LỮ KIỀU

Lữ Kiều, tên thật Thân Trọng Minh, bác sĩ Y Khoa. Sinh năm 1943 tại Huế. Làm thơ, viết văn từ 1958.

Viết kịch từ 1966. Vẽ từ năm 1982. Tác phẩm đã xuất bản: – Mưa qua thành phố (tập truyện), Ý Thức, 1970. – Trên đồi là lô cốt (tập truyện), Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2006. – Chàng nho sinh dưới gốc tùng (ký & tùy bút) – Lãng Ca (tập thơ), Ý Thức, 2014.- Với một dòng sông (tập truyện, tản văn), Hội Nhà Văn, 2019. – Kẻ phá cầu (kịch), Hội Nhà Văn, 2019; -Con sâu trong mắt (kịch).

Lữ Kiều còn có tên trong nhóm chủ trương Tạp Chí Ý Thức ở Sài Gòn, 1970-1975.

TRẦN HOÀI THƯ

Trần Hoài Thư tên thật Trần Quý Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi nhỏ khổ cực. Lớn lên theo học trường Quốc Học Huế và Đại Học Sài Gòn. Từng là giáo sư, dạy trường Trần Cao Vân ở Quảng Tín. Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần. Sau 30 tháng 4 năm 1975, đi học tập cải tạo hơn 4 năm.

Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ, sống ở tiểu bang New Jersey.

Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức…

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Cho đến nay, phần lớn các tạp chí văn học dạng báo giấy ở Mỹ đã đóng cửa nhưng Thư Quán Bản Thảo vẫn tồn tại và đã phát hành đến số 102. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang.

Một điều cần ghi nhận: Giữa hai người bạn viết văn Lữ Kiều và Trần Hoài Thư có mối giao tình thật đẹp trải qua nhiều năm cho tới ngày nay. Chuyện được thuật lại trong bài tùy bút CHÀNG THI SĨ VIẾT VĂN của Lữ Kiều. Xin mời các bạn cùng đọc và chia sẻ. NGUYỄN & BẠN HỮU

Lữ Kiều

Trần Hoài Thư thân mến,

Cuối năm, tôi quyết định viết thư cho bạn. Một tình bạn gần nửa thế kỷ gói ghém lại trong vài dòng chữ. Tự hẹn lâu rồi, và cũng nhiều lần rồi, nhưng chẳng bao giờ đủ bình tâm viết. Không phải vì xa cách, mà vì viết cho nhau là một dạng thức nhìn lại mình. Nhìn lại mình, tự vấn, cũng khó khăn lắm. Bởi vì trong ta có bạn, và trong bạn có ta. Cùng một lứa bên trời lận đận! (Tỳ bà hành).

Ðầu tiên, xin gửi lời thăm bà Trần Hoài Thư. Vợ của Thư, cũng như vợ của những nghệ sĩ thời chúng ta, đều mang chung một số phận, mà trong đó, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Chị Yến có còn nhớ một buổi trưa tháng 7 năm 1970, có chàng Trung úy Thân Trọng Minh ghé lại thư viện của Viện Ðại học Cần Thơ, coi mắt chị, người phụ nữ nào đủ dũng cảm để yêu và cộng nghiệp với bạn mình là anh chàng lang bạt kỳ hồ Trần Quý Sách. Hình như lúc đó hai người chưa cưới nhau. Tôi đóng ở Phú Quốc, bay về phi trường Bình Thủy, ăn thịt chuột ở Cái Răng (Trung tâm 4 nhập ngũ) và thăm người vợ chưa cưới của bạn – Ôi, một thời hào sảng, một thời lãng mạn, của những tình văn quá đỗi nồng nàn, khốc liệt và tinh khiết. Bây giờ, hơn 46 năm sau, không thể nhớ ngày ấy chị Yến như thế nào, tôi như thế nào.

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Bấy giờ, cháu Trần Quý Thoại chưa có mặt trên đời. Nhưng nửa thế kỷ sau, đã có một bác sĩ Thoại tài hoa, làm thơ và có nét vẽ rất gần với phong cách hội họa của Lữ Kiều (những phác thảo mực tàu).

Viết lan man theo dòng hồi tưởng, bây giờ tôi muốn viết cho bạn những điều tôi nghĩ về nhà văn Trần Hoài Thư. Thật ra, tôi định viết về Bạn như một bài nhận định về văn chương Trần Hoài Thư, nhưng viết như vậy có nghĩa là một bài viết chính thức cho nhiều người đọc. Quá khó. Hoặc quá mệt mỏi. Bạn biết rằng, giờ đây, tôi chỉ còn thấy được bằng một con mắt, tôi đã hư một con mắt từ 15 năm nay, và tôi nhớ cái kính cận thị dày cộm của Thư. Bạn là người hiểu hơn ai cả nỗi khổ tâm của cái nhìn bị giới hạn. Tất cả bài văn viết về chiến tranh, về người lính thám kích là Bạn đều có nhắc đến cái kính nặng độ ấy, nó làm cho Bạn nhìn thấy bom đạn qua một làn kính khác người! Cùng với những thảm kịch, cũng qua làn kính, nhưng là một làn kính khác, Bạn nhìn thấy vô hình hơn, nhưng cũng vô minh hơn. Ðó, tôi đang bắt đầu nói về Bạn đó, Thư ạ. Tức là tâm tình với người bạn nửa đời người, một người bạn mà tôi đã yêu mến nhiều hơn bạn tưởng, bởi vì chúng ta quả thật rất ít gặp nhau ngoài đời, nhưng đã gặp nhau thân thiết lâu dài trên những dòng chữ.

