Có lần đọc ở đâu đó người ta nói cuộc đời con người là một quá trình sinh ra rồi để chết đi, hồi nhỏ tôi thấy điều đó thật phi lý, vì còn trẻ nên thấy cuộc đời luôn tươi đẹp chỉ toàn một màu hồng. Sau này lớn lên, càng nghiệm ra câu nói ấy là một thực tế của con người. Cuộc đời con người sinh ra là để chết đi, hoàn toàn biến mất trên thế gian, vậy cuộc đời là một cõi mộng? Chết đi mới là cuộc sống vĩnh hằng?

Ba tôi đang sống trong thế giới vĩnh hằng và tôi cảm thấy an ủi khi nghĩ rằng nơi ấy ông bình an. Cõi mộng của cuộc đời ông là những chuỗi ngày gian khó trong một đất nước điêu linh, chiến tranh tàn khốc, rồi chế độ sụp đổ rồi ông thất nghiệp. Từ một gia đình trung lưu chúng tôi hoàn toàn tay trắng. Ông phải bươn chải làm những nghề mà ông không bao giờ ngờ tới. Tôi vẫn còn nhớ tiếng cửa sắt ken két lúc đêm hôm, ông lách mình ra ngoài để kịp lên rừng làm song mây, đi làm thủy lợi, cho dù trời nắng cháy hay cái lạnh cắt da, bữa cơm gia đình ông nhường cho đàn con ăn trước và luôn giành phần cơm cháy, cơm độn khoai mì, khoai lang cho mình. Với một gia đình có 9 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, là một người đàn ông đầy trách nhiệm ông gánh vác bươn chải để cho chúng tôi có cái ăn, cái mặc đủ đầy. Ông quyết không cho đàn con nghỉ học như những gia đình khác khi thời thế đổi thay, cho dù gian khổ, với ông việc học vô cùng quan trọng, lúc nào ông cũng nói thời nào người ta cũng trọng con chữ, hãy gắng học lên con. Mẹ tôi thì luôn dạy “Áo rách phải giữ lấy lề” cho dù thế nào đi nữa khi ra đường phải tươm tất, kiêu hãnh mà đi. Mẹ luôn kiêu sa cho đến tận bây giờ.

Ngày tôi còn bé, những nét chữ đầu tiên tôi tập viết trên căn gác nhỏ sau nhà, ông đứng bên cạnh uốn nắn, cầm cây thước gỗ trên tay, gõ xuống mặt bàn khi tôi viết xấu. Ông thường nói chữ viết phản ảnh tâm hồn con người, con không được viết nghiêng viết ngả, phải ngay phải thẳng như chính tâm hồn con.

Xem thêm:   Trăm năm tiếng Việt

Ba là người dẫn tôi đến trường vào học lớp 1 trường Tiểu học cộng đồng Mai Xuân Thưởng, ông xin thầy giáo cho tôi ngồi đầu bàn để nghe giảng bài cho rõ vì tôi ốm yếu, hầu như năm học nào tôi cũng ngồi đầu bàn nhất hay bàn nhì.

Có lẽ vì thích đọc truyện từ nhỏ nên tâm hồn tôi luôn nhạy cảm, thích sống trong thế giới của riêng mình, tôi nhớ năm học lớp 3, thầy giáo ra đề tập làm văn “Em hãy tả con chim nhỏ lạc vào vườn nhà em” và bài văn ấy được đọc lúc chào cờ tuần hôm sau. Ngày xưa, những bài văn hay đều được các thầy cô cho các em vinh dự đọc lúc chào cờ như một khuyến khích. Nụ cười của ba rộng mở khi tôi về khoe.

Hàng đêm, ba chỉ mở ti vi chương trình dành cho tuổi hoa nhỏ khoảng 30 phút, rồi tắt. Bắt chúng tôi ngồi vào bàn, học bài cho ngày hôm sau, có nhiều khi tôi lén xem truyện để dưới cuốn vở, tiếng chân của ba bước lên bậc thang là tôi làm như chăm chú lắm. Trong những mùa thi thì khỏi nói, ba canh chúng tôi học, mẹ thì đem từng ly sữa cho chúng tôi uống.

Chúng tôi lớn lên trong vòng tay cha mẹ đầy yêu thương và tôi cảm thấy hạnh phúc sống trong một gia đình đông con nhưng nề nếp của mình.

Rồi thời gian trôi qua chúng tôi lớn khôn đã có gia đình, ông bắt đầu già, lúc ấy chúng tôi vẫn còn khổ vì miếng cơm manh áo trong một xã hội bao cấp, đói nghèo.

