Noel năm nay thật không giống gì những năm trước, nhất là cho giới nghệ sĩ trong các môn như nhạc, kịch hay vũ múa. Tất cả đều bị Covid hành hạ. Nhưng chúng ta vẫn có lý do để lạc quan.

Một cảnh trong vũ nhạc kịch “The Nutcracker”. Nguồn: San Francisco Ballet   

Nhạc sống, giống những ngành giải trí khác như thể thao, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Vô số nhạc sĩ phải ngồi nhà, không đi trình diễn được. Những người làm việc sân khấu như âm thanh, ánh sáng, phục vụ ẩm thực, chuyên chở cũng bị ảnh hưởng lây. Ðể sống còn, nghệ sĩ phải thích nghi, thay đổi cách làm việc.

Trước đại dịch, ca nhạc sĩ có thể đi tour và tương tác với khán giả tương đối dễ dàng. Ngoài việc bán vé, họ có thể làm tiền bằng cách bán áo thun, dĩa hát, quà lưu niệm v.v. Giờ đây nguồn thu nhập đó coi như mất gần hết. Ðể kiếm sống, nhạc sĩ bắt đầu chuyển qua các hình thức làm show qua internet. Họ chơi nhạc sống và livestream cho những ai chịu bỏ tiền mua “vé” để coi trực tiếp. Hoặc họ thâu lại buổi trình diễn và cho chiếu theo dạng video-on-demand – người xem chỉ trả tiền một lần rồi sau  đó có quyền coi lại nhiều lần nếu muốn.

Dạo một vòng thế giới âm nhạc, ta thấy đủ các tên tuổi lớn nhỏ, đủ thể loại, hầu như ai cũng có làm show trên mạng. Từ Yo Yo Ma của nhạc cổ điển đến Michael Bublé của nhạc pop hay Garth Brooks của country music. Công thức thông thường nhất là nhạc sĩ trình diễn tại một nơi nhất định, có thể là studio tại gia hoặc trên sân khấu, với đầy đủ âm thanh và hình ảnh. Giá vé có thể từ $10 đến $50 tuỳ show. Có khi miễn phí.

Các công ty thiết kế nhu liệu nền cho showbiz cũng phải thay đổi phương thức làm việc, tạo thêm chức năng để có thể đẩy mạnh các chương trình nhạc sống qua internet. Mới đây nhất, nhạc sĩ Todd Rundgren công bố một công thức hoàn toàn mới mẻ chưa ai làm. Ðó là một chuyến tour ảo gồm 25 đêm nhạc. Mặc dù ông và ban nhạc 10 người sẽ trình diễn tại một địa điểm duy nhất ở Chicago, nhưng mỗi đêm họ sẽ chơi nhạc sống chứ không phải thâu một lần rồi chiếu đi chiếu lại. Và mỗi đêm họ sẽ chơi tại một thành phố khác nhau theo nghĩa chỉ những ai sống trong vùng đó mới xem được, qua kỹ thuật gọi là geofencing. Ðây là cách những công ty marketing sử dụng GPS trên các thiết bị điện tử như điện thoại, tablet để định vị và quảng cáo dịch vụ như là tiệm ăn hay hàng quán đến người tiêu dùng.

Một hoạt cảnh trong chương trình “Dolly Parton Christmas on the Square”. Nguồn: Netflix

Nếu thành công, sáng kiến này có thể mở ra một hướng đi mới cho nghệ sĩ trong một tương lai hậu-Covid. Todd, năm nay 72 tuổi, nói thật ra ông đã nghĩ đến giải pháp này từ vài năm trước, vì khi đi tour ông hay bị hệ thống giao thông, nhất là tại phi trường, làm cho lịch trình của mình bị xáo trộn. Trong tour ảo của Todd, mỗi đêm sân khấu sẽ được dàn dựng với hình ảnh của một thành phố khác. Thậm chí Todd cho biết họ còn sẽ đặt thức ăn từ những nhà hàng ngon ở địa phương đó để ship lên tận Chicago!

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nói đến livestreaming ta không thể bỏ qua những công ty hạng nặng như Netflix, Apple, HBO… và gần đây nhất là Disney+ với hằng ha sa số phim ảnh được tung ra ngày càng nhiều. Giáng Sinh là lúc thiên hạ hay đi nghe nhạc, xem nhạc kịch hay ballet. Nhưng năm nay vì đại dịch nhiều rạp hát phải đóng cửa. Do đó nhiều nhà sản xuất quay sang internet để phục vụ người xem. Sau đây là một số chương trình văn nghệ ta có thể coi trong mùa Noel mà không phải rời khỏi nhà.

Dolly Parton Christmas On The Square – Dolly Parton không chỉ là một đại danh ca của dòng nhạc country với hàng tá giải thưởng, bà còn là nhạc sĩ sáng tác (hơn 3,000 bài nhạc), diễn viên điện ảnh, và nhà từ thiện nổi tiếng. Chương trình Noel của bà không dài lắm, độ 1 tiếng, với 14 bản nhạc, đang được chiếu trên Netflix cho đến ngày 30/12..

