, những ký ức cũ của tháng 4 năm đó vẫn đong đầy trong nỗi nhớ của lứa tuổi chúng tôi.

Ký ức của thế hệ chúng tôi – những ngày đó – được quay chậm lại với ngồn ngộn hình ảnh của dòng ký sự tràn về mà thời gian đuổi theo bằng nhịp điệu hối hả:

“Chiến sự bắt đầu từ tháng 12 năm 1974 rồi lan dần qua tháng 1 năm 1975 khi mất Phước Long. Nhưng diễn biến bắt đầu gây chấn động là trận đánh Ban Mê Thuột vào ngày 10 tháng 3. Cho đến ngày nay, không ai có thể nghĩ rằng, chỉ hơn một tháng sau đó, miền Nam hoàn toàn bị mất.

Từ đây, nhịp điệu biến chuyển hết sức nhanh – nhanh đến không ngờ – với hàng loạt sự kiện mà sau này nhìn lại, là ngớ ngẩn của những quyết định vội vã: hết bỏ Kon Tum, Pleiku; rồi rút khỏi Quảng Trị, Thừa Thiên; bỏ tiếp Huế, Ðà Nẵng; rồi Nha Trang, Ðà Lạt, Phan Rang “mất” trong ngày 1 ngày 2; đến cửa ngõ Sài Gòn – Xuân Lộc giằng co khốc liệt hơn 10 ngày rồi bỏ ngỏ; rút về phòng thủ Biên Hòa; rồi… “buông hết” trong khi miền Tây còn nguyên vẹn.

Sáng ngày 8 tháng 4, tụi tôi đang học trong lớp thì nghe hai tiếng nổ rất lớn, gây rung rinh cửa sổ lớp học, lúc đó tôi đang học lớp 9 ở dãy lầu 4 phía đường Hai Bà Trưng. Học sinh chui vội xuống dưới bàn, tưởng là pháo kích; 10 phút sau, nghe tiếng đạn rốc két bắn ì ì rồi yên lặng trở lại. Chiều về, đọc báo mới biết là Dinh Ðộc Lập bị “bỏ bom”. Sau buổi học đó, trường cho toàn thể học sinh nghỉ hè sớm, kết thúc năm học.

Rồi từ ngày đó – trong vòng 3 tuần lễ – mọi việc biến chuyển nhanh, sốc và buồn, xoay vần ào ào: tin rút lui, “di tản chiến thuật”, thương vong… Mọi thứ xoay mòng mòng, cho đến cái ngày định mệnh 30 tháng 4 thì… Sài Gòn thất thủ!

Thật tình mà nói, ban đầu, tâm trạng chung của người dân Sài Gòn trong buổi trưa hôm 30 tháng 4 ấy là vui mừng – không phải vui mừng vì bên này thắng, bên kia thua; dân Sài Gòn không bao giờ có tâm thế đó – mà vui vì đất nước hết chiến tranh loạn lạc, bom đạn không còn gào thét,  xóm làng nhà cửa không còn tan hoang, máu không còn đổ; quê hương sẽ yên bình, người người sẽ vui sống làm ăn… Một niềm vui quá đỗi thiện lành nhưng niềm vui “thơ ngây” đó nhanh chóng bị… tắt ngóm không lâu sau đó!

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Thất vọng đầu tiên là – lạ quá – thằng cha Tư Ðảng, đạp xe 3 bánh đổ nước mướn, tự dưng khoác súng AK nhảy ra làm trưởng công an; cha Ba Lùn hớt tóc dạo giờ là trưởng ấp; cha Năm Nông chột một mắt, bán bong bóng dạo, giờ là chủ tịch phường. Sao kỳ vậy! Cấp chỉ huy phải là người có ăn học, có uy tín chút chứ sao lại “tùm lum” như vậy? Nhưng rồi những cái tùm lum như vậy lại trở thành chuyện rất… bình thường, rất nhiều và là chuyện… thường ngày.

Sau khi “gom” được “ngụy quân, ngụy quyền” đi “học tập cải tạo” vào tháng 6 năm 1975 thì bắt đầu tới “cải tạo văn hóa, tư tưởng”. Các chiến dịch tịch thu văn hóa phẩm, đốt sách, cả sách truyện thiếu nhi như Tuổi Hoa, Tin Tin, Xì Trum… lẫn con tem cũng không thoát nạn hỏa thiêu. Hàng vạn bản nhạc, băng nhạc, sách báo, nhiều tác phẩm xưa hiếm, tượng đài, điêu khắc… tất cả đều bị xé, đốt, đập bỏ!

