Nhà văn Nhật Tiến sinh năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có 7 người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi tức trường Nam tiểu học Nguyễn Du, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).

Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ trước, cả thơ lẫn truyện. Năm 1954, di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Ðà Lạt, viết kịch cho Ðài phát thanh của Ngự Lâm Quân sau đó về Nam, đi dạy học tại Mỹ Tho, Bến Tre,  rồi về Sài Gòn dạy Vật Lý và  Hóa Học  cho các trường tư như Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Bồ Ðề,  Quốc Tuấn, Hồng Bàng….

Tháng 6-1958, khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay thì ông được mời cộng tác ngay từ số đầu với truyện ngắn Ðôi Guốc Trắng..

Năm 1959 – 1975, ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản.

Năm 1975, ông tiếp tục dạy tại một trường dưới chế độ XHCN. Tháng 10 năm 1979, Nhật Tiến vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư ở California từ năm 1980. Ở đây, ông viết văn và theo học ngành điện toán ở Control Data Institute, rồi làm chuyên viên sửa máy vi điện toán cho hãng VERIFONE. Năm 1998, ông nghỉ hưu, sống ở California  cùng vợ là Ðỗ Phương Khanh, cũng là một nhà văn, nhà báo.

Nhà văn Nhật Tiến từ trần ngày 14 tháng 9 năm 2020 tại thành phố Irvine, California, thọ 84 tuổi. Vợ ông là Ðỗ Phương Khanh mất 3 tuần lễ trước đó.

Năm 2013, nhà xuất bản Huyền Trân có chương trình tái bản tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến, trong đó có “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ”. Tác phẩm khơi dựng lại khung trời Hà Nội vào những năm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Những cậu trò của thời buổi đó đi vào con đường văn nghệ, báo chí ra sao, sinh hoạt Bút Nhóm thời ấy thế nào, và những tên tuổi rất quen thuộc trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa vào thời kỳ ấy gắn bó thế nào với tuổi trẻ….tất cả đều đã được ghi lại rất hào hứng, rất linh động qua những sinh hoạt mà chính tác giả đã từng trải qua.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Có thể nói, “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ” là một tiểu thuyết hồi ký vừa có tính cách giải trí nhẹ nhàng, vui nhộn nhưng cũng lại chất chứa rất nhiều hình ảnh sinh hoạt của một thời đã qua, có lẽ không bao giờ còn trở lại.

NGUYỄN & BẠN HỮU

(theo trang web Nhà văn Nhật Tiến và MICHAEL BUI)

Nhật Tiến

Tác phẩm

– Tác phẩm đã in ở trong nước trước 1975: Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Người Kéo Màn (1962), Ánh Sáng Công Viên (1963), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Giọt Lệ Đen (1968), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969) Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970), Tặng phẩm của dòng sông (1972), Thuở mơ làm văn sĩ (1974)và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã, Săn trong thành phố v.v.

– Tác phẩm in ở hải ngoại có Tiếng kèn (1981), Mồ hôi của đá (1988), Cánh Cửa (1990), Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác  (2013)…

Thay cho lời tựa cuốn ‘Thuở mơ làm văn sĩ’

NHẬT TIẾN

Hồi ký là một thể văn ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ của người viết.

Những người viết hồi ký thường thường là những nhân vật có liên hệ mật thiết đến một giai đoạn lịch sử của dân tộc, hoặc họ đã tham dự, hoặc họ đã có ảnh hưởng đến một biến cố chung xảy ra trong quá khứ. Ðọc quá khứ của họ, có thể những dữ kiện lịch sử được làm cho sáng tỏ hơn, những tình tiết xảy ra trong một biến cố chung sẽ được phơi bày, và như vậy, một tác phẩm hồi ký có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khảo cứu về Lịch Sử, Ðịa Lý, Văn Học, Khoa học Nhân Văn hay Khoa học thuần túy v.v.

Trong phạm vi của loạt bài nhỏ bé này, và nhất là trong cương vị khiêm nhường của người viết, tôi không có cao vọng viết một hồi ký. Lý do dễ hiểu là tôi không thuộc về bất cứ một loại nhân vật danh tiếng nào có ảnh hưởng mật thiết đến một giai đoạn nào trong quá khứ.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Viết loạt bài này, tôi chỉ có một ước vọng nhỏ bé là nhắm vào các độc giả tý hon của tuần báo Thiếu Nhi đang phát hành, những độc giả vốn đầy nhiệt thành và thiện chí mong ước trở thành những bàn tay tiếp nối công trình xây dựng văn hóa của những đàn anh đi trước.

