(Kỳ 17d: The Federalist No 6)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần cuối của bản dịch The Federalist No 6. Trân trọng giới thiệu:

Alexandre Hamilton

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

…Trong cuộc tranh đoạt quyền soái nhớ đời giữa hai dòng họ thù địch Austria (Austria là một dòng họ hoàng gia nhánh của dòng họ hoàng gia lừng danh Habsburg ở châu Âu từ thời Trung cổ. Dòng chính Habsburg tồn tại lừng lẫy khoảng 650 năm, thống trị gần hết lục địa châu Âu, trừ Pháp, Thụy-sĩ và bị chấm dứt vào năm 1700 khi vua Charles II ở Tây Ban Nha qua đời. Sau Thế chiến I, dòng Austria Habsburg không còn quyền lực hoàng gia khi Austria (Áo) trở thành nước cộng hòa. Dr Otto von Habsburg, một người Áo làm nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu về hưu năm 1999, được ghi nhận là người cuối cùng thuộc dòng Austria Habsburg có ảnh hưởng tới chính trị châu Âu trong hơn 700 năm. ND) và Bourbon (Dòng họ hoàng gia gốc Pháp có khởi nguồn từ TK XIII và đạt đỉnh cao quyền lực vào TK XVIII, XIX. Dòng họ này tranh giành quyết liệt và dữ dội quyền thống trị Tây Ban Nha với dòng họ Austria Habsburg sau khi vua Charles II (thuộc dòng chính Habsburg) của Tây Ban Nha chết, gây ra cuộc chiến giành quyền kế vị ở Tây Ban Nha (war of the Spanish succession) 1701-1714 khiến nhiều phần châu Âu bị liên đới. Hoàng gia Tây Ban Nha hiện thời là hậu duệ của dòng Bourbon. ND) làm cả châu Âu phải chìm đắm quá lâu trong máu lửa, chúng ta thấy rõ sự thù địch của người Anh đối với người Pháp, phụ vào tham vọng, đúng hơn là lòng tham, của một thủ lĩnh được ái mộ (10), đã kéo dài cuộc chiến vượt khỏi khuôn khổ của chính trị khôn ngoan, và trong một thời đoạn đáng kể ngược với quan điểm của triều đình.

Các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia vừa nói phần lớn đều vì các toan tính thương mại: thèm muốn thoán đoạt hoặc sợ bị thoán đoạt ngôi thứ trong một số giao thương đặc biệt hoặc trong các ưu thế chung về buôn bán và hàng hải.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Tình cảnh chung đó đều xảy ra ở những nước có hoàn cảnh rất giống chúng ta, vậy lý do gì chúng ta phải phó thác cho các mộng tưởng sẽ quyến rũ chúng ta trông chờ một nền hòa bình, hữu nghị giữa các thành viên của bang liên hiện tại sẽ bị chia tách? Chúng ta chưa thấy đủ những sai lầm và phóng đại của các lý thuyết lười biếng đang làm chúng ta mê hoặc với những hứa hẹn được miễn trừ các khuyết tật, yếu kém và tội lỗi có đầy trong mọi hình thái xã hội? Bây giờ chưa phải là lúc chúng ta phải tỉnh thoát giấc mộng vàng lầm lạc để chấp nhận chân lý thực tế cho phương châm chính trị của chúng ta, rằng chúng ta, như mọi cư dân khác trên địa cầu, còn cách rất xa vương quốc hạnh phúc của khôn ngoan tuyệt hảo và đức hạnh tuyệt đối?

Hãy để sự suy trầm cùng cực đang nhấn chìm phẩm giá và uy tín quốc gia của chúng ta, hãy để những rắc rối do chính quyền lỏng lẻo và yếu ớt gây ra ở khắp nơi, hãy để cuộc nổi loạn địa phương của Tiểu Bang North Carolina, hãy để những rối loạn nguy hiểm mới đây ở Pennsylvania và những cuộc bạo loạn, nổi dậy đang diễn ra ở Massachusetts, lên tiếng!