Mọi người cần phải lao động vì “lao động là vinh quang”: mỗi tuần mỗi gia đình phải có ít nhất một người đi làm “thủy lợi” ở Hóc Môn hoặc ở Bưng 6 xã (1b).

Ðầy đường, các đội “cờ đỏ” chốt chặn nhìn thấy ai để tóc hơi dài hoặc nhìn mặt nó “thấy hổng ưa” là thổi, chặn lại và “sởn”. Không chỉ sởn tóc mà còn cắt ống quần vì nó “loe”, không giống kiểu quần “mẫu mực” của cán bộ, bộ đội!

Người dân chòm xóm được khuyến khích theo dõi, rình mò lẫn nhau để “báo cáo” chính quyền xã ấp; phải xin “giấy phép đi đường”. Công an có quyền bất chợt khám xét nhà nửa đêm nếu có nghi ngờ hoặc bị tố cáo điều gì đó. Bất cứ ai cũng bị nghi ngờ và được khuyến khích rình mò, nghi kỵ lẫn nhau để kịp thời báo cáo cho “chính quyền cách mạng”. Cái thói xấu này – qua vài thế hệ – vẫn còn di chứng đến tận ngày nay; góp phần làm xấu đi tính cách người Việt.

Rồi đến các cú “nốc ao” kinh tế – đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới…

Cứ mỗi lần “cải tạo” nền kinh tế “phồn vinh giả tạo” là mỗi lúc kinh tế cả nước thêm kiệt quệ, đời sống càng thêm khốn khó, gạo không có mà ăn. Hàng triệu “thuyền nhân” đã chấp nhận mọi rủi ro – cao nhất là bỏ mạng – để mong tìm bến bờ tự do; không chỉ là tự do, mà còn là quyền được sống đàng hoàng.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Năm 1978, chúng tôi học lớp 12. Ngày 26 tháng 3, chiến dịch đánh tư sản khốc liệt nhất mang tên X3 giáng xuống mọi nhà. Quốc Hùng – nay đang ở Long Beach, Los Angeles – là thằng bạn thân ngồi kế tôi ở dãy bàn cuối, vào lớp mắt đỏ hoe: nhà chỉ là một cửa hàng nhỏ ở chợ Trần Chánh Chiếu bị “đánh” tư sản, tịch thu sản nghiệp, bị “xúc” đi kinh tế mới. Ông già bị “xụi” do đứt mạch máu não vì tức giận và buồn tủi, nằm một chỗ, ở nhờ nhà bà con, Cuối Hè năm đó, Hùng “vượt biên”; ba Hùng vẫn nằm một chỗ và chỉ chịu nhắm mắt ra đi 3 tháng sau đó, ngay khi nhận được “tín vật” sợi dây chuyền bạc Hùng gởi về, cho biết đã đến đảo ở Mã Lai.

Tội nhất là các gia đình có người thân bị “đi học tập cải tạo” phải bán dần của cải ít ỏi còn lại để sống qua ngày – đâu được xã ấp chứng nhận để đi kiếm việc làm – bán hết rồi chỉ còn bán… thân để kiếm tiền mà sống. Lúc đó mới hiểu thế nào là hai chữ “lầm than”!

o O o

Hơn 20 năm cho một cuộc chiến (1954 – 1975) với hàng triệu người chết, đất nước hoang tàn; thêm 20 năm cho dâu bể điêu tàn (1975 – 1995) cùng hàng chục vạn người bỏ mạng, xã hội lầm than! Bao nhiêu buồn vui, tủi hờn.

Hận thù và hằn học, cao ngạo và đố kỵ “thắng – thua”, u mê và cố chấp… đã ngăn cách trăm sông con không cùng về, hân hoan trong vòng ôm của biển mẹ – non nửa thế kỷ qua – và cho đến bao giờ?

Gì thì gì, cần có mơ ước và phải nuôi dưỡng ước mơ về một ngày mai tươi sáng trên đất Việt và cho dân Việt – bởi cái đúng, cái đạo nghĩa, cái cao đẹp, cái chân lý rồi sẽ lên ngôi – dù rằng muộn!

… Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa … (6)

TD

1) Trường Lasan Taberd nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa; cổng chính 53 Nguyễn Du hướng ra Nhà Thờ Đức Bà, cổng sau hướng ra đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), bên hông là đường Hai Bà Trưng.

(1b) Vùng bưng biền đầm lầy giáp ven với 6 xã ở Tăng Nhơn Phú Thủ Đức, nay là quận 9.

(6) Bài hát “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương