Có lẽ chưa bao giờ tại Dallas lại có một buổi nhạc từ thiện thành công như chương trình ‘Hai Tiếng Đàn, Một Trái Tim’ hôm cuối tuần của hai nhạc sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh và Nguyễn Đức Đạt. Bà con đi dự đông hơn sự tiên liệu; nhiều người phải đứng nhưng không ai màng.

Nguyễn Đức Đạt (trái) và Nguyễn Thế Vinh song tấu bài ‘Dấu Tình Sầu’. ảnh: Bảo Huân/Trẻ    

Dù chỉ do một nhóm thân hữu đứng ra tổ chức trong vòng vài tuần lễ chuẩn bị, nhưng chương trình đã diễn ra tương đối tốt đẹp. Nhạc sĩ cổ nhạc Liên Hà đã có công lớn khi cho ban tổ chức mượn hội trường của Trung Tâm Tuổi Hạc tại Garland. Trước đó, nhiều cơ sở truyền thông đã giúp quảng bá cho chương trình, như SBTN, Ðài Radio Saigon Dallas 1600 am, VAE Live, Người Việt Dallas, Trẻ Magazine. Ngoài ra một số cơ sở thương mại ở DFW cũng đã đóng góp rất nhiều để giúp gây quỹ cho Trung Tâm Hướng Dương của thầy giáo kiêm nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh.

Sanh năm 1970, Nguyễn Thế Vinh mồ côi cha năm mới lên bốn. Ba anh tử trận  khi tiền đồn 5 nơi ông đóng quân, một cứ điểm trọng yếu trên một ngọn đồi cao ở Kontum, bị cộng quân pháo kích và quét sạch gần hết. Xác Ba anh và những người đồng đội đều bị mất tích. Chỉ mới hồi tháng Bảy năm nay anh mới tìm ra được địa điểm nơi họ tử trận. Cuối cùng Thế Vinh cũng đã lặn lội đến được tận nơi hoang vu hẻo lánh ấy để thắp nén nhang cho người quá cố. Hành trình gian nan đó có được một phần nhờ sự hướng dẫn của các cựu chiến binh, một phần nhờ sự may mắn được gặp những người dân tộc tại địa phương còn nhớ vị trí của cứ điểm mà ngày nay đã mất dấu trên bản đồ. Có lẽ đó là cơ duyên, hoặc cũng là sự phù hộ của vong linh người đã khuất.

Ian Bùi điều chỉnh micro, Thu Đào điều chỉnh tóc, Sumo Bùi kiên nhẫn ngồi chờ. ảnh: Bảo Huân/Trẻ

Không lâu sau khi cha mình mất, mẹ Thế Vinh cũng qua đời. Anh phải sống với ông Nội và phụ giúp gia đình bằng nghề chăn bò. Một hôm, khi mới lên 11 tuổi, anh té từ trên lưng bò và bị gãy tay. Nhưng vì nhà nghèo nên thay vì được chữa trị đàng hoàng thì anh chỉ được đắp thuốc băng bó qua loa, dẫn đến việc phải cưa cụt cánh tay. Nhưng điều đó đã không làm anh nản chí mà dường như còn khiến cho nghị lực của anh mạnh mẽ thêm. Lớn lên, sau khi ra trường đại học ở Sài Gòn, Thế Vinh đã một tay đứng ra thành lập Trung Tâm Hướng Dương ở Bến Cát (Bình Dương) để nuôi dạy trẻ em mồ côi và khuyết tật.

Xem thêm:   Beetlejuice

Thế Vinh còn tự học nhạc. Anh tập đánh guitar bằng tay trái và thổi kèn harmonica. Anh chế ra một dụng cụ kẹp cây kèn vào đàn để có thể vừa thổi vừa đánh. Và anh đã phát minh ra cách bấm gam và rải dây chỉ bằng một tay. Cách đây vài năm, khi nhạc sĩ Peter Yarrow của ban nhạc ‘Peter, Paul and Mary’ đến Sài Gòn, ông đã mời Thế Vinh lên trình diễn chung.

Quan khách tại Trung Tâm Tuổi Hạc hôm Chủ Nhật vừa rồi đã có dịp mục kích ngón đàn độc đáo của Thế Vinh qua một số nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Y Vân, Ngô Thuỵ Miên… Tiếng kèn da diết của Thế Vinh trong bài ‘Em Ðến Thăm Anh Ðêm 30’, của Vũ Thành An, hoà với tiếng đàn piano của Liên Hà, đã làm khán giả vô cùng xúc động.

