Có những bài nhạc vô tình được dùng cho những cuộc cách mạng và sống mãi từ đời này sang đời khác. Lại có những bài nhạc được cố tình viết để phục vụ cách mạng, nhưng về sau không ai thèm hát…

Sinh viên Đại học Trung Văn chống đỡ lựu đạn cay từ cảnh sát Hồng Kông. nguồn: shanghaiist.com    

Trong vở nhạc kịch “Les Misérables”, dựa theo quyển truyện cùng tên của  văn hào Victor Hugo (1802-1855), một trong những màn ăn khách và đáng nhớ nhất là cảnh sinh viên biểu tình tại Paris. Họ dựng lên những rào chắn thô sơ để chống lại nhà nước, đại diện bởi tay cảnh sát Javert đầy uy quyền. Bài nhạc chủ lực trong cảnh này, “Do You Hear The People Sing” đã trở thành bất hủ, được nhiều người khắp nơi trên thế giới biết đến. Nó được hát lên trong những buổi hoà nhạc giao hưởng, những lễ hội liên hoan, nơi trường học, giữa các quảng trường… Nó được hát bởi các ca sĩ thượng thặng cũng như dân đờn ca tài tử, bởi người già cũng như em bé… Nó đã được dịch ra không biết bao nhiêu thứ tiếng… Sức lan toả của nó ngày nay có lẽ chính tác giả (Michel Schonberg và Alain Boublil) cũng không ngờ khi họ soạn vở nhạc kịch này vào thập niên 1980.

Cách đây ít năm, khi cuộc cách mạng Dù Vàng bùng phát tại Hong Kong, “Do You Hear” đã được các sinh viên tại đây dùng làm ca khúc đại diện cho phong trào đòi tự do dân chủ của họ. Ai đó đã soạn lời bằng tiếng Hoa cho bản nhạc này, và với công nghệ thông tin hiện đại nó đã lan nhanh trên Internet. Chỉ cần vào Youtube, tìm chữ “Hongkong” và “Do You Hear The People Sing” là sẽ hiện ra hàng trăm video clip khác nhau.

Phong trào Dù Vàng ở Hong Kong, 2014. nguồn: wikimedia

Trong các cuộc biểu tình mới nhất ở Hong Kong, bắt đầu cách đây 5 tháng để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc, bản nhạc này đã được hát vang khắp các đường phố đầy nghẹt người. Và giờ đây, không khác gì Paris của thế kỷ 19, sinh viên Hong Kong đang phải dựng rào chắn để tự vệ trước sự tấn công bằng vũ lực, bằng đạn thật của cảnh sát dưới sự giám sát của bà Carrie Lam, một nhân vật Javert tân thời, đại diện cho chính quyền độc tài. Và cũng giống như trong tiểu thuyết, một sinh viên Hong Kong đã bị cảnh sát bắn tử thương. Cạnh đây là bản tiếng Việt do người viết biên soạn cách đây vài năm, vừa để ủng hộ Hong Kong vừa để giới thiệu nó đến giới trẻ Việt Nam.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Như ta biết, nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước đang quan tâm theo dõi tình hình Hong Kong. Dù không muốn thấy cảnh máu đổ nhưng ai cũng hiểu cái giá phải trả cho độc lập, tự do không bao giờ rẻ. Và có lẽ đa số cũng mong nhìn thấy giới trẻ Việt Nam có được sự dũng cảm tương tự. Nhưng trong thời điểm này hy vọng ấy có vẻ hơi xa vời. Bộ máy cường quyền và tuyên truyền của nhà nước cộng sản luôn sẵn sàng dập tắt mọi sự phản biện hay chống đối, đồng thời liên tiếp tung ra những chiêu hoả mù để định hướng dư luận.

Một cảnh trong nhạc kịch Les Miserables. nguồn: lesmis.com

Thời chiến tranh, miền Bắc đã thành công trong việc móc nối với thành phần trí thức nghệ sĩ ngây thơ ở miền Nam để sản xuất các nhạc phẩm phục vụ cho cuộc xâm lược mà họ gọi là cách mạng giải phóng. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” là một sản phẩm của chiến lược đó. Theo Wikipedia Tiếng Việt:

“Hát cho đồng bào tôi nghe”, hay “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi cùng hát”, là một phong trào đấu tranh đòi hòa bình trong Chiến tranh Việt Nam dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca, nằm trong phong trào đấu tranh đô thị (đặc biệt ở Sài Gòn) trên trận tuyến văn hóa, tư tưởng, được tổ chức bởi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam. Về chính trị, phong trào này vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về văn hóa, phong trào này tự cho là “cổ vũ tinh thần yêu nước”, “chống văn hóa đồi trụy, lai căng” và “các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc”…

Tập nhạc của các nhạc sĩ “yêu nước” được Thành Đoàn yểm trợ, xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. nguồn: internet

Ừ thì tạm cho là họ “yêu nước” đi, nhưng đó là chuyện đời xưa, thời tiền-internet, thời bưng bít thông tin, thời quân ta còn hãnh diện lấy thúng úp voi. Chứ bây giờ mà phải nghe một người như Trần Long Ẩn (sn 1943), Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, phát n(g)ôn bừa bãi kiểu này thì thiệt là … hết ý kiến:

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

“Toàn bộ nền văn học miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xoá bỏ hết.”