Nhân dịp trông nom tòa soạn tuần báo Thiếu Nhi, qua những bài vở, thư từ gửi về tòa soạn trong suốt một năm, tôi đã nhìn thấy những mạch nhựa căng phồng đang chuyển mình mạnh mẽ để sửa soạn cho một giai đoạn nẩy hoa, kết trái trong tương lai gần gũi. Tuổi các em  là tuổi nhiều mơ ước. Tâm hồn của các em là tâm hồn trong sáng, nhiệt thành và rất giàu thiện chí. Rất tiếc là trong sinh hoạt văn chương hiện nay (thời điểm năm 1972), ngoại trừ các bài giáo khoa giảng dạy cho các em ở nhà trường, các em không còn một môi trường nào khác để hướng dẫn và dìu dắt một cách chặt chẽ để tài năng của các em có cơ hội phát triển mạnh mẽ và mau chóng.

Một bài văn các em gửi đi, nếu không đăng được, các em không hiểu vì lý do gì. Một tác phẩm khác được đăng lên, các em không thấy hết được vẻ hay của chính mình. Các em lại rất nồng nhiệt tham gia các sinh hoạt bút nhóm, các thi văn đoàn, các nhóm viết nhỏ mà hiện nay có thể tính được hàng ngàn rải rác trên toàn quốc. Nhưng sinh hoạt bút nhóm của các em cũng không phát triển được đúng mức vì thiếu hướng dẫn và dìu dắt. Mạch nhựa dồi dào sức sống vì nguyên do đó cứ chuyển vận quanh quẩn trong thớ gỗ mà ít có cơ hội trổ hoa, kết trái. Ðó là một sự thiệt thòi đáng tiếc của truyền thống tiếp nối văn hóa trong liên tục lịch sử. Ðành rằng trong quá khứ, thuở ban đầu của các bậc anh đi trước cũng không có điều kiện phát triển hơn gì của các em hiện tại. Họ đã mày mò trong kiên nhẫn và thiện chí như một con tằm âm thầm tìm cách cắn kén chui ra. Có người đã thành công, nhưng cũng có người đã thất bại, bỏ cuộc nửa chừng.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Ước vọng của tôi là mong góp phần dù rất nhỏ bé vào công việc gửi đến các em những kinh nghiệm của người đi trước, những điều các em nên tránh, những việc mà các em nên làm, với hy vọng các em có thể trau dồi được dễ dàng hơn khả năng sáng tạo của mình, ngoài thiện chí mày mò một mình trong nỗ lực cô đơn.

Ðáng lẽ những dữ kiện phải được trình bày dưới hình thức một tác phẩm biên khảo tương tự như tác phẩm «Viết và Ðọc Tiểu Thuyết» của cố văn hào Nhất Linh đã làm (dưới một tầm mức đơn giản hơn và cho một đối tượng giới hạn hơn). Nhưng để phù hợp với đường lối linh động của tờ báo, tôi phải trình bày dưới hình thức một Tiểu Thuyết Hồi Ký, dẫu sao đối với các em nó sẽ trở nên bớt khô khan, buồn nản hơn.

Ðặt chữ Tiểu Thuyết bên cạnh chữ Hồi Ký là một dụng ý cần thiết. Ðiều đó chứng tỏ các em không cần đối chiếu những sự kiện có thực đã xảy ra trong quá khứ của người viết. Cái quá khứ ấy đã được tiểu thuyết hóa đi để tăng phần linh động và giảm phần nhàm chán vì bắt độc giả cứ phải nghe quá nhiều về một cái tôi bình thường của một cá nhân bình thường trong tập thể.

Vấn đề chính yếu là các em sẽ tìm thấy ở đây nhiều dữ kiện. Những dữ kiện rất gần gũi với các em, những dữ kiện có nhiều lợi ích thiết thực cho vấn đề sáng tác mà các em đang theo đuổi.

Bởi lý do rất dễ hiểu là nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này, cũng như các em, tất cả đều đã gặp nhau ở một thuở có nhiều ước mơ vốn đầy thiết tha và dồi dào cảm hứng, đó là Thuở Mơ Làm Văn Sĩ…