Nhà văn Túy Hồng tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938 tại Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Bà tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, bắt đầu viết văn vào năm 1962, có tác phẩm “Thở Dài” xuất bản lần đầu vào năm 1965, ngoài ra tác phẩm “Những Sợi Sắc Không” của bà đoạt giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1969-1970.

Túy Hồng kết hôn với nhà văn Thanh Nam (1931 -1985) vào năm 1966, có 3 con trai và 1 con gái. Gia đình bà sang Mỹ vào năm 1975, ban đầu tạm cư tại New Jersey miền Đông Bắc, đến năm 1976 dời sang vùng Tây Bắc, định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Túy Hồng là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu cho văn học miền Nam trước 1975.

Nhà văn Túy Hồng qua đời ngày 19 tháng 7 vừa qua, hưởng thọ 82 tuổi. Để tiễn bà lên trời, chúng tôi đánh máy lại “Đến Khi Mất Tiếng Nói” của Túy Hồng viết cho Thanh Nam nhân giỗ đầu của chồng năm 1986. [Trần Vũ]

Nhà văn Túy Hồng, ảnh Cao Lĩnh 1972 

Thanh Nam người làng Mỹ Trọng, tỉnh Nam Ðịnh, con một, cha là Tổng giám thị trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội ngày trước.

Khi người cha đem một cô đầu về làm vợ bé, mẹ chàng bỏ nhà đi sang Lào cùng với ông anh ruột. Bà dì ghẻ không có con, nuôi một cô gái làm dưỡng nữ tên là Tần. Năm lên chín tuổi, Thanh Nam cầm dao đâm hụt vào bụng dì ghẻ rồi thoát ly gia đình đến tá túc nhà người cô mà ơn nghĩa và tình thương đã khiến chàng nhận là mẹ.

Gã con trai tên Trần Ðại Việt bỏ học, xông xáo vào trường đời quá sớm, năm 15 tuổi đã làm thơ, viết văn với bút hiệu là Thanh Nam. Hà Nội còn có tên là Hà-Thành, Nam-Ðịnh còn có tên là Thành-Nam, có lẽ chàng đã lấy nguyên tên của quê quán mình là Thành-Nam làm bút danh và sau đó bỏ cái dấu huyền đi chăng?

Lúc di cư vào Nam, khi phải khai lý lịch để vô giấy tờ trước một ủy ban điều tra gồm hầu hết người Pháp, viên thông ngôn người Việt hỏi chàng:

-Làm nghề gì?

Tưởng đâu thơ văn là thứ mình ham thì kẻ khác cũng ham nên Thanh Nam trả lời:

-Làm thơ.

Viên thông ngôn thêm một dấu nặng dưới chữ thơ thành ra “Làm thợ” rồi dịch sang tiếng Pháp là “Ouvrier” cho mấy ông Tây coi.

Sự nghiệp của Thanh Nam gồm truyện dài, truyện ngắn và thơ. Chàng là tác giả một số lượng truyện dài đáng kể như: Hồng ngọc, Giấc ngủ cô đơn, Thuế sống, Cho mượn cuộc đời, Xa  như dĩ vãng, Gã kéo màn, vân vân… Người sáng tác thường theo hai đường lối khi viết truyện dài: viết văn hoặc đặt tiểu thuyết; dưới mắt một số độc giả, Thanh Nam là người kể truyện, người báo cáo những trường hợp khác thường nào đó của cuộc đời và lồng vào những giả thuyết nho nhỏ để tạm kết những điều mình đã viết ra. Chúng ta hãy tạm nghĩ rằng Thanh Nam là người viết tiểu thuyết hơn là người viết văn. (Người phê bình tác phẩm của Thanh Nam nặng tay nhất là tôi, lúc đó còn độc thân ở Huế).

Cộng tác với “Sáng tạo”, chủ trương tờ “Hiện đại”, Thanh Nam viết truyện ngắn và một số được gom lại thành hai tập truyện Buồn ga nhỏ, Cánh đồng xanh phía trước. Từ tiểu thuyết dài sang truyện ngắn, Thanh Nam đã lột xác, đã nhảy vọt về hình thức cũng như nội dung.

