Lời giới thiệu: Cách đây hơn 1 tháng, cả thế giới nhộn nhịp với lễ hội lớn nhất hành tinh: Olympic Paris 2024, tổ chức tại Pháp, một đất nước từng là cái nôi của nghệ thuật nhân loại.  Nhiều người cho rằng đây là một chương trình thành công và mãn nhãn nhưng cạnh đó cũng lan truyền những ý kiến trái chiều. Trong không khí vẫn còn nóng bỏng này, mời bạn theo dõi bài viết nhiều kỳ của Cổ Ngư, gởi từ Paris…

Cầu Alexandre III, nơi diễn ra cuộc thi bơi trên sông Seine      

NHIỀU KỲ – KỲ 2

Trên sông Seine

Dù cá mập, cá sấu không xuất hiện, dù tiết mục huyền hoặc với nữ thần sông Sequana trắng toát phi bạch mã trên dòng nước đen thẫm được nhiệt liệt tán thưởng trong buổi lễ Khai mạc JO, nhưng chất lượng nước sông Seine có lẽ là một trong những điểm yếu nhất của các cuộc tranh tài tại Paris. Bị ô nhiễm từ hơn trăm năm, đoạn chảy ngang dòng Seine đang dần dần “hồi sinh” với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loài rùa, tôm, cá… do cố gắng không ngừng nghỉ của thủ đô và chính phủ Pháp từ 30 năm nay: chặn rác từ thượng nguồn, cải tạo hệ thống nước thải của thành phố, nạo vét bùn cát… Nhưng làm sao có thể giữ cho sông Seine sạch sẽ như ý muốn khi hàng triệu người tiếp tục qua lại, ăn uống bên bờ sông, gió thổi bay lá, giấy, rác xuống lòng sông và bao nhiêu du thuyền chở khách du lịch di chuyển mỗi ngày trên mặt sông? Vì vậy, việc quyết định chọn sông Seine làm hồ bơi khổng lồ cho cuộc thi 3 môn phối hợp quả là táo bạo. Bà Anne Hidalgo, thị trưởng Paris đã lớn tiếng loan báo sẽ xuống sông Seine tắm trước ngày khai mạc JO như để bảo đảm cho chất lượng nước của dòng sông, nhưng sau đó im bặt vì rất nhiều cư dân mạng đã hò nhau chờ tin bà Hidalgo định ngày xuống sông để… phóng uế đủ kiểu trước đó cho bõ ghét! Vì thế, ngày 13.07, bộ trưởng bộ Thể thao, bà Amélie Oudéa-Castéra và sau đó, ngày 17.07, bà thị trưởng Paris lần lượt xuống sông Seine tắm không kèn không trống, chỉ đưa tin, đưa ảnh khi sự đã rồi!

Sau khi bơi thi trên sông Seine, khi được phỏng vấn, các tuyển thủ cho biết, điều họ lo lắng hàng đầu khi thi đấu, không phải là chất lượng nước sông, mà chính là các luồng nước cuốn và nhiều loại cỏ gai mọc bên sông cào xước tay chân. Trong số 110 tuyển thủ nam nữ tham dự thi bơi trên dòng Seine, có 9 người thuộc 5 phái đoàn khác nhau cho biết đã có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy sau đó. Nhưng một số tuyển thủ khác, dù không lao xuống dòng Seine, vẫn bị những triệu chứng vừa nêu hành hạ. Lần này, chất lượng thực phẩm của làng Thế vận và nhiệt độ mùa hè của Paris bị đưa lên bàn giải phẫu!

Sequana, nữ thần sông Seine (nguồn internet)

Tuyển thủ và huy chương

Xem thêm:   Xíu

Léon Marchand được xem là khuôn mặt nổi bật của Thế vận hội lần này. Là tuyển thủ duy nhất đoạt 4 huy chương vàng (với 2 huy chương đoạt được chỉ cách nhau 2 tiếng đồng hồ), phá kỷ lục olympique, thêm một huy chương đồng trong cuộc thi đồng đội. Để có được những thành tích này, Léon Marchand đã tích cực luyện tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Bob Bowman, người đã đưa tuyển thủ bơi lội Hoa Kỳ Michael Phelps lên hàng “huyền thoại”. Từng đạt điểm tối ưu khi thi tú tài Khoa học, Léon Marchand cho biết, sau JO, anh sẽ trở lại Hoa Kỳ tiếp tục việc học và thực hiện mơ ước lái máy bay của mình.

