Nhà văn Nhật Tiến sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông qua đời ngày 14/9/2020 tại thành phố Irvine, Quận Cam, hưởng thọ 84 tuổi. Ông mất chỉ ba tuần lễ sau khi người bạn đời của ông là nữ sĩ Đỗ Phương Khanh ra đi về miền vĩnh cửu.

Thuở nhỏ, Nhật Tiến học trường Hàng Vôi tức trường Nam tiểu học Nguyễn Du, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội). Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20, cả thơ lẫn truyện, sau chép chung vào một tập mang tên là Những bước đầu  tiên của tôi (đã thất lạc). Năm 1951, truyện ngắn “Chiếc nhẫn mặt ngọc của ông được đăng trên tờ Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Đây tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Sau đó, những sáng tác của ông, đa số là Kịch tiếp tục được in  trên những báo Chánh Đạo, Thời Tập, Hồ Gươm, Cải Tạo….. ở  Nội.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh của Ngự Lâm Quân sau đó về Nam, đi dạy học tại Mỹ Tho, Bến Tre, rồi về Sài Gòn dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư như Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Bồ Đề,  Quốc Tuấn, Hồng Bàng….

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Tháng 6-1958, khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay thì ông được mời cộng tác ngay từ số đầu với truyện ngắn Đôi Guốc Trắng. Một truyện đơn giản nhưng gợi cảm và gây xúc động. Trang Văn Học xin đăng lại sau đây.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nhật Tiến

Tôi đứng trên vệ đê nhìn xuống. Chuối xanh cả một vùng ven sông. Nắng lấp loáng trên những tàu lá. Vào buổi trưa, bốn bề êm ả quá. Chỉ có tiếng gió rì rào, tiếng chim chiêm chiếp và mơ hồ có tiếng một nhà máy ở xa xa vẳng lại. Qua những gốc cây chuối, bên kia là mặt sông. Nước xanh ngắt. Sóng nước nhòe trong ánh nắng loang loáng như bạc.

Tôi đi xuống dưới. Lối cát trong vườn chuối phẳng lì. Hơi đất phù sa đưa lên âm ẩm. Quanh tôi đầy bóng mát; ánh nắng nghiêng nghiêng trên những tàu lá mỏng. Những bẹ chuối đang nở hoa.

Có vết chân ai đi trên lối cát. Tôi nhìn ra bờ sông. Bốn bề vắng lặng. Vết đi in sâu xuống thành những hố xinh xinh. Những vết guốc gót nhỏ. Tôi lại chăm chú nhìn ra bờ sông. Nắng nhấp nháy chói mắt. Không có ai ở ngoài ấy cả.

Minh họa của Văn Hóa Ngày Nay-Tập 2-Tháng 7-1958 

Vết guốc quanh co trong vườn chuối. Tôi nghĩ đến một thiếu nữ có mái tóc đen dài, có cặp môi mọng đỏ. Lần theo vết guốc ấy, tôi tưởng tượng đến một cuộc đi chơi của hai người trong bóng mát.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Vết guốc mất ở ven sông. Cát ở đây đẫm nước nên mịn hẳn. Sóng dạt lên bờ rồi rút ra xa. Mấy lớp bọt vàng bị bỏ rơi lại, sùi lên rồi ngấm xuống.

Tôi nhìn vào những lùm cây chìa ra mặt nước. Mấy quả sung chín rơi lõm bõm. Có một đôi guốc. Ðôi guốc trắng nằm ở ven sông, lấm tấm đất phù sa đỏ.

Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh năm 1955

Tự nhiên tôi hồi hộp. Ở đây không phải có một mình tôi. Có hai người. Tôi và một thiếu nữ đang tắm ở sau bụi cây; tôi nhìn về phía ấy, và tưởng tượng sau bụi cây phải là một tà áo trắng mắc vào cành, gió đưa phơ phất. Tôi không nghĩ đến một mảnh quần lụa vo tròn trên bờ cỏ, nhưng nghĩ đến một dải tóc đen dài trải trên mặt sóng, một thân hình óng ả đang đẫm mình trong lòng nước. Có tiếng chim hót gần đây. Tôi ước được là con chim.

Ngoài mặt sông, sóng vẫn nhấp nhô rồi dạt lên bờ cát. Trời xanh lơ lơ. Khúc sông lấp loáng ánh nắng, lượn khúc quanh những lùm cây. Bờ bên kia là ruộng mía. Ðằng sau tôi là lối cát đi trong vườn chuối. Lối cát in những vết guốc lốm đốm chạy vòng lên chân đê.

Ở đây không có mình tôi. Có hai người. Hai đứa. Tôi mỉm cười, trầm ngâm.

Nhật Tiến tại tòa soạn báo Thiếu Nhi

Nhưng rồi tôi cũng phải ngược lại lối cũ. Nếu không sẽ xấu hổ với những con chim hót ở bờ sông.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tôi bỏ lại phía sau đôi guốc trắng. Ðôi guốc trắng nằm trên lòng cát mịn, có lấm tấm đất đỏ phù sa. Giá mang về được một chiếc để sau này khi quen nhau và lấy nhau rồi hai đứa lại giở ra xem. Yêu biết mấy.

Và rồi tôi lại đứng trên vệ đê nhìn xuống dưới ấy. Chuối xanh cả một vùng ven sông. Nắng lấp loáng qua những tàu lá. Có những con chim đang chuyền cành. Có một dải tóc trải trên mặt sóng và có đôi guốc trắng nằm ở bờ sông.

Ðôi guốc mà chẳng bao giờ có người đi.

Vì sáng hôm sau… có tin một thiếu nữ trầm mình ở chỗ ấy.

NT

Văn Hóa Ngày Nay-Tập 2-Tháng 7-1958