Đọc xong 2 quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ.

2 chữ “Thư hương” rất hay, rất đẹp, gợi lên trong tâm trí chúng ta một chút hoài niệm của một thời. Ngày xưa những anh học trò, nho sinh, người biết chữ, người đọc sách, người võ vẽ về văn chương… đều được cho là “Nòi thư hương”. Chữ Nho có câu: “Vạn ban giai hạ phẩm/ duy hữu độc thư cao” là vậy. Với người xưa, phàm những ai dính dáng đến chữ nghĩa, văn thơ, sách vở … đều rất được tôn trọng, cho là cao quý, cho dù đó chỉ là anh học trò nghèo. 2 chữ “Thư hương” cũng đồng nghĩa cốt cách nho gia. Ngày xưa những nhà nho thanh bạch học chữ, đọc sách để dưỡng tâm, luyện chí chứ không phải để làm quan hay mưu cầu công danh. Khi nhà phê bình văn học Trịnh Y Thư chọn cái tựa sách “Theo dấu thư hương” thì lập tức tự nhiên thấy thân thương chi lạ cho dù chưa đọc đến nội dung.

Quyển thứ 2 “Chỉ là đồ chơi”, tên sách khiến tôi liên tưởng đến thi sĩ Bùi Giáng. Ông ấy luôn miệng bảo rằng: “Chơi thôi mà” mỗi khi có ai khen hay tán thưởng thơ ông. Ừ, thì có sá gì, chỉ là đồ chơi thôi mà! Sách vở, văn thơ, chữ nghĩa … là đồ chơi của những người mang nghiệp viết lách, sá gì lời khen hay chê. Đời mấy mươi năm ấm lạnh cũng chỉ là một cuộc chơi, nhân tình thế thái là một cuộc chơi của tâm thức. Quốc gia là cuộc chơi quyền biến. Thế giới và vũ trụ cũng là một cuộc chơi của tụ tán và tuần hoàn. Vậy thì sách vở văn chương kia có ý nghĩa gì? cũng chỉ là món đồ chơi, những món đồ chơi được nặn ra từ tim óc và tâm ý của những thi sĩ, văn sĩ. Những món đồ chơi hao hơi tổn lực, lao tâm khổ trí rất nhiều. Những món đồ chơi chứa đựng cả một trời tâm sự buồn – vui và bao nhiêu sắc thái khác của tâm hồn. Những món đồ chơi tuy không hề có dụng ý “Văn dĩ tải đạo” nhưng tự thân nó cũng đã chuyển tải và bao hàm rồi, có thể nhiều – ít, hoặc vô tình hay cố ý. Thế giới muôn loài, duy chỉ loài người mới có tri giác, có văn tự. Chỉ có loài người mới biết chế ra và thưởng lãm những món đồ chơi ấy!

Xem thêm:   Dubai

Đọc xong cả 2 quyển sách, cảm nhận đầu tiên của tôi choáng ngợp trước sức đọc và tầm mức “đa văn túc trí” của anh Trịnh Y Thư. Anh đọc và  thấu triệt rất nhiều tác phẩm văn học cả phương Đông lẫn phương Tây, không chỉ những tác phẩm danh tiếng, tác phẩm đoạt giải thưởng lớn mà ngay cả những tác phẩm đã lặng yên phần nào với thời gian. Anh đọc rộng rãi từ văn học cổ điển cho đến hiện đại và những trào lưu mới nhất của Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật … dĩ nhiên là cả Việt Nam.

Điểm thứ 2 tôi cảm nhận là ngòi bút phê bình, nhận định của anh rất sắc bén và sâu sát. Lời bàn thấu tình đạt lý, không dùng từ ngữ đao to búa lớn, khen chê chừng mực, không cực đoan, thuần túy bình luận về ngôn ngữ, bút pháp…

Tôi đã đọc qua tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Bronte, tuy nhiên đọc một cách hời hợt và nhảy cóc, mãi đến khi đọc những nhận định của anh Trịnh Y Thư thì tôi mới thấy thêm nhiều điều mới mẻ, mới cảm nhận sâu hơn một chút về Jane Eyre. Cái xã hội Anh ở thế kỷ XIX cũng như trước đó quả thật vô cùng nghiệt ngã. Người phụ nữ phải sống như cây tầm gởi.

