Võ Hoàng là một nhà văn trẻ nổi bật trên bầu trời văn học hải ngoại đầu thập niên 1980. Anh đã cùng Tưởng Năng Tiến cho ra đời tập truyện Măng Ðầu Mùa và Ðất Lạ với dòng văn sáng sủa và hết sức thân mật. Nhà văn Võ Hoàng với cách viết rất thật và rất chân tình chia sẻ với đời đã thể hiện di sản của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Những sáng tác của nhà văn Võ Hoàng trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi (1979-1984) mang tràn đầy tính chất Nam Bộ, tuy ít nhưng cũng đủ thể hiện một tài năng của văn chương miền Nam. Nhà văn Vũ Thư Hiên từng ca ngợi: Nếu Võ Hoàng còn sống chúng ta sẽ có một nhà văn lớn.

Vận nước đảo điên, đất trời u ám đã khiến chúng ta mất đi một nhân tài của đất nước. Ðứa con của đất trời Kiên Giang in dấu chân của người anh hùng Nguyễn Trung Trực với “Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa” đã ra đi quá sớm, khi tuổi đời vừa quá ba mươi. Ðất rừng Hạ Lào đã chôn vùi thân xác người kháng chiến quân Võ Hoàng, nhưng nhà văn Võ Hoàng đã để lại một huyền thoại cho tuổi trẻ mai sau.

Nhà văn Võ Hoàng tên thật là Võ Hoàng Oanh ra đời năm 1952 tại Phú Quốc (Kiên Giang). Là một ngôi sao sáng trên vùng trời Hải ngoại nhưng anh đã từ bỏ tất cả, danh vọng và tự do mà anh vừa kiếm được để theo bước chân người sinh viên Trần Văn Bá vừa ngã gục vì hai tiếng gọi Quê Hương và Nhân đạo. Anh đã chọn lựa cho mình con đường gian khó vì Quê Hương và Ðồng Bào ruột thịt.

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Võ Hoàng cùng Tưởng Năng Tiến, Lý Khánh Hồng, Thượng Văn và Lôi Tam thành lập tạp chí và xuất bản Nhân Văn (1982). Vào giai đoạn khai sinh của cộng đồng người Việt tại Hải ngoại Nhân Văn đã đóng góp vào kho tàng văn hóa của dân tộc.

Không chỉ là một nhà văn, Võ Hoàng còn là một nhà thơ, một nhạc sĩ.

“Cách mạng, đường dài,

Người đi như con nước miệt mài.

Ðổ mồ hôi thành dòng,

Loang theo dấu chân thành những con đường làm nên chiến thắng,

Ta đi, ta đi, tay dang tay bên trời hừng say gió nắng

Bừng bừng cao ngọn lửa chói lòa,

Thế kỷ này là thế kỷ của chúng ta…”

Một bài hát được truyền đi khắp nơi trong các sinh hoạt của các Thanh niên Việt Nam tại hải ngoại thời bấy giờ.

Trên là những dòng chữ ghi lại từ trang ‘Lịch sử Văn hóa và Truyền thống Việt Nam’

Sau phần tiểu sử Võ Hoàng ghi dưới, chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng những tâm khúc của nhiều cây bút viết cho anh.

Tài liệu ghi lại sau đây lấy từ website Nhân Văn và do nhà văn Tưởng Năng Tiến cung cấp, được đăng trên Phố Văn số 12 tháng 9, 2001.

Võ Hoàng, tên thật Võ Hoàng Oanh. Sinh 1952 ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

1974: Gia nhập Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

1975-1976: Tù cải tạo.

1978: Vượt biển, đến Úc.

1979: Ðịnh cư ở Hoa Kỳ.

1980-1981: Cộng tác viên báo Ðại Dân Tộc của Hà Túc Ðạo và tạp chí Việt Nam của Vũ Thế Ngọc.

1982: Cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lý Khánh Hồng chủ trương tạp chí Nhân Văn ở San Jose.

1983: Gia nhập Mặt Trận ông Hoàng Cơ Minh.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

1984: Về Thái Lan, Ðông Dương.

1984-1987: Uỷ viên chính trị cấp Kháng Ðoàn.

1986: Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Kháng Chiến.

