Cao Ðông Khánh là khuôn mặt thi ca nổi bật trong văn học hải ngoại. Ông sinh năm 1941 tại An Phú Ðông, Gia Ðịnh, Việt Nam. Từng tham gia chiến đấu trong quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa, bị mất một mắt năm 1964. Ði du học Hoa Kỳ năm 1966-1971.Từng chủ trương Echo of Vietnam, đài KQED, San Francisco năm 1969. Làm thương mại tại Cao Ðồng Hưng Inc., Phú Thọ Inc., năm 1971-1975. Ở Việt Nam, nhà thơ bị giam trong tù nhiều lần với nhiều tội danh các năm 1975-1979. Vượt biển đến Mã Lai tháng 6 năm 1979, đến Hoa Kỳ cuối năm 1979.

Làm thơ từ thuở thiếu niên, không ưng ý, tự đốt sạch hết vào năm 1975. Tiếp tục làm thơ năm 1976. Thơ xuất hiện lần đầu trên tạp chí Quê Hương, California 1980. Trong ban biên tập chủ lực Nhân Chứng 1981, Văn 1983. Có thơ, truyện ngắn, tạp văn, tác phẩm Lịch Sử Tình Yêu, Nhân Chứng xuất bản 1981.

Nổi bật nhất trong các tác phẩm của Cao Ðông Khánh là tập thơ Lửa Ðốt Ngoài Giới Hạn.

Nguyễn có những kỷ niệm đáng nhớ với Cao Ðông Khánh. Lần đầu gặp Khánh là vào khoảng cuối những năm 1990 ở Houston. Ðó là vào dịp Lê Uyên và Phương hát ở Ðại Học Rice trong chương trình Màu Thời Gian do Ngu Yên dàn dựng, có mời Nguyễn tới dự. Trong buổi diễn, Lê Uyên Phương giới thiệu tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn vừa xuất bản và mời tác giả lên sân khấu. Lúc đi xuống thì bỗng nhiên một anh chàng hảo hớn tới gặp và tự giới thiệu là Cao Ðông Khánh trao tặng mình tập thơ Lửa Ðốt Ngoài Giới Hạn. Kể từ đó Cao Ðông Khánh và Nguyễn còn gặp nhau nhiều lần nữa. Lần cuối là chuyến đi Minnesota, Khánh thuê xe từ Houston ghé qua Dallas chở mình và Dung cùng đi. Tới nơi, ghé nhà Phan Thanh Tâm ăn uống rồi qua nhà Tô Thùy Yên và hôm sau dự buổi hội ngộ giới thiệu Thơ Cao Ðông Khánh. Còn nhớ mình từng phát biểu:

“Nghĩ tới Cao Ðông Khánh, một lần tôi đã viết: Một người bao năm vẫn không quên căn cước tị nạn của mình. Ðó là nhà thơ Cao Ðông Khánh, tác giả Lửa Ðốt Ngoài Giới Hạn, nổi tiếng một thời. Thơ của Khánh là lịch sử thuyền nhân dưới những góc nhìn táo bạo, khốc liệt nhưng vẫn tiềm ẩn hồn thơ. Nhớ một lần Cao Ðông Khánh nói với Nguyễn khi nghĩ tới việc đi đọc thơ ở các Ðại Học như Harvard University chẳng hạn: Chúng ta phải mau mau chiếm lãnh sân khấu kẻo mai đây khi những kẻ ngoại đạo kia tràn ngập sẽ không còn không khí để thở. Tiếc thay, Cao Ðông Khánh đột ngột bỏ anh em ra đi ngày 13 tháng 12 năm 2000, tại thành phố Houston.

Cao Đông Khánh 

Xin ghi lại đây đôi điều nữa về thơ Cao Ðông Khánh

Khi mình ra báo Phố Văn vào năm 2000 nói chuyện với Khánh và bạn đã gởi ngay bài thơ Trăng Trong Vịnh Frisco. Ðây là bài thơ cuối cùng bạn cho in trước khi từ giã anh em ra đi. Ðúng vậy. Bài thơ đã mở đầu như một lời từ biệt: Hắn đã đến. Ðã ở. Ðã đi / Trống thêm một chỗ trống.

Nghĩ tới Cao Ðông Khánh, một lần Nguyễn tôi đã viết: “Một người bao năm vẫn không quên căn cước tị nạn của mình. Ðó là nhà thơ Cao Ðông Khánh, tác giả Lửa Ðốt Ngoài Giới Hạn, nổi tiếng một thời. Tiếc thay, Khánh vội ra đi và Nguyễn đã không giữ được số báo có bài thơ của Cao Ðông Khánh. Trong trí nhớ mù sương của mình chỉ còn lại dăm câu như những đốm lửa trời.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Gần đây, viết thư cho Nguyễn Vy Khanh, hỏi có còn giữ được bài thơ Trăng Trong Vịnh Frisco của Cao Ðông Khánh không (NVKhanh có viết một bài về CÐK trong đó có trích dẫn mấy câu của bài thơ). Ngay hôm sau, Nguyễn Vy Khanh scan bìa báo Phố Văn số 5 tháng 12 năm 2000 và bài thơ của Cao Ðông Khánh in trên báo. Mừng ơi là mừng. Trước hết vì cái tình với Cao Ðông Khánh sau nữa đây là bài thơ cuối cùng của Khánh mà lại là bài thơ hay. Xin cám ơn Nguyễn Vy Khanh, muôn vàn cảm ơn.”