Tuyển thủ bơi lội Pháp Léon Marchand (nguồn internet)

Các tuyển thủ khác đoạt được nhiều huy chương trong kỳ Thế vận hội năm nay, có thể kể:

– Nữ tuyển thủ bơi lội Hoa Kỳ Torri Huske (3 vàng, 2 bạc)

– Nữ tuyển thủ bơi lội Canada Summer McIntosh (3 vàng, 1 bạc)

– Nữ tuyển thủ thể dục nghệ thuật Hoa Kỳ Simone Biles (3 vàng, 1 bạc)

– Nam tuyển thủ thể dục nghệ thuật Nhật Bản (3 vàng, 1 đồng)

– Nữ tuyển thủ bơi lội Úc Mollie O’Callaghan (3 vàng)

– Nữ tuyển thủ bơi lội Hoa Kỳ Katie Ledecky (2 vàng, 1 bạc, 1 đồng)…

Tuyển thủ thể dục nghệ thuật Hoa Kỳ Simone Biles (nguồn internet)

Tuy phái đoàn Trung Hoa lục địa giành được cả thảy 91 huy chương, xếp hạng nhì chỉ sau Hoa Kỳ, nhưng không một tuyển thủ nào đoạt được nhiều thành tích như những tên tuổi nêu trên.

Đặc biệt trong kỳ Thế vận hội này, có hai tuyển thủ không giành được nhiều thắng lợi, nhưng lại được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội.

Imane Khelif: nữ đại sứ Algérie nhiệm kỳ 2024-2026 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) từ đầu năm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng quê Algérie, Imane say mê đá banh từ bé. Được sự khuyến khích của huấn luyện viên, cô quyết định chuyển sang tập đánh boxe. Bị sự phản đối của gia đình, cho rằng môn thể thao này chỉ dành cho phái nam, cô không thối chí, quyết định bán bánh mì dạo để có thêm tiền đi xe từ làng lên thành phố học môn quyền anh. Sau đó, cô đại diện cho Algérie thi đấu tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 2023, ở Ấn Độ, khi đã vào đến chung kết, Hội Quyền anh Thế giới (IBA) đã truất quyền thi đấu của cô và một nữ tuyển thủ người Đài Loan sau khi xét nghiệm, vì cho rằng hai cô không đủ điều kiện để tham gia các cuộc thi đấu của phái nữ. Người ta đoán già đoán non là Imane và Lin Yu-ting có quá nhiều hormone nam trong người. Có người còn nói chắc như đinh đóng cột, cho cô là một trường hợp chuyển giới từ nam sang nữ. Sau đó, Hội đồng Thế vận Quốc tế (CIO) tuyên bố các xét nghiệm của IBA không hợp lệ và không đáng tin cậy. Imane Khelif được quyền thi đấu và đã đoạt huy chương vàng tại JO Paris dưới sự cổ võ nồng nhiệt của khán giả. Trong một trận so găng ở vòng loại, nữ tuyển thủ Ý Angela Carini bị Imane hạ gục chỉ sau 46 giây vì một cú đấm vào mũi. Nhiều tiếng nói từ chính phủ cực hữu Ý hùa nhau bênh vực gà nhà, cho rằng Imane không được quyền có mặt ở Paris. Nhưng chỉ hôm sau, Angela, đang đau răng và phải dùng trụ sinh trước trận đấu, đã ngỏ lời xin lỗi vì những lời phát biểu mập mờ gây ngộ nhận của cô.

Tuyển thủ quyền anh Algérie Imane Khelif (nguồn internet)

Antony Ammirati: nam tuyển thủ nhảy sào 21 tuổi của Pháp. Là ngôi sao đang lên, tuy không đạt thành tích nào đáng kể trong kỳ JO 2024, nhưng Antony đã “gây bão” khi “của quý” chạm phải và làm rơi xà ngang, khiến anh bị loại khỏi cuộc thi đấu. Ngay sau đó, như chêm thêm dầu vào lửa, một hãng sản xuất phim dành cho người lớn đề nghị anh thực hiện một cảnh quay trong 60 phút với thù lao 250,000 đô-la! Các mạng xã hội, ngay cả một số hệ thống truyền thông và báo chí có tiếng tăm cũng đều loan tin về trường hợp hy hữu này.

