Trang Thế Hy là nhà văn rất được yêu mến của Miền Nam. Ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29.10.1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ngoài bút danh Trang Thế Hy ông còn có những bút danh khác như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Minh Phẩm…Vào những năm 50 ở miền Nam phải nhớ đến tờ tuần báo Nhân Loại, sau đó là các tờ Sáng Tạo, tạp chí Văn, Bách Khoa. Tuần báo Nhân Loại quy tụ những cây viết Văn Phụng Mỹ tức Trang Thế Hy, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vũ Anh Khanh, Ðông Hồ, Dương Trữ La, chữ nghĩa chất phác mộc mạc.

Truyện ngắn Nắng đẹp miền quê ngoại tác giả Văn Phụng Mỹ, nội cái tên truyện, tên tác giả cũng đủ thấy nó hiền. Thật ra nết văn chương ấy phù hợp với tính cách, tạng của người miền Nam. Trông phóng khoáng, bặm trợn mà lại hiền thể hiện qua văn thơ, qua 6 câu vọng cổ, nhạc boléro.

Bài thơ Ðắng Và Ngọt của Trang Thế Hy được Phạm Duy phổ nhạc đổi tên thành Quán Bên Ðường được Thái Thanh, Quỳnh Giao, sau này là Khánh Ly, Ý Lan hát. Chẳng phải nhờ tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh mà bài thơ nổi tiếng, mà chính bài thơ để mọi người nhớ mãi về ông. Nếu như cải lương có vở Nửa đời hương phấn mua được nước mắt khán giả mọi thời, thì Quán bên đường đã làm bạn đọc xúc động trước đôi bạn thời thơ ấu chia nhau củ khoai sùng lượm mót.

Trang Thế Hy

Chiến tranh xa nhau, tình cờ một chiều mưa họ gặp nhau trong quán lá ven đường, ngỡ ngàng thấy một người bẹo hình bẹo dạng bán bia ôm, một kẻ thì lấy cây viết làm cái cần câu cơm. Hai thân phận có gì giống nhau. Buồn hay vui. Câu trả lời hãy hỏi cuộc đời. Qua bài thơ ta hiểu tâm hồn của một con người. Qua bài thơ ta có thể hiểu vì sao ông viết rất ít so với mọi người, mặc dù ông được xã hội công nhận là nhà văn đích thực, phải khẳng định vậy.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ngoài Bắc có ông Kim Lân, trong Nam có Trang Thế Hy, dù viết ít nhưng những truyện ngắn của ông như Mưa ấm, Về nhà trước cơn mưa, Nợ nước mắt, Người bào chế thuốc giảm đau, Vết thương thứ 13… sống mãi theo thời gian, đọc lại vẫn nghe ray rứt lòng.

Trên là viết theo trang viết của Ngô Khắc Tài. Trang Thế Hy không chỉ là nhà văn trên trang viết. Ông còn là một nhà văn qua cốt cách thanh sạch, biết giữ mình không để bị lấm bùn. Biết “đi chỗ khác chơi” khi thấy cuộc chơi không còn vui và không còn đáng để chơi nữa…

Trước năm 1975, Nguyễn cũng như các bạn cùng thời thường nghêu ngao một ca khúc phổ từ thơ khá nổi tiếng là bài Quán bên đường của Phạm Duy. Bài hát nhanh chóng phổ biến bởi có những ca từ rất lạ, rất bình dân: “Ngày xưa… ngày xửa… ngày xưa. Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ. Hai đứa mình còn trẻ thơ. Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ… Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong rồi mình chia đôi. Khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê!…”.

Phần nhạc thì đã có tác giả rõ ràng nhưng tác giả của phần thơ lại ghi là “khuyết danh”. Sau này, có nhiều người xì xầm rằng tác giả bài thơ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người khác bảo của Minh Phẩm, lại có nhiều ý kiến cho rằng của Trang Thế Hy. Tuy nhiên, sau khi thẩm định lại từ các nguồn tài liệu, giờ đây có thể khẳng định đó là bài thơ Ðắng và Ngọt của tác giả Minh Phẩm Trang Thế Hy

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Về bài thơ, sau này tác giả bộc bạch: “Tháng 9.1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm – người nộp bài thơ Ðắng và Ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và ngọt”. Vậy rồi, Bình Nguyên Lộc sửa cái tựa từ Ðắng và Ngọt thành Cuộc đời. Sau đó, Bình Nguyên Lộc lại trao bài thơ cho Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Quán bên đường. Lúc này Trang Thế Hy (Minh Phẩm) đã vào vùng kháng chiến, Phạm Duy thận trọng để tên tác giả thơ là “khuyết danh”.  Ðây, chúng ta cùng đọc lại bài thơ Ðắng và Ngọt.

Chúng ta cảm lời thơ mộc mạc chân tình. Nỗi xúc động thật sâu xa đến muốn rơi nước mắt. Ít có bài thơ nào đạt được như vậy.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tổng hợp

đắng và ngọt

 

Ngày xưa hồi còn thơ

Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ

Tôi cùng em hai đứa

Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.

Tóc em chừa bánh bèo

Môi chưa hồng, da mét (con nhà nghèo!)

 

Ðầu tôi còn hớt trọc

Khét nắng hôi trâu, thèm đi học

Em cầm một củ khoai

Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai

Thứ khoai sùng lượm mót

Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.

 

Bây giờ giữa đường đời

Kỷ niệm ngày xưa mù khơi

Gặp nhau chiều mưa lạnh

Hai đứa đều sang trong bộ cánh

Dung nhan em còn tươi

Anh mừng tưởng đâu đời em vui.

Dè đâu đây là quán

Em bẹo hình hài rao lên bán!

Ðang thời đông khách mua

Chợ thịt còn sung được vài mùa.

Nghe nói anh cầm viết

Nghệ thuật là gì em muốn biết.

– “Mùi hôi nói mùi thơm

Cây bút cầm tay: cần câu cơm

Ðó em ơi! Nghệ thuật:

Nhắm mắt quay lưng chào sự thật”.

 

Rồi đôi ta nhìn nhau

Không có ai đánh mà lòng đau

Em mời ăn bánh ngọt

Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót

Ðường bánh tươm vàng mơ

Như nắng chiều xưa khoe màu tơ

Mới cầm tay chưa cắn

Mà sao nó đắng thôi là đắng!

Xin anh một nụ cười

– Cười là sao nhỉ? Quên rồi!

Xin em chút nước mắt

– Mạch lệ em từ lâu đã tắt!

Hỏi nhau: buồn hay vui?

– Biết đâu? Ta cùng hỏi cuộc đời.