Thảo Trường ra đi mới đó mà đã 12 năm. Ông qua đời ở Huntington Beach, California ngày 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi. Nguyễn và bằng hữu chiều nay nhìn mây trời nghĩ đến ông mà lòng mênh mang tưởng nhớ một tài năng văn học.

Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 – Nam Ðịnh. Di cư vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Ðức, Trần Duy Hinh phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút trong thời gian mới rời trường sĩ quan Thủ Ðức. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Ðàn Bà Mang Thai Trên Kinh Ðồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Ðồng Ðã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974) và nhiều tác phẩm khác.

Sau biến cố 1975, ông là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm.

Năm 1993 đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình [vợ con đã sang đây từ 1975], ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Tác phẩm đầu tiên sau thời gian bị tù cộng sản là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp. Tiếp sau đó là: Ðá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Ðá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007).

Tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết – tác phẩm quan trọng nhất của ông, đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008.

Một buổi chiều nhìn mây trôi. Bây giờ, chiều nào mà không nhìn mây trôi. Ðể thấy mây trên trời trắng như áo văn nhân (thiên thượng phù vân như bạch y…)

Thảo Trường

Nguyễn có hân hạnh được biết nhà văn Thảo Trường. Biết chứ không quen thân, mặc dù có gặp nhau một lần. Hồi đó, cách đây ngoài hai mươi năm, vừa mới qua Mỹ, nhân cùng vợ rong chơi ở Cali, Nguyễn được bạn bè dẫn đến dự buổi ra mắt sách của Phan Ni Tấn và Nguyễn Nam An. Hôm ấy có nhiều người nổi tiếng: Mai Thảo, Thái Thanh, Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Nghiêu Ðề và Giang… Trong buổi sinh hoạt, Hoàng Khởi Phong có dẫn mình đến giới thiệu với Thảo Trường. Ðược biết tiếng anh từ lâu, ngày xưa có đọc Bà Phi của anh đăng trên nhật báo Tiền Tuyến, mãi đến bây giờ mới gặp người, Nguyễn cảm thấy rất vui. Về sau, khi làm tờ Phố Văn, CL có mời Thảo Trường viết. Anh vui vẻ nhận lời và gửi đăng mấy truyện, trong đó có Hộ Khẩu Ở Ngoại ThànhChương Bốn Mây Trôi. Phải nói cả hai truyện đều mạnh mẽ, táo bạo, đầy sức sống. Rồi anh gởi tặng mình cuốn sách của anh –Ðá Mục. Ðá mà cũng mục, huống chi người, phải không anh Thảo Trường? Vừa qua, nghe tin anh in sách và được bạn bè nồng nhiệt giới thiệu và khen ngợi, Nguyễn cảm thấy rất mừng và có những dòng này.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Mừng, vì anh xứng đáng được như vậy. Anh đã từng phục vụ trong quân đội tới 17 năm và ở tù Cộng Sản đâu cũng bằng quãng thời gian đó, lại là nhà văn có bút pháp trung thực, mạnh mẽ (đôi khi thơ mộng) và tấm lòng thủy chung, nhân hậu.

Ðó là Thảo Trường. Trong truyện “Viên Ðạn Bắn Vào Nhà Thục” chẳng hạn, ông chỉ diễn tả thực trạng chiến tranh mà không lên án ai, phán xét ai, không nói xấu bên nào, không bênh bên nào. Nói như thế không có nghĩa là Thảo Trường không có cái nhìn phân biệt đúng sai. Thật ra, ông chỉ muốn làm người nghệ sĩ cảm nhận mọi sắc thái của cuộc đời, diễn tả cuộc đời như nó là thế. Người đọc có thể nhìn ra cái ý của ông sau hàng chữ. Thế thôi. Cũng vẫn theo nhà thơ Ðỗ Quý Toàn, Thảo Trường kể chuyện người cựu tù binh đạp xe đi mót ve chai ven xa lộ PCH ở California mà lâu lâu lại vấn vương nhớ những hình ảnh cũ. “Hồn bay lên khỏi những ngọn cây tràm rậm rì… qua những cây tràm khác trong trại giam ra khỏi hàng rào tre, bay qua Suối Lạnh, qua Suối Cạn, lướt trên ngọn cây, bay vù lên ngọn núi Mây Tào…” Ông nhớ lại những ông chánh án tòa thượng thẩm bị biệt giam, nhớ cậu bé con, nhớ người sĩ quan trẻ bị tâm thần được trả tự do nhưng nhất định không rời trại nếu không có xe quân cảnh Mỹ đến đón! Sau khi vất vả mới đánh lừa để đuổi được cậu tù trẻ này ra khỏi trại rồi, người trực trại than: “Tù cũng khổ! Cai tù cũng khổ! Ở tù cũng khổ! Ra tù cũng khổ!” Buổi tối, khi đàn bò xổng chuồng cả trại phải đi “thu quân” về rồi mới được ngủ bù, có bác cằn nhằn: “Bò cũng khổ! Người cũng khổ!”

