Nơi tôi sinh ra và lớn lên nằm trên một rẻo biển miền Trung, thuộc Miền Nam nước Việt, với 2 mùa mưa nắng. Mùa nắng thì rực lửa. Mùa mưa thì dài lê thê. Tôi không được tận hưởng 4 mùa rõ rệt như những nước ôn đới. Nhưng vào tháng 10, khi cái nắng bắt đầu dịu nhẹ và trời se mát đầu ngày là tôi biết trời đã sang thu.

Ngày xưa, khi tụi nhóc còn bé, vào cuối tuần thong thả, chúng tôi thường đạp xe đưa tụi nhỏ đi picnic trên những vùng đồi núi, hay góc biển yên bình, đó là những năm đầu 90 của thế kỷ 20, thời đất nước vẫn còn xanh màu lá.

Thường là đạp xe lên Tháp Bạc (Tháp Bánh Ít) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, nằm trên ngọn đồi thoai thoải lộng gió, con đường đất gồ ghề, chiếc xe nhảy cà tưng, cà tưng vẫn bon bon lên dốc, nhìn phía dưới là những cánh đồng xanh ngát của thôn Đại Lộc, Phước Hiệp bên cạnh dòng sông Kôn uốn lượn chảy ngang, tụi nhỏ đi tìm những cây hoa mắc cỡ, với nụ hoa tím bé xíu. Chúng thích thú chạm vào những chiếc lá đang xòe cánh, để nhìn cánh lá mắc cỡ từ từ khép lại, và cười vang. Chúng tôi chìm đắm trong mùi hương của núi rừng, ngồi trên thảm cỏ, ngắm vẻ đẹp của sự đổ nát, nhìn phế tích 1000 năm đã điêu tàn, chạm vào những phiến gạch phủ rong rêu thấy bao triều đại hưng thịnh đã trôi qua.

Xem thêm:   Bài ca vọng-cổ

Có những buổi chiều, chúng tôi đưa tụi trẻ đi Ghềnh Ráng, leo xuống bãi tắm Hoàng Hậu, tương truyền Nam Phương Hoàng Hậu thường ngự lãm ở đây. Nơi này nằm bên một góc núi, đứng trên đồi phóng tầm mắt có thể nhìn thấy bờ biển uốn cong như nửa vầng trăng ôm cả thành phố vào lòng, phía dưới bờ biển là những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành một thảm đá cuội to nhỏ óng ánh chìm trong sóng biển tung bọt trắng xóa. Tụi nhóc đem theo mấy cuốn truyện tranh tìm một góc ngồi đọc sách, tôi trải tấm thảm chuẩn bị bữa ăn chiều bên tảng đá lớn, chỉ là mấy ổ bánh mì giòn, trứng luộc và mấy lát chả giò đem theo là có một bữa tiệc thịnh soạn cho cả nhà, chúng tôi ngồi ăn trong tiếng sóng rì rào, trong làn gió mát lạnh ngát mùi hương biển, ngắm ánh chiều tà rơi trên đỉnh núi, và từng đàn chim bay về tổ sau rặng núi Xuân Vân, cảm nhận hương vị cuộc đời còn có ý nghĩa bỏ lại đằng sau những bộn bề cơm áo của một thời bao cấp đói nghèo.

Những mùa thu ấy đã xa.

Tụi nhỏ nay đã lớn, đã tự vươn cánh bay xa đến một phương trời mới. Tôi cũng vậy, đã không còn ngược xuôi chuyện đời, chuyện cơm ăn áo mặc, nay đã xong một chặng đường, bước sang một chặng đời khác, chặng của bình yên và tĩnh lặng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (11/28/2024)

Tĩnh lặng như hôm nay, tôi đạp xe trong nắng chiều lạnh giá, tận hưởng không khí bảng lảng của một mùa thu trong tranh Monet.

Chiều rơi chậm, ánh nắng xuyên qua cành lá, chiếu những tia sáng cuối ngày trên những chiếc lá bắt đầu ngả vàng, rồi đỏ tím rơi lả tả trải dài như những tấm thảm, khắp chốn là một không gian trầm lắng, chỉ nghe tiếng gió, tiếng lá rơi, tiếng hát của thời gian chuyển mùa.

Những rừng cây chập chùng đan xen cỏ lau, nằm dọc con kênh xanh biếc, đàn vịt trời tha thẩn lội, thiên hạ vứt bánh mì vụn cho chúng ăn. Người và vật đều thư thả, nhẩn nha. Bồ câu, quạ, chim đậu trên những tán cây, chúng tỉa lông và tỏ tình cùng nhau.

Có những chiều, tụi nhỏ đưa tôi đến làng cổ Giethoorn, được mệnh danh là Venice của Bắc Âu, với kênh rạch đan xen và những cây cầu gỗ đan chéo qua các con kênh trồng đầy hoa trên lan can. Ngôi làng 1000 năm tuổi vẫn giữ nguyên nét đơn sơ, hầu hết những ngôi nhà gỗ đều lợp mái tranh, được cắt xén tỉ mỉ. Những chiếc thuyền độc mộc, mũi thuyền cong vút treo trước sân nhà, mỗi căn nhà là mỗi kiểu kiến trúc khác nhau, sân vườn rực rỡ muôn hoa khoe sắc, bước vào ngôi làng, bạn như Alice lạc vào chốn thần tiên. Không gian trong vắt, chỉ có tiếng chèo thuyền khua trên sóng nước, làng này hoàn toàn không có đường, cấm ô tô, di chuyển bằng xe đạp, chủ yếu qua các kênh rạch là bằng thuyền. Sự tĩnh lặng, cuộc sống đơn giản, trong vắt của ngôi làng làm bạn cảm giác như đang lùi về quá khứ thời Trung cổ.

Xem thêm:   Một bài học

Ngày xưa, tôi dắt tụi nhỏ dạo chơi, ngày nay chúng đưa tôi đi trong chiều vàng. Thời gian như bóng câu qua cửa, một cái chớp mi nữa ngàn năm lại trôi qua.

BM