Du Tử Lê sinh thời cũng là người yêu thơ Cao Ðông Khánh. Trong bài viết Thơ Cao Ðông Khánh, nhánh sông khác, nhà thơ họ Lê hạ bút: “Trước bảy lăm, không có Cao Ðông Khánh. Sau tám mươi, cũng không thể có một Cao Ðông Khánh khác. Như chính họ Cao cho biết, lớn lên giữa một cơ ngơi đồ sộ, Cao Ðông Khánh được chuẩn bị để trở thành một tài phiệt. Cao Ðông Khánh tự dọn mình để trở thành một “xì thẩu” hạng bự, tham vọng ngang hàng những tầm cỡ làm ăn quốc tế. Trước bảy lăm, Cao Ðông Khánh, là một thứ Hắc Công Tử hay Bạch Công Tử của thời đại mới. Cao Ðông Khánh của những canh bạc thâu đêm, của những tiệc rượu suốt sáng. Văn chương và chữ nghĩa, không chiếm cứ một diện tích nhỏ bé nào trong tâm trí trùng điệp con số, của Cao Ðông Khánh. Trước 75, thi ca không là mối ưu tư trong trí lự của một Cao Ðông Khánh. Vậy mà, đột nhiên ở những ngày tháng đầu tiên của thập niên 80, thơ Cao Ðông Khánh xuất hiện như những cơn mê sảng. Những dòng thơ đổ mồ hôi trộm trong những đêm về sáng. Giựt mình thức giấc giữa đất, trời xa lạ.

Ðiều gì ném ông theo vòng quay 180 độ như vậy? Phải chăng vì 1972, họ Cao trở về Sàigòn. Kẹt lại sau tháng 4-1975. Ði tù. Vượt biển 1979. Và, ông là một trong những nạn nhân thứ nhất của chín tầng địa ngục hải tặc, biển Ðông?

Ðổi thay tận tuỷ, tróc vỡ tự xương, đem Cao Ðông Khánh đến với thi ca.

Thi ca lại đem đến cho họ Cao những chê bai, những phê bình bằng nụ cười ngất ngất và cùng lúc, kinh ngạc, sững sờ. Bầu khí văn chương lưu vong ảm đạm, bỗng ầm ì dao động. Ðó là thời điểm đầu thập niên 80. Thời điểm sinh hoạt văn học Việt Nam, quê người, gần như tắt thở. Gần như khô héo, với Nguyên Sa, mới trở lại Hoa Kỳ, từ Pháp. Thanh Nam ở Seattle. Mai Thảo vừa tới đảo. Vũ Khắc Khoan ở Minnesota. Ngọc Dũng ở Hoa Thịnh Ðốn. Mặc Ðỗ ở Texas. Võ Phiến vừa dọn về Los Angeles từ Minnesota. Lê Tất Ðiều chọn ở San Diego… Tất cả hầu như không còn viết nữa. Hoặc có viết mà, không muốn đưa ra (?)

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Lớp người mới, cầm bút sau biến cố 30-4, cũng chưa đông đảo. Ðội ngũ thưa thớt này, đa số chọn thi ca, làm đất trời để tung hoành, để thi thố tài năng; như một hốt hoảng trước bơ vơ, nhiều hơn một chọn lựa tử sinh, trí tuệ.

Có dễ vì thế, không một tên tuổi nào, cho thấy triển vọng bứt, thoát khỏi những người đồng hành. Giữa cảnh tình ấy, thơ Cao Ðông Khánh, xuất hiện. Bài thơ đầu tiên của Cao Ðông Khánh được in trên tuần báo Quê Hương, xuất bản ở miền nam California.

Cao Đông Khánh – tranh Đinh Cường

Cao Ðông Khánh hiện ra với những câu thơ bị một số người đọc cho là vô nghĩa. Những câu thơ không hề cho thấy mối bận tâm về văn phạm, chính tả.… Nhưng lạ lùng thay, đâu đó, giữa thế giới thi ca ngổn ngang, hà rầm kia, thơ họ Cao lại rất giầu có những danh từ mà, những người làm thơ cùng thời hoặc, trước ông, ít dùng hoặc, không hề ngó ngàng.

Ở đây, phải nói tới sự táo tợn, bất ngờ tới kinh ngạc mang tên Cao Ðông Khánh.