Cả 3 chị em nhà Charlotte Bronte viết sách mà không dám dùng tên thật của mình, phải giả một cái tên đàn ông để in sách. Jane Eyre và cũng là chính tác giả đã dũng cảm đương đầu với những định kiến và định chế xã hội để có một chỗ đứng độc lập. Cái xã hội ấy sao mà giống hệt cái hoàn cảnh của xã hội phong kiến Việt Nam. Thời ấy người phụ nữ chỉ có bổn phận bếp núc thêu thùa hoặc là “Gái trong kim chỉ trai ngoài bút nghiên”. Cái tư tưởng phong kiến này hoàn toàn ăn ý với cái tư tưởng nam quyền của xã hội Anh thời ấy. Thi sĩ Robert Southey đã trả lời Charlotte như sau: “Văn chương không thể là công việc trong đời sống người phụ nữ, và không nên biến nó thành như thế…”. Nữ văn sĩ Charlotte khi viết Jane Eyre đã làm nên một cuộc cách mạng nữ quyền  thông qua câu chuyện một cô gái mồ côi, nghèo khổ, không nhan sắc nhưng đã vươn lên bằng nghị lực, thông minh và ý chí của mình; đã tự định đoạt tương lai của mình. Đọc Jane Eyre ta cảm nhận ấy chính là tự truyện của tác giả. Đọc xong tôi cũng liên tưởng đến trường hợp Hồ Xuân Hương của Việt Nam ta.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Giới văn nghệ sĩ vẫn thường bảo nhau Trịnh Y Thư còn là một tay guitar xuất sắc, ngoài viết văn làm thơ, dịch thuật anh thường đắm mình trong những cung bậc guitar cổ điển. Khi đọc bài văn anh viết về nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhất là khi anh nhận định và phân tích khúc giao hưởng “Symphony Viet Nam 1975” thì độc giả có thể mường tượng ra kiến thức về nhạc lý, đôi tai thẩm âm của anh vi diệu như thế nào. Anh phân tích từng hành khúc, chỉ ra sự kết hợp của nhạc ngũ cung Việt với nhạc cụ phương Tây, bấy giờ độc giả chỉ còn biết ngẩn ngơ trước sự thẩm âm thượng thừa của một guitarist điêu luyện. Anh dẫn dắt độc giả đi từ hành âm thứ nhất với âm hưởng dân ca “Trèo lên quán dốc”, hành âm thứ 2 “Đám rước”, hành âm thứ 3 “Hội hè”, hành âm thứ 4 “trăng rằm”… Anh đã kết luận khi nghe xong khúc giao hưởng “Symphony Viet Nam 1975” rằng: “Đấy là human spirit … Tôi nhận ra khát vọng muốn sống của con người, con người nói chung, không riêng gì con người Việt Nam. Sống như một con người. Một con người tự do”

