Khi Nga tấn công Ukraine, mọi người liên tưởng đến số phận Đài Loan, một đảo quốc nhỏ bé nằm lẻ loi, trơ trọi bên cạnh Trung Quốc bự chảng. Lâu nay Trung Quốc vẫn cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và sẽ hợp nhất khi có dịp, bằng “cười” hay “khóc”, tùy theo sự “giác ngộ” của dân Đài…

Đài Bắc về đêm. (nguồn ảnh https://thequantuminsider.com)

Chân dung xứ Đài

Ðài Loan hay còn gọi Trung Hoa Dân Quốc là một hòn đảo  nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, có đường biên giới biển giáp với Trung Quốc.

Ðài Loan  có dân số 24 triệu người, diện tích 36,000 km2, nhỏ hơn nước Việt Nam 9 lần (331,210 km2), nhỏ hơn tiểu bang California 11 lần. Tuy nhiên Ðài Loan được xếp vào hạng hòn đảo lớn thứ 38 trên thế giới.

Thủ đô Ðài Loan là Ðài Bắc. Gần 2/3 lãnh thổ Ðài Loan được bao phủ bởi núi đồi và rừng rậm. Ðồng bằng tập trung tại vùng ven biển phía Tây và cũng là nơi sinh sống chính yếu của người Ðài Loan.

Người ta kể rằng, tên gọi Ðài Loan có từ năm 1554 khi một  tàu buôn của người Bồ Ðào Nha tình cờ nhìn thấy, một người thốt lên “Ilha Formosa!”, có nghĩa là ‘hòn đảo xinh đẹp’.

Năm 1949 phe Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh bại. Trên đất liền Mao Trạch Ðông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn Tưởng Giới Thạch “dưỡng thương” ở đảo Ðài Loan.

Với sự định hướng sáng suốt, Ðài Loan phát triển kinh tế một cách thần kỳ, trở thành một trong 4 con hổ Ðông Á, sánh vai với Hồng Kông, Singapore, và Nam Hàn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Ác mộng Đài Loan

Có nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Trung Quốc bao nhiêu năm hao tâm tổn trí để hăm he thâu tóm Ðài Loan?

Theo Le Monde, một trong những lý do khiến Bắc Kinh ăn không ngon, ngủ không yên và quyết chiếm Ðài Loan không chỉ vì chính trị mà vị trí chiến lược của Ðài Loan, nhất là trong thời điểm Trung Quốc đang cố ngoi lên với tư thế một “siêu cường” để cạnh tranh với Mỹ.

Ðài Loan là nút chặn không cho Trung Quốc tiếp cận vùng biển Thái Bình Dương (xem bản đồ), Ðài Loan nối liền với các bán đảo và đảo quốc  Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines thành một “bức tường” ngăn chặn Trung Quốc vươn ra biển lớn.

Trong số này, 3 nước có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Hàn Quốc có 2 căn cứ hải quân và không quân của Mỹ, Nhật Bản có 6 căn cứ quân sự. Năm 2014, một thỏa thuận an ninh cũng đã cho Không Quân Mỹ 5 địa điểm tạm trú tại Philippines.

Chuỗi đảo thứ hai bao gồm quần đảo Bắc Mariana (nơi có căn cứ hải quân Guam của Mỹ), Palau (một vùng lãnh thổ trước đây do Hoa Kỳ quản lý) và quần đảo Ogasawara của Nhật Bản.

Nếu chiếm được Ðài Loan sẽ cho phép Trung gỡ được nút chặn này, đồng thời làm suy yếu khả năng bảo vệ Nhật Bản của Mỹ.

Chiếm  được Ðài Loan, Trung Quốc sẽ đặt ra các điều lệ mới về lưu thông hàng hải và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình tận Thái Bình Dương,

Chiếm được Ðài Loan giúp Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố “chủ quyền” ở Biển Ðông, nơi Bắc Kinh từng vẽ đường lưỡi bò, và sẽ nuốt trọn Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dầu 2 hòn đảo nằm rất xa đất liền Trung Quốc,

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Chiếm Ðài Loan làm sống lại hy vọng thu hồi quần đảo Senkaku, do Nhật chiếm giữ nằm không xa bờ biển phía đông của Ðài Loan,

Chiếm được Ðài Loan sẽ thoát được lưỡi dao kê ngay cạnh sườn của Mỹ và đồng minh.