Xem thêm:   Bắn cốt mìn

Ngoài hai nữ tuyển thủ người Mỹ gốc Việt Jaedyn Shaw (huy chương vàng túc cầu nữ) và Jacklyn Lưu (huy chương bạc bơi nghệ thuật), không một tuyển thủ nào trong phái đoàn Việt Nam giành được huy chương trong kỳ JO này, trong khi một số nước Đông Nam Á lân cận đều có thành tích. Một câu hỏi được nêu ra: mấy trăm huy chương Việt Nam đoạt được trong các kỳ Sea Games liệu có giá trị hay không?

Hai trong số nhiều điểm son đậm tinh thần thể thao được ghi nhận trong các cuộc tranh tài ở Paris: bức hình selfie của các tuyển thủ bóng bàn Nam-Bắc Hàn và Trung Hoa lục địa trên bục nhận huy chương, cùng những lời trao đổi rất trân trọng giữa hai đối thủ nhu đạo Teddy Riner (Pháp) và Tatsuru Saito (Nhật Bản).

Bên cạnh đó, một điểm xạm khiến nhiều người lên tiếng: dưới sức ép của Trung Hoa lục địa, CIO đã buộc đoàn tuyển thủ Đài Loan phải tham gia JO dưới màu cờ và tên gọi “Trung Hoa Đài Bắc”. Khi đánh bại các đối thủ để giành huy chương vàng, hai tuyển thủ đôi nam môn cầu lông Lee Yang – Wang Chi-Lin mang nét mặt không vui khi quốc kỳ và quốc ca Đài Loan không được xướng lên trong phần trao giải. Có người còn cho biết, nhiều lá cờ Đài Loan đã bị giật từ tay các cổ động viên. Ai đã làm chuyện này?

Bức selfie của các tuyển thủ bóng bàn Nam-Bắc Hàn và Trung Hoa lục địa trên bục nhận huy chương (nguồn internet)

Sau khi JO 2024 kết thúc, 10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng theo thứ tự như sau:

  1. Hoa Kỳ (40 vàng, 44 bạc, 42 đồng)
  2. Trung Hoa lục địa (40 vàng, 27 bạc, 24 đồng)
  3. Nhật Bản (20 vàng, 12 bạc, 13 đồng)
  4. Úc (18 vàng, 19 bạc, 16 đồng)
  5. Pháp (16 vàng, 26 bạc, 22 đồng)
  6. Hoà Lan (15 vàng, 7 bạc, 12 đồng)
  7. Anh Quốc (14 vàng, 22 bạc, 29 đồng)
  8. Nam Hàn (13 vàng, 9 bạc, 10 đồng)
  9. Ý (12 vàng, 13 bạc, 15 đồng)
  10. Đức (12 vàng, 13 bạc, 8 đồng)

Xưởng đúc tiền và huy chương của Pháp

Cường quốc thể thao Nga không được tham dự JO 2024 vì đang gây chiến tranh xâm lược Ukraine. Lỗ hổng này đã được Nam Hàn lấp chỗ, sau khi vượt mặt nhiều quốc gia khác trong bảng xếp hạng JO 2020 để lọt vào Top Ten 2024. Cũng tiện nhắc lại, Nga bị cấm tham gia Thế vận hội 2020 tổ chức tại Tokyo vì khuyến khích các tuyển thủ dùng thuốc kích thích khi thi đấu, nhưng tuyển thủ của nước này lại được phép tham gia JO dưới danh nghĩa “Hội đồng Thế vận Nga” (Russian Olympic Committee / ROC) và đứng hạng 5 với 71 huy chương đoạt được, dĩ nhiên, sau khi đã được kiểm nghiệm… không dùng các loại thuốc tăng cường hiệu suất!

Xem thêm:   Vừa lặn vừa... tám!

Hơn 90 kg thép lấy từ tháp Eiffel sau lần tu bổ đã được dùng để đính vào mặt trước của huy chương JO 2024, như một kỷ niệm của Paris để các tuyển thủ mang về nhà. Khi có một số tuyển thủ than phiền về việc các huy chương đồng bị hoen gỉ vì tay dính mồ hôi chạm vào, xưởng đúc tiền của Paris liền ngỏ lời xin lỗi và hứa đổi ngay các médaille này với chất lượng hợp kim đúc tốt hơn.

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

https://www.lefigaro.fr/sports/athletisme/jo-paris-2024-un-triathlete-neo-zelandais-ayant-nage-dans-la-seine-malade-avec-les-symptomes-d-une-infection-par-e-coli-20240806

https://fr.wikipedia.org/wiki/Imane_Khelif