Tháng 10 năm 2016, một thẩm phán của Tòa án Tối cao London, Anh quốc, đã chấp thuận cho một nữ thiếu niên bị ung thư được phép đông lạnh cơ thể (cryogénisation) sau khi chết với hy vọng trong tương lai y khoa sẽ chữa lành bệnh và giúp hồi sinh. Vài ngày sau, cô gái qua đời và cơ thể của cô (trong đó máu đã được thay thế bởi một chất giúp ngăn ngừa các mạch máu kết tinh) được chuyển đến Viện Cryonics, Michigan, để được bảo quản và lưu trữ bằng kỹ thuật đông lạnh âm 196 độ C, và đặt vào một bể chứa dung dịch nitơ.

Một cơ sở đông lạnh cơ thể. Ảnh tác giả cung cấp 

Mới đây, Stéphan Beauregard, người Canada, một trong các giám đốc của Viện Cryonics (Cryonics Institute), trụ sở đặt tại Michigan, đã dành cho nhật báo Le Monde cuộc phỏng vấn về hy vọng thành công việc đông lạnh cơ thể để hồi sinh. Cuộc phỏng vấn còn đề cập đến những rủi ro cũng như các vấn đề về đạo đức phát sinh từ việc này.

Báo Le Monde: Anh và bạn gái đã ký hợp đồng với Viện Cryonics, một trong số hai tổ chức của Hoa Kỳ, được phép thực hiện đông lạnh cơ thể. Anh có hy vọng là kỹ thuật này sẽ thành công?

Stéphan Beauregard: Trong khi chờ đợi y học và công nghệ có thể hồi sinh bằng cách này hay cách khác, chúng tôi mong muốn cơ thể chúng tôi được bảo tồn. Lý do đơn giản là cuộc đời này quả là quá ngắn ngủi. Chúng tôi muốn có cơ may chung sống với nhau lâu dài hơn.

Báo Le Monde: Đó cũng là cơ hội để sống trong một thế giới khác?

Stéphan Beauregard: Nếu được hồi sinh một mình, tôi thật sự mong muốn “thức dậy” vào thời đại khác. Ðông lạnh cơ thể cho chúng ta niềm hy vọng, dù nhỏ, thấy được xã hội tương lai, một tương lai mà có thể một vài bí ẩn của vũ trụ đã được khám phá.

Báo Le Monde: Anh đã quan tâm đến kỹ thuật đông lạnh từ khi nào?

Stéphan Beauregard: Năm 1993, tại Pháp, tôi đã được đọc một bài viết về đông lạnh cơ thể, và vài năm sau đó, tôi được xem vài bộ phim cũng về đề tài này. Nhưng chỉ khi những người mà tôi rất mực thương yêu qua đời, tôi mới thật sự quan tâm đến kỹ thuật này. Tôi tự nhủ rằng nếu cơ thể của những người thân được bảo tồn thêm độ vài chục năm nữa, có lẽ họ sẽ được hưởng lợi nhờ những công nghệ mới, những tiến bộ y học có khả năng chữa trị căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của họ.

Xem thêm:   Thiên đang, địa ngục đôi quê

Báo Le Monde: Không có một yếu tố quan trọng nào cho phép chúng ta tin rằng trong tương lai cơ thể đông lạnh có thể hồi sinh. Anh có nghĩ rằng đông lạnh cơ thể là một trò chơi cá cược hay một hành động của đức tin?

Stéphan Beauregard: Thành thật mà nói, phản ứng ban đầu của tôi thì đây là một trò lừa bịp nhằm lừa gạt những kẻ ngây thơ hay những người sợ chết. Một phán đoán như vậy là hoàn toàn hợp lý khi chúng ta chưa hiểu tường tận vấn đề. Nhưng suy nghĩ kỹ lại thì thấy rằng, nếu không mạo hiểm thì chắc chắn chúng ta sẽ không được gì. Vậy tại sao chúng ta không thử làm xem sao? Tôi xin cá cược rằng, đông lạnh cơ thể sẽ mang đến hy vọng hồi sinh trong tương lai.

Báo Le Monde: Phải chăng đông lạnh cơ thể để hồi sinh không phải là điều hão huyền?