Mất ngày 28 tháng Tám 1987, tại rừng núi Nam Lào.

Tác phẩm:

– Măng Ðầu Mùa, truyện ngắn, cùng viết với Tưởng Năng Tiến, Nhân Văn xuất bản 1982.

– Trong Lòng Cách Mạng, truyện ngắn, Nhân Văn xuất bản 1983.

– Góc Bể Chân Trời, truyện dài, Nhân Văn xuất bản 1983.

Ðất Lạ, truyện ngắn, cùng viết với Tưởng Năng Tiến, Hương Quê xuất bản 1984.

Sau đây là trang thơ Lê Thị Huệ của Gio-o viết cho Võ Hoàng.

“Ði đi anh

nào phải chúng ta là kẻ ra đi một mình

sa trường đã ngập lụt

máu và nước mắt

triệu triệu tiếng chân người đồng hành

hoặc tất cả chúng ta cùng sống

hoặc tất cả chúng ta cùng chết

Ði đi anh

có em sẽ chờ anh nơi bờ đê

muà gió lên rơm rạ nở đầy trời

mảnh đất đã thấm đẫm oan khiên

vẫn thơm mùi lúa khoai mới gặt

em sẽ vốc lấy một nhúm và buộc chặt

vào bâu áo

làm bùa chú tặng anh

có anh linh của người nằm xuống

có bóng hình của kẻ đang sống

chỉ còn niềm tin này

là bùa hộ mệnh của đôi ta

những lân tinh hào sảng của nó

sẽ thổi hết đài đài búa liềm

sẽ bẻ cong quặp hết những gọng súng

thắt nơ đỏ

chúng ta phải tin và phải tin

vào mặt đất

đầy bùa phép của chính nó

thổi dạt hết thảm hoạ này

kế tiếp thảm hoạ nọ”

LÊ THỊ HUỆ

Đêm 10/8/2001

Nguyễn tôi ngày nào cũng đã viết một TÂM KHÚC cho Võ Hoàng

Tâm khúc cho một nhà văn

…nhà văn võ hoàng mất ngày 28 tháng 8.

        1978 ở rừng núi Nam Lào khi về lại VN.

 

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

hãy đập vỡ tiếng cồng

đêm. màu da nhiệt đới

mùa hạ huyền

mặt trăng. đỏ. trong khu rừng cháy

và hãy nhớ. ở một nơi nào. những hàng cây thốt

         nốt. yên lặng. dưới trời

và nắng

mắt thuyền độc mộc. trên sông

dòng xanh trôi màu lá huyễn

những họng súng chong. chiều. bầy chim

  đầu trọc bay. bay rợp đồng người

măng đầu mùa. như trăng. sao chẳng ngọt

mà đường về. hoa ác. đong đưa

khi tôi nghĩ đến anh. và viết

võ hoàng

mường tượng thấy

người đứng trên đồi lau

nhìn về một xóm khuất

có tiếng gà gáy

trăng lên. trong rơm rạ

cũng chợt như vừa nghe. cơn giông

trên một cánh rừng. những lằn chớp xanh. rạch

 nát mặt người

ai về. hàng cây bật khóc

mưa trên những mái gồi

mùi của đất. ngàn năm

lúc đó. đêm nguyệt tận. cuối cùng

 cho một khúc ca

ngồi bên đống lửa

đọc lại những tờ bản thảo

đâu nắng vàng dưới trời yên bái

và mưa nhã nam

những đầm bông súng hồng tay em. hàng thùy

dương sóng xa. biển và đất nước

người du sĩ bật đứt dây đàn

máu chảy trên những thành phố

ôi. măng đầu mùa. như trăng. sao chẳng ngọt

mà đường về. hoa ác. đong đưa

thế kỷ. người cày những cánh đồng chết

người đuổi người. đi về biển xa

khi tôi ngồi nghĩ đến anh. và viết

võ hoàng

những hàng thốt nốt. dưới trời. yên lặng

vẫn yên lặng

những dòng kinh trên lá. đã khô

và nắng rã. tàn phai. không bóng người

không bóng người

trăng. như tôi. khóc

võ hoàng ơi

NXT

NGUYỄN & BẠN HỮU