Trước hết tôi xin phép khẳng định luôn ốc trong bài viết này là sinh vật có vỏ và thân bò, người có thể dùng làm thức ăn, không phải ốc là loại “bù lon con tán” làm bằng kim loại. Ốc có thứ ăn ngon, bổ, rẻ, và cũng có loại ốc ăn vô coi chừng bị ngộ độc. Có loại ốc được liệt vô hàng quý hiếm, sơn hào hải vị, cũng có loại ốc cho không ai thèm lấy.
Hồi xưa, ốc là thức ăn chỉ dành cho người nghèo vì cách chế biến còn lạc hậu, không ngon. Chê món ăn nào, người ta thường nói câu “nhạt như nước ốc.” Chuyện cổ tích xưa, nhân vật nào nghèo mạt rệp, nghèo rớt mồng tơi, nghèo chỉ có cái khố quấn quanh thì được gán cho làm nghề “mò cua bắt ốc” là phải hiểu rằng đó là nghèo hơn cả chữ nghèo rồi đó.
Ngày nay tất cả các loại ốc ăn được, xưa có thể chê, nhưng nay lại chễm chệ “ngồi” trên menu nhà hàng sang trọng, thực khách phải trả giá cao mới được ăn. Không phải do con ốc xưa nó ‘tiến hóa” trở thành ngon hơn, mà do kỹ thuật nấu nướng của người đầu bếp, và ngày nay làm món gì người ta cũng tẩm ướp gia vị nhiều hơn, làm cho món nào cũng thơm lừng, giòn tan, béo ngậy, cay xè, chua, mặn, ngọt … đủ mùi để chiều theo thị hiếu của thực khách.
Chuyện xưa
Phàm chợ quê hồi xưa chỉ nhóm từ tờ mờ sáng, khi mặt trời lên lưng lửng, bắt đầu cảm thấy nóng cũng là lúc tan chợ. Người ở xa đem đồ ra chợ bán phải chèo xuồng, gánh đi lúc trên bầu trời còn tối mờ, tức là khi gà mới gáy canh 5 tiếng đầu tiên. Đem hàng đi trễ nóng bức mệt mỏi, không đi được xa, mà lúc về nhà cũng tối mịt, vậy thì không có lợi. Muốn đi chợ mua được đồ ngon cũng phải thức sớm đi chợ, thức trễ chợ tan rồi, hoặc là mua đồ cặn, đồ dạt, hoặc không có gì để mua. Không có ai chờ tới trưa trời trưa trật đi chợ.
Làm chuyện khác người, không giống ai thì mấy ông bà xưa nói là “Làm chiện xái buổi chợ.” Ăn uống thì mùa nào thức nấy, ăn theo thuở, ở theo thời. “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến bóng cây ta hãy uống? Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.” (Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập.)
Sau 30-4 thập niên 70, rồi 80, 90 tôi nhớ rất rõ cả nhà tôi 7 người quanh năm ăn cá biển hủng hỉnh, mắm cá mồng gà, rau dại, muối ớt. Lâu lâu có tiền mua tô bún riêu, múc vô tô một muỗng mắm ruốc bự, đem về cả nhà dùng tô bún riêu đó làm thức ăn để ăn cơm. Thỉnh thoảng mua được một cái trứng vịt đem về đập trứng vô cái chảo nhỏ, đổ vô thêm cả chén nước-mắm-hợp-tác-xã. Bắc chảo lên bếp quậy cho trứng vịt đặc lại còn sền sệt rồi đem xuống quẹt ăn cơm. Khi ăn không thấy mùi trứng vịt, chỉ có mùi mặn của nước-mắm-hợp-tác-xã.
Suốt hơn 25 năm gia đình tôi vẫn sống như vậy, không chết. Một năm chẳng mấy khi ăn được 10 cái trứng vịt. Trứng vịt rẻ hơn trứng gà, nên trứng gà là thứ gì đó rất xa xỉ, nghe tên chớ không có ăn. Đây là nói trứng gà ta, lúc này Việt Nam chưa có gà công nghiệp.
Từ năm 1991 thì khá hơn, thỉnh thoảng mua được thịt heo về kho, mua vịt quế nguyên con về làm xào mặn với gừng. Cá lù đù khô nướng xé ra chấm nước mắm me hoặc xé ra ăn cơm chan nước lạnh.