Tiếng sáo Nguyễn Đức Đạt với bài ‘Gặp Mẹ Trong Mơ’. ảnh: Bảo Huân/Trẻ

Tuy nhiên, vì chỉ dùng một tay nên cách đánh đàn của Thế Vinh khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi sự làm việc của những bắp thịt mà người chơi guitar bình thường không bao giờ cần đến. Do đó Thế Vinh cho biết tay anh dễ bị chuột rút, vì vậy anh không thể chơi lâu hay chơi liên tục nhiều bài.

Nhưng cũng may là chương trình còn có sự đóng góp của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Ðức Ðạt. Thêm vào đó một số ca sĩ địa phương cũng đã góp phần cho buổi nhạc được đầy đặn hơn, mặc dù thời gian chuẩn bị khá là eo hẹp.

Xem thêm:   Oscar 2024

Ðức Ðạt là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, sống tại Quận Cam, Cali. Anh có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ. Lên 14 tuổi anh đã có thể tự “phăng” (improvise) khi đánh đàn. Ở Việt Nam anh học guitar với thầy riêng. Sang Mỹ cuối năm 90, sau  ghi danh học nhạc tại đại học Cal State Fullerton. Anh kể phải lặn lội đi xe bus mỗi ngày để đến trường. Ðối với người bình thường thì chuyện đó không mấy khó khăn, nhưng với người khiếm thị thì nó rắc rối hơn nhiều.

Liên Hà độc tấu bài “Quê Mẹ”. ảnh: Bảo Huân/Trẻ

Ðức Ðạt bắt đầu chơi nhạc cho các show trong vùng từ khi còn ở đại học. Ra trường anh chơi nhạc cho các chương trình đặc biệt của Universal Studio, Disneyland v.v. Ước mơ lớn nhất của anh là soạn một vở nhạc kịch Broadway để đời. Rất mong anh sẽ thực hiện được điều này.

Gần đây nhất Ðức Ðạt mới xuất hiện trong Paris By Night số 128. Từ năm 2009 Ðức Ðạt cũng tham gia chương trình từ thiện Ngọc Trong Tim, gồm các ca nhạc sĩ khuyết tật. Một số DVD ‘Ngọc Trong Tim’ đã được một nhà hảo tâm (xin được giấu tên) ở Bắc Dallas mang đến TT Tuổi Hạc hôm Chủ Nhật để góp phần gây quỹ cho Hướng Dương, và đã được quý Cô Bác đồng hương hưởng ứng hết mình.

‘Để Gió Cuốn Đi’ với Thọ Đỗ (trái) và Ian Bùi. ảnh: Bảo Huân/Trẻ

Hôm ấy, bà con đã đi từ kinh ngạc đến thán phục các màn diễn của Ðức Ðạt. Ngoài ngón đàn điêu luyện với nhiều phong cách, anh còn soạn nhạc, hát và thổi sáo. Bản Ðoàn Người Lữ Thứ cực kỳ sôi động của anh để mở màn đã tạo cho chương trình một không khí tươi vui ngay từ phút bắt đầu. Sáng tác đầu tay của Nguyễn Ðức Ðạt – ‘ Gã Ðiên Trên Ðồi Hoang’, cũng đã gây ấn tượng mạnh. Anh còn chứng tỏ tay nghề classical guitar rất cao khi đệm bài ‘Serenade’ với tiếng đàn cello của bé Sumo Bùi. Phiên bản rock ‘Hotel California’ để kết thúc chương trình cũng được bà con đón nhận nồng nhiệt.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Chương trình chấm dứt với màn hợp ca dã chiến bài ‘Tôi Muốn’ của Lê Hựu Hà trong bầu không khí vui nhộn. Dù mệt và nóng, nhưng hai nhà nhạc sĩ của chúng ta đã vui vẻ nán lại rất lâu để chụp hình lưu niệm với người ngưỡng mộ nườm nượp kéo lên sân khấu.

Tuy đây là lần đầu Thế Vinh cùng Ðức Ðạt trình diễn tại Dallas, nhưng hy vọng với sự tiếp đón chân tình và nồng hậu, hai anh sẽ còn quay lại với chúng ta nhiều lần nữa trong tương lai.

Hợp ca ‘Tôi Muốn’ với toàn ban. ảnh: Bảo Huân/Trẻ

IB