Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa Nguồn.

Thuở nhỏ ông theo học trường Bảo An tại Ðiện Bàn (Quảng Nam), học trung học ở trường Thuận Hóa (Huế). Tháng 5/1952 Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài Gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa. Cũng trong năm này Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết học, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ “Mưa Nguồn”, xuất bản năm 1963. Bùi Giáng mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi. (Sách Khai Tâm)

Bùi Giáng – Tranh Đinh Cường

Nhiều nhà phê bình đã nhận định về tác phẩm này

Nhà văn Phạm Xuân Đài: “Ngôn ngữ của Mưa Nguồn trang trọng và tỉnh táo. Ðây là một tập thơ được xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng vào năm 1963, trong đó chứa đựng cả những bài thơ làm từ mười mấy năm trước đó, tức là khi tác giả còn khá trẻ, chỉ ở trong lứa tuổi hai mươi của cuộc đời thôi. Ta có thể thấy từng bài được chăm chút rất là kỹ lưỡng, và tác giả đã lựa chọn để đưa vào tập thơ.”

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Nhà  phê  bình Thụy Khuê: “Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh.”

Đặng Tiến bàn về ‘Mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng’

Trích thuật: Trở lại với giai đoạn Mưa Nguồn, chàng thanh niên Bùi Giáng còn giữ niềm tin ở mùa Xuân. Mùa Xuân hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thinh sắc. Trong niềm hoan lạc của đất trời, con người an tâm vui hưởng, vì tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én:

Én đầu xuân tuyết đầu đông

Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa

(Mưa Nguồn)

Xuân trong thơ Bùi Giáng là Xuân không mùa, Xuân duy nhất và tuyệt đối, mà ông gọi là Nguyên Xuân (Lá Hoa Cồn), là khởi thủy của nguồn sống, nguồn thơ, quê của Em Mọi, của Ðười Ươi, đồng thời là đối tượng, là cứu cánh của sáng tạo, của Lời Cố Quận, Tiếng Gọi Về:

Thưa rằng ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân 

(Mưa Nguồn)

Xuân là nguồn mạch thơ tuôn từ miền xa biệt:

Lỡ từ lạc bước chân ra 

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

Mùa Xuân xuất hiện thường xuyên trong tập Mưa Nguồn, và tái hiện trong Lá Hoa Cồn, về sau chỉ thấp thoáng mỗi ngày một ít, ở những thi phẩm cuối đời.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Mưa Nguồn – thi phẩm đầu tay và đều tay nhất của Bùi Giáng, gồm có nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ trong sáng, tươi thắm và tha thiết, vào tập bằng hai câu mào đầu:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau

Là câu thơ nổi tiếng sớm nhất của Bùi Giáng, vì nó có thể được sử dụng ở nhiều tần số khác nhau: buồn hay vui, u hoài hay đùa cợt, ví dụ khi bè bạn gặp nhau ngoài phố, lặp lại câu thơ: Xin chào nhau giữa con đường, dù không hiểu miên trường là gì.

Và tác giả, hay độc giả, có thể tùy nghi ráp nối nhiều câu lục bát khác vào đoạn trên, như Tuệ Sỹ đã gợi ý trong một bài báo rất uyên bác, trên tạp chí Văn:

Ta về ngóng lại mưa sa

Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào

Hoặc:

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Vân vân… Như đã nói, toàn bộ tác phẩm Bùi Giáng có thể xem như là một bài thơ duy nhất, một nét chữ lên đàng quẩn quanh. Và người đọc lý thú, vì cảm giác tham dự vào cuộc chơi, thậm chí là đồng tác.

Người đời thường trích dẫn mấy câu thơ hay, bề ngoài đơn giản, nhưng kỳ thật là phức tạp:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Gọi tên rằng một hai ba

Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

(Chớp Biển)

Hai câu đầu là một hình ảnh từ chương. Câu sau đã khó hiểu hơn: một, hai, ba nghĩa là gì? Hoặc ta cho là thơ cà chớn, không cần tìm hiểu; hoặc ta tìm hiểu và tham chiếu vào Ðạo Ðức Kinh, lời Lão Tử: “Ðạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”; ý thức con người đong đưa giữa cái nghi và cái diệu: không nghi thì không có diệu, không nhờ cái diệu thì không giải tỏa được cái nghi. Ðo và Ðếm là hai thao tác của Tâm và Tưởng để tiếp xúc và nhận thức ngoại giới: đo cái liên tục và đếm cái gián đoạn.

Hiểu thơ Bùi Giáng không phải lúc nào cũng đơn giản. Mà không hiểu, chưa chắc đã đơn giản.

Bàn về một chữ Xuân mà phải dàn xa dặm dài, như vậy phải biết ngừng lời, vì:

Thưa rằng nói nữa là sai

Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào

Bìa tập thơ Mưa Nguồn của thi sĩ Bùi Giáng

(Chào Nguyên Xuân – Mưa Nguồn)

NGUYỄN & BẠN HỮU