Chuyện “Ăn ốc đau lưng”
Năm 2002 tôi làm chuyên viên quản lý du lịch thuộc Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Bạc Liêu. Một ông đạo diễn phim truyền hình tên Phùng (tôi không nhớ họ) được Tổng cục Du Lịch cử từ Hà Nội vô Bạc Liêu làm phim quảng cáo du lịch Bạc Liêu 10 ngày. Tôi là đứa phải dẫn ông Phùng và cameraman “băng đồng lội ruộng” suốt 10 ngày, chờ mặt trời mọc hay mặt trời lặn để quay cảnh đàn chim ở sân chim bay đi, chim về tổ, mọi thứ cảnh vật, văn hóa đặc sắc vùng miền lẫn đặc sản thiên nhiên ban tặng hào phóng để “dụ khị” khách du lịch. Chương trình quay phim gần xong, một hôm ông đạo diễn nói: “Tôi nghe nói Bạc Liêu có ốc gạo ngon lắm mà tôi chưa biết ốc gạo, chưa ăn bao giờ nên muốn ăn thử.” Tôi nghe vậy kinh hoảng quá, ổng đòi ăn ốc gạo thì tôi chết, cơ quan không chi khoản tiền này, nếu đãi thì tôi phải bỏ tiền túi ra mua, tôi tự làm, vậy có phải là tôi tự đem cái gông tròng vô cổ mình hay không? Tôi nhanh nhảu trả lời: “Ốc gạo ăn đau lưng lắm. Đừng ăn.” Ông đạo diễn già nghe nói “đau lưng” thì cụt hứng, hỏi tại sao? Tôi nói: “Nó nhỏ bằng đầu ngón tay, miếng thịt có chút xíu, ngồi khảy ăn được dĩa ốc thì lâu lắm nên đau lưng chớ sao.” Ổng nghe vậy thì không đòi ăn ốc gạo nữa. Chiều hôm đó, sao khi dẫn cameraman đi chỉ trỏ, quay phim chán chê, tôi kêu nhà hàng (công ty kinh doanh của Sở) cho ông đạo diễn và cameraman ăn lẩu ốc len hầm dừa, nhưng tôi không nói phải ăn ốc len cách nào. Ông ngồi gặm rất lâu mới ăn được một con ốc len. Vừa ăn cơm vừa nhấp nháp ly rượu đế, ông vừa gật gù nói: “Ờ há! Nếu ăn ốc gạo thì tôi cũng chết.”
Quả thật, ốc gạo chỉ dành cho con nít và người trẻ ăn thôi, người có tuổi ngồi ăn không nổi đâu. Có lần tôi mua hai ký-lô sò huyết bằng cái móng tay vì nó rẻ. Tôi luộc rồi ngồi bệt trên nền nhà ăn sò suốt hơn hai tiếng đồng hồ, khi đứng dậy quá xá đau lưng nên từ đó về sau tôi sợ không dám mua sò huyết lon con ăn nữa.
Chuyện trứng gà khan hiếm
Trước đây tôi thường mua trứng gà ăn vì trứng quá rẻ, dễ chế biến, luộc, chiên, hấp, kho gì cũng được. Từ lúc trứng gà lên giá tôi không mua trứng ăn nữa. Trứng mắc thì ăn gà rotisserie $5/con thay cơm. Bẻ hai cái đùi, hai cái cánh ăn trước. Phần thịt dư xé ra bỏ vô tô, cất vô tủ lạnh để chiên lại từ từ mà ăn. Ở Việt Nam tôi làm gì có tiền mua con gà rotisserie ăn thịt gà thay cơm, cứ nghĩ vậy đi thì ăn được ào ào. Tôi cũng không việc gì phải mua trứng gà công nghiệp giá cao. Walmart bán $22.50/2 vỉ 36 trứng bự, chất đầy đồng không ai mua, chắc là có nhiều người chê mắc?
Có người thắc mắc hỏi sao giá gà rotisserie, gà nướng nguyên con rẻ, mà trứng thì mắc? Không có gà đẻ làm sao có thịt gà bán mỗi ngày?
Một con gà nuôi từ lúc mới nở cho tới ngày thứ 17 thì làm thịt, chia làm 9 miếng, đóng gói, chuyển tới các tiệm và trở thành món gà chiên KFC ngon lành, hấp dẫn. Cũng con gà đó, nuôi 25 ngày rồi đem làm thịt, trở thành con gà rotisserie bán ở các tiệm Costco, Target hoặc Walmart. Chúng chỉ khác nhau do gia vị tẩm ướp của người đầu bếp. Gà rotisserie bán ở Walmart có rất nhiều mùi hoa hồi, tôi cho rằng người đầu bếp hẳn phải xuất thân từ một gia đình Trung Đông?
Gà công nghiệp trung bình cho 300 trứng/năm. Thời gian thu hoạch trứng khoảng 18 tháng. Như vậy gà mái đẻ vòng đời khoảng 2 năm mà thôi.
Theo tôi nghĩ, gà thịt vì vòng đời quá ngắn nên chúng nó chưa kịp nhiễm cúm đã “lên thớt” rồi, nên chu kỳ sản xuất không bị gián đoạn. Gà mái đẻ vòng đời dài hơn nên có cơ hội nhiễm cúm nhiều hơn.
Túm lại, người nội trợ giỏi là người biết đi chợ “mùa nào thức nấy,” ra chợ thấy món nào ngon, bổ, rẻ thì mua, không ép mình nhứt định phải mua món A, món B gì đó trong khi nó quá mắc. Không nên cố gắng “ăn ốc” để phải “đau lưng.”
TPT