Người miền Nam tiếp xúc, sống chung với người miền Bắc không phải là điều mới mẻ. Từ những năm đầu thế kỷ 20 thì các “chàng trai” đất Bắc như Nguyễn Bính, Tô Hoài, Vũ Trọng Can đã “nổi máu giang hồ” mà tự mình làm vài chuyến “hành phương Nam” rồi. Nhưng phải đến năm 1954 thì mới thật sự là một cuộc di dân vĩ đại từ Bắc vào Nam. Sau năm 1975, lại thêm cuộc di dân Bắc vô Nam rầm rộ nữa, và cuộc di dân Bắc – Nam này kéo dài, liên tục cho đến ngày nay, chưa lúc nào ngưng nghỉ. Nói rõ như vậy để quý độc giả biết rằng người miền Nam không kỳ thị người dân miền Bắc. Thời tôi còn là một đứa nhỏ, tôi chỉ thấy con nít hàng xóm chạy ra đường nhìn những người “ăn mặc lạ” và kêu lên “Bắc kỳ”, “Bắc kỳ” là coi như “kỳ thị” dữ lắm rồi.

Chưa bao giờ tôi thấy làn sóng kỳ thị “người miền Bắc lạ” bùng nổ dữ dội như lúc này, kể cả dân miền Bắc thứ thiệt cũng không thích “miền Bắc lạ,” mà họ dùng tiếng lóng gọi là “tộc cối,” “Parky,” “tộc không có bố.”

Sở dĩ, người miền Nam và cả người miền Bắc “không kỳ” không chịu chấp nhận “Parky” vì giống người “lạ” này ỷ thế có nhà cầm quyền chống lưng mà áp đặt những thứ rất là kỳ lên phạm vi cả nước, khiến cho rất nhiều người thấy khó chịu và ác cảm.

Quý độc giả đừng nghĩ ở Mỹ thì không có “cuộc chiến” này vì đặc điểm cư dân nhà ai nấy ở, ra đường thì ngồi xe hơi, không chung chạ đụng chạm nhau. Quý vị cứ lên mạng xã hội mà coi, Bắc kỳ (cũ) chửi lộn với “Parky” tưng bừng, “máu lửa.” Chỉ riêng về ngôn ngữ thôi cũng đã là nguyên nhân châm ngòi cho “chiến tranh” bùng nổ rồi. Tôi ra ngoài gặp đồng hương nói chuyện, thấy hầu như mọi người đều biết câu “Biết bố mày là ai không?” xuất xứ từ đâu mà ra.

Tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết Hà Hương Phong Nguyệt của cố nhà văn Lê Hoằng Mưu (đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm năm 1912,) được quốc nội tái bản năm 2018. Truyện được viết theo lối chương, hồi, và văn biền ngẫu.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Lâu nay tôi cứ tưởng viết tiểu thuyết chữ quốc ngữ theo lối ngôn ngữ Nam kỳ thì hai cụ Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh mới giữ ngôi đầu bảng. Hóa ra tôi lầm, cụ Lê Hoằng Mưu mới chính là “cụ tổ” và Hà Hương Phong Nguyệt là cuốn tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ.

Tuy nhiên, nếu ông Võ Văn Nhơn chỉ sưu tầm các bản in cũ, rồi in lại nguyên văn thì tôi và nhiều người Nam kỳ khác rất cám ơn ông. Đàng này ông Nhơn đã tự ý sửa chữ, làm cho tôi nhìn thấy rất chướng mắt.

Ông Nhơn viết: “Về việc ghi những từ có phần vần là i/y, chúng tôi theo quan điểm chính tả của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh theo đó các từ thuần Việt đều nhất loạt ghi với i, các từ Việt Hán mới ghi với cả i lẫn y, trong đó các từ thuộc Tam đẳng hợp khẩu như quí giá, ma quỉ thì nhất loạt ghi với i”. Đây là viết kiểu “cải cách giáo dục của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.”

Chân dung học giả Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân,) Tạ Phong Tần phục chế màu.

Chữ Hán, chữ Nôm đều viết chữ quỷ giống nhau, chữ quỷ có “đầu to như cái đấu,” thân mình liêu xiêu, chân ngắn chân dài và què vẹo (mô tả quỷ trong Truyền Kỳ Mạn Lục,) khi viết chữ quỷ quốc ngữ thì các cụ xưa dùng chữ y dài là quá đúng. Tự dưng áp đặt kiểu “ở ngoải” vô tiểu thuyết Nam kỳ, sửa thành “con quỉ,” “của quí,” thiệt là “Parky” dị vô cùng.

Tôi không kỳ thị ngôn ngữ miền nào, tiếng Bắc, tiếng Trung, tiếng Nam đều là tiếng Việt, mỗi nơi, mỗi cách nói đều có nét đẹp riêng, sự phong phú, tinh hoa, dễ thương riêng của miền ấy.

