Bạch Cung không chỉ là chỗ ở và làm việc của gia đình Tổng thống Mỹ, nó còn được gọi là Nhà Của Dân – the People’s House. Nó là căn nhà của lãnh đạo quốc gia duy nhất trên thế giới mà người dân có thể viếng thăm miễn phí.

Bức ảnh xưa nhất của Bạch Cung, chụp năm 1846, thời Tổng thống James Polk. Ảnh: John Plumbe Jr. / Library of Congress   

Không lâu sau khi được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1789, George Washington bắt đầu nghĩ đến việc xây một căn nhà cho Tổng Thống- President’s House. Ban đầu nhiều người đề nghị nên đặt nó tại một thành phố đông dân như New York hay Philadelphia, là hai nơi Washington cư trú trong thời gian làm Tổng thống. Nhưng cuối cùng Washington quyết định xây dựng một thành phố hoàn toàn mới làm thủ đô cho tân quốc gia. Ông và nhà thiết kế Pierre l’Enfant chọn một miếng đất cạnh bờ sông Potomac và đặt tên cho nó là District of Columbia (D.C.) để vinh danh Christopher Columbus.

Lý do Washington chọn nơi đây thứ nhất là vì nó nằm giữa hai miền, với  Maryland ở phía Bắc và Virginia ở phía Nam; mỗi tiểu bang đã hiến tặng một phần đất để thành lập D.C. Thứ nhì vì đây là vùng đất trống dễ cho việc xây dựng một thành phố mới. D.C. là thành phố đầu tiên ở Mỹ được thiết kế trước khi có cư dân. Theo yêu cầu của Washington, nhà của Tổng  thống sẽ được xây trên một ngọn đồi tại một đầu phố, và toà nhà Quốc Hội trên một ngọn đồi đối diện, nối liền nhau bằng một con đường.

Thomas Jefferson đề nghị tổ chức một cuộc thi để chọn mẫu thiết kế. Ông cho đăng quảng cáo trên báo khắp nước và nhận được cả thảy 9 đề án. Một uỷ ban đã chọn đề án của James Hoban, một kiến trúc sư người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, dựa theo kiểu mẫu căn nhà Leinster House ở Dublin, Ireland. Viên gạch đầu tiên được đặt ngày 13 tháng 10, 1792.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Một đội thợ gồm di dân từ Âu Châu và người da đen tự do đã làm việc ròng rã tám năm trời để xây căn nhà hai tầng bằng sa thạch (sandstone). Tổng cộng phí tổn xây nhà là 232,372.83 đô la, khoảng 3.5 triệu USD ngày nay. Tiền này do Quốc Hội chuẩn thuận từ ngân sách Liên Bang.

Năm 1950, Tổng thống Harry Truman ra lệnh sửa sang lại toàn bộ Toà Bạch Ốc từ trong ra ngoài vì quá cũ. Nguồn: US National Archives

Mặc dù Tổng Thống Washington theo dõi sát tiến trình xây dựng, khi ông hết nhiệm kỳ thứ nhì năm 1797 nhà vẫn chưa xây xong. TT. George Washington mất vào tháng 12, 1799, gần một năm trước khi có người vào ở. Ðầu tiên là gia đình Tổng Thống  thứ nhì, John và Abigail Adams, dọn vào ngày 1 tháng 11 năm 1800. Lúc bấy giờ căn nhà vẫn chưa thật sự hoàn tất. Nhiều phòng ốc vẫn chưa xây xong. Bà Abigail phải phơi quần áo trong nhà vì không muốn người ngoài thấy Nhà Tổng Thống quá nhếch nhác.

Tháng 3, 1801, đến phiên Tổng Thống thứ ba là Thomas Jefferson dọn vào. Ông cho người xây thêm nhà tắm, thư viện, hàng hiên. Ông đặt mua bàn ghế và giấy dán tường từ Pháp để làm tăng vẻ sang trọng của căn nhà đơn sơ. Vào ngày Tân Niên năm 1805, Nhà Tổng Thống được mở rộng cửa cho dân chúng vào viếng thăm lần đầu tiên. Kế đến là Lễ Ðộc Lập. Và cứ như thế mỗi năm vào hai ngày đó Nhà Tổng Thống có “open house”. Truyền thống này vẫn còn được giữ cho đến nay.