Ðoạn cuối của cuộc đời, Thanh Nam làm thơ. Ðất khách là thi tập duy nhất mà Thanh Nam đã ngâm với cái chết đang chờ, với cơn đau ung thư, với nỗi buồn được che kín và để hở…

o O o

Những ngày trước khi vào Sàigòn, tôi đã đi chơi song song bằng xe đạp với Ð.T., suốt hai vùng tả và hữu ngạn sông Hương.

Ð.T. khuyên:

– Hãy giữ lấy đời sống độc thân đừng lấy chồng! Khi tự do mất, những tế bào văn chương trong con người mất theo. Hãy tự do chơi bời cho sập trời đi để lấy chất liệu viết văn.

– Sợ xã hội cười mình ế chồng.

– Hãy bóp mặt cho ra đởm lượng, không sợ một con nhãi nào cười hết.

– Nhưng tôi thích có con!

– Không lấy chồng cũng có con được.

– Xã hội chậm tiến chứ đâu có vùn vụt như ý anh nghĩ!

– Sau khi T.H. đi, tôi biết thế nào cũng nhận được tin buồn T.H. lấy chồng.

Vào Sàigòn, gia đình tôi bắt đầu lo thủ tục giấy tờ thuyên chuyển, bắt đến trường Mạc Ðĩnh Chi ra mắt ông Hiệu trưởng, bắt ở nhà đánh tứ sắc với mẹ với dì, bắt dạy mấy đứa em học thi.

Hồi đó tôi đang định cho xuất bản tập truyện Vết thương dậy thì và khởi sự viết truyện dài đầu tay. Phi truyện dài bất thành văn sĩ, tôi theo dõi tác phẩm của những cây bút mới khác và cứ sợ họ viết hay hơn mình. Tôi còn đem áo quần tới tòa soạn “Bách Khoa” ngồi may máy vì vừa thích đi chơi vừa tiếc thì giờ. Hồi ở Huế, bao giờ chèo perissoire ra sông Hương tôi cũng cho vào cái túi ny-lông một con gà hoặc một con vịt đã nhúng qua nước sôi rồi đậu thuyền lại giữa dòng ngồi nhổ lông và hát nghêu ngao.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Hình như lần đầu tiên đến nhà tìm tôi, anh Mai Thảo nói:

– Những người con gái Huế mà tôi đã gặp hình như có nét mặt hao hao giống nhau: Nhã Ca, Hà Thanh, Túy Hồng, Lai Hồng, Nguyễn Thụy Hoàng…

Người con gái nhổ lông gà trên sông Hương cười:

– Chắc anh nhớ đến câu thơ Hàn Mặc Tử: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Chắc anh nhớ đến câu ca dao Trời mưa lâm râm ướt dầm ngọn khế. Tui thương một người ở Huế mới vô…

Ðêm một, tôi được dẫn đến biệt thự của Trần Thanh Hiệp.

Ðêm hai, đi ăn cơm Tàu Tân Lạc Viên.

Ðêm ba, họp mặt đông đủ, thiếu Mặc Ðỗ và Nghiêm Xuân Hồng.

Ai nấy ngồi yên tĩnh như để tự suy tôn mình ngoại trừ Trần Lê Nguyễn cứ rục rịch làm ồn ở thế động và nói dai. Hôm đó, nhóm “Sáng tạo” họp để bình luận một thời sự vừa xảy ra đang nói tới, cái magnétophone được đặt ở giữa thu thanh tất cả mọi ý kiến phát biểu, mỗi người nói ra điều mình nghĩ và sau đó, Mai Thảo ngồi lại mở băng magnétique nghe và viết bài. Cứ ngỡ là khách thì được ngồi yên nghe các ngài ngâm, nhè đâu họ bắt mình góp ý. Ðang lúng túng càng gỡ càng vướng môi dính vào răng miệng cạy không ra thì bàn tay người ngồi bên cạnh đập một phát vào vai.