Tuy nhiên, tôi chống lại sự áp đặt ngôn ngữ miền Bắc một cách sai lệch, thô thiển lên toàn cõi Việt Nam, mà nhà cầm quyền CSVN đang thực hiện. Bằng cách tất cả sách giáo khoa, báo chí, đài truyền hình, văn bản pháp luật v.v. được soạn thảo đều dùng ngôn ngữ, cách nói của miền Bắc. Việc áp đặt này còn tệ hại, nguy hiểm cho thế hệ trẻ Việt Nam hơn ở chỗ những người tạo ra sản phẩm văn hóa ấy dùng thứ ngôn ngữ miền Bắc sai trầm trọng, nói ngọng, nói đớt để nhồi vô sách giáo khoa và báo chí. Nhận diện một cách chính xác là họ – nhà cầm quyền CSVN đang “nhồi sọ” thứ ngôn ngữ rác rưởi cho dân chúng.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Thời trước 1975, người dân miền Nam nói đọc sách báo để khai dân trí. Thời nay, người dân cả nước, nếu ai có chút kiến thức văn hóa, đều biết rằng “Phải có kiến thức mới đọc sách, báo.” Nếu không thì không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, bản thân mình không cảnh giác thì lâu dần chấp nhận sai thành đúng lúc nào không biết.

Tôi biết chữ quốc ngữ ở nước ta đầu thế kỷ 20 vẫn chưa hoàn chỉnh về văn phạm, ai nói làm sao thì viết làm vậy. Nên cụ Tản Đà viết “to nhớn,” “mặt giăng,” “giải chiếu,” hoặc cụ Lê Hoằng Mưu viết là “giọt lụy,” “cái thoàn” (thuyền,) “mầng vui,”… thì tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên, mà thấy buồn cười thôi. Giá trị của sách xưa ngoài nội dung và hình thức thể hiện, còn có giá trị lịch sử. Nó cho hậu thế biết thời ấy ông bà ta nói chuyện với nhau như thế nào, sự phát triển và quá trình hoàn thiện văn phạm chữ quốc ngữ từ thời sơ khai đến ngày nay ra làm sao. Cứ đem những cái nguyên tắc mới rồi áp đè lên các giá trị xưa cũ thì còn ra thể thống gì nữa.

Một mẫu quảng cáo Báo Xuân vào năm 1934 ở Hà Nội. Cách viết quảng cáo rất ngộ nghĩnh so với thời nay.

Viết tới đây, tôi nhớ ở gần nhà tôi (Vĩnh Hưng) có cái tháp cổ xây bằng gạch đỏ tương tự như Tháp Chàm ở Phan Rang, nhưng nhỏ hơn tháp ở Phan Rang rất nhiều. Dãi dầu mưa nắng hàng trăm năm, tháp bị mục nát rêu rong, gạch xây rớt bể tan tành, và hơi bị nghiêng. Nhà cầm quyền địa phương bèn cho “trùng tu di tích lịch sử – văn hóa” bằng cách lấy vài chục cục gạch đỏ (mà dân dùng xây nhà) nhét vô chỗ hổng và trét lại bằng xi-măng xây nhà. Họ đúc thêm một cái cột bê-tông cốt thép hình thập giá chèn vô chính giữa mặt tiền của tháp để “chống nghiêng.” Quỷ thần ơi, “trùng tu” kiểu này còn tệ hơn là phá nữa. Việc tự ý “sửa chữ” trong tác phẩm của các tiền bối giống y như cách mà người ta “trùng tu cổ vật” ở quê tôi vậy.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Tôi đọc hồi ký “Đời Trong Ngục” (của học giả Nhượng Tống) thấy rất thú vị, vì thời ấy người Việt Bắc kỳ cũng dùng từ ngữ ngộ nghĩnh đáo để, mà ngày nay không ai dùng nữa. Thí dụ: “Một lúc sau, một người thanh tra dòm vào buồng tôi mà gọi: – N. T. Anh điên đấy hay sao? Đây là buồng giam chứ không phải là giạp hát. Nếu anh không im tiếng, tôi sẽ cho giam anh ở một nơi biệt tịch.”

Nói về viết sách kể chuyện đi tù, thì có lẽ học giả Nhượng Tống là người đầu tiên viết hồi ký ở tù bằng văn xuôi.

Năm ngoái, tôi dự buổi ra mắt sách “Đời Tù của một Thiên Nga” của bà Nguyễn Thanh Thủy, nguyên biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga. Có một ông “cầm mic” lên sân khấu, ông đó đọc diễn văn ca ngợi cuốn sách và so sánh cuốn “Đời Tù của một Thiên Nga” với những tác phẩm khác, mà ông cầm mic ngắc ngứ một lúc rồi im không dẫn chứng được tên tác phẩm nào. Thật ra, tác phẩm của cố học giả Nhượng Tống được giảng dạy trong chương trình giáo dục đại học VNCH miền Nam Việt Nam. Ai có lòng yêu mến cái đẹp của văn chương tiếng Việt, có đi học đều biết cả.

Xem ra thì trong cái “trường văn trận bút” bảo vệ tiếng Việt thuần túy, chống lại sự “Parky hóa” tiếng Việt, tưởng dễ mà không dễ.

TPT