Stéphan Beauregard: Cơ may hồi sinh hãy còn khá mong manh. Viện Cryonics không làm điều huyền bí. Tuy nhiên, những tiến bộ về sự hồi sinh là đáng khích lệ: năm 2010, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Thế kỷ 21 (Centre de Recherche 21eme Century Medicine) đã thành công trong việc đông lạnh một quả thận của thỏ, sau đó đưa nó lại nhiệt độ bình thường trước khi ghép nó vào cơ thể một động vật khác.

Stéphan Beauregard, một trong các giám đốc của Viện Cryonics. Ảnh tác giả cung cấp

Báo Le Monde: Tại sao chúng ta lại tìm cách đảo ngược sự chết trong khi nó chính là đặc điểm căn bản của sự sống từ bao đời nay?

Stéphan Beauregard: Bởi vì bản chất của con người là luôn tìm cách vượt qua điều tưởng chừng như không thể. Phải chăng bệnh là một phần của cuộc sống? Ðúng vậy, nhưng điều này không thể ngăn cản con người chế tạo ra thuốc điều trị và dùng phẫu thuật để giúp dịu bớt sự đau đớn của bệnh nhân.

Báo Le Monde: Biết con người có hy vọng được hồi sinh trong tương lai có làm cho anh thay đổi lối sống?

Stéphan Beauregard: Có, là vì hy vọng được hồi sinh. Trong chừng mực nào đó, điều này đã giúp tôi thanh thản hơn khi đối mặt với cái chết. Không, là vì điều này không ngăn cản tôi sống trọn vẹn. Ðây không phải là lựa chọn có thể cản trở tôi thực hiện những hoạt động rủi ro (activités risquées).

Báo Le Monde: Một số người dự định chỉ đông lạnh não bộ hay phần đầu mà thôi. Số khác lại tưởng tượng một cơ thể hoàn toàn mới làm bằng nhiều bộ phận giả. Lựa chọn nào được anh ưa thích hơn?

Xem thêm:   Dollar Tree “nối gót” Walmart và Target khách hàng chịu thiệt

Stéphan Beauregard: Tôi muốn “thức dậy” trong chính cơ thể của mình hay trong cơ thể một người khác, miễn là nó cho tôi khả năng như hiện tại hoặc thậm chí cao hơn cơ thể hiện tại của tôi. Thách thức dường như to lớn hơn khi sự hồi sinh được thực hiện chỉ với bộ não hay phần đầu bởi tôi và các chuyên gia khác nghĩ rằng các bộ phận của cơ thể đều liên thông với nhau. Tôi cũng tin rằng một cơ thể tự nhiên sẽ luôn hoạt động hiệu quả hơn một người máy. Nhưng tôi không loại trừ hồi sinh trong một cơ thể bán cơ giới hóa (moitié mécanisé) để không bị bệnh tật và tử vong. Hãy để cho tương lai quyết định vì điều quan trọng là đạt được mục đích mà không phân biệt bằng phương pháp nào.

Báo Le Monde: Vào năm 1986, Arthur Rowe, chuyên gia đông lạnh sinh học (cryobiologist), cho rằng, tin vào kỹ thuật đông lạnh tức là tin rằng chúng ta có thể tái tạo một con bò từ những miếng thịt bò… Thậm chí khi tưởng tượng đến tính khả thi của việc hồi sinh, liệu chúng ta có nghĩ đó là chính mình khi “thức dậy”?    

Stéphan Beauregard: Trên thực tế, chúng ta không thể so sánh một cơ thể đông lạnh với một miếng thịt bò. Một cơ thể không bị nghiền nát: xương, các bộ phận, các tế bào và mô không biến thành con số không. Tôi muốn thức dậy với bộ não của tôi, tính cách và trí thông minh của tôi. Thử thách là liệu có biết được “tôi” là vật chất (matériel) hay phi vật chất (immatériel). Thời điểm hiện tại, không có câu trả lời cho câu hỏi này.

Báo Le Monde: Anh có nghĩ rằng anh sẽ nhận ra vợ mình vào thời điểm hồi sinh? Và trên thực tế, điều này có quan trọng trong một xã hội hoàn toàn mới lạ?

