Texas không chỉ là tiểu bang lớn thứ nhì nước Mỹ, mà còn nổi tiếng là nơi người dân mang nặng tinh thần độc lập, tự túc tự cường. Nhưng cũng vì cái tinh thần ấy mà cả xứ Texas xém tí nữa đã bị một cơn bão tuyết truyền kỳ đánh sập.

Tuyết rơi phủ trắng Galveston. Nguồn: i45 

Cách đây đúng 160 năm, vào tháng Hai năm 1861, một nghị hội bất thường đã diễn ra tại thủ phủ Austin. Các nhà lập pháp muốn tách Texas ra khỏi Liên Bang Mỹ Quốc và trở thành một nước riêng. Thống đốc Sam Houston làm mọi cách để thuyết phục họ bỏ phiếu chống. Nhưng vị cha già dân tộc, lúc bấy giờ đã 67 tuổi, không còn nhiều ảnh hưởng như thời ông là tổng thống của Cộng Hoà Texas sau khi cầm đầu cuộc chiến giành độc lập từ Mexico. Kết quả Houston thua 166-8.

Vài tháng sau, Texas trở thành tiểu bang cuối cùng — và cũng là quốc gia độc lập duy nhất, gia nhập liên minh Confederate States of America (CSA) trong cuộc Nội Chiến chống lại chính quyền Liên Bang ở miền Bắc. Thế rồi sau khi tướng Robert E. Lee của miền Nam đầu hàng vào tháng 4 năm 1965, quân đội của Texas vẫn không buông súng. Họ tiếp tục đánh cho đến ngày 19/6 mới chịu ngưng. Giờ đây người Mỹ gọi đó là ngày lễ Juneteenth, ngày nô lệ được chính thức chấm dứt trên toàn quốc.

Mặc dù thuộc bên thua cuộc và phải chấp nhận sáp nhập vào Liên Bang trở lại, dân Texas vẫn luôn giữ tinh thần độc lập và quật cường của cha ông, và sẵn sàng phô trương nó một cách hãnh diện mỗi khi có dịp. Năm 1935, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành Ðạo luật Ðiện lực Liên bang (Federal Power Act) và giao cho cơ quan Federal Power Commission quyền giám sát thị trường điện lực và việc buôn bán điện xuyên bang. Ðể tránh bị quản lý bởi luật lệ của Hoa Thịnh Ðốn, các nhà sản xuất điện tại Texas quyết định không gia nhập lưới điện toàn quốc, tức không kết nối để buôn bán điện với những tiểu bang lân cận. Nhờ có nguồn năng lượng dầu khí dồi dào, các nhà sản xuất điện ở Texas không bao giờ lo thiếu điện để cung cấp cho người tiêu thụ. Ðó là lý do tại sao trên nước Mỹ có ba lưới điện riêng biệt: miền Ðông, miền Tây, và Texas.

Số nóc gia bị mất điện vì bão Uri trên toàn quốc ngày 16/2. Nguồn: Newsweek.

Trước thế kỷ 21, thị trường điện tại Texas vẫn còn bị quản chế (regulated). Người dân không thể mua điện từ bất cứ hãng nào mình muốn, mà phải mua từ công ty duy nhất được quyền cung cấp điện trong vùng của mình. Hệ thống độc quyền này được bãi bỏ vào cuối năm 1999. Một cơ chế thị trường tự do mở ra, vô số các nhà kinh doanh bán lẻ điện ra đời. Tuy nhiên hệ thống điện lực vẫn nằm dưới quyền điều khiển của cơ quan ERCOT (Electric Reliability Council of Texas), chịu trách nhiệm điều tiết lưới điện của Texas — từ các nhà sản xuất cho đến hệ thống phân phối, gồm đủ các loại điện đến từ nhiều nguồn khác nhau như than, khí đốt, hạch nhân, gió, mặt trời v.v.

Xem thêm:   Ham & hố

Thêm vào đó là uỷ ban đường sắt Texas Railroad Commission quản lý các đường ống dẫn dầu và khí đốt, có liên hệ mật thiết với hệ thống điện lực vì đó là nguồn cung cấp năng lượng cho hơn phân nửa các nhà sản xuất điện trên toàn tiểu bang. Toàn bộ thị trường điện của Texas được đặt dưới quyền giám sát của cơ quan Public Utility Commission (PUC), có nhiệm vụ quy định và quản chế mọi sinh hoạt kinh doanh trong ngành điện. PUC tương đương với cơ quan FERC (Federal Energy Regulatory Commission) của chánh quyền liên bang, nhưng khác ở chỗ nó độc lập, không bị quản chế bởi Washington. Thậm chí ngay cả khi hệ thống điện đang bị bão Uri làm tê liệt, cựu thống đốc Rick Perry, từng là Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Trump,  vẫn hùng hồn tuyên bố là người dân Texas sẵn sàng hy sinh chịu mất điện vài ngày hơn là bị kiểm soát bởi chính quyền liên bang!