Cũng trong quyển “Chỉ là đồ chơi” anh biểu tỏ cái nhìn của anh về hội họa, cụ thể qua những tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai. Ở bức tranh “Âm nhạc xanh” anh viết: “.. La đà. Vô định. Dật dờ. Nào biết về đâu. Nào biết đâu là thủy, đâu là chung. Như cái hư vô của trời đất. Như cái bóng của thời gian…”. Bức tranh với gam màu xanh thẫm làm nền gợi nhớ nỗi buồn vô hạn, trên ấy loáng thoáng những vệt sáng như bóng nước, như bông gòn lại như tuyết phất phơ… Ở bức tranh “Cũng có nhà thờ Đức Bà ở New York”. Anh giúp độc giả hiểu một cách đại khái về ý nghĩa bức tranh. Anh viết: “Trơ trọi, ngơ ngác – nằm lạc lõng giữa trùng vây những tòa nhà chọc trời New York… Nhưng chẳng mấy chốc tiếng gọi từ vô thức bỗng vọng về khiến người xem tranh sực nhớ ra nỗi buồn vẫn nằm sâu trong tiềm thức”. Tất nhiên là mỗi người có cái cảm nhận khác nhau, những gì anh phân tích chỉ là gợi ý cho những ai vốn không phải là người am hiểu nghệ thuật. Tôi cũng vậy, một kẻ mù trong nghệ thuật, nhiều khi yêu thích là vậy nhưng đứng trước một bức tranh trừu tượng, lập thể, siêu hình… thì chịu chết, chẳng biết gì, chẳng hiểu gì, chẳng thấy điều họa sĩ gởi gắm trong ấy. Rồi khi anh xem tác phẩm “Cổng vườn xưa” của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, anh đã chỉ ra cách bố cục, phối hợp màu và những ẩn ý trong tranh. Anh nhận xét: “Bức họa được phân bố hài hòa, tinh tế, bố cục không gian cân xứng chuẩn mực, màu sắc xướng họa nhịp nhàng…”. Đọc những phân tích của anh tôi cũng chút ít nhìn ra được cái đẹp của bức họa. Người ta thường bảo “Người Hà Nội tinh tế” và bây giờ thì tôi thấy chất tinh tế rất Hà Nội ở anh Trịnh Y Thư.

TLTP (đứng) với nhà văn Trịnh Y Thư (bìa phải), Huỳnh Kim Quang (thứ 2 từ phải), Phan Tấn Hải (thứ 3 từ phải)

Đọc xong 2 quyển sách anh tặng, tôi ngẩn ngơ và thấy ngợp trước một con người quá giỏi và đa năng, mặt nào cũng xuất sắc. Anh lại là người khá thâm trầm dí dỏm. Tôi cũng cảm nhận anh không thích “thể hiện” mình nơi ồn ào đông đảo, có lẽ anh rất tự tại khi ở một mình trong căn phòng với cây guitar hay với cây bút. Tôi vốn là người lớp sau, chỉ vì yêu thích văn chương nên võ vẽ viết nhì nhằng chẳng ra gì. Những dòng chữ cảm nhận này là thật từ tâm ý, là sự khâm phục của bản thân. Văn học nghệ thuật hải ngoại vốn có nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… nhưng thiếu những nhà phê bình văn học, thiếu người thẩm định và điểm sách … Anh Trịnh Y Thư là một trong số những người hiếm hoi vậy.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Nhờ đọc những nhận định và phê bình của anh Trịnh Y Thư mà tôi hiểu hơn một chút về những tác phẩm – tác giả ở trong 2 quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi”. Nói theo kiểu nữ văn sĩ Virginia Woolf là nhờ những nhận định phê bình của anh đã dắt độc giả vào những cung bậc mới trong tác phẩm mà khi chúng ta đọc hời hợt đã không nhận ra. Dĩ nhiên là khi tôi đọc sách tôi có quan điểm riêng của tôi, không phải tất cả những nhận định và phê bình của anh làm cho tôi hài lòng.

Điểm thứ 3 tôi cảm nhận sau khi đọc xong 2 quyển sách “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” là trình độ dịch thuật của anh Trịnh Y Thư rất xuất sắc, một dịch giả tài năng và tài hoa. Trình độ Anh ngữ chuẩn, kiến thức phong phú, cái nhìn sâu sắc. Anh là một dịch giả uy tín và hàng đầu hiện nay. Tôi khâm phục anh, một bậc đàn anh, bậc thầy trong làng văn chương chữ nghĩa không chỉ hải ngoại mà bao hàm cả quốc nội. Tiếng tăm và uy tín đã được nhiều nhà xuất bản tin tưởng mời cộng tác. Đây cũng là ấn chứng cho trình độ, năng lực của anh, một nhà văn, một nhà thơ, một nhà phê bình văn học, một dịch giả xuất sắc.

TLTP

Ất Lăng thành, 02/ 24