Những điểm tốt đẹp của Nam California (Little SaiGon) đã được nhiều người nói đến rồi. Nào là khí hậu ôn hoà, phong cảnh đẹp xinh, và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt hải ngoại. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây. Và kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ cạnh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, (còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người.)

Bản tính của tôi đôi khi, thích… khác người ta, không nói theo đám đông, nên bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”, nha!

Năm đó, mấy gia đình anh chị em tôi rủ nhau cùng bay đến Little SaiGon để kết hợp thăm thăm Bố, gia đình ông anh, bà con họ hàng cũng như thăm thú cảnh đẹp Nam California. Sáng Chúa Nhật, cả nhà kéo nhau đi chơi trung tâm Phước Lộc Thọ giữa lòng Bolsa. Chúng tôi đi một vòng trên lầu, thấy chả có gì hấp dẫn ngoài mấy tiệm vàng (tôi không hề mê vàng bạc, kim cương hột xoàn, mà chỉ mê tiền trong bank thôi). Chúng tôi lại kéo nhau xuống tầng dưới, tìm các món ăn cho bữa trưa. Tôi và bà chị Cả vì vẫn còn no với ly café sữa đá và ổ bánh mì thịt trên xe lúc khởi hành, nên trong lúc chờ đợi mấy người khác ăn uống, hai chị em thấy một cửa hàng áo quần ngay đó, tiện chân bước vào xem để giết thời gian. Vào tiệm rồi hai chị em mới thấy ân hận vì trong tiệm không có bóng một người khách nào, tính quay trở ra thì chị chủ xuất hiện, lớn tiếng sang sảng:

– Hai chị đã vào tiệm chưa coi cái gì mà tính ra về, “chơi” vậy sao được chứ, mở hàng kiểu này tội em lắm đó!

Tụi tôi giật mình nhìn chị chủ, người vừa mở lời chào khách với cái giọng sẵn sàng gây sự. Khuôn mặt chị ấy nhìn…quen quen như những khuôn mặt “mang dấu ấn thẩm mỹ” thường gặp ở Bolsa. Mắt cắt hai mí, lông mi dài, chân mày xăm đậm lè, mũi thẳng băng, và đặc biệt là cái miệng có đôi môi chẻ hai trái tim (chẻ môi trên môi dưới luôn á). Cái miệng này mà ăn chè táo xọn thì phải biết, đậu xanh vào tới miệng còn nước bột năng tha hồ chảy ra ngoài vì cái… môi chẻ.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Nghe vậy, tụi tôi đành bước lại xem mấy cái áo trên cái rack, thầm nháy mắt bảo nhau, ráng tìm một cái gì đó mà mua “trả nợ quỷ thần”. Trong lúc hai chị em xem áo, chị “đẹp” cứ đứng sát bên, không cho chúng tôi có cơ hội để bàn tính “âm mưu” gì cả. Chị tôi chỉ một cái áo thun: “Cái này giá bao nhiêu vậy chị?”

Bảo Huân

Chị đẹp cầm cái áo: “Giá rành rành đây mà không thấy hở? Bốn chục!”

– Úi, hơi mắc chị ơi – Tôi nhanh nhẩu

Và chị “đẹp” được dịp xổ một tràng… người mua lầm chớ nguời bán không lầm, tiền nào của nấy…yada…yada ..

– Thôi, tui bán mở hàng làm quen giá ba lăm đồng, hai chị mở hàng lẹ lẹ giùm!

Chị “đẹp” lặp lại mấy lần chữ “mở hàng” (dù là đang vào giờ trưa) là tụi tôi hiểu phải làm gì, nếu không muốn nhìn thấy chị đốt giấy phong long đuổi tà. Nhìn cái áo chẳng ưng ý cho lắm, nhưng bà chị tôi muốn thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt nên cầm cái áo tiến ra phía quầy tính tiền. Chị “đẹp” trố mắt hai mí hỏi trổng:

– Không cần thử áo ha?

– Thôi, tôi biết zise của tôi.

– Tuỳ chị đó nhe, chớ bước ra khỏi tiệm mà quay lại đổi hay trả hàng là không được đâu! (Ủa, chị “đẹp” còn nghĩ là tụi tui muốn quay trở lại đây sao?)

Hai chị em tôi, kẻ ở Texas, người bên Canada, cũng đều ngót nghét trên hai mươi năm. Chúng tôi thừa biết, đi shopping mua sắm nơi các tiệm người Mỹ hay Canada đều được đón chào nhiệt tình vui vẻ, tha hồ lựa áo quần và khi đem về nhà không vừa ý vẫn có thể quay lại đổi, thậm chí muốn refund cũng không hề gặp khó khăn cản trở gì. Vậy mà xui xẻo, ma đưa lối quỷ đưa đường, bị “bà nhập” sao đó, mà lại kéo nhau vào cái tiệm nhỏ như lỗ mũi và chị chủ “bá đạo” này!