Bảo Huân

Ông dõi theo bước chân của từng đứa con mình, ông lo lắng khi thấy các con ra đời với nhiều vất vả, mỗi đứa là một nỗi niềm riêng, những thăng trầm khác nhau. Ông an ủi, chia sẻ và luôn khuyến khích đàn con. Mỗi lần về thăm, ông luôn nhắc tôi giữ ấm, đi đường cẩn thận nghen con, con bé gầy yếu quá, công việc có nhiều lắm không con. Ngày tôi về khoe với ba mẹ, con mới vừa thi đậu cao học, con vừa đi làm vừa đi học tiếp hai năm nữa. Ông lo lắng vậy rồi tụi nhỏ ra sao, lương đâu mà sống. Tôi cười, nhà trường cho con đi học, con vẫn nhận lương và hàng tháng còn được trợ cấp thêm 500 ngàn đồng nữa, việc nhà con tự sắp xếp, vậy là ông yên tâm. Ông không biết rằng thời gian đó một mình tôi làm 3 job. Không như các thầy cô trong trường sau giờ dạy họ tăng gia sản xuất nuôi heo, nuôi gà, trồng rau quả để tăng thu nhập. Tôi không làm được, hàng đêm tôi nhận những luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ để đánh máy, sửa chính tả. Nhận viết tất cả những bằng tốt nghiệp của sinh viên, bằng khen của trường. Hai nghề làm thêm này là nhờ ba tôi dạy. Nhà tôi có 2 máy đánh chữ, ông dạy chị em tôi biết đánh máy, từ năm lớp 8 lớp 9 tôi đã biết soạn thảo văn bản đánh máy cho người ta, chữ viết là ông rèn từ bé. Tôi nhờ ơn ba tôi nhiều lắm. Hôm sau, mẹ nấu nồi chè mừng, giọng ông vui trong điện thoại, cả nhà con đến ăn chè mẹ mới nấu. Ba tôi thích ăn ngọt, ông có thể ăn hết hai chén chè một lúc.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

9 đứa con đều ra ở riêng, ba mẹ tôi sống một mình tự chăm sóc nhau. Mấy tháng trước khi ông mất, tôi về thăm ông nói với tôi, ba muốn làm một ngôi mộ đôi, nếu như ba mẹ có chết đi thì vẫn nằm bên nhau như một linh tính. Và khi ông mất chúng tôi đã thực hiện điều đó.

Ngày ba tôi mất là một thời gian đen tối nhất trong tâm hồn chị em chúng tôi, những đứa con của ông từ nhỏ cho đến lớn luôn răm rắp nghe theo lời dạy của ông, yêu thương ông, kính trọng ông, tôi không bao giờ nghĩ đến việc ông sẽ không còn nữa, ông sẽ biến đi vĩnh viễn, nó làm trái tim tôi tan vỡ. Trên đường đi đến nghĩa trang tôi không khóc, nhưng khi người ta đưa ông xuống huyệt tôi như một người khác, tôi hét lên và nhào đến lăn lộn và nói những điều không đầu không đuôi như một người điên, tôi không phải là tôi nữa. Tôi mãi không chấp nhận sự ra đi tức tưởi, đau đớn bất ngờ của ông. Phút cuối chắc là ông đau lắm, sợ hãi lắm vì không một người thân bên cạnh. Tôi hận xã hội mà tôi đang sống sản sinh ra những quái thai. Một tên say lái honda, một đám đông thờ ơ vô cảm, một bệnh viện XHCN máu lạnh phải chờ có thân nhân mới làm thủ tục chữa trị. Khi gia đình tôi biết tin thì quá trễ. Cõi mộng của ba đã chấm dứt, kết thúc cuộc đời nhiều gian truân cho đến phút cuối. Tôi tin nơi cõi vĩnh hằng ông sẽ thanh thản khi thấy anh chị em tôi yêu thương nhau và thành công trong cuộc sống.

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

19 năm đã trôi qua, năm nào cũng vậy sau Lễ Vu Lan, hơn một tuần nữa là đến ngày giỗ của ba, hôm nay tôi không thể cùng các chị đi thăm mộ ông vì sức khỏe có vấn đề, tôi cảm thấy bứt rứt.

Mỗi lần nhìn các con tôi, tôi lại nhớ đến ông, tôi cũng sẽ như ông dạy con mình bước ra đời tự lực. Hãy bước ra và làm chủ cuộc đời của riêng mình.

Ông luôn nói với tôi: Con cái con là cuộc sống của con rồi chúng sẽ trưởng thành và cũng sẽ ra đi như con, sau này tụi con ở một mình rồi sẽ ổn. Trách nhiệm của con đã xong, hãy biết buông khi chúng lớn.

Tôi luôn ghi nhớ lời ông dạy, những lời ông nói và tôi sống như thế mỗi ngày. Và cha tôi đã dạy tôi khôn lớn bằng cách đó.

BM