Nguyễn Mộng Giác viết về Kiệt Tấn

Hồi còn ở Việt Nam trước 1975, tôi dạy học ở tỉnh lẻ nên ít có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với giới cầm bút. Tôi có được nghe nói tới tập thơ «Ðiệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá» của Kiệt Tấn xuất bản năm 1966, nhưng chưa được đọc. Hình như từ lúc cho xuất bản tác phẩm đầu tay cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, Kiệt Tấn bận chuyện học hành, bận sống cho hết cung bậc của yêu hờn giận ghét nhiều hơn là viết về những điều mình sống. Những kinh nghiệm, xúc cảm, suy tưởng trong thời gian ấy được ấp ủ, tích lũy như một thứ rượu quý, để đến một lúc nào đó, không thể dừng được nữa, Kiệt Tấn để mặc cho xúc cảm tuôn trào nơi đầu ngọn bút. Truyện “Em Ðiên Xõa Tóc” Kiệt Tấn gửi cho Văn Học Nghệ Thuật là kết quả của những kinh nghiệm đã chín mọng, những xúc động đã ngút ngàn, những suy tưởng đã viên mãn… Những cái “đã” ấy tất nhiên phải thành nghệ thuật. Quả đúng như thế, “Em Ðiên Xõa Tóc” được in ra và phổ biến khắp nơi, liền được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Ðây là một trong những truyện ngắn hiếm hoi, có giá trị nhân bản phổ quát mà Văn Học và Văn Học Nghệ Thuật được hân hạnh giới thiệu với bạn đọc.

Từ đó đến nay, Kiệt Tấn liên tiếp đem nhiều kinh ngạc cho những người theo dõi sát sinh hoạt văn chương ở hải ngoại. Anh lần lượt viết lại những cuộc tình Á-Âu lẫn những mối tình đầu của đời anh, từ Ðêm Cỏ Tuyết, Người Em Xóm Học, đến Yêu Em Xứ Tuyết, truyện nào cũng thơ mộng tuyệt vời và nhục cảm ngùn ngụt. Anh viết bạo, viết hết tất cả sắc diện của tình yêu, anh đi suốt những gì mà những người viết khác chỉ dám đi một nửa, rồi bẽn lẽn dừng lại ở chỗ tự cho là ranh giới. Nhờ thế, nhiều truyện tình của Kiệt Tấn có cái chất sống cuồng nhiệt của tác phẩm D. H. Lawrence trong đó tình yêu có đầy đủ cả những đóa hoa e ấp trao nhau, những nụ hôn ngượng ngập, lẫn những tham lam cuống quýt và những “hơi thở rướn cong” (1).

Nhưng Kiệt Tấn không chịu dừng lại ở đó. Trong cuộc phiêu lưu đi tìm cái ta riêng trong cái chung của nhân loại, đi tìm cái đặc thù tiêu biểu, Kiệt Tấn làm kinh ngạc người đọc ở cả những lãnh vực khác. Và trong loại đề tài nào, Kiệt Tấn cũng viết được những truyện ngắn xuất sắc. Một số trích đoạn đã được đăng tải trong tập trường thiên Lớp Lớp Phù Sa của anh, cũng với Nụ Cười Tre Trúc, Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi, Năm Nay Ðào Lại Nở cho chúng ta thấy một Kiệt Tấn khác hẳn Kiệt Tấn trong những truyện tình. Tình yêu quê hương của anh cũng hôi hổi y như tình yêu trai gái.

Sức sống cuồng nhiệt, sự nhạy cảm của Kiệt Tấn, trải qua thăng trầm của lịch sử, đương nhiên dẫn anh tới những suy tưởng bao quát về cuộc đời, về con người. Kỷ niệm đẹp của một quê hương đã mất, lưu niệm của những ngày tháng tàn phai, cuộc sống lưu vong, đã đẩy đưa Kiệt Tấn viết Vườn Chanh Miệt Biển, một thứ tùy bút pha lẫn bút ký và tự truyện, mà theo tôi, đánh dấu thành công viên mãn nhất của Kiệt Tấn trong loại sáng tác suy tưởng. (Nguồn: Trang Nhà NMG)

Nhà văn Kiệt Tấn 

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết về Kiệt Tấn

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Tôi đọc thơ của Kiệt Tấn từ những năm 60 ở Sài Gòn, và mãi đến nhiều năm sau — thập niên 80 — tôi mới đọc truyện của ông ở Mỹ. Từ những bài thơ trong tập “Ðiệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá” (do Sáng Tạo in năm 1966) đến tập truyện “Nụ Cười Tre Trúc” (do nxb Văn Nghệ in năm 1987), Kiệt Tấn sau 21 năm đã chuyển một bước đi khá ngoạn mục.

