1975, Nhã Ca và Trần Dạ Từ đều bị Cộng Sản bắt giam. Sau khi được thả về Sài Gòn, Bà không viết cuốn sách nào cho đến khi ra khỏi VIệt Nam. Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa là cuốn sách đầu tiên xuất bản ở hải ngoại năm 1988 sau khi bà rời Việt Nam sang định cư tại Thụy Điển. Từ đó đến nay, sách chưa bao giờ được tái bản, và đây là lần đầu tiên Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa được tái bản tại Hoa Kỳ.

Nguyễn tôi vốn đồng hương với Nhã Ca và rất yêu thơ của Nhã. Còn truyện của Nhã Ca có nhiều cuốn nhưng có lẽ thích nhất là cuốn Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa. Thích trước hết là cái tựa đề. Nguyễn từng sống với phượng của Huế. Hoa phượng trên con đường Lê Thái Tổ trước trường Đồng Khánh và Quốc Học, dọc bờ sông Hương hay phượng trong nội thành. Yêu thích tác phẩm Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa còn vì câu chuyện đầy bi thương của một thời kỳ đổi dời đầy những chia ly khốn khổ.

Sau đây xin đu vào tác phẩm với Nguyễn Xuân Nghĩa để sống lại một thời trên sân trường không còn tiếng cười mà chỉ có tiếng đổ vỡ oán than.

 NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Xuân Nghĩa

Vào những giòng đầu tiên của Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa, những độc giả quen với không khí ô mai tuổi hồng của Nhã Ca trong những truyện bà viết trước 1975 cho lứa tuổi con gái, như Cổng Trường Vôi Tím hoặc Hiền Như Mực Tím hay Bầy Phượng Vĩ Khác Thường… đều nhận ra tiếng cười khúc khích của bầy nữ sinh trường Nữ Vương Hòa Bình.

Nhưng họ chẳng cười được lâu, vì ngay qua trang sau những gì ngộ nghĩnh hay lố bịch nhất trong sân trường rồi cũng lần lượt trở thành thảm kịch. Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa viết về cô nữ sinh “kinh qua cách mạng”. Hoặc đúng hơn, về cuộc cách mạng đổi đời, nổ chụp xuống mái trường hiền hòa, biến “Ngũ Long công chúa”, nhóm chị em bạn hồn nhiên tinh nghịch gồm có Phượng Hồng, Sơn Trà, Kim Trang, Thuyền Nguyệt, và Huyền… thành 5 con bé thân tàn ma dại.

Huyền là cô bé thâm trầm ít nói nhất, một “quan sát viên” của tác giả. Cô bé 17 tuổi hiền lành như một bà sơ, có cha bị bắt đi cải tạo, có anh Ngô lấy vợ đúng “gia đình cách mạng” được 2 con, có bà chị Thúy chung thân bất mãn, và một bà mẹ đảm đang tần tảo. Cô sẽ phát điên.

Bên cạnh Huyền là Kim Trang, ba cũng tù cải tạo, gia đình lại đông anh em, mẹ hay đau yếu. Kim Trang lanh lợi, mau miệng và có cá tính nhất, cũng là cô bé ẩu tả nhất. Nàng phải thích nghi nhanh, lăn vào đời bằng thùng thuốc lá, bằng vé chợ đen. Và con dao hoa lên giữa chợ.

Sơn Trà, cô bé thứ ba, xinh xắn nhất bọn với nước da hơi nâu và đôi mắt đen lánh. Sơn Trà hiền như bụt, được cả bọn gọi là ni cô, bị kẹt lại với mẹ cùng hai anh, trong khi cha đi thoát năm 75 với hai anh còn lại. Nàng mờ nhạt nhất và cũng may mắn nhất trong ngũ long.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Thuyền Nguyệt cũng là cô bé may mắn, vì mẹ đi chữa bệnh tại Nhật trước 75, nàng ở lại cùng cha nên không bị nặng gánh gia đình như các bạn. Cũng giống như Sơn Trà, sau những long đong trong trường và trong đời, nàng sẽ xa trường xa bạn, lặng lẽ cùng cha bước qua một thế giới khác.

Sau cùng, Phượng Hồng là nạn nhân tiêu biểu của những giằng xé quốc-cộng xảy ra trong nhiều gia đình: Cha đi tập kết, về đem theo đứa con Hà Nội, gây sóng gió cho nàng, cho bà mẹ trẻ đẹp và bươn chải, cho anh Tuấn ngỗ nghịch và cứng cỏi. Chuyện đời của nàng, tự nó, đã là một thảm kịch.