Nếu trước tháng 4-75, không ít người sững sờ với thơ của Trần Thy Nhã Ca, khi Nhã Ca nói về những chuyển động tâm lý của mình trong chu kỳ kinh nguyệt; thì, Cao Ðông Khánh trong hồn cảnh đặc biệt của ông – – Hồn cảnh vượt biển tỵ nạn – – Ðã đề cập tới những phụ nữ thuyền nhân, giấu của cải, kim cương, hột xoàn trong âm hộ…

Trong bài “Hạt Kim Cương Di Tản,” Cao Ðông Khánh viết, từ tư cách một nhân chứng, đúng hơn, một nạn nhân sớm sủa của biển Ðông, của hải tặc:

một người ngồi hát trong trại tỵ nạn

những vết muỗi đỏ trên thân thể nàng

những chỗ rối rắm những chỗ chí rận

giấu trong chỗ kín một hạt kim cương

một hạt kim cương lọt vô tử cung

những cuộc bạo dâm đứt dây trí nhớ

cây lá một ngày trổ trái héo hon

đứa trẻ sơ sinh dính đầy cát bụi.

Cũng là Cao Ðông Khánh, khi ví quần áo lót của người nữ, bay phất phới, như cờ xí.

Và, cũng Cao Ðông Khánh với ngôn ngữ miền Nam, thứ văn nói, đã chi phối hầu như, cùng khắp cõi thơ họ Cao.

Sàigòn Chợ Lớn mưa như chớp

nát cả trùng dương một khắc thôi

chim én bay ngang về Xóm Chiếu

nước ròng ngọt át giọng hàng rong

hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược

trái cây quốc cấm giấu trong lòng

hỏi thăm cho biết đường ra biển

nước lớn khi nào tới cửa sông?

 

Sàigòn Khánh Hội gió trai lơ

khi ấy còn tơ gái núi về

đào kép cải lương say tứ chiếng

ngã tư Quốc Tế đứng xàng xê….

Hoặc:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ

để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi

như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn

lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao!

Chúng ta khó thể phủ nhận rằng, ngôn ngữ đường phố, địa phương rất ít được sử dụng trong văn chương 20 năm, miền Nam. Bất thành văn, một số người cho rằng, văn nói của miền Nam thiếu chất thơ, nếu không muốn bảo là không có thi tính, nói theo ngữ học. Thậm chí, những thi sĩ sinh trưởng ở miền Nam, điển hình như nhà thơ Tô Thùy Yên, cũng không dùng nhiều ngữ vựng đặc thù của vùng đất này. Nhưng, ở Cao Ðông Khánh, ông đã chứng minh, điều ngược lại.

Chỉ trong cõi thơ Cao Ðông Khánh, người ta mới bắt gặp văn nói Nam bộ rặt và, những hình ảnh tiêu biểu lục tỉnh, miền Nam máu thịt của chúng ta…

Một cách ngắn, gọn, tôi muốn nói, thơ ông, tựa một nhánh sông khác. Một nhánh sông gần như không có khởi nguồn nhưng, cùng chảy vào biển văn học Việt Nam, nơi đất nước người.” DU TỬ LÊ

Ngu Yên trong sách Nháp Về Thơ Hải Ngoại 1975-2025, đã nhận định về thơ Cao Ðông Khánh:

Bất kỳ một dòng thơ nào có căn cước chứng minh, có nét độc đáo để nhận diện, đều phải có tác phẩm nổi bật và tác giả phẩm hạng.

Cao Ðông Khánh là một trong vài nhà thơ trong giai đoạn đầu tiên sau 1975, xứng đáng làm dấu ấn cho dòng thơ hải ngoại qua ba sắc diện: 1. chống chế độ cộng sản, 2. hoài hương và 3. hội nhập. Phần thơ mang tâm trạng hoài hương vượt trội hơn hết.

Bạn đọc thơ, có bao giờ tự hỏi:

– Thơ Cao Ðông Khánh “hay” ở chỗ nào? Nói một cách kỹ thuật hơn, giá trị của thơ ông ở đâu?

– Vì sao tôi chọn Cao Ðông Khánh làm nhà thơ mở đầu cho cuốn sách Nháp Về Thơ Hải Ngoại 1975-2025? Thay vì nhà thơ Cao Tần, hoặc những nhà thơ chống cộng kịch liệt trong thời điểm di tản – vượt biên như Hà Huyền Chi, hoặc nhà thơ sáng tác trường giang tình tự như Du Tử Lê…

Bởi thơ họ Cao nổi bật: 1. thuật ngữ lạ lẫm, 2. tứ thơ biến ảo, 3. thẩm mỹ bao gồm tính và nét Ðông lẫn Tây, 4. thể hiện lịch sử, xã hội cố xứ và tha hương, 5. văn hóa chủ bàng bạc tự nhiên trong văn hóa khách. Trên hết, những điều vừa kể kết hợp với ý tưởng về nỗi “mơ hồ” đã tạo ra tầm vóc thơ của ông…NGU YÊN

Cao Ðông Khánh ra đi đã ngoài 20 năm. Thỉnh thoảng thơ ông còn được đọc đây đó khi nhớ lại một thời kỳ khốc liệt. Mãi mãi đó là chứng tích lịch sử.

NGUYỄN & BẠN HỮU