Đọc tập thơ “Chưa chi đã hết đời” & “Gã làm thơ thời nhôm nhựa” của Hùng Nguyễn, NXB Nhân Ảnh, Hoa Kỳ, 2021

Gã làm thơ HÙNG NGUYỄN, trong mấy tháng đầu năm 2021 (từ tháng Giêng đến tháng Tư) đã cho ra mắt bằng hữu và bạn đọc yêu thơ 2 tập thơ, mang tựa đề chẳng giống ai: “Chưa chi đã hết đời & Gã làm thơ thời nhôm nhựa” dày hơn 500 trang với 129 bài thơ đủ thể loại (tập CCÐHÐ) và 740 bài thơ lục bát, tứ tuyệt (tập GLTTNN). Ðặc biệt, gã in để lưu niệm, tặng bạn bè, người yêu thơ chứ không bán, đủ biết gã “bản lãnh” và cũng rất lãng mạn mê đắm “nàng thơ” đến mức nào!

Hùng Nguyễn quê Phú Yên, sinh năm 1957, đã có trên 10 năm “lưu lạc” ở xứ Hoa Kỳ, và cũng chừng ấy năm Hùng “múa bút… kẻ lông mày” cho “nàng thơ” theo kiểu Trương Vô Kỵ với Triệu Minh trong tiểu thuyết của Kim Dung. Theo tâm sự, Hùng làm thơ để vơi bớt những cực khổ trong lúc “tha hương cầu thực”, giảm những căng thẳng của trí óc. Làm thơ mọi lúc mọi nơi, trên mảnh giấy bao thuốc lá, góc của tờ báo, giấy… lau tay, và cả trên lòng bàn tay… Thơ Hùng Nguyễn đầy nội lực và ăm ắp những nỗi niềm thân phận, cả nhớ nhung một miền quê xa lơ, xa lắc, có khi lại đầy tính thiền và triết lý sắc không của đạo Phật.

Với tập thơ “Chưa chi đã hết đời”, một Hùng Nguyễn “bất đắc chí” nhưng cũng rất ngang tàng, khí phách, bởi một thời tuổi trẻ đa đoan và đầy bất trắc ở quê nhà. Hãy nghe nhà thơ “Thay lời mở đầu”: Nhậu hề! Cứ tưởng Lương Sơn Bạc/ Thất chí cuồng ca chén rượu mời/ Uống say cho đã thành hảo hán/ Rút đũa làm gươm chém lên trời, vì bởi: “Nhậu hề! Ba gác neo trụ điện/ Trật áo chìa vai cõng sắc mùa, rồi “Ðè gã thợ hồ biết làm thơ/ Nhe hàng răng vẩu ngâm tha thiết/ Bài “Tống biệt hành” say lơ mơ”. Vậy là Hùng cũng đang “hành” và chẳng “sá thời mạt vận” để thấy “chén rượu bình dân mấy tội tù/ Áo gấm cởi ra lòng vô tận/ Uống với cùng đinh miễn bạn thù rồi tự hỏi: “Nhậu hề! Khinh khỉnh cười áo rách/ Mẹ già thoăn thoắt vá liền tay/ Thì đây rượu phạt nhau tắc trách/ Non nước rách rồi ai vá đây?” (bài đã dẫn, trang 15). Một khoảng thời gian xa xứ, chưa thể gọi là dài nhưng cũng đăng đẳng. Ngậm ngùi với “Nỗi buồn tên Mỹ da vàng” là: “Gác xép Việt kiều ngồi bó gối/ Ðêm Mỹ nỗi buồn trắng tinh khôi/ Ðâu rồi?Ba chén Ðơn Hùng Tín…/ Gánh rượu Kinh Kha cũng khô rồi…/… Những con chốt thí giờ sang sông/ Hà sa ai ngấn sợi tơ đồng?/ Mà rời chiến địa niềm hoa rũ/ Bên lề tướng sĩ có đau không?” (trang 99). Và thôi cũng đành một phận long đong: “Ngựa hồng gặm cỏ thái bình/ Mà say như thể chiến chinh vào mùa/ Cúi đầu sĩ tốt a dua/ Cụng nhau chén phạt để thua trận đời” (Thất phu ca, trang 57).