Ðó là Thanh Nam mà ba năm về trước đã gặp nhau lần đầu trên đường Lê Lợi.

– Chào cô T.H.

Người đàn ông đó cười hề hề và ngắm tôi:

– Cô T.H. chuyến này vào Sàigòn ở hẳn hay lại trở ra Huế như lần trước?

“Thằng cha nói nhanh quá nuốt cả chữ”, tôi nghĩ và trả lời:

– Ở đây luôn, được hoán chuyển.

Sau đó, đêm nào tôi cũng đi ăn với Cái Bang. Các anh Mai Thảo, Thanh Nam, Hoài Bắc, Mặc Ðỗ, Anh Ngọc, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền tụ họp thành một băng gọi là Cái Bang. Họ nhậu rất nhiều nhưng ăn chẳng bao nhiêu. Tất cả ăn mày Cái Bang đều đối xử với tôi qua một cung cách và khoảng cách, riêng Thanh Nam cứ thấy mặt là xông tới ôm đại, níu kéo, vuốt tóc, vòng hai tay trói lại không cho cử động và đi theo sau lưng.

Những lần đầu tiên tôi kêu:

– Anh Thanh Nam không nên làm như vậy.

Thằng cha hề hề, nói nhanh như nói tiếng Tây:

– Con nhỏ Huế này có đôi mắt hình trái ớt.

Dần dần, bọn ăn mày Cái Bang lảng ra hết, chỉ còn một mình Thanh Nam đêm đêm đưa đón tôi đi ăn đi chơi dính chặt không rời, không rứt ra được.

Một đêm trước giờ giới nghiêm, khi chúng tôi đứng ở con hẻm Cống Quỳnh ôm nhau hôn để về ngủ ngon, Thanh Nam nói:

– Mai anh đến đón T.H. lên building Cửu Long ăn bánh cuốn.

Căn phòng độc thân của chàng gồm chiếc giường cũng độc thân, hai cái ghế sa-lông đứng đối thoại, bàn viết ngăn nắp, tủ áo nhiều màu xanh.

Bánh cuốn do một vũ nữ già làm cho, chúng tôi vừa ăn vừa bàn chuyện tạp lục.

Tôi hỏi:

– Hồi còn ở Huế, tôi có viết hai bài phê bình truyện dài của anh đăng trên báo “Tin Sáng”, anh còn giận tôi không?

Thanh Nam khoát tay:

– Chúng mình thích nhau lắm rồi, hãy bỏ cách xưng hô anh anh tôi tôi văn nghệ nửa mùa ấy đi.

– Tôi bắt chước các ca sĩ gọi anh bằng chú được không? Chú.

Lần đầu tiên tôi để ý chàng có đôi bàn tay suông suông tháp bút. Nhìn chung, Thanh Nam có nhân dáng cao gầy nhẹ nhõm, da xanh, cách ăn mặc dễ thích: áo sơ mi màu nhạt tươi mát, quần xám, xám sẫm, xanh đậm, không mặc màu nâu.

Ăn sáng xong, Thanh Nam mở cửa đùn chén bát ra ngoài cho chị bồi phòng đến dọn mang đi. Ở phòng tắm ra, Thanh Nam mở tủ đem xuống mấy cuốn album dán hình ảnh kỷ niệm của chàng, của bạn bè… Trong ba tập ảnh đó, nhiều thật nhiều hình bóng của những người đàn bà đã ghé qua cuộc đời chàng. Tôi chợt quay mặt về phía khác và bỗng nhìn thấy bức tranh của Bích Sơn to rộng một cách khác thường treo trên tường đối diện cái giường. Người trong tranh có đôi mắt hạt huyền mơ màng sương phủ núi Chapa, tóc thề kiểu gái Bắc, môi như trái tim.

– Bích Sơn ở ngoài đẹp không anh?

