Tôi đứng nhìn người đàn ông tật nguyền di chuyển một cách nặng nhọc. Ðôi nạng đỡ cho một bên chân cụt, nhưng thân thể người đàn ông  như cong xuống vì giỏ nhang lớn đeo trên lưng. Anh ta đi bán nhang! Dạo này rất nhiều người tàn tật từ địa phương khác đến đây bán nhang hoặc một thứ hàng lặt vặt gì đó. Họ chỉ ngang qua rồi tiếp tục lộ trình trong công việc mưu sinh của họ. Tôi đoán đó là những thương binh của chế độ cũ. Khi người đàn ông đến gần, như một thói quen khi gặp người hành khất, tôi cho tay vào túi lấy ra một tờ bạc chìa trước mặt anh ta:

– Xin biếu anh!

Ánh mắt của người đàn ông tật nguyền nhướng lên nhìn tôi:

– Cô muốn mua nhang à?

Tôi lắc đầu:

– Không! Tôi biếu anh..

Tôi thấy người đàn ông cau mày:

– Cám ơn cô! Nếu cô không cần mua nhang của tôi, thì xin hãy cất tiền đi…

Tôi sững lại một giây sau câu vừa nghe từ người đàn ông. Rồi lại ngượng ngùng giải thích:

– Anh thông cảm, nhà tôi không thắp nhang. Tôi chỉ muốn biếu anh…

– …nhưng tôi không đi xin!

Tôi thấy bàn tay cầm tờ bạc của mình như thừa thãi, vô duyên khi bị từ chối. Tôi chỉ còn biết nói:

– Xin lỗi anh, tôi không có ý xem thường anh. Tôi chỉ muốn làm giảm bớt một chút cực nhọc của anh!

Người đàn ông lại nhướng mắt nhìn tôi, rồi rất nhanh cúi ngay xuống. Dưới vành chiếc nón che hết phần trán, có một vết sẹo dài  trên gò má và đôi mắt thì rất đẹp trên khuôn mặt còn rất trẻ của anh ta. Không nói gì nữa, anh ta tiếp tục di chuyển bằng chiếc nạng cũ có vết gãy được buộc bằng sợi dây cao su. Tôi tần ngần nhìn theo, rồi tự trách mình quá cảm tính. Thật ra đã có vài người tàn tật cũng đi bán dạo giống như vậy và khi tôi chìa tiền ra thì họ nhận nên tôi tưởng rằng  ai cũng như nhau.

Tôi chậc lưỡi, rồi buộc miệng nói một mình “Tôi không có lỗi, tôi đâu dám coi rẻ những người như anh. Chỉ vì tôi tỏ lòng tốt của mình một cách kém tế nhị thôi. Lần sau…lần sau mình phải ý tứ hơn một chút…”.

ky-uc

Thắm Nguyễn

o O o

Tôi thường có những giấc mơ với những hình ảnh cũ lặp lại nhiều lần, giấc mơ ngắn như một khúc phim bị đứt rời, ráp nối. Ðó là hình ảnh hỗn loạn trên đường di tản nhiều năm trước, có lẽ nó trở thành nỗi ám ảnh vì vượt quá sức tưởng tượng mà tôi không bao giờ nghĩ có lúc mình thấy trước mắt chứ đừng nói chính bản thân hòa vào dòng người cứ đi, cứ đi mà không biết phía trước là đâu. Tôi nhớ, giữa vòng vây của những người cùng hoàn cảnh, gia đình tôi đông người nên không thể cứ nối đuôi nhau theo dòng người chạy nạn, nên phải tạm dừng lại nghe ngóng tình hình. Căn phòng gia đình tôi thuê ở tạm nằm cạnh một vườn cây, sau hè trồng một hàng cau cao vút có lẽ đã già lắm rồi, mỗi buổi sớm mai mặt trời vừa hé, tôi nằm nhắm mắt ngửi mùi hương cau nhè nhẹ, làm dịu cảm giác bất ổn trong lòng. Căn phòng cách biệt với đường quốc lộ, nhưng chiều nào tôi cũng ra đứng bên vệ đường nhìn những chiếc xe khách chở người di tản ngang qua, rồi những chiếc GMC chất đầy những người lính với nón sắt, ba lô hối hả xuôi xuống. Rầm rập trên đường không phút nào ngưng. Tôi cứ đứng nhìn trân trối với sự hoang mang tột độ, vừa cầu mong gặp được người quen đang có mặt trong dòng người cũng bỏ nhà cửa, làng xóm mà đi kia, có ai thấy tôi đứng bên đường với khuôn mặt hốc hác vì lo lắng? Bạn bè ơi!

