LỜI MỞ: Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950 tại Quảng Nam. Sau khi học xong tiểu học ở trường làng, năm 1961 cậu học sinh Nguyễn Đức Phùng thi đậu vào lớp Đệ Thất trường trung học Trần Quý Cáp tại Hội An. Phùng nhập ngũ năm 1968, bị thương và giải ngũ trước năm 1975. Đến Hoa Kỳ năm 1984, theo học cao học quản trị kinh doanh, từng sống và làm việc trong ngành tin học tại California, Hoa Kỳ. Bắt đầu viết văn từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org.…Phùng Nguyễn từng làm chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002), đồng chủ trương tạp chí mạng Da Màu (2006). Trước khi qua đời, Phùng đang phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng & Cây trên trang mạng Đài phát thanh tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Đã xuất bản 2 tác phẩm “Tháp Ký Ức,” NXB Văn, 1998, và “Đêm Oakland và Những Truyện Khác,” NXB Văn, 2001. Người viết gặp Phùng Nguyễn lần đầu tiên vào năm 1998, khi ra mắt tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa tại nhà Nguyễn Mộng Giác. Dịp này Phùng đã tặng mình tuyển tập truyện ngắn Tháp Ký Ức. Kể từ đó kết thân với nhau cho tới năm 2015 khi Phùng qua đời vì bệnh tim ở Maryland. Sau đây Trang Văn xin trích giới thiệu bài của Nguyễn Xuân Hoàng, bạn chung cũng đã qua đời, viết về tác phẩm Tháp Ức. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Xuân Hoàng

Tôi không nhớ truyện ngắn nào của Phùng Nguyễn là truyện đầu tiên tôi được đọc, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác đầu tiên trước khi bước vào những trang chữ của anh. Ðó là cảm giác của một sự ngại ngùng, dè chừng. Giống như lần đầu tiên, trong đêm tối, đi tìm nhà một người bạn mà vì không chắc ngôi nhà này có đúng là nhà của bạn mình không, nên không mạnh dạn gõ cửa. Sự chần chờ đó đã làm thành cái khoảng cách giữa một người đọc là tôi và một tác giả là Phùng Nguyễn.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Lý do nào khiến những ngón tay tôi không muốn đập vào cánh cửa trang sách của anh, tôi hiểu, trước hết và sau cùng, chính là cái bút hiệu của anh. Tại sao cái họ đặt sau cái tên? Chúng ta, người Việt Nam [và một vài dân tộc Ðông Nam Á] vẫn xếp thứ tự từ Họ tới Tên [bình thường thôi]. Trong khi người phương Tây và nhiều dân tộc khác có một thứ tự ngược lại với chúng ta. Và đó là chuyện của họ.

Guillaume Apollinaire. Tên là Guillaume. Họ là Apollinaire, hoặc Toni Morrison. Tên là Toni. Họ là Morrison. Cái làm thành bản sắc của một dân tộc là văn hóa, trong đó có Tên Họ của một con người. Tại sao Phùng rồi mới tới Nguyễn, chứ không phải Nguyễn rồi mới tới Phùng?

Thật ra, câu hỏi tôi đặt ra cho anh không chỉnh. Tại sao không thể là Phùng rồi tới Nguyễn chớ? Chúng ta có họ Phùng, và hình như chúng ta cũng có người tên Nguyễn nữa mà.

Sau này, khi đã quen Phùng Nguyễn, biết là mình đã bất công với anh, tôi cứ vẫn nghĩ phải chi anh bỏ cái dấu ngã đi, để tên anh chỉ là Phùng Nguyên [không có dấu ngã], như một bút hiệu thì tôi dễ dàng gõ cửa biết là bao nhiêu.

Dù sao, cánh cửa Tháp Ký Ức của Phùng Nguyễn [với cái dấu ngã] đã mở và tôi nhận ra những trang sách của anh rất gần gũi và thuyết phục người đọc.

Tháp Ký Ức là tập hợp những câu chuyện về số phận của một con người, những khắc họa về một mảnh đời thường, chuyện tình yêu, chuyện tuổi thơ, chuyện quê nhà, chuyện quê người. Quá khứ và hiện tại của một lớp tuổi khi rời Sài Gòn ra đi chỉ mới vừa bước qua hai mươi.

Truyện của Phùng Nguyễn nhẹ nhàng, thở cái hơi thở bình dị của một cuộc sống vốn không bình an, và được viết bằng một bút pháp đơn giản mà lôi cuốn.