Stéphan Beauregard: Tôi mong muốn trí nhớ của mình vẫn còn nguyên vẹn nhưng tôi nghi ngờ điều này. Khi chúng ta biết có ít vật chất có thể làm thay đổi thành phần hóa học của cơ thể, chắc chắn là cơ thể đông lạnh khó có thể hồi sinh một cách hoàn toàn. Khi hồi sinh, chúng ta không thể biết mình sẽ còn lưu nhớ được những thứ gì trong đầu. Tựa như sau một giấc mơ hay một chuyến đi, có lẽ chúng ta may mắn còn nhớ được chút ít gì đó khi tập trung suy nghĩ, nhưng cũng có thể khi tỉnh giấc, chúng ta đã bị bệnh Alzheimer mất rồi… Ðể phòng tránh vấn đề này, chúng ta có thể nghĩ ra cách lưu trữ trí nhớ vào đĩa cứng để sau đó tải về. Ngày càng có nhiều người, chọn đông lạnh cơ thể, muốn lưu trữ bằng kỹ thuật số các yếu tố có thể giúp các nhà khoa học tương lai, như video, hình ảnh hoặc danh mục các màu sắc, hương vị và các bản nhạc yêu thích.

Viện Cryonics

Báo Le Monde: Để thích nghi với kỷ nguyên mới, nhồi nhét các kiến thức về cuộc sống tương lai chắc chắn là không dễ. Phải chăng bước nhảy vượt thời gian này sẽ ngoạn mục và đáng sợ như chính cái chết?

Xem thêm:   Atlanta có gì lạ không em?

Stéphan Beauregard: Theo tôi, phải đối chiếu với cuộc sống. Phải chăng sinh ra và bước vào cuộc sống cũng ngoạn mục và đáng sợ? Hồi sinh cũng giống như sinh ra lần thứ hai, phải học lại một số việc, thậm chí tất cả, phải sống, tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện nhân cách theo dòng thời gian. Hẳn là chúng ta sẽ có những hồi tưởng về cuộc sống quá khứ, và chúng ta cần đến các bác sĩ khoa tâm lý trị liệu (psychothérapeute) cũng như bác sĩ khoa phục hồi chức năng vật lý (réadaptation physique), giống như một nạn nhân bị tai nạn giao thông hay một bệnh nhân hồi tỉnh lại sau cơn hôn mê (coma). Chúng ta có sợ được sinh ra đời không? Tất nhiên là không. Vậy tại sao lại sợ một cuộc sống mới?

Báo Le Monde: Nên chăng dứt khoát với quá khứ và bắt đầu lại từ con số 0?

Stéphan Beauregard: Một cách vô thức, có lẽ chúng ta muốn tìm lại người thân, như cha mẹ. Chúng ta không biết gia đình sẽ đón nhận mình trong cuộc sống mới sẽ như thế nào. Có lẽ nên khuyến khích những cuộc gặp gỡ giữa những người đông lạnh hồi sinh đã từng biết nhau trong quá khứ để xem họ có nối lại sự kết giao không?

Báo Le Monde: Liệu có quá tham lam hay tự phụ lắm không khi muốn sống và tiếp tục hồi sinh? Cuộc sống hôm nay có giá trị hơn những người sinh ra ở đời sau? Những thế hệ con cháu sau này có xứng đáng để chúng ta nhường chỗ cho họ sống tốt hơn, đặc biệt khi họ là những người tài tình trong công cuộc chinh phục cái chết?

Stéphan Beauregard: Không, đơn giản là vì không có yếu tố nào cho thấy chúng ta hoàn toàn mới lạ nếu được hồi sinh. Vậy thì tại sao không cho chúng ta cơ hội hồi sinh và trải nghiệm cuộc sống mới? Ai dám khẳng định là chúng ta không mang điều gì đó mới lạ cho thế hệ tương lai? Ai có thể quyết định rằng người này xứng đáng được sống hơn người kia? Một người mới sinh ra hay mới hồi sinh đều có lý do để sống và tồn tại, phải vậy không?

ĐDH

(Theo Le Monde)