Thuở lên chín, lên mười, mỗi khi có dịp đến chơi nhà bè bạn ở con hẻm “ve chai” hay ngõ hẻm trường tư thục Kiến Thiết, tôi thường có dịp đi ngang ảnh viện Viễn Kính nằm trên đường Phan Đình Phùng. Đây không phải là tiệm chụp ảnh đầu tiên trên con đường này mà tôi được biết, nhưng tiệm ảnh đã gợi cho tôi thật nhiều háo hức và say mê vì cửa tiệm thường trưng bày những hình ảnh của các nghệ sĩ được yêu chuộng thời đó như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Thúy, Hùng Cường, Duy Khánh v.v.

Cửa tiệm rộng khoảng chừng bốn thước chiều ngang và nằm trong một khu lao động nhộn nhịp. Chiếc tủ kính với thật nhiều hình ảnh, chân dung nghệ sĩ được phóng to đã chiếm gần hết hai phần ba của cái “mặt tiền”. Ảnh viện luôn sáng choang bởi những ngọn đèn néon; dài một mét hai đã làm rạng rỡ hơn những bức tường sơn màu trắng lạnh và chân dung những tài tử, giai nhân cũng toát lên một vẻ đẹp dịu dàng.

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga

Một chiếc tủ kính cao khác nữa được dựng bên vách nhà cũng rực rỡ với vô số hình ảnh các tài danh đương thời được ái mộ. Cái bàn nhỏ kê ngang lối đi để tiếp khách và bước thêm vài bước nữa, khách qua đường có thể nhìn sâu vào bên trong, ông chủ tiệm lúc nào cũng bận rộn với khách hàng hay đang cầm cây cọ, cây bút trong tay mà tô vẽ, chấm phá lên những bức chân dung thanh xuân còn thơm thơm mùi giấy mới. Hầu như tuần nào tôi cũng tìm mọi cách để được dịp đi ngang mà đắm đuối với từng bức chân dung của những nghệ sĩ mà mình yêu thích.

Nữ tài tử điện ảnh Thẩm Thúy Hằng.

Với niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu niên, “ông Viễn Kính” đã không nối nghiệp cắt tóc của cha chú mình mà men theo một lối rẽ khác, học nghề nhiếp ảnh. Từ Hà-Nội di cư vào Sài-Gòn, ông vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và bắt đầu sự nghiệp với những công việc khiêm tốn, nhỏ nhặt nhất. Ông bà xưa thường bảo, có công mài sắt, có ngày nên kim. Sau nhiều năm học hỏi, làm thuê, và làm chủ những hiệu ảnh nho nhỏ, cuối cùng ảnh viện Viễn Kính cũng được khai trương vào năm 1963 trên đường Phan Ðình Phùng. Cái tên “Viễn Kính” do ông chọn lựa từ chữ Teleobjective len trong ngôn ngữ Pháp.

Nam nghệ sĩ Thành Được.

Từ đó, ông đã bắt đầu được chú ý qua việc chụp ảnh chân dung của những người nổi tiếng trong xã hội, nhất là trong giới văn nghệ sĩ. Với đôi mắt nhà nghề và tài năng thiên phú, nét đẹp của họ đã được ông chăm chút cẩn thận từng nét một và giữ gìn theo năm tháng. Nhờ vậy, cho đến bây giờ người Sài-Gòn xưa vẫn còn nhớ đến hiệu ảnh, nhớ “ông Viễn Kính” nhiều hơn cái tên “cúng cơm” của ông: Ðinh Tiến Mậu.

Nam hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung.

Tình hình đất nước chao đảo, phố xưa bị đổi chủ, con đường Phan Ðình Phùng cũng bị thay tên. Ông không ra đi theo làn sóng người di tản hay vượt biển mà chọn ở lại nơi này để tiếp nối niềm đam mê của mình. Ông là chứng nhân của thời cuộc, của vật đổi sao dời, và cũng là người gìn giữ nét đan thanh của Sài-Gòn một thuở. Cửa tiệm hoạt động đến năm 2004 thì đóng cửa, vì sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin và sự ra đời của hằng loạt máy chụp ảnh cá nhân và smartphone.

Nữ ca sĩ Thái Thanh.

Mấy mươi năm xa xứ, nay nhờ chiếc cầu nối internet; và mối giao tình với anh ký giả kiêm văn sĩ Phạm Công Luận ở Sài-Gòn, tôi được biết ít nhiều tin tức về “ông Viễn Kính”. Cô và chú vẫn còn được mạnh giỏi và minh mẫn, dù tuổi tác đã chất chồng theo năm tháng (*). Ngôi nhà xưa vẫn còn đó, nhưng ảnh viện Viễn Kính giờ đây chỉ còn là hào quang, là ký ức của một thuở Sài-Gòn thanh bình, thịnh trị. Mảnh trăng quê hương đã vỡ tan thành từng mảng, người nay cũng như người xưa đập cổ kính mà tìm lại bóng hình. Ðường về xứ sở giờ đây đã xa lơ xa lắc, nhưng những kỷ niệm ngày thơ sao vẫn còn luyến lưu, nấn nán. Ngày đó, thằng bé mũm mĩm nhiều lần đi ngang qua ảnh viện và dừng lại thật lâu để ngắm nghía chân dung nghệ sĩ, rồi ghi sâu vào tâm trí những ảnh hình tưởng chừng như đơn sơ nhưng ngập tràn luyến nhớ.

Ông Đinh Tiến Mậu, nữ nghệ sĩ Thanh Nga và một thân hữu.

TV

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

(*) Chú Mậu đã qua đời cách nay không lâu!