5 cô nữ sinh ngộ nghĩnh này, người nào cũng thấy cảnh nhà buồn thảm tăm tối, nên chỉ còn biết tìm đến nhau trong trường. Như một bầy chim non vỡ tổ tìm chốn dung thân dưới mái trường. Nhưng, trong “cách mạng”, mái trường này đã trở thành vùng sinh hoạt của heo và quỷ. 5 con chim non tan tác từ đó.

Những giao tiếp giữa 5 con chim non này với “cách mạng” là những va chạm khốc liệt giữa trường và đời, giữa con người và thú vật, với những tình huống bi thảm, những cảnh ngộ cười ra nước mắt. Đầu tiên là sự phấn đấu của mỗi người để ngoi lên và tồn tại trong “trật tự mới”. Từ bà Béo bán cháo lòng với dì Hai cà phê, từ cô Tú hiệu trưởng tới thầy Tám khôn lanh, hoặc những nhân vật phụ khác như Mai Quế học rất giỏi mà xoay ra bán hành ngò trong chợ Tân Định, như Huỳnh Anh, học cũng rất giỏi nhưng kết quả chẳng ra chi, chỉ vì có ông cậu tu nghiệp bên Mỹ v.v. mọi người đều vất vả thích nghi với tình thế mới, trước sự chứng kiến đầy ngỡ ngàng của 5 chị em bạn. Không một ai thành công, dù là tương đối, dù là tạm bợ. Sau đó, cơn lốc cách mạng xoáy sâu hơn, phá rộng ra, và lần lượt Thuyền Nguyệt, Huyền, Phượng Hồng… bị cuốn vào thảm kịch.

Giữa những xoay trở của một xã hội thu hẹp là ngôi trường trung học trong một nhà tù lớn là thành phố, có góc hẻm, nhà thương, chợ búa là khung cảnh, nhiều nhân vật phụ của Nhã Ca đã để lại cho chúng ta những ấn tượng kinh hoàng hay bi phẫn bất ngờ. Cô hiệu trưởng “ba mươi” tên Tú là trường hợp đầu tiên, cô giáo Hiền là một phản diện làm người đọc bật khóc. Người cha “cách mạng” của Phượng Hồng là trường hợp khác, với đứa con nứt mắt đã muốn làm “bộ đội anh hùng”, một điển hình của tuổi thơ được nuôi nấng bằng căm thù và bằng nền giáo dục “mất dạy”. Thằng bé là một nhân vật rất “thật”, cũng có chiều sâu ma quỷ và ác ôn của cô hiệu trưởng mới, tên Mai Hoa “Lý Thị Lỗ”, sản phẩm tinh ròng cộng sản. Bên cạnh những sản phẩm này, những nhân vật bình thường như chị Thúy, anh Tuấn, như thầy Tám, thầy Ngãi, như cô Hiền… đều sẽ chẳng có chỗ đứng.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Và Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa kết thúc bằng trận động đất, một cảnh pháo bông màu đen chào mừng bóng tối, trong tiếng khóc cười mê sảng của Huyền. Trường Nữ Vương Hoà Bình, Kim Trang, Mai Quế, thầy Tám, cô Hiền, và cả cô Tú hiệu trưởng… đều tan thành tro bụi. Khi heo và công an vào nhà trường thì thầy cô và học trò lăn lưng ra chợ. Mày tao với nhau với sự chân tình không giả dối, và cũng rút dao chém nhau trong chợ như những người điên.

Trước 1975, Nhã Ca đã từng làm người đọc thấy lòng mình man mác buồn qua tác phẩm Một Mai Khi Hoà Bình, với những cảnh trùng phùng trong ngậm ngùi. Nhưng, khi “hoà bình” xuất hiện, ước mơ hòa bình của chúng ta biến thành cơn ác mộng đỏ lòm của quỷ. Truyện dài Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa là tác phẩm đầu tiên bà viết sau khi đặt chân tới vùng đất tự do cho nên còn nguyên dấu vết kinh hoàng của cơn ác mộng, của trận động đất. Nhã Ca của Hiền Như Mực Tím vẫn còn đó, tình yêu học trò rất ngây dại giữa Tuấn và Huyền là một nhắc nhở. Nhưng cảnh đời đã hòa mực tím trong máu đỏ cùng bụi đen. Nhã Ca đã ghi lại thật sắc sảo và duyên dáng những cảnh huống này với bút pháp linh động và mạnh mẽ như một nhát dao, một trái đấm. Người đọc có thấy tức lồng ngực và nhiều lần buông sách thở dài thì cũng nhờ những nhận xét và mô tả tinh tế của tác giả.

Bà là người có cái nhìn thật sắc bén và tâm tư thật ý nhị để viết về những cảnh đời thật độc ác.

