Trong dịp Lễ Tết vừa qua, trang mạng Da Màu đã tổ chức một cuộc trưng bày sách tại San Jose, CA. Sau đây là lời viết về hoạt động văn hóa đặc biệt này.

Ngày tiễn Ông Táo về Trời, một chiều thứ Bảy khô ráo, gió lạnh rát mặt, báo trước một cơn bão sắp đến, đi ngang qua công viên Trăm Năm (Centennial Park) khách tản bộ có thể nghe tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng nhạc đệm theo những khúc dân ca của nhiều quốc gia Việt, Mễ, Trung Quốc, Đại Hàn …

Đậu xe ở góc đường Edinger và Fairview, đi vòng theo hồ nước xanh, theo đoàn người dự hội đến một trảng cỏ rộng, sẽ thấy gian hàng Da Màu trưng bày sách, cùng gian hàng của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA giữa nhiều gian hàng khác của nhiều tổ chức, đoàn thể, lẫn tư nhân. Đứng phụ trách gian hàng sách là Đặng Thơ Thơ và Nhất Lang với sự hỗ trợ tận tình của hai thân hữu Nguyễn Tà Cúc và Paulina Đàm trong việc chụp hình, tiếp đón khách, chia nhau phát flyer Da Màu và trả lời các câu hỏi của nhiều nhóm khách cùng có mặt một lúc.

Tranh của Paulina Đàm và sách của các nhà văn/ nhà thơ Phùng Nguyễn, Nguyễn Tà Cúc, Cung Tích Biền, Lưu Diệu Vân, Hoàng Chính, Đỗ Lê Anh Đào, Nhất Lang, Nguyễn Thuý Hằng, Lê An Thế, Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Mai Lan, Nguyễn Tiến Đức, Phạm Cao Hoàng, Liễu Trương, Nguyễn Thị Khánh Minh, Huy Văn Trương, Trịnh Y Thư, Nguyễn Đức Tùng, Nhã Thuyên, Lê Lạc Giao, Lữ Kiều, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Thị. NgH, Trần Vũ, Trương Vũ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần C. Trí, Ngu Yên, Nguyễn Thanh Phong/Tru Sa, Trần Doãn Nho, Đặng Thơ Thơ… và tập tranh của hoạ sĩ Trịnh Cung.

Bây giờ, xin mời các anh chị cùng với nhà văn Nguyễn Tà Cúc tới thăm gian hàng trưng bày sách của Da Màu. Bài viết của Nguyễn Tà Cúc có tựa đề ‘NHẬT KÝ THAM DỰ GIAN HÀNG HỘI TA’

Nguyễn Tà Cúc

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai tham dự lời mời Tết Ta …

Tôi được đọc lời mời chung của Diễn Đàn Da Màu: Da Màu sẽ tham gia Hội Chợ Tết thành phố Santa Ana vào Thứ Bảy tuần này, February 3, 2024 tại Centennial Park, thành phố Santa Ana, góc Fairview và Edinger.

Ngày 1 tháng 2

Sửa soạn khăn áo tới dự và mang 2 cuốn sách đã xuất bản tới góp vui với các tác giả khác. Cả tuần này sẽ có mưa. Mưa lớn là đằng khác. Và có cả gió. Gợi nhớ tới Sài Gòn.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ngày 3 tháng 2

Họa sĩ Paulina Đàm đến đón lúc 11 giờ 45. 12 giờ trưa bắt đầu đi. Trên đường đi, 2 chị em ghé vào mua bánh mì cho mọi người ăn trưa. Có thực mới vực được đạo, nhất là đạo … khuân vác. Tiệm bánh mì Pickle đông nghẹt. May mà Paulina là tay đậu xe có hạng. Không khí Tết tràn ra ngoài tiệm. Tôi được thêm bonus là 1 lọ dưa món để mai kia ăn với bánh chưng bánh tét.