Dĩ nhiên người nói không sao bằng Trời nói. Bão Uri đã cho thấy thiên nhiên có nguyên lý của nó mà con người không cách nào cãi lại. Từ lâu khoa học gia đã phát hiện ra một vùng xoáy trên đỉnh Bắc Cực mà họ đặt tên là Polar Vortex, nằm khoảng từ 15 đến 30 dặm trên không trung. Thỉnh thoảng nó bị áp lực trong bầu khí quyển đè xuống hay đập vỡ, khiến hơi lạnh tràn về phía Nam. Bình thường cái lạnh chỉ xuống đến các nước như Canada, Greenland, Norway v.v. Nhưng lần này nó gặp phải một luồng gió jet stream bất bình thường nên thay vì chỉ quanh quẩn phía Bắc thì nó được đưa xuống tới Vịnh Mexico. Việc jet stream thổi xuống tận miền Nam nước Mỹ không phải là chuyện hiếm hoi, nhưng việc nó xảy ra cùng lúc Polar Vortex bị phá vỡ thì khá hy hữu. Các nhà khí tượng đang nghiên cứu xem hiện tượng bất thường này có liên quan gì đến Biến đổi Khí hậu hay không, và nếu có thì ta phải làm gì để đối phó.

Những county ở phía Đông, Tây Bắc và Tây Nam của Texas không bị mất điện vì được kết nối với lưới điện quốc gia. Nguồn: ERCOT

Trong khi chờ đợi câu trả lời từ giới khoa học, người dân Texas cần xét lại những quy định của PUC trong thị trường điện lực phi quản chế (deregulated) hiện hành. Một số người tiêu thụ đang đối mặt với bill điện cả chục ngàn đô la vì họ đã lỡ ký hợp đồng mua điện theo giá thả nổi thay vì cố định. Giữa cơn bão tuyết, một số công ty bán điện lẻ như Griddy đã phải kêu gọi khách hàng của mình nên đổi hãng điện gấp để đừng bị chém khi giá thị trường tăng vọt bởi cung thấp cầu cao. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó kịp thời, không biết rồi đây họ sẽ trả bằng cách nào.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong khi đó thì các county ở miền Ðông, miền Tây Nam và vùng cán chảo của Texas nhờ được kết nối với lưới điện quốc gia nên đã không bị cúp điện. Lúc đầu thống đốc Greg Abbott cho rằng đó là lỗi của hệ thống điện gió, nhưng thật ra thì đa số các nhà máy điện của Texas dùng năng lượng cổ điển như than và khí đốt. Lý do lớn nhất họ không sản xuất được điện trong trận bão là vì các ống dẫn hơi đốt đã bị đông đá, đường sá bị đóng băng khiến xe chở dầu khí cũng không nhúc nhích được. Khi cơn lạnh thình lình ập đến, nhu cầu xài điện tăng vọt trong lúc mức sản xuất rơi tự do khiến ERCOT không còn lựa chọn nào khác ngoài biện pháp cúp điện luân phiên để bảo vệ các nhà máy điện. Bill Magness, CEO của ERCOT, cho biết nếu hôm đó họ không cúp điện kịp thời thì chỉ còn vài phút nữa là toàn bộ hệ thống sẽ bị sụp đổ, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Còn quá sớm để biết trận bão vừa qua đã gây nên bao nhiêu thiệt hại. Những con số sơ khởi của các hãng bảo hiểm cho thấy nó có thể lên đến 15 tỉ USD. Cũng may là chính phủ liên bang đã ngay lập tức vào cuộc để trợ giúp Texas qua cơn khốn khó. Nhưng cái giá cao nhất mà người dân Texas phải trả là nhân mạng. Số người chết trong cơn bão Uri tính đến nay đã hơn 70 người, đa phần tại Texas. Có người chết vì cóng, kể cả trẻ em; có người chết vì máy trợ thở hay lọc thận không có điện; người vì dùng máy sưởi trong xe nên hít nhằm khí độc carbon monoxide… Nhưng đau lòng nhất có lẽ là ba em gốc Việt ở Sugar Land gần Houston, bị chết cháy cùng bà ngoại vì dùng lò sưởi đốt để giữ ấm gây nên hoả hoạn.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Thống đốc Abbott cho biết ông sẽ cho mở một cuộc điều tra để truy tận gốc những nguyên do dẫn đến việc hệ thống điện vỡ trận trong cơn bão. Tuy nhiên, không ai dám nói các nhà lập pháp của Texas sau vụ này sẽ kết nối mạng điện của tiểu bang với hai mạng kia để phòng ngừa thiên tai trong tương lai.

Thống đốc Greg Abbott, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, cựu thống đốc Rick Perry – ba nhân vật trọng yếu trong chính sách năng lượng và điện lực của Texas. Ảnh: Bret Buchanan/Texas Tribune

IB