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Người đàn ông húng hắng ho:

– Ðẹp hơn! Dịu hiền, ngoan ngoãn nhưng không lanh và có duyên như Bích Thủy.

Trong một số báo “Kịch Ảnh”, Thanh Nam đã mệnh danh Bích Sơn là Kiều nữ. “Kiều nữ Bích Sơn, nàng đứng nhìn gì trên núi biếc?”. Ðó là câu đối xanh do Thanh Nam xướng và đã có người họa nguyên vận. Thanh Nam còn gán cho Út Bạch Lan cái tên Sầu nữ.

Thanh Nam nói:

– Anh rất muốn đi đến hôn nhân với Bích Sơn, nhưng trở ngại là Bích Thuận buộc anh phải theo đạo.

Ðôi mắt tôi vẫn không rời người đẹp trong tranh:

– Bức hình gì mà to bằng cả bức tường. Như vậy những lúc anh ở nhà, anh nhìn đâu cũng thấy Bích Sơn… Còn Thanh Nga, nghe đồn anh và Thanh Nga yêu nhau đến độ đoàn ca kịch “Thanh Minh-Thanh Nga” đang tính đổi tên là “Thanh Nam-Thanh Nga” phải không anh?

(Thưa quý độc giả, tôi mạn phép nhắc đến tên Thanh Nga và Bích Sơn, vì trước tôi, vài bài báo đã đề cập đến mối tình của họ với Thanh Nam rồi).

Thanh Nam trở mình:

– Thanh Nga là con gà đẻ trứng vàng của bà Thơ, bà Thơ đâu chịu gả cho đi lấy chồng.

– Thanh Nga là vương hậu của ca kịch trường miền Nam, là đệ nhứt đào thương của sân khấu cải lương… Thanh Nga thanh sắc vẹn toàn, đóng xi-nê cũng đẹp…

– Nó đẹp lắm, trên hay dưới sân khấu, ngoài hay trong ánh đèn màu đều đẹp… đẹp một cách toàn bích, quý phái. Nó là một con nhỏ ngoan nết, tốt tánh, dễ thương. Nó ngây thơ không biết xã hội hiện tại mình đang sống là gì, vì nó là đệ nhứt nữ kịch sĩ, nên bà Thơ giữ riết nó ở trong nhà, bởi nó mà đi ra ngoài, người ta bu lại nhìn mặt, cầm tay, sờ áo… Nó bị mẹ nhốt trong nhà nên nó i-tờ ngơ ngác, không biết cây cà-rem giá mấy đồng, gói xí-muội bao nhiêu tiền, rau muống mấy đồng một bó… Con bé lại có tâm hồn đa cảm, viết văn, làm thơ.

Ở chơi từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới rời, trên đường về tôi bảo:

– Sáng nay, H. nói dối với cả nhà là đi Biên Hòa ăn bưởi với anh… Vậy hãy ghé chỗ nào mua vài trái bưởi đem về cho cả nhà khỏi nghi… Mua bưởi gì cũng được vì gia đình người Huế thì bất cứ trái bưởi nào cũng là bưởi Biên Hòa.

Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, khi cả nhà tôi đang ngủ thì có tiếng gõ cửa, thằng em trai xuống mở cửa rồi kêu:

– Anh Thanh Nam tới! Anh Thanh Nam tới…

Tôi sửa soạn qua loa như mèo rửa mặt, chạy xuống nhăn nhó:

– Anh đến sớm hơn cả Sơn Tinh đi hỏi vợ… Thanh Nga, Bích Sơn thì anh đến thăm lúc họ đã đánh phấn vẽ mắt rồi, còn em thì mặt chưa rửa… Thật là bất công!

Người đàn ông trân trọng:

– Anh thức dậy từ bốn giờ sáng, sửa soạn áo quần ngồi chờ hết giới nghiêm lấy taxi đến đây hỏi em có muốn làm vợ anh không vì hôm qua chúng ta đã tỏ ra là vợ chồng.

