Để sống lại không khí của một thời trước 1975, ta có thể nghe những ca khúc của Lê Uyên Phương – Vũng Lầy Của Chúng Ta, Chiều Phi Trường, Dạ Khúc Tình Nhân, Một Ngày Vui Mùa Đông… Hoặc giả chúng ta có thể đọc lại những trang viết trong Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles cũng của Lê Uyên Phương. Một điều cần ghi nhận: Lê Uyên Phương có tài trên cả hai lãnh vực, âm nhạc và văn chương. Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles là một tác phẩm giá trị cần lưu giữ. Sau đây, xin giới thiệu với bạn đọc những trang viết về các quán cà phê thời ấy, trích từ ‘Không Có Mây…’ NGUYỄN & BẠN HỮU

(tiếp theo và hết)

Quanh các bàn cà phê, chúng tôi không còn nói về những cái sống và những cái chết nữa, chúng tôi không nói về chiến tranh và hòa bình nữa, mọi người bỗng trực nhận một điều: cái vượt lên trên cái sống và cái chết, cái vượt lên trên cơm áo và nỗi lo sợ, cái vượt lên trên những nỗi buồn và niềm vui vô cớ, cái vượt lên trên mọi chủ nghĩa, mọi lý luận của con người, cái vượt lên trên niềm khao khát hòa bình… đó là sự tự do. Sự tự do mà đôi lần một cách mơ hồ trong quá khứ, chúng ta đã được dạy dỗ và đã sống qua những ngày tháng buông thả với bạn bè, với những hàng quán, với những la cà, với những rong chơi, với những than mây khóc gió.

Quanh các bàn cà phê, người ta bắt đầu nói đến những dấn thân khác, đây nguy hiểm và tự nguyện: Chuyện ở, chuyện đi, chuyện vượt biên, chuyện phục quốc.

Bây giờ là thời kỳ mà những mơ mộng của tuổi trẻ trở thành một thứ trọng tội và lỗi thời. Người ta chạm trán với những thực tế rất phũ phàng, sự khinh bỉ và sự trọng vọng, những điều cấm và những điều không cấm, những mặc cảm và những danh xưng, những sợ hãi và những phẫn uất. Một dòng điện cao thế đã xuyên qua châu thân của mỗi người và làm rung chuyển từ ngón chân cho đến từng sợi tóc của mỗi chúng ta, và đẩy sự nhận thức của chúng ta đến cái chỗ cùng tận của nó. Mọi sự từ cái chỗ mờ mờ hư ảo trong quá khứ bỗng lồ lộ hiện ra dưới cái ánh sáng màu đỏ gay gắt rợn người của một thứ chủ nghĩa độc đoán. Và bên cạnh những bàn cà phê thô sơ ở lề đường, chúng tôi đang tôi luyện cho trí não mình, cho con tim mình sự cứng rắn đủ để đương đầu với cái thực tế kinh hoàng lúc đó.

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Trong quá khứ, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ là có thể uống cà phê suông mà không cần âm nhạc, nhưng giờ đây điều đó đã xảy ra, không những thế, vị đắng của cà phê đã trở thành vô cùng dịu ngọt so với vị đắng kinh hoàng của cuộc đời vây quanh chúng ta lúc đó.

BA

Tối nay, trong căn phòng khá rộng của cà phê HG, nhìn những dãy bàn ghế hình tròn được kê sát nhau, nhìn cái bục sân khấu trải thảm đỏ mượt mà dưới ánh đèn màu, nhìn cây dương cầm im lặng như đang chờ đợi bàn tay người nhạc sĩ, tôi bỗng nhớ lại những gì tôi đã khao khát được thực hiện khi tôi tìm được tự do. Tôi đã mơ đến một chân trời mở ra bất tận, tôi đã mơ đến những hải đảo, đến những dòng sông, đến những thành phố lạ tràn ngập ánh đèn, tôi đã mơ đến những bài hát sẽ được bay xa, bay xa mãi, tôi đã mơ đến những nụ cười thân ái không xen lẫn một chút nghi kỵ, sợ hãi nào; tôi đã mơ đến một tình người thật ấm áp không pha trộn những tranh chấp hèn mọn nào của cuộc sống, tôi đã mơ đến một cuộc sống không bị khô héo vì những độc dược của chủ nghĩa, vì những đeo đuổi mỏi mòn theo cơm áo. Chúng tôi đã mơ, đã mơ, và chúng tôi đã hát, đã hát. Nhưng điều gì đang vọng lại từ những ốc đảo chơ vơ giữa một sa mạc mênh mông, giữa một biển cả không đâu là bờ bến? – Một sự thờ ơ, một sự yên lặng. Chúng ta thật đã quá nhỏ bé giữa cái thế giới rộng lớn này, chúng ta lại càng bé nhỏ hơn giữa dòng thời gian tạo nên lịch sử nhân loại. Nhưng nỗi khao khát của chúng ta lại tràn ngập cả không gian và chúng ta vẫn cứ cựa quậy hoài trong vô vọng như một loài sâu đo uốn mình không biết mỏi. Ta là ai mà ta phê phán người khác? Ta là ai mà ta nguyền rủa người khác? Ta là ai mà ta khinh thị người khác? Ta là ai mà ta chửi rủa người khác? Ta là ai mà ta đè bẹp người khác? Trong trái tim của ba mươi năm chiến tranh, trong trái tim của những năm dài trong lò luyện tội, trong trái tim của những chia cách bi thương làm sao lại còn có chỗ cho những bon chen hèn mọn, cho những tranh chấp không đâu; đáng lẽ chúng ta phải ôm nhau mà khóc cho những ngày và những đêm của quá khứ đầy máu và nước mắt, của một hiện tại chơ vơ như ốc đảo, của một tương lai đầy những mảnh vá víu vụng về, hay ít ra chúng ta cũng phải ôm nhau để nhìn vào mắt nhau, để thấy hình hài của chính mình trong đáy mắt đó, một hình hài tiều tụy nhưng kiêu hãnh biết bao, hình hài của một con người đã đứng vững được trên những tang thương của cuộc đời.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Từ những câu chuyện về cái sống và cái chết, về chiến tranh và hòa bình trước 1975 đến những câu chuyện về sự tự do và sự nô dịch sau 1975; những chiếc bàn yên lặng trong quán cà phê HG đêm nay đang chờ đợi để được nghe những gì từ những người trẻ tuổi Việt Nam ở Mỹ năm 1982?

Ðèn trong phòng vụt tắt sau khi giới thiệu của xướng ngôn viên và dưới cái ánh đèn màu vàng được rọi lại từ trần phía trên sân khấu, Uyên đã cất tiếng hát, và trong tiếng hát đó, đã luôn luôn nhắc nhở cho tôi cái ân sủng của cuộc đời mà chúng tôi đã đón nhận được từ trong những niềm vui, những nỗi buồn, những ước mơ, và những hối tiếc không bao giờ nguôi.

…Nằm ngủ trong nấm mồ

Ta mơ về những gì đã mất

Mơ về bầu sữa mẹ

Mơ về nụ hôn đầu

Ta mơ về nỗi chết trong chiến tranh

Ta mơ về nỗi sống trong thù hận

Ta mơ về một quê hương xa

Ta mơ đến một quê hương gần

Nằm ngủ trong nấm mồ

Ta mơ về những gì đã mất

và nước mắt lưng tròng…

(Những giấc mơ trong cuộc đời, LUP 1982)

LUP