Mỗi năm cứ đến ngày 12 tháng 8 âm lịch, giới nghệ sĩ cải lương hân hoan đón mừng ngày giỗ tổ. Có những gánh hát sau một năm làm ăn khấm khá, lễ giỗ tổ được tổ chức long trọng trong 3 ngày liên tục và bầu gánh còn lì-xì (một hình thức thưởng tiền lấy hên) cho nghệ sĩ cũng như nhân viên âm thanh, ánh sáng, dàn cảnh, phục trang và luôn cả đội ngũ nhà bếp (thường gọi là “cơm hội”). Ngày giỗ tổ nghệ sĩ cũng được coi là ngày Tết để mọi người trong giới được nghỉ ngơi, thăm viếng nhau và hết lòng cho nghiệp tổ.

Trụ sở Hội ái hữu nghệ sĩ ngày nay 

Gần đến ngày giỗ tổ của giới nghệ sĩ cải lương, 12 tháng 8 âm lịch, nhật báo Ðông Phương và Ðại Dân Tộc đã quảng cáo và loan tin rộng rãi về xuất hát đặc biệt này do Hội ái hữu nghệ sĩ tổ chức tại rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh.

Lúc đó, tôi mới vừa nhập học vào trường Petrus Ký nên ba tôi cũng nuông chiều và cho tiền để mua vé xem xuất hát ấy. Hai anh em dắt nhau tới rạp thiệt sớm, vì nôn nao và cũng sợ bị trễ giờ. Bà “tướng cướp Bạch Hải Ðường” đứng gác cửa vòi thêm trăm bạc “tiền cửa” vì một cái vé vào cửa mà đến những .. hai đứa con nít:

– Hai đứa tụi bây đứng xớ-rớ đó lát nữa tao hổng cho dzô đâu!

Ngộ ghê, anh em tôi đi xem phim hầu như mỗi tháng ở rạp Văn Hoa Sài-Gòn, vẫn mua 1 vé cho 2 đứa coi chung mà có ai làm khó dễ gì đâu!

Khán giả đến xem hát đông như ngày hội, tầng dưới nhà và luôn cả trên lầu tràn ngập người và người. Chỗ ngồi của anh em tôi là dãy ghế bên hông, sát lối đi và cách sân khấu chưa đến 10 hàng ghế. Mua cái vé hạng nhì mà được xếp chỗ ngồi tốt như vậy nên hai đứa nhỏ cũng vui sướng và “ấm lòng chiến sĩ”! Chương trình nghệ thuật quy tụ một lực lượng ca, nhạc sĩ, nghệ sĩ hùng hậu và rất được ưa chuộng thời đó, cũng như sự “tái xuất giang hồ” của ban kịch Kim Cương và gánh hát Thanh Minh Thanh Nga lừng danh một thuở.

Ban tổ chức khai mạc chương trình đúng 15:30. Phần đầu tiên là những tiết mục ca nhạc với sự góp mặt của hầu hết các ca, nhạc sĩ thời danh. Mấy mươi năm trôi qua rồi nên  tôi chỉ còn nhớ được tiết mục mở màn của hai ca sĩ Thanh Mai và Sơn Ca mà thôi! Ca sĩ Thanh Mai xinh đẹp như búp-bê trong chiếc áo dài trắng tinh và đôi mắt tròn to như hai hột nhãn hát hai nhạc phẩm “Mai” và “Cơn gió thoảng” của nhạc sĩ Quốc Dũng. Ca sĩ Sơn Ca có gương mặt trẻ măng và sáng rực bước ra sân khấu trong tiếng reo hò của khán giả. Chị trình bày bài hát “Những vùng đất mang tên anh” của nhạc sĩ Thanh Sơn và một nhạc phẩm nữa của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Sau đó là phần đóng góp của ca sĩ Elvis Phương. Ban nhạc trẻ The Crazy Dogs cũng góp tiếng với hai bài hát kích động. Hai chị ca sĩ mặc áo cánh dơi màu đỏ rực và ngắn cũn-cỡn, quần path ống loe thiệt là loe. Ban nhạc chơi sống động, mấy chị nhảy muốn sập luôn cái sàn gỗ của rạp Quốc Thanh. Mãi đến sau này, tôi mới biết tên hai ca sĩ ấy là Ngọc Quý và Ngọc Bích. Ðúng là “con nhà Tông, hổng giống lông thì cũng giống cánh”, hai chị và mấy anh em trong ban nhạc là các con của đôi nghệ sĩ Việt Hùng và Ngọc Nuôi mà anh em trong giới nghệ sĩ cải lương hay gọi với cái tên trìu mến là cậu mợ Tư.

