Chiều nay, mở nghe bài Tỳ Bà nhạc Phạm Duy phổ thơ Bích Khê với tiếng hát Thu Vàng, mình chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh ngày nào tỳ bà sương cũ đựng rừng xa và rồi cả bài thơ Buồn Xưa trở về trong trí óc mù sương.

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vàng cung ướp hương

Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân

            Bờ giũ trái xuân sa

Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

(Buồn xưa. Nguyễn Xuân Sanh)

Ôi, đẹp biết bao những câu thơ đã đi vào trí nhớ. Và cả bài Tỳ Bà của Bích Khê nữa. Ðây đúng là Cõi Ðẹp như từ Nguyễn Thị Khánh Minh thường dùng.

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tìm nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Ðâu tìm Ðào nguyên cho xa xôi

Ðào nguyên trong lòng nàng đây thôi.

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

(Tinh Huyết. Bích Khê)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Năm nào Ðinh Cường đã đến Thu Xà Quảng Ngãi viếng mộ Bích Khê. Vậy mà không thấy bạn mình vẽ con quạ đậu trên mồ thi sĩ, chỉ được đọc những dòng viết sau đây:

Mùa thu lại về. Ở đây tìm đâu ra vàng rơi cây ngô đồng, mà là cả muôn trùng rừng phong muôn trùng sắc lá. Và con quạ đen kia làm nhớ con quạ đậu trên nấm mồ thi sĩ Bích Khê ở Thu Xà khi tôi về thăm năm xưa nào xa lắm…

Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng

Bút thần: sông lạnh bóng sao rơi

Sau nghìn thu nữa trên trần thế

Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”

(thơ đề bia mộ Bích Khê)

Bích Khê quê ở Thu Xà, Quảng Ngãi. Sinh năm1916, sống cuộc đời ngắn ngủi có ba mươi năm, lại thường đau ốm bệnh tật. Tuy vậy, Bích Khê được mẹ và chị chăm sóc, trìu mến.

Bích Khê

Nghe Ðinh Cường kể lại:

Bệnh tình Bích Khê (bệnh lao phổi) càng đi lần vào tuyệt vọng. Gia đình vẫn lo đầy đủ cho đến phút cuối cùng. Vì Bích Khê biết trước cái chết của mình nên vẫn tươi tỉnh nói chuyện nhiều và vui vẻ an ủi gia đình. Bích Khê cứ luôn tụng niệm “Di Lạc Tôn Phật” và tin tưởng ngày nhắm mắt có Phật đến rước. Nhờ sức tin tưởng mãnh liệt ấy, nên sự chết đối với Bích Khê như Bích Khê sắp trở về quê, cái quê hương đầy hương hoa phúc hạnh. Qua mùa đông, trời bắt đầu lập xuân. Bích Khê sửa soạn cho mình cái chết. Bích Khê xin mẹ may một bộ đồ trắng mới và gọi chị lại nhờ chép lời di chúc trao cho mẹ, căn dặn mẹ phải làm đúng.

Một tối sau khi ăn cháo xong, Bích Khê gọi mẹ lên ngồi một bên, nói cho mẹ biết là còn ba ngày nữa, nhằm ngày rằm, Bích Khê sẽ chết. Và nói cho người xuống chùa Phú Thọ xin phép mời một vị sư, bạn cũ của Bích Khê, lên ở với Bích Khê 3 ngày đêm để tụng kinh cho Bích Khê nghe. Ðến đêm thứ ba thì Bích Khê trút hơi thở cuối cùng. Ðúng như lời Bích Khê nói. Lúc ấy là 12 giờ khuya ngày 15 tháng 12 năm Ất Dậu (tức ngày 17-1-1946). Cái chết đến với Bích Khê nhẹ nhàng quá, nhưng cũng chua xót làm sao. Người ta nghĩ đến bệnh lao. Nghĩ đến những thi sĩ, văn sĩ chung số phận: John Keats, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng (xin thêm: và Quách Thoại nữa N&BH)… Và nhất là với tuổi 30 – tuổi mà những thiên tài thường về với Trời – Khi mùa xuân tới, khi cảnh vật chung quanh hồi sinh lại thì Bích Khê qua đời. Bích Khê qua đời giữa mùa xuân tao loạn, nên ngày chết bạn xa không ai về được. Nấm mộ được đặt trên miếng đất của Hội Quán ở Thu Xà. Và qua mười năm khói lửa cũng chỉ một con quạ đứng im hơi trên nấm mồ… (viết theo tài liệu của Đinh Cường trong bài Thu Về Nhớ Bích Khê)

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Ôi tỳ bà, ta yêu biết mấy những câu thơ được Hoài Thanh cho là đẹp nhất trong thơ Việt Nam: Ô hay buồn vương cây ngô đồng / vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông. Tỳ bà, quỳnh hoa, tường vi, dạ khúc mộc lan.. mãi mãi ở trong cõi đẹp và trong hồn này…

NGUYỄN & BẠN HỮU