Ðợi trời sáng bạch, nắng Sàigòn lên, chúng tôi vào chợ Tân Ðịnh ăn miếng măng. Thanh Nam ngậm ngùi:

– Ðời anh, anh sống hết cho bạn và cho người yêu. Những người đàn bà đã đi vô đời anh, anh thật lòng yêu họ chứ không làm dáng, anh yêu thật và anh đối xử hào sảng rộng rãi chứ không kẹo… cũng không keo. Khi xa nhau, tuy hiện tại hết yêu ái hẹn hò, nhưng tương lai vẫn còn nhớ, anh và người đàn bà không ai oán hận ai, thỏa hiệp giữ lại tình bạn và tình huynh muội.

oOo

Bức tranh kiều nữ Bích Sơn đã được gỡ xuống, họa sĩ Thái Tuấn trân trọng xin lại, nhưng Thanh Nam trân trọng giữ gìn làm kỷ niệm. Lễ đính hôn của chúng tôi gây huyên náo trong giới giang hồ nghệ sĩ từ Nam tông Bắc phái, ma giáo, cái bang hội, các nhóm bảo tiêu, cho đến bọn cá cơm ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo. Trước bàn thờ tổ tiên nghèo nàn và sơ sài của gia đình tôi, con em thứ tư của tôi, Ngọ Thu, và con em thứ năm của tôi, Dũ Xuân… đeo cho Thanh Nam chiếc nhẫn không mặt rồi chạy vào trong bếp tí toáy:

– Ðể ý coi… cái miệng anh Nam giống miệng cóc, hai mắt anh Nam cũng giống mắt cóc… Hay là Hoàng tử Cóc?

Trong lúc đó thì vài tên ăn mày Cái Bang cũng tí toáy:

– Em vợ của Thanh Nam giống T.H. từ ruột thịt giống ra nhưng đẹp hơn nhiều…

Ðám cưới được chuẩn bị vào cuối tháng Chạp dương. Tin được gởi ra Huế cho Ð.T. Ð.T. không đồng ý tôi lấy chồng, không đồng ý tôi lấy Thanh Nam. Có hai tên ăn mày Cái Bang cũng nghĩ như Ð.T. vậy, hai tên này ăn cơm Tây, uống Martell lắc đầu tán dóc: cuối cùng hai người lấy nhau, một cú “sút” tuyệt đẹp đá quả banh vào gôn. Thanh Nam thì độc thân lâu quá rồi, để cho nó lấy vợ… nhưng phải bắt Túy Hồng độc thân, phải đày đọa nó độc thân nó mới viết được, để nó lấy chồng là nó hư. Túy Hồng mót lấy chồng quá, túng quá, không có gan cóc tía chút nào hết… Ðúng hơn, Thanh Nam và Túy Hồng nên làm hai người tình của nhau thôi rồi tự do của ai, người ấy tôn thờ. Túy Hồng phải nhìn xa thấy rộng, phải yêu cuồng sống bạo, phải tự do quá trớn mới không hư. Túy Hồng mà cứ hiền như đi dạy học thì bỏ một đời. Phải tình nguyện là kẻ độc thân chứ!

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Ðám cưới của chúng tôi là một đại hội văn nghệ quy tụ đủ mặt quân công dân cán chính do bạn bè góp tiền đặt tiệc ở nhà hàng Ðồng Khánh, một đám cưới tiêu quá nhiều tiền mà không ai chê một câu vì chính khách đến dự đã sponsor đám cưới, tôi không lên xe hoa mà lên xe hơi của một người bạn lái về building Cửu Long, ở đó anh em đã mang quà tặng chất đầy gian phòng độc thân của Thanh Nam.

Ðêm đầu tiên thức khuya để mở phong thư đếm tiền mừng, Thanh Nam trợn mắt:

– Hồi chiều đám cưới, em làm anh ngượng với quan khách quá! Cô dâu gì mà cầm một con bồ câu quay xé hai ra ăn phăng phăng trước mặt mọi người không chào hỏi ai hết.