Còn nhớ không Trần Hoài Thư, một đêm ở Ðà Lạt năm 1973, Bạn cùng tôi đốt những điếu thuốc Bastos xanh nói chuyện văn chương, thời hiệp định Paris về ngưng bắn. Chúng ta tạo những đốm lửa trong đêm lạnh tại căn nhà có tên gọi là Rectorat thuở ấy, đâu có ngờ những đốm lửa thuốc lá trong ngày cũ còn cháy mãi trong tim tôi, trong tim Bạn cho đến bây giờ.

Tôi đã đọc Trần Hoài Thư từ những thập niên 60. Ðọc thơ. Ðọc văn. Ðọc truyện, đọc Rong bút. Và lạ thay, mạch văn ấy liên tục một dòng chảy: Trần Hoài Thư thuở ấy và bây giờ có khác gì đâu. Hay là tôi thuở ấy và tôi bây giờ không thay đổi. Ít ra, trong văn chương.

Văn của Trần Hoài Thư là lời tự sự viết bằng tất cả cảm tính nhạy bén của chàng thi sĩ. Những mảng đề tài của Thư rất thật: tuổi thơ, tình yêu và sự nhập thế với vai trò người lính trong cuộc chiến mình không có quyền chọn nhưng có quyền tồn tại. Thời ấy, Thư viết về tuổi thơ buồn bã của mình rất cảm động, tôi không còn nhớ hết những gì Thư đã viết về những tai ương bất hạnh đầu đời, nhưng tôi nhớ rất rõ những trang văn viết về người mẹ tội nghiệp, về một cô gái tên Quỳnh cùng tình yêu tuyệt vọng của Thư. Thư viết về những miền đất mình đã trôi nổi đi qua: một thành phố Huế cổ kính, những đồi cà phê ở Ban Mê Thuột, Pleiku. Những trang viết tự tình ấy đã làm se sắt trái tim chàng trai tuổi 20 là tôi thuở ấy.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Thư viết bằng tâm cảnh của một người chia sẻ nỗi niềm với tri âm – dù là tri âm ấy giấu mặt trong đám đông người đọc thuở ấy – cho nên giọng văn ấy là giọng văn tâm sự, và giữa hai dòng chữ, hình như còn đọng lại nỗi đau đớn sắt se của Thư trong từng hồi tưởng: hình như còn tồn tại hơi thở, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, của một thời khốc liệt.

Một buổi sáng tôi gọi điện cho Nguyên Minh, chia sẻ những cảm xúc khi đọc lại văn Trần Hoài Thư. Tôi nói với Nguyên Minh rằng, Thư viết như thể không thể làm khác được. Với con tim nồng nàn của mình. Thư không kềm chế được cảm xúc vì hình như tất cả những điều Thư viết đều mang hình bóng của tác giả, cho nên đọc Thư là đọc lời tự sự, chia với tác giả những vui buồn, tủi hận và nhẫn nhục, cay đắng và bao dung của một chàng trai bất hạnh giữa một lịch sử bất hạnh không kém. Tôi nói rằng tôi gần như thuộc lòng văn phong của Thư, vì có một số con chữ của Thư lặp đi lặp lại trên những trang viết – những con chữ ấy phải nằm trong mạch văn của Thư mới gây xúc cảm, tách ra một câu riêng rẽ, tác động văn học của nó giảm đi. Có lẽ, trong các tác giả của thời chúng ta, câu “văn là người” áp dụng vào trường hợp Trần Hoài Thư chính xác nhất.

Trần Hoài Thư

Tôi cũng nói với Nguyên Minh rằng tôi tìm ra một chi tiết này trong văn của Trần Hoài Thư. Ðó là cái kính cận 8 độ của chàng lính trinh sát đã làm vướng bận chàng không ít, và sau làn kính ấy, có đôi mắt rất dễ dàng rơi lệ, vì mình, vì người, vì vui cũng như buồn, vì cái ác cũng như cái thiện. Ôi, quả tim của Trần Hoài Thư, quả tim của chàng thi sĩ bẩm sinh, một quả tim nhạy cảm trước một tiếng chim bình minh nhưng cũng biết chai lì trước cái chết cận kề, quả tim ấy vẫn theo chàng dù trong hoàn cảnh nào, trước biến cố 1975 hoặc sau đó.