Nhã Ca

Từ ngôi trường nhìn ra, xã hội bên ngoài là cảnh loạn lạc dưới kính vạn hoa màu đen. Từ bên ngoài nhìn vào ngôi trường như qua kính hiển vi, ngôi trường là một phòng thí nghiệm quái đản, sản sinh ra những hiện tượng quái đản khác. Tất cả đều hòa lẫn cùng nhau trong sự rã rời. Là một nhà văn đã sống thực và khổ thực giữa cái sôi nổi của Sài Gòn quằn quại, Nhã Ca vẫn làm người đọc có những lúc bật cười:

Tất cả đều là tình trạng hư nát rách việc, làm mấy cô bé thấy chinh chinh, muốn phát điên. Người ta không chỉ bật cười thương xót cái hồn nhiên nhí nhảnh của 5 cô nữ sinh, người ta còn bật cười vì nhiều trạng huống khác, mà chỉ những ai chứng kiến mới cảm thông được.

Đoạn văn kể lại vụ đi chui tầu ngoại của Ngọc Mai – đi chui hụt và bị bắt trong thùng dầu – là một đoạn tuyệt bút. Đoạn văn tả cảnh mấy cô học trò đi thăm cô giáo Hiền là một đoạn tuyệt bút. Trận thịnh nộ giữa người cha “cách mạng” và anh Tuấn của Phượng Hồng – do Huyền nghe được qua vách mỏng – là một đoạn tuyệt bút. Nhã Ca viết những đoạn tuyệt bút khác về mẹ Huyền, bằng tài hoa của một nhà văn, tình cảm của một phụ nữ và sự đôn hậu bao la của một người mẹ. Những cảnh mô tả các cô hiệu trưởng cũ (cô Tú) và mới (nàng Mai Hoa thước mốt, lấy màn của đứa con chăng cho heo ngay trong khuôn viên nhà trường), cảnh mô tả tên nhãi ranh “cách mạng” em của Phượng Hồng, sẽ làm người đọc cười buồn và mãi ghê sợ những con người tiêu biểu trong xã hội cộng sản. Nhưng, ấn tượng kinh hoàng nhất vẫn là chương cuối, khi thảm kịch của Huyền lên đến tột cùng, đánh bứt sự thăng bằng tâm trí cô bé và hòa lẫn mọi cảnh thực-giả trong sự hôn mê. Suốt chương này, người đọc thấy âm vang rộn ràng bài ca của quỷ Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Người đọc sẽ phải đọc lại và nhớ mãi dư âm của khúc khải hoàn ghê tởm ấy.

Cũng như người ta sẽ nhớ mãi cái cười khinh của Kim Trang: “Thì ra, cái lớn mạnh nhất trong lòng con người ta, vẫn là cái hèn”. Hoặc cảnh thầy Ngãi đứng như trời trồng qua sự mô tả của chị Thương. Thầy lấy công tâm can thiệp vào việc cô hiệu trưởng cách mạng tròn như củ khoai, nhanh như tên móc túi tầu điện, lên tiếng mày tao với đồng nghiệp và tăng gia sản xuất ngay trong trường với cặp heo bay mùi hôi khắp các lớp. Dĩ nhiên là thầy bị thua trước cái bạo lực cách mạng, dù mới chỉ là bạo lực ngôn ngữ. Chị Thương kể lại cho đám nữ sinh lớp dưới cảnh đụng độ giữa thầy ngụy và cô hiệu trưởng “cách mạng” mà giọng chìm trong nghẹn ngào:

“Không, nếu lúc đó thầy Ngãi giận, đạp cái con mụ một cái, chúng tôi lại bớt thương thầy đi. Đạp một cái vào con mụ… cũng không nên nữa, đạp vào cái gì kia…”.

Đạp vào cái gì kia. Cái chế độ nó khiến người coi người như thú vì đã hạ mình xuống ngang loài thú. Cái chế độ đã khiến cô bé nữ sinh hiền lành như một bà sơ đã phát điên, khư khư ôm bọc quần áo cho bạn và lảm nhảm giữa nắng những điều tỉnh say lẫn lộn. Trong giây phút tỉnh táo nhất, Huyền đã nhận ra màu đỏ dưới chân không phải là vết máu, mà là cánh hoa phượng.

Tỉnh táo nhìn ra sự thật đó, Huyền lẩm bẩm xin lỗi, và lấy chân di nát bông hoa đầu mùa. Nàng đạp thẳng vào đời sống rực rỡ màu đỏ đó. Nó không đáng sống nữa. Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa của Nhã Ca kết thúc bằng sự chối bỏ của cô bé mất trí và cũng là sự chối bỏ đúng đắn nhất của những ai còn tỉnh trí.

Cái xã hội đó, cái chế độ đó, phải dẹp nó đi.

….

NXN – Oct 1989

*Nguồn: Da Màu