Xem thêm:   Nhẫn

Ở thể thơ 7 chữ, Hùng Nguyễn tỏ ra vững vàng và rất chắc tay. Hùng sử dụng nhiều từ cổ, tên và hình ảnh của truyện Tàu, hay truyện võ hiệp, thể hiện sự khí khái, bất nhẫn, có khi khiến người đọc trẻ tuổi khó hiểu. Nhưng điều khiến người đọc thích thú và ấn tượng khi Hùng mượn những hình ảnh rất quê nhà như “Em thơm như… mùi bông tần ô tháng bảy: “Nâng ly chạng vạng ngập ngừng/ Buồn vui loang lổ màu rừng trong ta/ Quê chừ xa mịt mù xa/ Từ chưn thất bát đầu đà chôn kinh…/ Bông tần ô thơm… đa tình/ Tưởng mùi con gái quê mình bay qua/ Thơm dã man/ Thơm thiệt thà…./… phải rồi/ Tháng bảy/ Chuồn chuồn/ Gắp hương bỏ gió, gió luồn chân mây/ Bão ngồi chờ ngọn Nam gầy/ Ta ngồi…/ Chực áo em bay thơm lừng...” (trang 17), hay mượn sợi Tóc để mà liên tưởng: “Tóc vẫn hành hương trên đồi ngực/ Thăm chừng mấy nắng để chiêu xuân…/ Tóc vẫn diễu hành qua miền nhớ/ đâu biết đang mùa hoang hóa thơ” (trang 25) và mang cả ký ức “Ðêm sông Ba”: “Ðêm sông Ba hư ảo/ Trăng đầu mùa bán khai/ Ta ôm em bá đạo/ Cháy một trời liêu trai…/… Ðêm sông Ba lóng lánh/ Say nửa vườn trăng di/ Ta ôm em lành mạnh/ Thơm nửa dề tường vi…” (trang 127). Cùng cả cái gu sành điệu “Danh tửu ba miền”: “Về Nam uống rượu Gò Ðen/ Say mắt con gái quên đèn đỏ xanh…/ Ðò chìm sóng rượu xuôi Trung/ Gõ ly Bàu Ðá thì thùng Tây Sơn/ Say như Ðào Tấn say đờn…/ Tháng mười ra Bắc giỗ cha/ Rượu Làng Vân ngấm đuối ba bốn ngày/ Bềnh bồng xác gió hồn mây/ Dưng lòng mắc cạn giữa bầy… cháu dâu!” ( trang 66).

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Kể cả cái điều tinh quái nhưng cũng rất thật dễ thương của gã làm thơ (tôi sửa là chưa hết thời!): “Chiều rình chim trống gù chim mái/ Chợt nhớ, chợt cười thuở trai tân/ Nhà con bạn học ngày mấy bận/ Xớ rớ như bò quấn nọc rơm…/… Chiều rình chim mái hành chim trống/ Chợt nhớ có thời cũng nai tơ/ Em đi qua lại như đi chợ/ Mà cả bài thơ cứ trang đài…/… Chiều rình chim trống đè đạp mái/ Chợt thấy đời vui khi lượm tiền” (trang 195).