Gần đây, tôi tìm lại được một Trần Hoài Thư nguyên vẹn của hơn 30 năm về trước, khi tôi đọc những bài văn mới nhất của Thư. Tôi nhớ đến truyện “Cơn mơ” của bạn, hình như đã viết vài năm trước. Bây giờ tôi không có trước mặt để đọc lại, nhưng tôi không thể quên câu chuyện vừa lãng mạn vừa cay đắng bạn kể về một chàng sinh viên già đi học chung với một cô gái Việt xinh đẹp trong một lớp học về điện toán ở New York. Cô gái ấy làm rung động chàng Trần Hoài Thư đang sống xa quê nhà, không phải chỉ là một rung động của quả tim muộn màng, mà trong đó chứa cả một bầu trời ký ức đau đớn của hiện tại quê người mà Thư không thỏa hiệp được. Tôi nhớ hơi văn dồn dập, nồng nàn mà bi thiết khi Thư viết về đêm chờ năm mới tại quảng trường “thời gian”. Và cô gái kia không thể không làm tôi nhớ tới cô bé Quỳnh của ngày xưa tội nghiệp.

Bạn thấy không “ta cùng giống nòi tình thương người đồng điệu”, nói cho cùng, chúng ta là thế đó.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Tôi cũng muốn chia sẻ với Bạn cảm xúc của tôi khi đọc “Hành trình của một cổ trắng”. Ðó là tự truyện của Bạn, phải thế không? Từ chuyện vượt biển, đến quê người, khu phố da màu, nhà thờ, những người hàng xóm, người vợ chịu đựng. Rồi công việc. Thành công. Thất bại. Và nhất là tình người. Và Bạn là một trong những nhà văn đầu tiên đề cập đến nỗi ê chề trong công việc bạc bẽo ở Mỹ: đó là quy luật đào thải trong một xã hội cạnh tranh. Bạn viết rất hay, nhưng tôi có cảm tưởng bạn viết bằng tình. Tình nhiều hơn Lý. Sự sa thải nhân viên trong sở làm của bạn đâu phải vì những chuyên viên Ấn Ðộ, mà đó là quy luật của cạnh tranh tư bản, tại sao bạn trút trách móc lên họ, họ có khác chi bạn ngày bạn mới vào làm.

Thế nhưng rốt cuộc thì cái tình bao giờ cũng thắng, và sự bao dung của Bạn ở đoạn cuối làm tôi mừng vui vì biết rằng Bạn vẫn mang quả tim Việt Nam thời trai trẻ để vượt qua tất cả khổ nạn. Có phải bi kịch của lịch sử đã cho chúng ta một cách hành xử rất gần với chữ xả – buông xả – nó giúp cho hành trang văn học của chúng ta thêm phần phong phú, nghĩa là có tình hơn!

Tôi cũng nhắc ở đây tập thơ “Ô cửa” của Trần Hoài Thư, một tập thơ dễ đọc cho nên tôi đã đọc một mạch tập thơ dày cộm ấy, nó là biên niên sử cho những rung động của bạn, và đó là những phút sự thật, như là những ô cửa mở vào cuộc đời bạn. Cuộc đời đa tài và đa đoan của bạn. Bạn có thể cười tôi thiếu khiêm tốn, nhưng quả thật sau khi đọc xong, tôi cười một mình và tự nhủ : Bạn làm thơ giống thơ của tôi quá. Ôi, phải chi có Thư ở cạnh, tôi sẽ mừng Thư một ly rượu nồng, để có thể hào sảng cùng nhau đọc lên vài câu thơ kia, vài câu thôi, ở bất cứ bài thơ nào của bạn, cũng đủ làm chất nhắm cho dậy men ly rượu kia. Nhưng bạn cũng hiểu rằng, đôi khi ta phải rót rượu để uống một mình, vì bạn thì vắng mặt hoặc không còn nữa. Ly rượu thì vẫn phải rót ra, dù không thể uống chén đắng ấy, nhưng bọt rượu vẫn sủi tăm.

Thư ơi, để tạ từ tất cả những bài thơ tuổi dại của bạn đã cho tôi sống lại tuổi dại của tôi, tôi dành tặng cho bạn một bức sơn dầu tôi vừa vẽ xong, nhan đề: “Uống rượu một mình”.

Hình như thư viết cho bạn đã dài, nói chuyện văn chương thì không bao giờ dứt được. Nhưng tôi đã mỏi mắt lắm rồi. Ðành ngừng đây.

TB. Tôi gửi lời thăm chị Yến. Bây giờ chị ra sao, có khỏe không? Tôi cám ơn chị đã cho chúng tôi cháu Trần Quý Thoại, người đã tiếp nối nghề và nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi đây là những người bạn thiết của Trần Hoài Thư vừa mang nghiệp văn chương vừa nghề y khoa, đó là Trương Thìn, Ðỗ Hồng Ngọc, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Mậu Hưng và tôi. (Và còn ai nữa, bạn của Trần Hoài Thư mà tôi không biết). Nghề Y và nghệ thuật thật ra là một. Nói cho cùng, là một cách sống với mình, với người.

LK

*Nguồn: Văn Chương Việt