Nếu những bài thơ của Kiệt Tấn khi vừa chào đời cho tôi ấn tượng ông có vẻ như không phải là người miền Nam, thì truyện của Kiệt Tấn cho thấy ngay ông là nhà văn “miệt vườn” Nam Bộ, tài hoa như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Xuyên, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An… Tất nhiên là Kiệt Tấn mang một sắc thái cá biệt, rất riêng và rất độc đáo, không giống Sơn Nam cũng không giống Lê Xuyên. Ông không những viết rất có duyên, mà hơn thế, ông là người kể chuyện “phăng phăng la tu líp” cứ thế mà đi tới không sợ gì những cấm kỵ (?) trong thế giới chữ nghĩa mà một số (nhiều?) tác giả khác còn dè dặt… Kiệt Tấn viết như nói, lôi kéo người đọc, người nghe đi vào thế giới của ông, cái thế giới đầy da thịt và hơi thở gấp gáp, thế giới của “yêu ma tinh quái”, của “Ðừng anh! Ðừng anh! Thôi! Thôi anh! Thôi anh! Ðừng!”. Thế giới của “Chết em! Anh! Chết em rồi! Hết nổi rồi anh!” Thế giới của những lời nói ngược! Cái cố ý làm văn chương không có trong những trang chữ của ông, nhưng khi xếp trang sách của Kiệt Tấn lại, người đọc luôn luôn mỉm một nụ cười và biết rằng mình vừa đọc xong một truyện ngắn đặc biệt.

Viết cùng thời với Kiệt Tấn — cũng giống như ông, năm 1966 là năm nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến in tập truyện ngắn đầu tay của tôi. Tuy vậy, chúng tôi dù ở cùng thành phố, nghe biết tên nhau mà ít có cơ hội đi lại với nhau. Kiệt Tấn nhắc lại hồi đó ông có đến toà soạn tờ Nghệ Thuật ở đường Phạm Ngũ Lão, tại đây thỉnh thoảng ông có gặp Thanh Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo và… nhưng ông nói: “Văn nghệ văn gừng không mắc mớ gì tới tôi hết”. Kiệt Tấn nói ông không thích bàn cãi hay tranh luận văn nghệ. “Tôi chủ trương ‘Viết không có chủ trương’, và viết từ bên trái sang phải, từ trên xuống dưới là ăn chắc”. Ông kể lại thời viết cho tờ Nghệ Thuật: “Thỉnh thoảng tôi xách một chai Johnny Ði Bộ tới toà soạn, rồi kéo nhau đi nhậu. Thế là xong”. Kiệt Tấn thú nhận là ông không có bạn văn nghệ, không thích bàn chuyện văn chương, “đi nhậu nhẹt và trai gái vui hơn”. Với ông, người ta sinh ra ở đời là để sống, mọi thứ khác chỉ là bày đặt. “Còn văn chương nghệ thuật?” Ông chẳng dành cho nó một vị trí đặc biệt nào cao hơn hoặc thấp hơn trong đời sống. Nó chỉ là một sinh hoạt như mọi sinh hoạt của con người. Vậy thôi. Với ông, đời sống bao trùm văn chương nghệ thuật chớ không phải văn chương nghệ thuật bao trùm đời sống. Ông nói từ lâu ông đã đi tới ý nghĩ sau đây: “Trong đời sống, cái gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì là quan trọng”.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

(Nguồn: Tiền Vệ) 

Mai Ninh viết về Kiệt Tấn

“Ðề cập đến văn chương Kiệt Tấn nhiều người nhắc tới trước nhất các truyện ngắn về tình yêu của ông, như thể không nói không được. Thật thế, trong văn chương Việt Nam đến nay khá hiếm truyện tình như truyện tình Kiệt Tấn. Ngùn ngụt, cháy bỏng, da thịt, nhưng chẳng phải chỉ có thân xác ngồn ngộn, tình yêu nam nữ ấy cuộn tròn thương yêu đằm thắm, da diết. Tác giả không những nhấn hết ga trong cách miêu tả hành động, mà còn bới lục đào sâu tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ đối thoại khi sống sượng buông tuồng, khi lãng mạn phủ dụ. Cái hấp dẫn còn từ một văn phong không kém phần chải chuốt mà người đọc vẫn thấy rất thực, hồn nhiên.