Cảm thức chung của loài người, do quan sát sự tiến triển lâu dài của xã hội, rất không hợp với quan niệm của những người đang cố ru ngủ các lo lắng của chúng ta về tình trạng bất hòa, thù địch giữa các Tiểu Bang khi liên hợp tan rã. Cảm thức đó đã trở thành một dạng định đề chính trị: sự gần gũi về địa lý hoặc sự tương đồng về hoàn cảnh làm các quốc gia thành các kẻ thù tự nhiên. Một người viết thông thái đã tự bày tỏ về chủ đề đó mạnh thế này: “CÁC QUỐC GIA LÂN BANG (ông nói) là những kẻ thù tự nhiên của nhau trừ khi các điểm yếu chung buộc họ phải liên kết thành một CỘNG HÒA BANG LIÊN (confederate republic), và hiến pháp của họ ngăn được các bất đồng do tình láng giềng gây ra, dập đi được đố kỵ âm thầm luôn khiến tất cả mọi quốc gia đều phình to bất chấp thiệt hại cho lân bang.” (11) Ðoạn dẫn này làm được hai việc đồng thời: chỉ rõ VẤN NẠN, và đề xuất CÁCH TRỊ.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

(còn tiếp)

  1. (chú thích của tác giả) Aspasia ((kh. 470-400) là một phụ nữ có ảnh hưởng tại A Ten đương thời và là tình nhân của Pericles. Tương truyền Aspasia ảnh hưởng tới tư tưởng của triết gia vĩ đại Socrates. Tên bà cũng xuất hiện trong tác phẩm của một số triết gia cổ đại lừng danh khác như Plato, Xenophone. ND), xem thêm “Plutarch’s Life of Pericles” (Plutarch (kh.46-120) là người Hy Lạp sau đó trở thành công dân La Mã, là một tác gia về tiểu sử, lịch sử cổ đại, với tác phẩm tiêu biểu là cuốn tiểu sử, thường mang tên Plutarch’s lives, gồm 23 cặp nhân vật lịch sử song hành Hy Lạp-La Mã cổ đại, cùng bốn nhân vật riêng biệt. ND)
  2. (chú thích của tác giả) Sách đã dẫn.
  3. (chú thích của tác giả) Sách đã dẫn.
  4. (chú thích của tác giả) Sách đã dẫn. Phidias được cho là đã lấy trộm một số vàng với sự đồng tình của Pericles khi được giao cho để tạc pho tượng Minerva.
  5. (chú thích của tác giả) Thường được các giáo chủ Công Giáo đội (“triple crown” hay “Triregnum” hoặc “tiara” là tên gọi chiếc mũ cao có ba tầng các giáo chủ Công Giáo trước đây thường đội. Ba tầng tượng trưng vị thế tối cao của giáo chủ: người coi sóc tối cao, người huấn giảng tối cao và người chủ tế tối cao; đồng thời cũng tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi (trinity). ND)
  6. (chú thích của tác giả) Madame Maintenon ((1635-1719) vợ thứ hai không chính thức của vua Pháp Louis XIV. ND)
  7. (chú thích của tác giả) Công tước phu nhân Marlborough (Tước hiệu Marlborough – Dukedom of Marlborough là một danh hiệu chung do Nữ Hoàng Anh thiết lập tại Anh quốc năm 1702, cho tới thời điểm bài này được viết, có khoảng bốn phụ nữ được gọi là Công Tước Phu Nhân Marlborough. Người dịch chưa rõ Alexander Hamilton muốn chỉ tới người nào trong số bốn người đó. ND)
  8. (chú thích của tác giả) Madame de Pompadour ((1721-1764), còn có tên: Jeanne Antoinette Poisson, Marquise de Pompadour. Tổng quản hầu gái chính thức và là người trợ lý thân cận của vua Pháp Louis XV. Bà có nhiều nỗ lực bảo trợ cho nghệ thuật và tư tưởng cách tân của thời Ánh sáng. ND)
  9. (chú thích của tác giả) Liên hiệp Cambray (The League of Cambray) gồm Hoàng Đế La Mã, Vua Pháp, Vua Aragon (Một vương quốc đương thời, hiện là một khu vực tự trị nằm ở phía bắc Tây Ban Nha. ND) và các tiểu quốc Ý.
  10. (chú thích của tác giả) Công tước Marlborough.
  11. (chú thích của tác giả) Xem “Principes des Négociations» par l’Abbe de Mably. (Abbe de Mably (1709-1785), tên khác Gabriel Bonnot de Mably, là triết gia, tác gia nổi tiếng người Pháp thế kỷ XVIII. Tác phẩm mà Alexander Hamilton nói đến ở đây có tên đầy đủ là Des principes pour servir d’introduction au Droit public de l’Europe fondé sur les traités (Các nguyên tắc trong đàm phán nhằm phục vụ Luật công của châu Âu dựa trên các hiệp ước), xuất bản năm 1757. ND)
Xem thêm:   Hương sắc gia vị

* Bài này xuất hiện lần đầu ngày 14 tháng Mười Một 1788 trên The Independent Journal; 15 tháng Mười Một 1788 trên The Daily Advertiser; 16 tháng Mười Một 1788 trên New York Packet. Đây là các tờ báo của New York lúc đó