Ðừng chờ đợi nơi Phùng Nguyễn những cái u uất, sống sượng của suy tưởng; cái cấm kỵ dục tính của hành động; cái nôn mửa hôi thối của những xác chết được vực dậy từ một đáy mồ quá khứ. Cái đẹp, theo ý nghĩa của văn chương, tràn ngập trên những trang chữ của anh.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðọc truyện Phùng Nguyễn, người ta có cảm tưởng như ngòi bút ấy sống và lớn lên trong một khí hậu chữ nghĩa, như thể anh là người sinh ra đã được chuẩn bị để cầm bút. Và những trang sách của anh là một tất yếu phải được bước ra sống cái đời sống văn chương như những đóa hoa phải nở ra trên những cành cây vốn được chăm sóc từ bàn tay của một người làm vườn cần mẫn.

Thế nhưng, Phùng Nguyễn không có một tuổi thơ như thế, càng không có một tuổi thiếu niên như thế. Anh giống như một người lính ra trận, một hôm nhìn thấy cái chết tận mặt và hỏi tại sao con người phải làm như thế. Và viết với anh là cách trả lời cho câu hỏi đang làm đau cái trí óc và khổ cả trái tim anh.

Nếu tuổi thơ anh được đánh thức qua Tháp Ký Ức; hiện tại là một va chạm của hai mảnh quá khứ giữa “Rick” và Quảng từ cuộc chiến Việt Nam, và tương lai nằm trong câu Chuyện Thần Tiên với Kangaroo và Cactus, những người yêu nhau qua trung gian của thời điện toán, thì truyện của Phùng Nguyễn trước hết là một mời gọi người đọc cùng chia sẻ với anh những suy nghĩ của một con người Việt Nam trên vùng đất mới.

Tôi cho rằng 3 truyện ngắn Tháp Ký Ức, Rick, Chuyện Thần Tiên là 3 truyện điển hình trong tập truyện đầu tay này của Phùng Nguyễn. Với 3 truyện ngắn đó, anh đã tiếp cận người đọc như một người bạn đến với một người bạn.

Không phải vô tình mà Phùng Nguyễn chọn Tháp Ký Ức làm tựa chung cho tập truyện này. Phải giở những tầng quá khứ ra, người ta mới thấy được cái hiện tại, và qua đó mới nhìn ra được điều mà nhân vật cô giáo Tố Quyên của anh [trong Tháp Ký Ức] nói rằng “Hy vọng luôn luôn hướng về tương lai.” Ðó cũng là điều mà nhiều năm sau, anh vẫn muốn có dịp gặp lại cô giáo của anh một lần nữa để hỏi cô: “Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai?”

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Nếu quả thật hy vọng chỉ hướng về tương lai thì cuộc sống này buồn quá. Có lần Phùng Nguyễn đã nói như vậy.

Truyện ngắn Phùng Nguyễn có vẻ như muốn dẫn dắt người đọc vào một thế giới đã “hoàn tất” hay ít ra cũng “trên đường hoàn tất”. Ðiển hình là cái kết trong Chuyện Thần Tiên của anh. Nếu nói theo một nhà văn phương Tây khi bàn về truyện ngắn, rằng nơi tác phẩm kết thúc chính là nơi cuộc sống [của tác phẩm] bắt đầu, thì truyện ngắn Phùng Nguyễn [qua Chuyện Thần Tiên] cho ta cái cảm tưởng cuộc sống của tác phẩm anh đã ngưng lại khi dòng chữ cuối cùng kết thúc thiên truyện của anh. Một kết thúc truyện không có độ mở là một kết thúc, vẫn nhìn thấy trong truyện ngắn cổ điển thế giới. Nó không để cho người đọc có cơ hội tham gia cộng hưởng với tác giả. Nó đặt người đọc vào thế thụ động và như thế cái mối liên hệ giữa tác phẩm và người đọc được anh tạo ra ở phần đầu, bỗng nhiên mà đánh mất cái vẻ thân mật ở phần kết thúc.

Dù sao, với tác phẩm đầu tay này, Phùng Nguyễn đã mang đến cho văn chương Việt Nam những trang chữ mới, làm cho đời sống văn học chúng ta phong phú hơn, giàu có hơn.

Qua cách viết của anh, ngay ở cuốn sách đầu tay này, người đọc đã nhận ra một Phùng Nguyễn – nhà văn và chúng ta có thể tin tưởng rằng sức viết đang thời sung mãn của anh, ngòi bút Phùng Nguyễn có thừa điều kiện để đi xa hơn nữa, xa hơn cái quãng đường mà Tháp Ký Ức vừa mang đến cho chúng ta. Tôi tin như vậy.

NXH