Vừa đến Centennial Park, đã thấy Lê Đình Nhất Lang đang từng bước từng bước thầm (vì không có ai phụ tá) tiến vào khu vực được … đóng đô với các thứ lều chõng lỉnh kỉnh. Phần nặng nhất như kéo bàn, xếp ghế, trưng tấm bảng Da Màu v.v. dĩ nhiên anh chàng này lo! Hàng xóm của chúng tôi là gian hàng VAALA. Tôi nhận ra ngay…Giám đốc Y Sa với một đoàn tình nguyện viên.

Sau đó, Paulina Đàm, Lê Đình Nhất Lang và Thơ Thơ túi bụi hết chạy ra lại chạy vào bãi đậu xe khênh sách của biên tập viên và thân hữu; đoạn xếp lên bàn. Họ bày sách cùng 2 bức tranh của Paulina, bản tin của Da Màu và một chậu cúc đại đóa thật tươi. Sách choán hết chỗ trên mặt bàn nên một bức tranh của Paulina phải di tản, sau cùng được treo lên một góc của tấm bảng Da Màu, là chỗ đắc địa nhất, lại dễ ngắm hơn. Tôi có … chạm trán bức tranh này không chỉ một lần mà tới hai lần khiến bụng bảo dạ, Phải cẩn thận, coi chừng có…đổ máu mà không biết quý bạn Da Màu có mua bảo hiểm nhân mạng không đây! Thế nên, bức tranh đã được xoay đi một chút để tránh tai nạn cho khách du Xuân.

Khách mở hàng của tôi là hai phụ nữ Hoa Kỳ. Các bà hỏi về nội dung các sách được thấy và đặc biệt về bức tranh của Paulina dựng tại một góc bàn. Thấy hai bà có vẻ thích thú, lại gần để xem kỹ hơn, tôi đưa cho họ danh thiếp của họa sĩ. Nhân thể, tôi cũng xin cảm ơn họ, cảm tạ đất nước Hoa Kỳ đã—sau khi giúp Việt Nam Cộng Hòa chống đỡ cho tự do–đã cho chúng tôi người Việt tỵ nạn, không những một chỗ dung thân, mà còn một cơ hội để tái tạo đời sống văn hóa, điển hình là sinh hoạt văn chương hiển hiện qua sách và tranh như được trưng bày một cách khiêm nhượng hôm nay.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Nhiều người dừng lại gian hàng Da Màu, kể cả phụ huynh muốn mua sách hay tìm phương tiện dẫn dắt con em học tiếng Việt. Đúng là nghề-của-nàng Thơ Thơ.

Một người tôi được hân hạnh gặp lần đầu là nhà văn Sông Văn dù đã đọc cô trên Da Màu. Cô là thứ nữ của nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ. Cô nói, Cô nghĩ thế hệ của các thân sinh cô cùng bạn bè của họ (như nhà thơ Viên Linh) đã có một đời sống văn chương thật đầy đủ và hào hứng. Tôi đồng ý hoàn toàn. Văn nghệ sĩ của Miền Nam đã góp phần, mỗi người một cách, hầu xây dựng một nền văn học phong phú chỉ trong 20 năm nhưng tác dụng của nền văn học ấy đã còn lại mãi mãi. Sông Văn còn rất chu đáo khi mang đến 4 ly cà phê Starbucks và được hoan nghênh nhiệt liệt! Thật là buồn ngủ lại gặp được chiếu hoa chứ không phải chiếu manh.