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Tất cả hình ảnh người và người hớt hải kéo nhau vào giấc ngủ chập chờn của tôi. Nhiều lần giật mình vì một tràng đạn nổ ở đâu đó vọng đến, những người thân của tôi đang nằm san sát nhau trên nền đất ẩm, cũng bật dậy nghe ngóng, rồi lại tiếp tục ngả lưng nằm xuống, co ro gối đầu trên cánh tay mệt mỏi, im lặng. Tất cả chờ đợi gì không biết…

Ngày và đêm thay phiên nhau trôi qua chậm chạp, nặng nề. Ba tôi cứ đi dò tình hình rồi trở về ngồi im lặng thở dài. Rồi một hôm ông quyết định “Trở về nhà thôi. Ðã có những trận đánh ngay cả trong khu dân cư. Tên bay, đạn lạc như thế này không thể tiếp tục đi nữa…”

o O o

Sự thay đổi kéo nhiều thứ đổ theo. Bạn bè của tôi trôi dạt khắp nơi, không có tin tức, nhưng không có điều kiện tìm nhau dù vẫn nhớ. Chúng tôi phải từ giã cuộc sống mơ mộng để lao vào thực tế. Tôi biết thế nào là nợ cơm áo gạo tiền. Cuộc mưu sinh vô vàn khó khăn đè nặng trên vai mỗi người. Nhiều năm như thế, nhiều năm với những giấc mơ thoảng mùi hương cau về một vùng ký ức không hề nhạt phai đánh dấu giữa còn và mất.

Rồi cuộc sống cũng tạm ổn. Sau những năm bặt tin, thì tôi nhận được thư của Trâm Anh, cô con gái của một gia tộc quyền quý. Người bạn thân thiết cùng lớp năm xưa, cô nữ sinh giỏi văn của trường nữ trung học ngày nào, là chủ nhân của những lá thư hậu phương gởi ra tiền tuyến vào những dịp xuân về “Các anh Chiến sĩ kính mến! Dù các anh là ai, em chưa biết mặt. Nhưng khi khoác áo treillis, các anh đã trở thành người trai oai hùng sống vì một nhiệm vụ cao cả, thì em không thấy xa lạ, em biết ơn các anh! Giờ này, khi chúng em và gia đình đang trong không khí ấm cúng cùng thành phố rộn ràng đón Tết. Thì em biết nơi đó, rừng sâu hay tiền đồn heo hút trên khắp bốn vùng chiến thuật, các anh đang đối mặt với hiểm nguy, chịu đựng mọi gian khổ vì sự bình yên cho hậu phương. Em cầu mong các anh được an lành, mong một ngày nào đó được đón các anh về thành phố, để nắng được reo trên màu Mũ Ðỏ, Mũ Ðen, Mũ Xanh, Mũ Nâu và để phố phường rộn tiếng giày Saut…”. Cũng bắt đầu từ cánh thư hậu phương như thế, Trâm Anh đã có một mối tình vô cùng lãng mạn với một người đang thụ huấn tại quân trường, khi lá thư của Trâm Anh “lạc” vào tay một người tên Liêm.Thư đi, tin lại, còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi tuần cô đều nhận được một lá thư có đóng dấu KBC 4100. Tình yêu bắt đầu như một chuyện phải xảy ra như thế. Rồi khi Liêm ra trường, nhận nhiệm vụ ở một vùng đầm lầy xa xôi. Ba của Trâm Anh cũng là một quân nhân, nên gia đình cô ủng hộ ngay sự chọn lựa của Trâm Anh, cô còn được gia đình tạo điều kiện để đi thăm người yêu ở tiền đồn. Ngày chúng tôi tan tác mỗi người một hướng trên đường di tản. Trâm Anh gục vào vai tôi với tiếng nấc nghẹn ngào “Anh ấy mất tích rồi, gia đình anh ấy báo tin cho tao như thế…”.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Còn lá thư Trâm Anh viết cho tôi hôm nay với một niềm vui chan hòa. Cô không nhắc gì về kỷ niệm với người xưa. Cô báo tin rằng cô đã lập gia đình, đã có con và vừa mới mua được nhà. Cô muốn mời tôi vào thăm gia đình cô. Tôi mừng rơi nước mắt vì cuối cùng đã có tin của người bạn mà tôi luôn nghĩ đã đến một đất nước xa lạ nào, nay đã có cuộc sống ổn định ngay chính trên quê hương.

Sau tám tiếng đồng hồ ngồi chật chội trong một chuyến xe đò, tôi tìm đến địa chỉ nhà của Trâm Anh. Căn nhà nhỏ xinh có khoảng sân rộng trồng đầy hoa trong một khu vực yên tĩnh. Tôi gặp ngay Trâm Anh có vẻ như đang chờ đón tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau “Mày không khác gì lắm Trâm Anh, chỉ không còn vẻ đài các, tiểu thư như ngày xưa thôi…”.