Hai tác phẩm ‘‘Năm nay đào lại nở’’ và  ‘‘Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi’’… thì lại khác. Chúng vẫn trung thành với dòng văn trữ tình đặc biệt của Kiệt Tấn nhưng không phải những ngọn lửa bừng bừng thiêu đốt thịt da cảm xúc nữa, chúng là sức nóng âm ỉ của than hồng trong đáy sâu tâm thức của con người, một con người lưu lạc mà quê hương trông về chỉ còn ngút ngàn mây trắng. Chắc chắn chẳng ít độc giả như tôi, cảm nhận ra cái quê hương của Kiệt Tấn và rồi của chính mình ấy, không là gì khác hơn hình ảnh của một thời quá khứ. Ðể rồi xúc động với từng dòng văn. Ở đây, văn Kiệt Tấn càng chân chất hơn, đơn giản hơn, lắm khi người đọc gặp cả mấy câu lời lẫn ý lặp đi lặp lại, tựa rất vụng về nhưng thật ra là cố ý : ‘‘Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó.’’, ‘‘Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi, đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm…’’. Một cố tình để đánh mạnh vào ký ức, vào cảm xúc.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Vẫn biết sống là sống với hiện tại, không phải với những gì đã qua hay sẽ đến, thế sao hồn người vẫn bị nhồi lên dận xuống theo triều sóng, khi đọc những trang viết về quá khứ tuổi thơ, về những người muôn năm cũ như thế này của nhà văn ?(Nguồn: AMVC)

NGUYỄN & BẠN HỮU

* trích từ tuyển tập Kiệt Tấn, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ, 2002.

Nhà văn Kiệt Tấn tên thật là Lê Tấn Kiệt, sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Học tiểu học ở Bạc Liêu, trung học ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sài Gòn và đại học ở Québec, Canada. Từ năm 1975, sống tại Pháp với gia đình.

Khởi đầu ông làm thơ đăng ở tạp chí Sáng Tạo. Tập “Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá” được Sáng Tạo xuất bản năm 1966.  Rồi hai chục năm không viết, không làm thơ. Cầm bút lại năm 1985, Kiệt Tấn đã cộng tác với các tạp chí hải ngoại Văn Học Nghệ Thuật, Văn Học, Văn, Làng Văn, Việt Nam Tự Do, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21.

Tác phẩm đã xuất bản : Điệp khúc tình yêu và trái phá (thơ, Sáng Tạo 1966), Nụ cười tre trúc (tập truyện, Văn Nghệ 1987), Lớp lớp phù sa (truyện dài, Văn Nghệ 1988), Thương nàng bấy nhiêu (tập truyện, Người Việt 1988), Nghe mưa (tập truyện, Xuân Thu 1989), Em ơi biết đâu tìm (tập truyện, An Tiêm 1994), Việt Nam Thương khúc (trường thi, An Tiêm 1999), Tuyển tập Kiệt Tấn (tập truyện, Văn Mới 2002). Em Điên Xõa Tóc (VHSG)

(Nguồn:Internet)

Kim Loan

mùa vọng yêu thương

 

Tháng mười hai tôi đi trong mùa Vọng

Hồn tôi xanh như vòng lá treo cao

Tình yêu Thiên Chúa đến từ nơi đâu

Mà mỗi mùa lại là tình yêu mới?

 

Vòng lá tròn là vĩnh hằng, vĩnh cửu

Như tình yêu vô tận Thiên Chúa ban

Niềm hy vọng như vòng lá tươi xanh

Ðấng cứu thế cứu con người hoạn nạn

 

Tháng mười hai, hồn tôi vừa thắp sáng

Bốn ngọn đèn, bốn tuần lễ thiêng liêng

Ba ngọn nến tím, một ngọn nến hồng

An ủi chuyện đời buồn vui, đau khổ

 

Chúa sẽ trở lại trong ngày sau đó

Hãy sẵn sàng sự thống hối, ăn năn

Thắp ngọn nến tím, Chúa Nhật đầu tiên

Lòng rạo rực bâng khuâng  mùa Vọng tưởng

 

Chúa Nhật thứ hai, nối dài mộng ước

Dọn sạch tâm hồn cho đấng cứu tinh

Ðường quanh co, sẽ uốn cho phân minh

Dốc gồ ghề, san bằng cho thẳng lối

 

Một ngọn nến hồng, hai ngọn nến tím

Sẽ thắp lên vào Chúa Nhật thứ Ba

Niềm vui mừng chờ đón chúa Kitô

Sinh xuống đời khiêm nhường nơi hang đá

 

Bốn ngọn nến lung linh, xua băng giá

Ngày Chúa gần kề, Chúa Nhật thứ Tư

Vì  Mẹ xưa kia dâng tiếng “Xin Vâng”

Kinh Vinh Danh vang lên bừng sức sống

 

Tháng Mười hai tôi đi trong mùa Vọng

Cuộc sống là những hy vọng yêu thương

Sau mùa Vọng là ngày lễ Giáng Sinh

Emmanuel, Chúa ở cùng ta mãi!

Edmonton, Mùa Vọng 2022