Đài Loan nằm ở vị trí quan trọng của dãy nút đảo chặn đường Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương. (nguồn ảnh BBC)

Viên kẹo khó nuốt

Có người cho rằng, Mỹ bằng mọi giá phải bảo vệ Ðài Loan vì đây là một quốc gia có công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company: Công ty Sản xuất chip điện tử Ðài Loan), sản xuất chip quan trọng nhất toàn cầu, chiếm hơn nửa thị trường chip trên thế giới. Nhưng lý do chính không phải ở đó, mà chính là vị trí chiến lược như trình bày bên trên.

Ðể tấn công Ðài Loan, với quân số vượt trội, Trung Quốc sẵn sàng chơi chiến thuật biển người, với khoảng cách chỉ 100 cây số, quân đội TQ có thể tràn ngập Ðài Loan như ruồi trong nháy mắt.

Ðể “giải phóng” Ðài Loan, trước tiên, TQ sẽ nã pháo và dùng phi cơ oanh tạc các cứ điểm quân sự của Ðài Loan sau đó đổ quân tràn ngập bằng đường biển.

Hoặc vừa oanh tạc dữ dội vừa ồ ạt đổ bộ khiến quân đội Ðài Loan bị phân tán mỏng.

Tuy nhiên, trên thực tế quân đội Trung Quốc chưa từng tham gia cuộc chiến nào trong 3 thập kỷ qua, và trong lịch sử, họ cũng chưa thắng bất kỳ đạo quân nào trên thế giới.

Trong khi chỉ có 10% bờ biển Ðài Loan đủ điều kiện cho việc đổ quân, chỉ cần một quân số nhỏ, Ðài Loan có thể cầm chân được những cuộc đổ bộ. Bên cạnh đó, vệ tinh quân sự và hệ thống tình báo Mỹ  theo dõi và “chỉ điểm” mọi hoạt động chuyển quân của Trung Quốc từng milimet, và  hợp  tác chặt chẽ với  lực lượng phòng vệ Ðài Loan để  bảo vệ vùng biển, vùng trời quanh hòn đảo.

Xem thêm:   Chương trình phát thanh "Dạ Lan"

Một khi Ðài Loan bị tấn công, không chỉ Mỹ mà có rất nhiều quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ, trước tiên là Nhật, Úc, Ấn Ðộ, một số quốc gia khác mặc dầu  không có bang giao trực tiếp với Ðài Loan nhưng sẵn sàng trợ lực như  Bỉ, Bulgaria, Canada, Ðan Mạch,  Pháp, Ðức, Ai Cập, Ý, Hòa Lan, Nam Hàn, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Anh…

Tương lai Đài Loan

Có người tỏ ra nghi ngờ về sự an ninh của Ðài Loan khi giữa Mỹ và Ðài Loan không hề có một thỏa ước quân sự nào, trong khi đó, chính quyền Mỹ luôn mồm tuyên bố chấp nhận “chính sách một quốc gia, một Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nên ngầm hiểu đó chỉ là bề ngoài, là một trong những những chiêu thức ngoại giao để tránh những căng thẳng không cần thiết, không để TQ lợi dụng lèo lái dư luận thế giới và tạo nên làn sóng bài Mỹ, khích tướng tinh thần “đại Hán” của dân Trung Quốc.

Dầu bất kỳ dưới thời tổng thống nào, chắc chắn Mỹ vẫn  luôn giữ một lập trường duy nhất là bảo vệ Ðài Loan bằng mọi giá. Nó là biểu tượng của dân chủ, là thành trì của tự do, là nút chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Mất Ðài Loan, thế giới sẽ đối đầu với những chiêu ma giáo của Trung Quốc, tốn kém gấp vạn lần.

Do vậy, Ðài Loan là bất khả xâm phạm. Nếu muốn đụng tới Ðài Loan, phải bước qua “xác chết” của Mỹ!

Một khi Ðài Loan đứng vững, cả thế giới, trong đó có nước Mỹ, sẽ ăn ngon ngủ yên và con rồng Á Châu Trung Quốc chỉ có thể ngo ngoe, vùng vẫy trong “ao làng” South China Sea mà thôi.

NQ