Cô kể cho tôi nghe những thăng trầm trong cuộc sống. Ba của Trâm Anh đi tù rồi…không trở về! Là chị cả cô phải bươn chải vào đời, phụ với mẹ lo cho gia đình. Cô không còn thời gian để nghĩ đến  chuyện tình yêu. Nỗi đau về mối tình đầu luôn khắc khoải trong lòng, cô sợ thời gian trống, vì lúc đó là lúc cô nhớ người xưa da diết. Cho đến một ngày trên đường xuôi ngược kiếm sống, cô tình cờ gặp…

…Người ấy với giỏ nhang đầy, từng bước nặng nhọc trên chiếc nạng. Trâm Anh vội đến vì muốn mua ủng hộ cho người tàn tật, nhưng cô thấy anh ta kéo nhanh chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống trán, lúng túng không trả lời như không nghe cô hỏi và có ý quay đi. Một linh cảm nào đó khiến cô chặn ngang trước mặt người đàn ông, một cử chỉ không hề định trước, cô đưa tay giữ chiếc nạng cho người ấy dừng lại khiến anh ta ngẩng mặt nhìn lên và không thể nhầm lẫn được, khuôn mặt ấy dù đã dãi dầu nhưng ánh mắt vẫn là ánh mắt xưa! Trâm Anh bàng hoàng gọi:

– Anh… Anh Liêm phải không?

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Nước mắt tràn ra mi, không đợi người ấy trả lời, Trâm Anh nghẹn ngào:

– Vậy mà gia đình anh nói rằng anh đã mất tích. Anh giấu em vì nghĩ em là người không chấp nhận sự thật này ư? Em tầm thường thế ư? Em đã làm nên lỗi gì mà anh nỡ đối xử với em như vậy?

Tôi ngắt lời kể của Trâm Anh:

-…ai bảo những chuyện hay như thế chỉ có trong cổ tích? Tao sẽ kể lại chuyện của mày trong một bài thơ!..

-…Anh ấy vẫn khăng khăng từ chối tao. Cho đến một hôm “…Trong căn nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở…”, tao thề rằng sẽ ở vậy, hoặc xuống tóc đi tu thì anh ấy mới chịu thua tao.

Họ trải qua một thời gian khó khăn, nhưng do đồng vợ đồng chồng, họ đã tạo dựng được những gì cần thiết cho một mái ấm. Trâm Anh giờ đã có một cửa tiệm buôn bán nhỏ và Liêm phụ vợ trông coi việc buôn bán. Căn nhà nhỏ của họ luôn có tiếng cười, chỉ bằng tình yêu bạn tôi đã vượt qua tất cả. Tôi và Trâm Anh chuẩn bị xong bữa cơm chiều thì Liêm về sớm như đã hẹn. Và lần này đến lượt tôi sửng sốt.Vết sẹo dài trên má người thương binh mà tôi gặp trước đây đã lâu, như một dấu ấn in vào trí nhớ, nên tôi không thể quên được, giờ người đó đang đứng trước mặt tôi.Tôi nhủ thầm “Trái đất này thấy vậy mà không lớn lắm…”. Còn Liêm, tôi không ngờ anh cũng nhớ:

– Hình em chụp với Trâm Anh, cô ấy còn giữ khá nhiều, nên anh đã nhận ra ngay cô gái đã có một nghĩa cử đẹp với một người sa cơ thất thế…

Chúng tôi trút cạn nỗi lòng với nhau như những người tri kỷ lâu ngày gặp lại. Một đoạn đời thê lương đã qua cũng khép lại. Trâm Anh cho tôi xem bài thơ cô viết dành tặng cho Liêm:

“Ngày xưa của anh, áo treillis đẹp một đời chinh chiến

Lần di quân qua những núi, những đèo

Anh kể em nghe đời lính lắm gian lao

Nên không dám hẹn hò, dù một câu để vui lòng em gái

Anh gởi cho em, hoa biên cương màu tím buồn hoang dại

Nở trên đường hành quân làm đẹp lối di hành

Ðó là ngày xưa! Còn nhớ không anh?

Nhưng bão tố nổi lên vỡ mộng lành em kết

Anh cúi đầu bảo em.Thôi đã hết!

Tay trắng anh làm sao dựng nổi đời nhau..

Nước mắt em không xóa được niềm đau

Anh âm thầm xa em, nghìn trùng cách trở

Ðêm thật dài, mùa mưa về nức nở

Em vẫn yêu người dù quá khứ xa rồi

Anh bây giờ xếp áo chinh nhân

Anh xa em mà không nghĩ một lần

Rằng cô bé ngày xưa không hề thay đổi!

…”

Bài thơ đã lay động lòng Liêm và giờ thì lay động lòng tôi. Hạnh phúc đâu cần những gì quá cao vời, chỉ cần người ta biết nhận ra những gì thuộc về chân giá trị của cuộc sống bằng lòng cao thượng và bằng tình yêu đích thực.

ĐPTT

Việt Nam