Ca sĩ Thanh Mai

Kỳ nữ Kim Cương cùng Huỳnh Thanh Trà, Ngọc Ðức và các kịch sĩ của ban kịch Kim Cương đã lấy hết nước mắt của khán giả qua kịch phẩm Trà Hoa Nữ của tác giả Hoàng Dũng. Khán phòng im phăng phắc để thưởng thức từng câu đối thoại đầy tính văn chương, nghệ thuật và nức nở với số phận của Y Lan, đóa hoa Trà xinh đẹp nhưng số phần không may mắn.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (05/22/2025)

Ðể thay đổi chương trình, nhà ảo thuật Z.27 với bộ đồ “kim-sa” lóng lánh với tài năng biến hóa nhiệm mầu được mời lên sân khấu trình diễn. Anh đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác. Những tràng vỗ tay khích lệ vang dội ngập cả khán phòng đã khiến các nghệ sĩ trình diễn say sưa như lân vui mừng khi được nghe tiếng pháo.

Phần nồng cốt của chương trình mà khán giả háo hức và mong đợi nhất là vở tuồng cải lương hay nhất của năm 1966 do ký giả Trần Tấn Quốc và ban giám khảo giải thưởng Thanh Tâm bình chọn. Ðoàn ca kịch Thanh Minh Thanh Nga “vang bóng một thời” tái diễn vở tuồng “Tiếng hạc trong trăng” của hai soạn giả Yên Ba và Loan Thảo.

Khung cảnh sang trọng và ấm cúng của Lý gia trang hiện về trên một xứ sở hồng rực cánh anh đào. Tướng cướp Thi Ðằng (Thành Ðược) giận dữ, hỏi tội Ly Phu Nhân (Kim Giác) vì đã không giữ lời hứa nuôi nấng đứa con của ông và tiện tay đưa bà về một thế giới khác làm người xem sợ đến .. nổi “da gà”! Lớp ca diễn chừng mực giữa Thần Y Ðông Trạch (nghệ sĩ lão thành Minh Ðiển) và Thi Ðằng đã khắc họa lên tấm lòng người thầy thuốc nhân hậu cũng như khối u tình của một tướng cướp lừng danh. Nghệ sĩ Thanh Nga vẫn đẹp muôn thuở với nét ca diễn đằm thắm và vô cùng duyên dáng. Chị rất xứng đáng với danh hiệu “nữ hoàng sân khấu” mà báo giới đã ban tặng. Những lời thoại, lời ca giữa Xuyên Lan (Thanh Nga), đứa con gái mù lòa mà Thần Y đã lượm về nuôi nấng bấy lâu và Thi Ðằng ngợi ca thâm tình phụ tử và đẹp đẽ như một bài thơ:

Xem thêm:   Bánh tráng mắm ruốc

– Tiểu thơ đừng tìm hiểu sự hy sinh, cũng như một cành mai, đến độ trổ bông … đừng, đừng ai quá bận lòng. Hỏi sao trên cành không còn lá điểm. Ðó là tâm sự của bông mai khi chúng muốn chào đời!