Một đôi khách du Xuân mà tôi có dịp rất hân hạnh tiếp chuyện đã dừng lại đàm thoại với tôi về sách. Họ còn trẻ, hết sức lịch sự. Chúng tôi nói chuyện về những nhà văn Miền Nam bị cầm tù hay qua đời trong tù Cộng Sản vì một trong hai cuốn sách của tôi được trưng bày ngày hôm đó là Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ – Bị Cầm Tù 1979-1997: Cánh chim phượng hoàng tái sinh từ Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Lưu Vong. Tôi viết được tập này cũng nhờ kinh nghiệm đã giữ Ủy Ban trong một thời gian ngắn vào năm 1995. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của một người phê bình gốc Việt tỵ nạn khi quyết định chọn ngành Hoa Kỳ Học khi sang đây vào năm 1975. Để có thể thảo luận hay phản bác các tác giả bản xứ, nhất là các tác giả xuất thân từ giới Đại Học, về Chiến Tranh Việt Nam và Văn Học Miền Nam, tôi cần có kiến thức tổng quát về chính đất nước này song song với kiến thức về hai lãnh vực đã chọn để nghiên cứu.

Sau đó, một cô Latina và gia đình ghé thăm gian hàng Da Màu. Cô gốc người Mễ Tây Cơ. Tôi gốc người Việt. Cô và tôi chia sẻ về một số tương đồng hay khác biệt giữa các nền văn hóa. Và đặc biệt về vài vấn đề phụ nữ. Tôi bất ngờ biết được cô cũng thích crochet, nên hứa sẽ gửi tặng một cuốn sách dạy crochet mà tác giả là người Nhật và xuất bản tại Nhật. Bởi thế, điều đầu tiên tôi thích về sách là chúng chuyên chở được nhiều thứ, như nhiều con thuyền trên cùng một giòng sông. Chúng giúp chúng ta gần nhau hơn một cách vô điều kiện và chân thành.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tôi cũng gặp lại họa sĩ Trịnh Cung. Dĩ nhiên là câu chuyện xoay quanh vấn đề sáng tác. “Ta viết cho người hay viết cho chính ta”? Phần tôi, tôi viết vì bổn phận. Một ngày nào đó, hết bổn phận thì sẽ chấm dứt được. Vâng, nhưng thế nào là hết-bổn-phận? Có lẽ sẽ tiếp tục đề tài này vào Xuân sau.

Có một lúc tôi đi vòng vòng các gian hàng khác, xem sản phẩm trưng bày. Một … lão trượng nhìn chiếc áo có viết những câu thơ, kêu lên, Tôi thấy cái áo này ở đâu rồi. Tôi tự giới thiệu

– Thưa ông, tôi là Nguyễn Tà Cúc.

– Úy trời, hồi xửa hồi xưa tôi cứ tưởng Nguyễn Tà Cúc là một ông chớ! Mà một ông già nữa kìa. Cho tới …

Tôi đùa:

– Cho tới khi nào? Còn cho tới bây giờ thì sao? Chắc là một … bà già?!

Tại một trong những gian hàng, tôi được tặng một chiếc khoen có kèm một miếng kim loại nhỏ/keyring, in chữ “Voted!” (Đã đi bầu cử!) khuyến khích việc tham gia bầu cử.

Tôi mạn phép nghĩ sử dụng quyền được bầu cử cũng như quyền được tự do phát biểu qua cách viết. Không phải ở bất kỳ nơi đâu, người ta cũng có quyền bầu cử hay quyền được viết. Chúng ta được cả hai quyền ấy tại nơi đây, hãy sử dụng để phát biểu và để xây dựng.

Ngày 4 tháng 2

Nói chung, ngày hôm qua thiên thời địa lợi nhân hòa. Khi tôi viết những giòng nhật ký này thì trời mưa tầm tã. Mưa gió đến nỗi có hai chú chim có lẽ không bay kịp về tổ nên núp vào một bụi khô ráo ở gần cửa sổ, được che chắn cẩn thận nên không bị mưa tạt ướt. Tôi có cảm tưởng viết bằng Việt ngữ là một chiếc tổ giúp tôi trú ẩn, nhất là trong những cơn giông gió của đời mình, bên cạnh những chiếc tổ khác và những chú chim khác.

Trên rừng 36 thứ chim…

Mỗi chim một giọng nhưng hy vọng đều hót những khúc ca hy vọng dù trong mùa xuân hay mùa đông.-

NTC

Nguồn: DaMau.org