Xem thêm:   Babysit không lương

Bình thường, tôi cũng thuộc loại người hay “ngứa miệng”, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, biết vận dụng phương châm “khách hàng là thượng đế” để góp ý những lúc cần thiết. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt son phấn dư thừa của chị “đẹp”, nhất là đôi mắt lúc nào cũng như trợn ngược, nhìn tụi tôi thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống, cái miệng trái tim trề ra như chuẩn bị quăng những lời khẩu chiến dữ dội, tôi bỗng trở nên… “em hiền như ma-xơ” (Ông xã từng nói tôi “khôn nhà dại chợ” quả chẳng sai). Hai chị em ngoan ngoãn, líu ríu móc bóp ra, trả tiền cho cái “áo em chưa mặc một lần” và chẳng bao giờ mặc lần nào, vì sau đó chúng tôi không mang theo hành lý về nhà mà để lại nhờ bà chị dâu đem cho Good Will giùm!

Từ đó, thỉnh thoảng tôi có trở lại Nam California nhưng nhất quyết không vào Phước Lộc Thọ nữa. Chẳng biết lúc này cái tiệm ấy ra sao, có đổi chủ mới chưa, hay là chị “đẹp” vẫn còn đó và tiệm vẫn vắng như chùa Bà Ðanh?

Ðó là chuyện bên California. Giờ thì đến chuyện của “Texas thân mến”.

Trên đường lái xe xuyên bang trở về Arlington từ một chuyến đi chơi xa, chúng tôi ghé vào một nhà hàng để pick up mớ thức ăn đã order trước đó. Tôi đứng tại quầy cashier, xem lại các món hàng, giá cả, chuẩn bị trả tiền thì thấy trên quầy vừa bày ra bánh cuốn nóng hổi và chả lụa, nên với tay lấy mỗi thứ một cái. Do vậy chủ quán quay đi lấy thêm túi rồi phụ tôi để thêm đồ. Lúc đó, có bà cô kia đi tới, đưa thẳng tiền cho chủ quán:

– Tính tiền hai tô bún nhe ông chủ!

Chủ quán hơi khựng lại, nhìn tôi như phân trần. Tôi im lặng chả biết tính sao, vì bà cứ gí tiền trước mặt ông chủ, nên tôi lờ đi, nhìn qua chỗ khác cho ông chủ thoải mái giải quyết cho bà ấy. Xong việc, chủ quán chuẩn bị tính tiền mớ đồ của tôi, thì y như lần trước, một người đàn ông lấn qua tôi, bước tới, la lớn như chốn không người:

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

– Cho mấy cây tăm đi chủ quán ơi… ơi..!

Ủa, tôi nghĩ bụng, tôi đang ở đâu thế này? Ở Việt Nam hay bên Mỹ? Chủ quán lại nhìn tôi cầu cứu. Tôi đâm ra bực mình, quá chán nản vì ông chủ bất lực, chuyện gì cũng… nhìn tôi, là sao? Tôi thì làm được gì? Tiệm của ông, khách của ông, ông tự phải biết mở miệng ra mà giải quyết chứ! Tôi lại tiếp tục ngó lơ, ông chủ quán liền chạy vào trong, lục đục một hồi, rồi mang ra hộp tăm cho “thượng đế” kia.

Cuối cùng thì tôi cũng được quan tâm sau khi chủ quán xin lỗi. Lần này thì tôi được góp ý vì ông chủ Texas khác với chị “đẹp” Cali. Ông chủ này rất chiều khách, mà chiều quá đáng, sợ mất lòng khách, nên mới có hai người khách “hư” như tôi vừa kể. Tôi nói với ổng, tôi không ngại nhường cho họ vài phút trước sau, nhưng ít ra, họ cũng phải có lịch sự tối thiểu, là hỏi một câu, hỏi tôi hay chủ quán cũng được. Ai nỡ lắc đầu nếu chị kia cần phải đi gấp, và chú kia không xỉa răng ngay tức khắc thì không chịu nổi? Tôi tự hỏi, hai người kia, qua xứ này được bao lâu rồi mà vẫn chưa thực hành bài học xếp hàng? Tôi tin chắc rằng, nếu trong trường hợp tương tự, nhưng ở nhà hàng Mỹ toàn người da trắng, thì hai vị khách này sẽ tự động biết xếp hàng, rất văn minh và rất nghiêm túc.

Ðọc đến đây, nếu có người nói, cô này là dân sống ở Canada nên mới nói xấu dân Mỹ (gốc Việt), thì xin thưa, dân Việt tại Canada tôi cũng đã không tha qua một bài viết trước đây, mang tên “Chơi Dzậy Chơi Với Ai?”.

Người Việt mình ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi đâu, cộng đồng chúng ta cũng có điểm hay và điểm chưa hay. Chúng ta nên nhắc nhở nhau để bộ mặt người Việt hải ngoại ngày càng đẹp hơn.

Tôi có cái tật “nhớ lâu nhưng không thù dai”, nghĩ sao nói vậy người ơi, mong bà con đừng giận!

KL

Edmonton, 3.2020