Cuối cùng nhà thơ muốn thay lời bạt: “Lần về kiếm nẩu ôm gỡ vốn/ Cái miệng, trời ơi! Ngọt vô cùng…/… Lần về trở lại ngôi trường cũ/ Thơm đến nao nao áo học trò/ Em qua ngà trắng bông đu đủ…/ Lần về cởi áo tìm sức vóc/ Giật mình còn lại mấy lăm hơi/ Cởi lòng ra đếm rồi bật khóc/ Mẹ kiếp, “chưa chi đã hết đời”!”. À thì ra cái “hết đời” của gã là “không còn mấy lăm hơi”, nói như nẩu là “tậu rầu”.

o O o

Ở tập thơ thứ hai “Gã làm thơ thời nhôm nhựa” là 740 bài lục bát, mỗi bài 4 câu, cái tâm cảm của người làm thơ như chùng xuống, nhẹ nhàng nhưng đằm sâu. Thì cũng thế thái nhơn tình, song cũng đã nhận ra những điều nhân quả của cuộc sống: “Trùng phùng ta liếm mặt nhau/ Như Phèo liếm Nở, như Mầu liếm Nô/ Mặt người nắng hạn đồng khô/ Mặt ta dúm thương hồ về kinh (Liếm, trang 34), hoặc: “Hôn người nước miếng như chao/ Râu ta như cải chấm vào ngọ trai/ Thương mình một cuộc tình chay/ Nghe da thịt réo… ăn mày chuông (Tình chay, trang 34).

Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, song cái tứ và nghệ thuật dùng từ của Hùng Nguyễn có thể nói là dày công “đãi cát tìm vàng”: “Ta theo tờ lịch để mòn/ Lịch còn thay mới, ta còn đâu?/ Gật gà ngáy giấc công hầu/ Chiêm bao vấp phải cỏ khâu trên (Mòn, trang 143) hay như: “Tiếng chim chật cứng cả chiều/ Lấn xô tiếng sóng thiếu điều vô âm/ Ta ngồi ghế đá giả câm/ Rình nghe tiếng vạc xuống nhầm công viên...” (Tiếng chiều, trang 179) và: “Từ em đỏ mắt chân trời/ Tiễn người một chuyến mãn đời vô cương/ Hề, ta bá tánh thập phương/ Cúi đầu khuất nhục dặm trường Thục quyên.” (Viễn xứ, trang 183).

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Bên cạnh, chút cợt đùa, chua chát, không khỏi băn khoăn: “Ta cười Di Lặc thế thôi/ Chứ lòng đã rách, tinh khôi nỗi gì?/ Xứ người công nghệ từ bi/ Tứ thời y bát có gì mà vui.” (Di Lặc cười, trang 18), hay “Ðêm qua có ngủ với chồng/ Làm ơn đừng xách mặn nồng ra khoe/ Buồn đưa nhãn rụng đầu hè/ Chim quyên hót giễu anh mê vợ người!” (Ngẫu hứng Lý chim quyên, trang 22). Và đôi khi trở nên dễ dãi: “Con gì ăn chực lòng nhân/ Cái óc thì rỗng cái tâm thì mòn/ Nổ hơn pháo tết… đùng… đoàng/ Ðáp đúng có thưởng (trừ con… Việt kiều)” (Đố vui có thưởng, trang 46), hoặc: Á ngờ ăng… trờ ăng trăng/ Bỗng ma thuật chữ biến Hằng ra tiên/ Vàng bay ngộ cõi minh thiền/ Qua ngàn cổ tích vẫn… tiền mãn kinh!” (Trăng trong thơ, trang 47).

Robert Frost (1874-1963), thi sĩ người Mỹ 4 lần đoạt giải Pulitzer đã viết: “Thi ca là khi một cảm xúc tìm được ý nghĩ, và ý nghĩ tìm được ngôn từ” (Poetry is when an emotion has found its thought and the thought has found words). Người viết xin dừng ở đây, để quý bằng hữu, bạn đọc yêu mến thơ bước vào từng trang thơ của Hùng Nguyễn để thấy được sắc thái “ngôn từ” của thơ Hùng Nguyễn và xác nhận “Gã làm thơ thời nhôm nhựa” vẫn “chưa hết đời” và vẫn còn bút lực để bước tiếp trên chặng đường thi ca…

THV