– Ðã đành là sự hy sinh có ý nghĩa riêng của nó, mà khi giải nghĩa rồi sẽ mất hết sự thanh cao !

Hay thật vui nhộn trong bài ca theo điệu “Xang Xừ Líu”:

– Tụi nó có hai ông ngoại, ông ngoại này khoét mắt của ông ngoại kia, cho má tôi thấy đường!

Hoặc bùi ngùi trong cách nói lối và vô vọng cổ thật “muồi” của nghệ sĩ Thành Ðược:

Hình bìa dĩa hát “Tiếng hạc trong trăng”

– Tôi không bước tới nữa đâu, tôi đã đứng lại đây rồi. Khoảng trống này thật chẳng mấy xa xôi mà thăm thẳm như trường thành vạn lý. Ðây là tấc lòng của kẻ sắp ra đi nên trân trọng có đôi lời gởi gắm, nếu người với Xuyên Lan đã có tình sâu nghĩa nặng thì tôi mong mỏi núi kia không phai màu ước hẹn, mỗi tuần trăng, trăng sẽ thắm hương … thề !

Tiếng vỗ tay rền vang từ khán phòng sau câu vọng cổ ấy. Tưởng cũng nên nhắc lại, với vai diễn này nghệ sĩ Thành Ðược đã nhận được từ ban tổ chức giải Thanh Tâm giải thưởng dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất trong năm 1966. Ngày xưa, các soạn giả viết tuồng hay ghê, nội dung hợp lý, lời văn mạch lạc, lời ca lại tràn đầy những ý, tình.

Xem thêm:   Quỹ đầu tư lừa đảo

Sau xuất hát đó, báo chí Sài-Gòn đã đồng loạt đưa những tin vui: “Ðêm hát thành công về nghệ thuật cũng như tài chánh! Một nghĩa cử cao đẹp hơn nữa là tất cả số tiền bán vé được sung vào quỹ của hội vì các nghệ sĩ tham gia chương trình không một ai nhận tiền thù lao cả!”. Loáng thoáng đâu đó những tin tức bên lề được đăng trên mặt báo để chiều lòng độc giả như “nghệ sĩ Minh Ðiển đã lui về Vũng-Tàu mở quán cà-phê sống qua ngày sau khi gánh Thanh Minh Thanh Nga hạ bảng hiệu. Khi được lời mời từ nghệ sĩ Thanh Nga về hát cho Hội nhân ngày giỗ tổ và nhất là được hát lại vai cũ, lão nghệ sĩ mừng quá đã vội vã chạy về Sài-Gòn để tập dợt. Ði đến nửa đường mới biết mình đã quên cái đầu tóc của Thần Y nên phải quay trở lại nhà để lấy. Nghệ sĩ Hữu Phước “giận” Thanh Nga vì chị đã không mời anh góp mặt trong vai Bình Thiếu Quân, anh trai của Xuyên Lan!”.

Vì thời gian có hạn và có quá nhiều tiết mục cùng với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ tham gia chương trình nên vở tuồng chỉ trình diễn được hai màn sau, một cảnh ở Ly gia trang và cảnh chót dưới chân đồi Tuyết Sơn, nơi mái tranh nghèo của Thần Y Ðông Trạch. Có lẽ vì lý do đó mà nhân vật Bình Thiếu Quân của nghệ sĩ Hữu Phước đã không có cơ hội góp mặt.

Ðêm hát giỗ tổ muôn màu khép lại nhưng đã để lại trong ký ức khán giả những hình ảnh lung linh và những thanh âm tuyệt diệu. Nghệ sĩ xếp lại xiêm y, màn nhung buông xuống, sân khấu về khuya cũng thôi rực rỡ ánh đèn. Có ai ngờ được, đó cũng là xuất hát cuối cùng của Hội nghệ sĩ tổ chức trước khi mùa xuân bão lửa tràn xuống từ bờ Nam con sông Bến-Hải đến tận mũi Cà-Mau.

TV