Phát n(g)ôn của chủ tịch Trần Long Ẩn. nguồn: facebook

Nói nào ngay, bản thân ngài chủ tịch cũng là một sản phẩm của cái “nền văn học” ấy trước khi ngài trốn ra Bắc năm 1974 để được tẩy não. Bài “Người Mẹ Bàn Cờ” (1970), ông Ẩn phổ từ một bài thơ của Nguyễn Kim Ngân về Má Hai Nguyễn Thị Xuân, lẽ ra cũng nên xoá đi cho phứt vì (nói thiệt) nghe dở ình. Vậy mà cách đây không lâu ai đó dám dựng tuồng kiểu nhạc kịch, mang ra diễn trước Dinh Thống Nhất (sau khi hết Ðộc Lập) cho quý ngài lãnh đạo Ba Ðình coi nữa thì đúng là… điếc hổng sợ súng. Mà biết đâu đám khán giả đó điếc thật, hoặc giả họ chưa được coi nhạc kịch thứ thiệt bao giờ để phân đo so sánh. Chứ nếu đã từng xem “Les Miz” hay “Miss Saigon” trên Broadway thì coi hoạt cảnh “Mẹ Bàn Cờ” chắc họ phải cười té ghế.

Câu phát n(g)ôn ấu trĩ của Trần Long Ẩn dĩ nhiên đã khiến nhiều người miền Nam phát tiết, trong đó có bổn bút là dân Sài Gòn chính hiệu, từng học nhạc dưới những bậc thầy đáng kính như Lê Thương, Nghiêm Phú Phi… Bất mãn lắm chứ, nhưng bởi cái “nền văn hoá độc hại” ấy đã ăn sâu vào trong xương tuỷ nên Bùi mỗ không thể mở miệng chửi thề. Ðành vuốt giận soạn một bài thất ngôn tứ tuyệt dạng cổ điển tặng ngài chủ tịch, coi như của thiên trả địa…

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ẳng!

Có tên nhạc khuyển ở Sài Gòn

Chủ cho chút chức, tưởng mình ngon

Ẳng ra miếng cứt rồi liếm lại:

Trần Long, sao dại quá vậy con?

– Má Hai

IB

Dallas

Nghe Chăng Tiếng Hát

 

ĐK1

Hỡi nhân loài nghe chăng tiếng hát,

tiếng ca kêu oan của bao con người?

Nó là âm nhạc của một giống dân

từ nay thề không lệ thuộc bởi ai.

Máu dâng trào, sôi như cơn sóng,

bước chân ta vang cùng nhịp trống dồn.

Chúng ta lên đường đập tan bất công,

bình minh sáng mọi nơi!

 

  1. Này người ơi cùng nhau chung sức,

ta cùng đấu tranh cho ngày mai tới.

Đằng sau những vòng gai thép kia

là ước mơ một cuộc đời mới.

Người ơi xin đừng quên,

ta cùng nhau xây dựng nên đời tự do!

 

(ĐK1 lặp lại)

 

  1. Vì ngày mai mà ta sẽ hiến thân,

vì nước non ta nguyện chung sức.

Ta quyết không hề lui bước;

bao người đứng lên, bao người nằm xuống.

Để tưới lên ruộng nương,

bao lần máu của người anh hùng còn tuôn!

 

ĐK2

Hỡi nhân loài nghe chăng tiếng hát,

tiếng chân ai lưu lạc trong đêm trường?

Giống như âm điệu của một giống dân tộc xưa

tìm đi về nguồn ánh sáng.

Cõi dương trần dù cho u tối

thấp thoáng đâu đây ngọn đuốc soi đời.

Dẫu cho đêm dài lòng ta vẫn tin,

bình minh đến ngày mai!

 

  1. Vì tự do mà ta sẽ đấu tranh,

vì quốc dân ta nguyện chung bước.

Cuộc chiến chinh đã xa khuất;

không còn súng gươm, chỉ còn non nước.

Ruộng đất vẫn còn đây,

hãy cùng nhau ta về xây lại quê hương!

 

ĐK3:

Đứng lên nào, anh em tôi ơi!

Nước non đang kêu gào, gọi tên người.

Phía sau lưng hàng rào gai kẽm kia

là bao điều ta nhiều lần mơ ước.

Hát lên nào, chị em tôi ơi!

Tiếng ca thân yêu hoà trong tiếng cười.

Hãy mang cho đời một cuộc sống vui,

bình minh đến ngày mai!

ianbui

Bastille Day 2014