Trong một chuyến phiêu bạt kiểu “giang hồ vặt” về vùng đất Trà Vinh, buổi tối ở thành phố nhỏ, dễ thương, rợp bóng cây xanh, ông anh phóng viên đi cùng chia sẻ: “Nếu có dịp đến một vùng đất mới, hãy vòng quanh ngôi chợ ở đấy. Tất cả những điểm đặc trưng văn hóa, vùng miền, tính cách người dân địa phương … đều sẽ được bộc lộ ở chợ …”. Hôm sau đó, tôi thường dành thời gian lòng vòng qua mấy khu chợ nho nhỏ ở thành phố Trà Vinh, sau khi la cà chán chê những quán cà phê từ khu gần Ao Bà Om cho đến cuối ngã ba Mũi Tàu. Cách người ở chợ nói chuyện trao đổi, hỏi thăm nhau, những món sản vật của địa phương được người dân bày bán; những đơn vị tính tiền, cách cân đo đong đếm … đều được thể hiện thật sinh động, rất đặc trưng của một nơi chốn.
Về sau, trong quá trình rong ruổi đi lại học hành, du lịch, công tác, tôi cũng có cơ hội ghé thăm nhiều khu chợ khác. Nhà lồng chợ Đà Lạt với những quầy hàng bánh mứt đặc sản, thường được khách đoàn du lịch ghé mua làm quà. Tôi đã từng ngẩn người nhìn dãy vỏ lãi nho nhỏ đậu san sát nối tiếp nhau trước chợ Đất Mũi (Cà Mau), không khác gì bãi xe máy ở một siêu thị trên thành phố. Cũng đã từng lững thững rảo bộ hít hà mùi rau củ quả lúc sáng sớm ở chợ Bảo Lộc mù sương, trước khi vào giờ cầu nguyện sớm ở nhà thờ Tin Lành. Rồi cũng thoảng nghe mùi tanh nồng đặc trưng của chợ cá ở cảng Phan Rí Cửa, nơi đón đợi những chuyến tàu nhỏ, thuyền thúng rong ruổi cả đêm trên biển về bến.
Mỗi khu chợ, mỗi vùng đất đúng là đều có những đặc điểm riêng biệt rất rõ ràng, khiến cho con người ưa thích tìm tòi, khám phá văn hóa bản địa khó mà quên được.
Cuối tháng 8/2024, tôi có cơ hội được đặt chân đến thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong một chuyến công tác. Sau mấy ngày mệt nhoài bởi công việc, bất chợt cái cảm giác háo hức khám phá văn hóa quanh khu chợ lại trỗi dậy, nhất là vùng đất này không chỉ đơn thuần là mới mẻ mà còn ở một đất nước quá đỗi xa lạ, chỉ biết qua sách vở, phim ảnh. Buổi sáng ngày cuối cùng, trước giờ lên máy bay, tôi lững thững rời khách sạn, tới một khu chợ nho nhỏ, truyền thống, cạnh một dãy phố đi bộ vốn đã rất nhộn nhịp về đêm.
Đầu tiên là cái khung cảnh mà tôi tin là hiếm khu chợ nào ở quê nhà có được, đó là sự sạch sẽ. Mặc dù, khi đi ngang khu rau quả nghe mùi trái cây, ngang khu thực phẩm tươi sống cũng có mùi tanh đặc trưng cá thịt … song toàn khu chợ không hề thấy rác, không thấy nước dơ chảy ròng ròng tràn ngoài đường. Người Trung Quốc ở Ôn Châu cũng chạy xe tấp vội vô lề đường mua hàng, chắc là cũng cò kè ngã giá, thậm chí có chỗ tôi thấy to tiếng với nhau, nhưng hầu như không thấy họ chen ngang, lấn dọc hay xả rác ra đường, ra chợ. Đầu lối vào chợ, là một bảng tuyên truyền thông tin, hình ảnh lòe loẹt với mấy lá cờ đỏ chóe, cũng không khác mấy với ngôi chợ Việt Nam. Bước vào bên trong là những sạp hàng san sát nhau, bên trong là người đứng bán. Những sạp hàng được bày biện chồm hẳn ra bên ngoài cho người đi chợ dễ thấy, dễ dàng chọn lựa. Những loại rau củ quả nhìn khá “sạch”, kích thước to gần gấp rưỡi loại cùng tên ở chợ Việt Nam. Những món mà mấy cô, mấy chị ở chợ xứ Bắc thường hãnh diện giới thiệu rổn rảng – hàng Trung Quốc đây em!
Đến quầy cá thịt thực phẩm tươi sống, hàng bày trên một sạp cao ráo, chủ và khách được phân cách nhau bằng tấm chắn nylon. Có quầy bán thịt lại thiết kế biệt lập với lề đường như một ki-ốt nhỏ, chắc giữ lạnh cho cả hàng hóa bên trong … Đặc biệt, đập vào mắt tôi là 2 tấm bảng QR-code to đùng treo lủng lẳng bên trên để người mua hàng có thể quét mã và thanh toán tiền hàng mà không cần phải dùng đến tiền mặt, việc bật app trên điện thoại, quét mã thanh toán đã trở nên hết sức bình thường.
Chỉ một lần đặt chân đến, một lần dạo quanh chợ xứ người đã giúp tôi nhìn ra nhiều vấn đề. Nếu du lịch theo đoàn, bạn sẽ được ưu tiên dẫn đến những nơi có sẵn trong lộ trình, những địa điểm ít nhiều đã được dàn dựng, sắp xếp, thậm chí sân khấu hóa. Nhưng nếu bạn “đánh lẻ” một chuyến, đến tận một ngôi chợ, thì tất cả những gì là văn hóa địa phương, đặc trưng vùng miền sẽ được thể hiện tự nhiên nhất.
LH (tháng 09/2024)