Gia đình tôi dễ dàng kết luận: Thanh Nam đã tỏ ra cao hơn mình đánh giá, có sao bạn bè mới nhường cơm xẻ áo cho vậy chứ! Mới quý cảm như vậy chứ!

Ðến hai mươi ba tháng Chạp năm 1966, đám cưới mở ra và tàn như hoa quỳnh, bài hát Lý Ngựa Ô bắt đầu và chấm dứt, hai người khắc tuổi, khác tính, ngược tư tưởng đã kết đôi và thề sống bên nhau trọn đời. Bảy giờ sáng hôm sau, có ai gõ cửa phòng – bấy giờ là tân phòng – Thanh Nam ra mở rồi đóng lại:

– Vũ Khắc Khoan đi ngang gõ cửa chọc chơi, anh bảo nó đi chỗ khác chơi rồi… Hắn đến thăm vũ nữ Mai Liên để xin con chó mới đẻ.

Vài ngày sau Thanh Nam lại mắng:

– Tính em thật giống Mai Thảo. Hồi anh với thằng Anh Ngọc thuê cái nhà trong Phú Nhuận ở chung, hai thằng thương yêu đồ vật giữ gìn cái gì cũng như mới. Mai Thảo bị đuổi nhà đến ở hai tuần lễ… bao nhiêu đồ đạc đều tan tành hết.

Trong một bài bình luận xã hội, Hoàng Hải Thủy viết: “Khoảng thập niên 60, một nhà văn có thể kiếm tiền gấp 5 lần một công chức”. Thanh Nam hồi đó viết feuilleton cho ba nhật báo, phụ trách hai chương trình văn nghệ trên đài phát thanh, lợi tức hàng tháng của chàng gấp gần bốn số lương đi dạy học của tôi. Khi một feuilleton nào sắp dứt, chàng lại có được 30 nghìn đồng nhà xuất bản hỏi mua để in sách.

Một ngày của chàng được chia ra như thế này: Sáng dậy uống trà rồi xoay qua ăn điểm tâm, xong ngồi viết bài cho đến 11 giờ sửa soạn lại tòa báo đưa bài, 12 giờ đi ăn với Sĩ Trung hoặc Ngô Tỵ hoặc các đồng nghiệp người Nam của chàng. Buổi ăn trưa luôn luôn kéo dài 6 tiếng đồng hồ; sau đó lấy taxi về nhà tắm rửa và xuống đường ăn một bữa cơm tối với Cái Bang cũng dài 6 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày Thanh Nam chỉ làm việc có ba tiếng đồng hồ thôi, chàng viết vèo vèo, bút múa lia lịa.

Lúc ông Nguyễn Ðình Vượng mướn anh Mai Thảo trông coi tờ “Văn”, ông đã than: “Hoặc là tôi lầm, hoặc là tôi có lý khi mời một người ăn một bữa trưa dài 6 tiếng đồng hồ là Tổng thư ký tòa soạn”.

Sau tết Mậu Thân, giới nghiêm từ tám giờ tối, quân đội cắm trại một trăm phần trăm, anh Mai Thảo vào ở hẳn trong tòa soạn báo Tiền Tuyến để chơi với anh em quân nhân văn nghệ trong đó và đánh bạc ăn được một triệu đồng!

Nói đến Mai Thảo, thỉnh thoảng Thanh Nam chép miệng:

– Nhiều lần đi trong giờ giới nghiêm bị cảnh sát bắt về ngủ bót bị muỗi đốt đầy mặt như người lên sởi!

Hồi đó, dược sĩ Lê Ðình Vượng được cấp giấy phép lái xe trong giờ giới nghiêm, dược sĩ than: “Từ ngày xin được cái giấy phép, không thấy công việc gọi, chỉ có cảnh sát kêu đến bót lãnh ông Mai Thảo về”.

(còn tiếp 1 kỳ)

TH, Ngày 4 tháng 5, 1986

(*) Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trên tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác, số 5 phát hành tháng 6-1986 từ trang 4 đến 18, là số đặc biệt Tưởng niệm Thanh Nam.