Võ Phiến là khuôn mặt quan trọng của văn học Miền Nam và hải ngoại. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm được yêu mến và là người có công phục hồi nền văn chương VN trên vùng đất mới. Với một sự nghiệp văn học lừng lẫy và một nhân cách sáng rỡ, Võ Phiến được nhiều người kính trọng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Song Thao về nhà văn Võ Phiến. Xin cám ơn anh Song Thao và mời  độc giả theo dõi. NGUYỄN & BẠN HỮU

Song Thao

Lần thứ hai tôi tới nhà ông bà Võ Phiến là vào năm 2010. Ðúng vào dịp Tết Nguyên Ðán. Lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác đang chống chọi với bệnh tật. Phái đoàn tới chúc Tết ông bà Võ Phiến kỳ này khá đông đảo. Anh Phạm Phú Minh, anh chị Thành Tôn, anh Ðạm Thạch và vợ chồng tôi. Mới có bốn năm mà tôi thấy sức khỏe của ông kém hẳn kỳ thăm trước. Mái tóc bạc của ông trắng và xơ xác thêm nhiều. Thời gian của tuổi già thường có bước đi nhanh phát khiếp. Nhưng bước đi của chính người già lại ngắn ngủn và chênh vênh. Ông đi đứng đã khó khăn, Nói năng cũng chậm rãi hơn nhiều. Nhưng khi nói chuyện chữ nghĩa ông như kiếm lại được nhiệt huyết tưởng như đã cạn héo từ lâu. Tôi có mang tặng ông mấy cuốn sách của tôi. Ông run rẩy ôm chúng vào lòng rồi chậm rãi bày ra trên mặt bàn. Ông rờ rẫm từng cuốn, gục gặc đầu: “Bây giờ mà anh em còn in được sách như vậy thì vui quá!”. Cả một đời người sống với sách vở. Viết và in. In sách của ông và sách của bạn văn. Ngày còn ở Việt Nam, ông có nhà xuất bản Thời Mới. Sách mới đích thực là cuộc sống của ông.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Rồi ông lại vào phòng trong. Một lúc sau ông lập cập bước ra. Trên tay lại có một cuốn sách. Ông cầm rất gọn gàng vì cuốn sách này nhỏ và mỏng hơn cuốn Tuyển Tập lần thăm trước ông mang ra tặng tôi. Chỉ còn 184 trang. Khổ sách cũng nhỏ hơn. Cũng cái bìa có nền trời màu xanh nhạt với những đám mây lững thững trôi, chữ “Võ Phiến” màu đen, chữ “Cuối Cùng” màu đỏ. Chữ “Tuyển Tập” trên bìa cuốn sách dày cộm ông tặng tôi bốn năm trước cũng màu đỏ. Hai cái bìa giống nhau tưởng như không có chi thay đổi. Vậy mà có. Chữ “tuyển tập” như một thu vén văn nghiệp bề bộn của ông. Chữ “cuối cùng” như một dấu chấm hết. Dứt khoát. Cái dứt khoát hết sức tội nghiệp. Ông đã thu dọn đời ông sao? Ðâu còn cái lạc quan trong từng chữ viết, từng lời nói của ông. Anh em văn nghệ tới vấn an ông thường kháo với nhau một giai thoại. Bao giờ cũng vậy, khi tiễn một người tới thăm ra về, ông cũng bắt tay chặt chẽ, gửi theo một câu nói: “Ðây là lần áp chót nghe!”. Với ông, không bao giờ có lần chót. Vậy mà lần này ông cho in cuốn sách với cái tựa “Cuối Cùng”. Trong đoạn cuối cùng của bài cuối cùng của cuốn “Cuối Cùng” ông hạ bút: “Nhưng sau sự sống, con người – mọi người – đều sẽ có dịp gặp một sự nữa: là sự chết. Sự chết thì sao? Liệu tự nó có biết chết một cách tử tế cho thiên hạ nhờ tí không? Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Ðại khái thế thôi. Và Tạo Hóa đã xếp đặt như thế”. Cuối bài ông ghi dấu: “Santa Ana, 2009”.

Võ Phiến – tranh Phan Nguyên 

Cũng năm 2009, một năm trước ngày tôi thăm ông lần chót, cũng đúng ngày Tết Kỷ Sửu 2009, ông đã ngậm ngùi:

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Xưa từng có xóm có làng

Bà con cô bác họ hàng gần xa

Con trâu, con chó, con gà

Ðàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri

Múa may mãi chẳng ra gì

Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời

Thân tàn đất lạ chơi vơi

Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.

Hàng đứng từ trái: Trí Đăng, Lê Ngô Châu, Vũ Hạnh, Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê. Hàng ngồi: Lê Huyền Đắc – nguồn Người Việt

Cuốn “Cuối Cùng” được nhà xuất bản Thế Kỷ 21 của anh Phạm Phú Minh in năm 2009, 6 năm trước ngày ông nhìn lại cuộc sống lần cuối cùng. Như vậy ông cũng không có chi vội vã. Trong 6 năm đó ông lãng đãng sống. Khi nhớ khi quên. Không biết ông có còn theo dõi được bước đi của thời gian nữa không. Ông có biết mình đã ra đi không. Sáu năm không gặp ông, tôi chẳng biết chắc được chuyện chi.

Tôi tưởng tượng khi gặp Mai Thảo, Nguyên Sa, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng ông có biết mình đã đổi cõi không. Từ cõi có bằng hữu, ông về một cõi cũng có bằng hữu. Thôi thì ta lại vãn chuyện chữ nghĩa. Ông ở cõi kia nhưng chữ nghĩa của ông vẫn để lại cõi này. Cõi kia có chữ nghĩa không, tôi mù câm. Nhưng chắc là có. Nếu không thì ông mất mát tới tận cùng.

Năm 1975, khi di tản qua Hoa Kỳ, ông đi nhưng đã tính tới chuyện về.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Ra đi tuổi chẵn năm mươi,

Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về.

Ngàn năm mây trắng lê thê.

Sáng nay, vừa thức dậy, nghe tin ông về, tôi rút trong kệ sách ra hai cuốn sách ông tặng tôi, ngắm hai cái bìa giống hệt nhau có những đám mây trắng trên nền màu xanh nhạt. Ngàn năm mây trắng lê thê.  Ông về thật rồi sao!

ST – 29/9/2015