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðoạn văn trên hay quá, phải không bạn. Không oán thù, chỉ nhẹ nhàng diễn tả những cảm xúc nhân hậu.

Nhưng ngoài những cảm xúc thuần túy nghệ thuật, ở Thảo Trường ta còn tìm thấy những thực tế sần sùi (Những Ðứa Trẻ Thụ Thai Giữa Hàng Rào), những ý nghĩ cay đắng, những lời đầy uất hận. Có lúc anh đã lớn tiếng chửi: “Bố tiên sư nhà nó… Ðéo mẹ nó… Cha tiên sư nhà nó cách mạng… Bố tiên sư nhà nó Ðồng Minh”, nghĩa là chửi cả Việt Cộng, chửi cả Mỹ. Hay như trong câu chuyện sau đây ở truyện “Ðá Mục” được nhà văn Huy Phương trích dẫn, một câu chuyện thật, một chuyện cười ra nước mắt: Một bác tù già có nhiệm vụ giữ chuồng heo, trong đó có một con heo giống tức là heo nọc. Sau một lần gieo giống vất vả, cô phó tiến sĩ nuôi heo mới giao cho bác tù già hai quả trứng gà nói là “để bồi dưỡng”. Bác tù già này rất cảm động, có lẽ trong lòng bác đã nghĩ đến hai chữ tình người, bác đun nước và thưởng thức rất tận tình hai quả trứng. Khi cô phó tiến sĩ trở lại, hỏi đã đập hai quả trứng vào máng để bồi dưỡng cho con heo nọc chưa, thì bác mới thú nhận là đã xơi hai quả trứng vì cứ nghĩ là bà cán bộ muốn bồi dưỡng  bác. Kết quả là cô cán bộ nổi trận lôi đình và mắng nhiếc bác tù già: “Nó nhảy, chứ anh có làm gì đâu… mà bồi dưỡng? Anh tranh ăn của nó là anh bóc lột nó. Các anh bóc lột của nhân dân quen rồi, bây giờ lại bóc lột của lợn nữa!” Cũng vì nhận lầm hai quả trứng gà “bồi dưỡng” mà bác tù già phải trở về đội nông nghiệp, để lại tìm “chỗ dựa vững chắc” là cây cuốc.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Thật sự, bút pháp của Thảo Trường linh động, nhiều sắc thái, nhưng bao giờ cũng mạnh mẽ. Tất nhiên, tinh thần nhân bản, nhân hậu trong truyện của anh vẫn là nét dễ thấy. Những chuyện Thảo Trường viết là những chuyện có thật. Như vậy, Thảo Trường không bịa chuyện, nhất là bịa chuyện với dụng tâm nói xấu, bôi bẩn đối phương -như Bảo Ninh và Dương Thu Hương đã có lúc làm như vậy. Ðây là điểm khác biệt giữa nhà văn miền Nam và nhà văn Cộng Sản miền Bắc. Chính vì điều này mà Ðỗ Quý Toàn nói Thảo Trường là nhà văn tự do. Nhà văn nhà thơ miền Nam đều là những ngòi bút tự do, nghĩa là không sáng tác dưới áp lực chính trị hay ý thức hệ nào cả. Nguyễn Bắc Sơn chẳng hạn đi vào chiến tranh với phong thái nghệ sĩ: Mai ta đụng trận…  Linh hồn ta sẽ thành mây bay. Thanh Tâm Tuyền ở trong tù mà “gánh cỏ trên vai, thơ trong đầu”. Tô Thùy Yên bị đày đọa đến cả chục năm trong các lán trại từ Bắc chí Nam cũng nghĩ tới cái chung cuộc “Quen lạ, bạn thù chung giấc ngủ / Chung lời thương tiếc khắc trên bia”. Và còn nhiều, còn nhiều nữa. Chắc chắn những nhà văn nhà thơ Cộng Sản không bao giờ có được cái nhìn và những ý nghĩ nhân bản như vậy.

N&BH – Tổng Hợp