Quách Thoại (1930-1957) tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế. Ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường). Quách Thoại từ nhỏ đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn cộng tác với nhiều tờ báo: Người Việt, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi… Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo xuất bản ở Sài Gòn. Quách Thoại mang một tâm hồn thơ mộng, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt. Ông chết vì bệnh lao, ngày 7/11/1957,  trong hoàn cảnh nghèo khó, cô đơn, đến phút chót vẫn “kêu gào muốn sống” (lời Lý Hoàng Phong).

Quách Thoại là một nhà thơ u uẩn và nhiều đam mê. Ông đam mê tình ái, thi ca, tình bạn và lý tưởng. Trong thời của mình, Quách Thoại đã lên án chiến tranh, bạo lực, đồng thời chào mừng tự do và đòi hỏi dân chủ. Thơ Quách Thoại còn mang hình ảnh của những buổi chiều Việt Nam thê lương, đầy sắc máu và khổ đau. Nhà thơ Viên Linh đã viết về Quách Thoại như sau: “Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại…”

Nguyễn gặp Quách Thoại ở Huế vào một mùa Hè. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Mình thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp đàn ông hiệu Saint-Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte-bagage rất chắc. Những bài thơ, một vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, đăng trên Đời Mới, Thẩm Mỹ, dưới bút hiệu Châu Liêm… gây được sự chú ý ở bạn bè xa gần – Đinh Cường, Tô Thùy Yên, Minh Đăng Khánh, Trần Lê Nguyễn, và Quách Thoại.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Thoại về Huế năm ấy vào dạo Hè. Mùa Hè nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, mà mình như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.

Thoại nhiều đam mê, sống nghệ sĩ. Thơ Thoại lãng mạn, có chỗ siêu thực nhưng mang dấu vết thời đại và sẽ sống mãi trong lòng anh em. Sau đây xin gởi đến các bạn bài Những Buổi Chiều Việt Nam nổi tiếng của Quách Thoại. NGUYỄN & BẠN HỮU

Những buổi chiều Việt Nam

 

Tôi đã đi trên những buổi chiều

Những buổi chiều của quá khứ

Rất cô liêu

Và mưa gió rất nhiều

Trên những buổi chiều Việt Nam

Rất thân yêu

Của ngày nay

Tôi cũng đang đi đây

Ôi con đường dài xơ xác

Lá vàng heo may

Bóng dáng xanh xao

Những em bé ăn mày

Những người anh

Máu chảy cả đôi tay

Chiều chiến tranh

Những mẹ già run sợ

Vì tiếng súng cối xay

Ðêm sắp tới rồi

Người ta đang giết nhau quá mê say

 

Tôi rất nhớ

Ðến những phút chiều

Trên ngọn Hồng Lĩnh

Xa xa ở phía tây

Ngoài kia vùng Bắc Việt

Nơi kẻ thù tôi

Và đồng bào tôi

Ðang giết nhau

Ôi còn gì đớn đau

Loang lở rồi trốn nhau

Chiều về hấp hối

Trên Nhị Hà chảy mau

Kìa Cửu Long giang cuồn cuộn máu

Giòng Hương đã đổi màu

Chiều về

Biết đâu mà nương náu

Quê hương tôi

Cờ đủ lối thay nhau

 

Tôi khóc đây rồi

Chiều về lạc lối

Những dây thép gai

Loài người tôi chia làm hai

Buồn hơn cả

Một tiếng thở dài

Sầu hơn cả

Một tiếng bi ai

 

Chiều! Chiều!

Có những người đã hát

Những khúc hát hùng ca

Những lực lượng ồ ạt

Ðang xây những thành núi cửa nhà

Những buổi chiều bao la

Mà hy vọng về chói loà

Tôi úp mặt khóc oà

Vì những buổi chiều sáng quá

Cũng như những hoàng hôn đang đi qua

Ôi những buổi chiều băng giá Việt Nam

Những buổi chiều nghèo nàn

Thằng nhỏ với củ khoai lang

Da mặt mét vàng

Những cục đất sét vàng

Xơ xác lá bàng

Những buổi chiều lầm than

Trời buồn mây xám

Lang thang nẻo đường làng u uất về u ám

Những mái tranh những miếu am

Chiều nơi đô thị

Ánh sáng sao vội vàng

Sao ngỡ ngàng

Có những nàng

Những lũ người bán thân

Những vạn món hàng khiêu dâm

Những buổi chiều lỗi lầm

Mà nước Việt tôi

Phải nói với nhau âm thầm

Rằng phải gắng thương nhau

 

Ôi những buổi chiều Việt Nam đớn đau

Hàng triệu kẻ gục đầu

Quằn quại phơi thây

Kêu gào la khóc

Trong chế độ đỏ ngầu

Hỡi ôi

Ðất nước chia đôi

Nam Bắc hai đầu

Nhìn nhau mà ruột đứt

Tang thương này

Còn mãi đến bao lâu

Thôi gắng quên đi

Nỗi thảm khổ sầu

Tôi nhìn thẳng ngày mai

Dựng cao cờ chiến đấu

Vĩ đại thay trời dân chủ

Xanh xanh hy vọng một màu

Thế giới tự do cười

Hát ca giữa cuộc đời Việt Nam Á Châu.

 QT

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Nguồn: Giữa lòng cuộc đời, Tạp chí Văn nghệ xuất bản, SàiGòn, 1962