Sau ba bài viết đăng trên Trẻ, tôi tâm sự với một người bạn Pháp rằng “Tôi đang viết về Paris, về nước Pháp cho độc giả Việt Nam đấy.” Bà bạn chúc mừng tôi. Theo bà, thân phận một người lưu vong như tôi nói riêng, và những người Việt Nam lưu vong khác, vẫn nên tiếp tục suy tưởng và diễn đạt bằng ngôn ngữ của riêng mình bên cạnh việc cần phải trau dồi thêm ngôn ngữ sở tại. Rồi đột ngột bà hỏi tôi “Thế ông viết khen hay chê nước Pháp?” Hơi bất ngờ trước câu hỏi thẳng, nhưng tôi cũng trả lời ngay không chút do dự: “Phê phán nước Pháp hay chê Paris thì có lẽ chưa cần đến người như tôi. Công việc này, theo tôi, chính đã là một đặc tính của người Pháp. Bà chả có lần nói với tôi, trong dịp phong trào Áo Vàng làm bấn loạn cả trung tâm Paris, là:  ‘Người Pháp chúng tao không bao giờ hài lòng với hiện tại cả’.”

Tấm bảng có nghĩa “Macron về vườn đi” (compost: chất thải hữu cơ lên men, thối rữa để làm phân bón cây) trong cuộc biểu tình tại Paris ngày 21/09/2019. Photo: PHS

Bà bạn nhìn tôi mỉm cười chờ đợi. Tôi cũng cười và nói tiếp, “Bà phải nhớ là tôi đến từ một đất nước mà hệ thống cầm quyền của nó, về lý thuyết, vẫn coi những nước như Pháp – tư bản chủ nghĩa – là kẻ thù, là mô hình không chỉ đầy hư tật mà còn đáng phải bị lật đổ nữa đấy !”

Nhưng tôi cũng chia sẻ với bà rằng vị thế của tôi hiện nay không phải là vị thế tốt để khen nước Pháp. Thành ngữ Việt vốn có câu “Ăn cây nào rào cây ấy”. Tôi, một kẻ đang sống trên đất Pháp, đang được chính phủ Pháp giúp đỡ và bảo vệ, chắc chắn sẽ có những người Việt đánh giá những gì tôi viết hay về Pháp chỉ là chuyện “ăn rào” thôi.

Xem thêm:   Móng sư tử

Chắc bà bạn cho rằng tôi không hiểu hậu ý của bà trong câu hỏi “Thế ông viết khen hay chê nước Pháp?”, bà khẽ khàng nhưng rõ ràng nói lại:

“Nhưng sự phê phán từ cái nhìn của một người ở xa như ông sẽ có những giá trị khác với những người đã sinh ra và lớn lên ngay tại Pháp chứ?”

Tôi hơi lúng túng trước sự tấn công chính xác của bà. Sự bối rối này khiến tôi mạnh dạn nói luôn với bà:

“Thực ra trong thâm tâm tôi từ lâu nay đã xác quyết một kết luận rằng dân tộc Việt Nam chúng tôi, nói chung, cần phải nhìn nhận những dân tộc như Pháp là người hơn mình, người đi trước để học hỏi nhiều hơn là chỉ trích, phê phán. Theo tôi, xét tổng quát ở hầu khắp các lĩnh vực, như khoa học, tư tưởng, thương mại, giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi sinh và chính trị, chúng tôi đều ở một trình độ thấp hơn nhiều so với nước Pháp. Ðấy là mới so sánh chỉ ở giai đoạn hiện nay, thời kỳ rất lâu sau khi chúng tôi đã được tiếp cận với nước Pháp rồi. Do đó tôi tự xác định ưu tiên chính của tôi là phải làm cho các độc giả của tôi thấy được nhiều hơn những điều hay, những điểm mạnh, ưu việt của nước Pháp để mà học hỏi, cầu tiến chứ.”

Xem thêm:   Những điểm du lịch không nên đến!

Sự bộc bạch của tôi hẳn vẫn không làm cho bà bạn tôi hài lòng, bà cộc lốc:

“Pháp đầy hư đốn!” (France, pleine de vices!)

Tới đây quý bạn đã có thể nhận ra một sự khác biệt nào đó trong tư duy của một người Pháp so với nếp nghĩ thường có của người Việt Nam chúng ta.

Ở trên có nói tới phong trào Áo Vàng (gilets jaunes), đây là một phong trào dân sự chống chính quyền, khởi phát từ cuối năm 2018, với động cơ đòi chính quyền phải quan tâm tới đời sống của thành phần không có thu nhập cao, đặc biệt những người ở các tỉnh. Phong trào đã có lúc tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn trong xã hội, lúc cao nhất đạt khoảng 80% dân số ủng hộ. Ðối với suy nghĩ thông thường của một người Pháp bình thường thì chuyện bày tỏ phản đối chính quyền, phản đối tổng thống hoặc thể hiện chống chính quyền, chống tổng thống về một chính sách nào đó là chuyện hết sức thường tình, thậm chí cần phải thế. Chưa kể, xã hội Pháp còn có những cá nhân chống đối cực đoan đến mức muốn ám sát, trừ khử tổng thống vì bất ưng với chính quyền. Sự cực đoan này là phạm luật hình và phải đối mặt với tòa án, nhà tù. Tuy nhiên, cái tinh thần coi chính quyền, chính phủ, tổng thống, thủ tướng là những đối tượng cần phải bị săm soi, phê phán, sỉ vả, kiểm soát, tấn công là một phần cơ bản trong đầu óc dân Pháp.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Ở Pháp tôi chưa bao giờ nghe hay đọc thấy một nhà báo, một cơ quan truyền thông nào đưa tin rằng: “Nhà nước ta đã…”, “Hôm qua, chính phủ ta đã…”, ‘Tổng thống của ta sẽ…”, kể cả trên các báo chí thân chính quyền. Dân Pháp, cũng như công dân mọi nước dân chủ khác, thường không gọi chính phủ, chính quyền hay tổng thống với sở hữu cách “ta”, “của ta”. Bởi đối với họ, chính phủ, tổng thống (chủ tịch nước) hay thủ tướng, chứ chưa nói đến hạng chủ tịch (tổng bí thư) một đảng phái, chỉ là những đối tượng được ủy quyền để phục vụ người dân, quản trị xã hội trong một thời gian nhất định. Và không phải tất cả mọi người dân đều bỏ phiếu tán thành cho cái chính phủ, tổng thống đó nắm quyền. Họ không thể ngây thơ gọi những bộ máy, những nhân vật đó là “của ta”. Những kẻ cầm quyền càng không thể thậm xưng tự gọi là “của ta” để được thống trị mãi mãi.

Ðiện Élysée lộng lẫy vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở của Tổng thống Pháp. Emmanuel Macron là Tổng thống hiện thời của Pháp. Báo chí Pháp hay gọi Tổng thống Pháp bằng cái tên cộc lốc Macron, hoặc đơn giản: “kẻ thuê Ðiện Élysée” (le locataire de l’Elysée). Trầy trật lắm mới có thể “thuê” yên ổn trong 5 năm, hoặc cùng lắm là 10 năm liên tục. Macron không thể là «tổng thống của ta» như cách thậm xưng của những kẻ cầm quyền tại Hà Nội từ năm 1954 tới nay.

PHS

(04/10/2019)