My Gift: A Christmas Special from Carrie Underwood – Khách hàng của HBO Max sẽ được xem chương trình nhạc Giáng Sinh đặc biệt này với ca sĩ Carrie Underwood, người thắng giải American Idol năm 2005 và ba giải Grammy. Chương trình sẽ có sự góp mặt của nhạc sĩ John Legend và đứa con trai 5 tuổi.

Chương trình nhạc Noel của học sinh lớp 9 tại trường Allen High School. Ảnh: ianbui

Mariah Carey’s Magical Christmas Special – Tên tuổi Mariah Carey chắc ai cũng biết, nhất là bản nhạc Noel bất hủ “All I Want for Christmas is You”. Chương trình dành riêng cho khách hàng của Apple TV+ này còn có sự góp mặt của một số siêu sao khác như Ariana Grande, Snoop Dog và Jennifer Hudson.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

The Lego Star Wars Holiday Special – Tuy không phải là chương trình âm nhạc nhưng đây cũng là một show đáng xem cho những ai là fan của Star Wars. Từ ngày mua lại Star Wars từ Lucasfilm, Disney đã tung ra hàng loạt sản phẩm cho thương hiệu này. Và kể từ khi Disney mở thêm dịch vụ Disney+ để cạnh tranh với Apple và Netflix, dân hâm mộ Star Wars càng có thêm lý do để … ngồi nhà coi phim!

Nếu bạn từng nghe đến vở ballet nổi tiếng của mùa Noel là “The Nutcracker” nhưng chưa được xem bao giờ (vì thú thật, có bao nhiêu người Việt hay đi coi ballet?) thì đây là cơ hội ngàn vàng. Nhờ đại dịch, một số vũ đoàn sẽ diễn vở này cho khán giả online. Bạn có thể xem vở này miễn phí do đoàn New Paltz Ballet Theatre dàn dựng. Chương trình sẽ bắt đầu trình chiếu lúc 7pm đêm Noel 24/12 trên kênh Youtube của vũ đoàn.

Hoặc nếu bạn là dân sành điệu, bạn có thể xem vở “Nutcracker” được quay phim hồi năm ngoái do đoàn vũ danh giá New York City Ballet trình diễn, bắt đầu từ ngày 18/12. Giá vé là $25, vẫn rẻ hơn nhiều so với bay lên tận New York để đi xem. Xịn hơn nữa, bạn có thể dẫn cả gia đình đi xem San Francisco Ballet múa vở này trên mạng với chỉ … $49. Thật ra, trong mùa đại dịch hiện nay, bất cứ điều gì ta có thể làm để san sẻ và giúp đỡ những người nghệ sĩ đang bị thất nghiệp đều tốt cả.

Vợ chồng Garth Brooks và Trisha Yearwood trình diễn trong studio tại gia ở Oklahoma. Nguồn: Garth Brooks

Các dàn nhạc đại hoà tấu từ nhỏ chí lớn, từ địa phương đến Carnegie Hall, cũng đang xấc bấc xang bang vì đại dịch. Noel thường là mùa kiếm tiền của họ vì thiên hạ thích dẫn con cái đi nghe nhạc Giáng Sinh vào mùa này. Năm nay nhiều ban nhạc vẫn cố gắng tổ chức chương trình nhạc Giáng Sinh truyền thống. Có nơi được làm ngoài trời để giảm độ nguy hiểm, nhưng đa số là làm online. Còn nếu tổ chức trong nhà, thường họ phải giới hạn số khán giả, sắp xếp chỗ ngồi cách quãng và bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang. Một trường trung học ở thành phố Allen (Texas) còn cho nhạc sinh tham gia qua internet, chơi đàn từ nhà cùng lúc với dàn nhạc trên sân khấu!

Xem thêm:   Biden & Trump

Kỹ thuật truyền thông hiện đại cũng luồn lách vào các nhà thờ cổ kính. Ở bên Anh ca đoàn nổi tiếng của Thánh đường Canterbury, nơi không biết bao nhiêu vua chúa từng đăng quang, cũng tổ chức chương trình hát nhạc Giáng Sinh và mời người nghe tham gia hát theo qua internet. Nếu bạn thích nghe nhạc Giáng Sinh cổ điển, sau đây là vài chương trình online đáng xem:

“Handel’s Messiah” của nhạc đoàn Handel + Haydn Society, tại website handelandhaydn.org. “Christmas at Home” của ca đoàn Self-Isolation Choir, tại kênh Youtube của ca đoàn. “Digital Tour” của ca đoàn thượng thặng The King’s Singers tại website kingssingers.com.

Ngoài internet ra, một số đoàn kịch và ban nhạc lại chuyển hướng về một kỹ thuật cổ xưa là radio để phát tán những chương trình của mình. Nói chung, Noel năm nay không giống như bất kỳ mùa Noel nào trong quá khứ. Nhưng con người luôn luôn thích nghi với hoàn cảnh, và mỗi khi gặp khó khăn nhân loại sẽ nảy sinh những phát minh mới mẻ để ứng phó. Mến chúc mọi người mọi nhà một mùa Giáng Sinh đầy sức khoẻ, niềm tin, và âm nhạc.

IB