Năm 1812, dưới thời Tổng Thống James Madison, chiến tranh Mỹ-Anh bùng nổ và kéo dài đến 1815 mới chấm dứt. Tháng 8 năm 1814 quân đội Anh tiến vào D.C. Vợ chồng Tổng Thống phải tản cư khỏi thành phố. Trước khi rời nhà để chạy giặc, bà Dolly Madison bắt người làm phải gỡ bức chân dung của George Washington xuống để bà đem theo. Lính Anh sau đó đã phóng lửa đốt rụi Nhà Tổng Thống cũng như toà nhà Quốc Hội mới toanh; ngày nay bức tranh ấy là hiện vật duy nhất còn sót lại từ căn Nhà Tổng Thống nguyên thuỷ.

Đoàn xe tăng diễn hành trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt năm 1941. Nguồn: National Archives

Sau chiến tranh nhiều người một lần nữa đề nghị dời thủ đô về New York hay Philadelphia cho an toàn và dễ phòng thủ. Nhưng Tổng Thống  Madison ra lệnh xây lại như cũ, và kiến trúc sư James Hoban một lần nữa được mướn để tái thiết mọi thứ dựa theo phiên bản gốc. Truyền thuyết kể rằng để che lấp những dấu vết của trận cháy, ông Hoban cho sơn lên một lớp sơn dầy màu trắng nên nhà còn được gọi là “white house”. Sự thật trước đó nhà đã được sơn quét một lớp vôi trắng và thỉnh thoảng đã được báo chí gọi là “ngôi nhà trắng”. Nhưng mãi đến năm 1901 Tổng Thống Theodore Roosevelt mới chính thức gọi nó là “The White House” – báo chí miền Nam trước 75 dịch là Toà Bạch Ốc hay Bạch Cung.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Nhà Của Dân còn từng là chỗ các vị tân Tổng Thống ăn mừng ngày nhậm chức, và dân chúng có thể đến chia vui. Chuyện kể sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Andrew Jackson năm 1829, gần 20,000 người đã tụ tập tại Nhà Tổng Thống (thuở ban đầu nhà không có hàng rào). Ông Jackson phải trốn vào một khách sạn gần đó trong lúc nhân viên đổ đầy rượu và nước cam vào những bồn tắm lớn rồi kéo ra xa để dụ quan khách rời khỏi khuôn viên nhà!

Tuy vào thời TT. Abraham Lincoln số người đến nhà để “ăn mừng” cùng Tổng Thống đã quá đông, nhưng phải đợi đến Tổng Thống Grover Cleveland (1885-1889; 1893-1897) màn ăn nhậu này mới chấm dứt. Ðể giải quyết rốt ráo vấn đề, vị tân Tổng Thống nghĩ ra cách tổ chức một cuộc diễn binh trên con đại lộ trước Toà Bạch Cung, làm nơi cho mọi người tụ tập. Theo thời gian truyền thống này từ từ biến thành buổi lễ nhậm chức nghiêm trang mà ta biết đến ngày nay.

Hàng cây crab apple trong Vườn Hồng vào mùa Xuân, đầu thập niên 1960. Nguồn: White House

Không những mỗi vị Tổng Thống mang đến cho Bạch Cung những thay đổi của riêng mình, các vị Ðệ Nhất Phu Nhân cũng có nhiều đóng góp. Nổi tiếng nhất là vườn hoa do bà Ellen Wilson, vợ Tổng Thống Woodrow Wilson, cho trồng vào năm 1903, trên thửa đất cạnh West Wing mà trước đó bà Edith Roosevelt, vợ Tổng Thống Theodore Roosevelt, cũng từng dùng làm vườn thượng uyển. Nhưng phải đến đời Kennedy nơi đây mới  trở thành nổi tiếng. Năm 1961, sau một chuyến viếng thăm Âu Châu và được xem các vườn hoa của vua chúa bên đó, hai ông bà Kennedy cho người thiết kế lại Rose Garden để biến nó thành một không gian công cộng thay vì chỉ là khu vườn riêng của gia đình. Ông Kennedy muốn nó có thể chứa 1,000 người nếu cần, hoặc chỉ để tiếp vài vị quốc khách để ăn trưa trong một không khí thân mật. Vườn Hồng trở thành một biểu tượng quan trọng của Bạch Cung kể từ đó.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Ngoài hồng, bà Kennedy còn cho trồng hoa Tulip, Primrose, Hyacinth và nhiều loại hoa khác. Ðặc biệt nhất là những cây Magnolia được đặt ở bốn góc vườn và hàng cây Crab Apple chạy dọc hàng hiên của West Wing dẫn đến Oval Office là phòng làm việc của Tổng Thống. Hàng năm crab apple ra hoa rất đẹp, tạo cho khu vườn một không gian ấm cúng, cách biệt với thế giới chính trị xô bồ phía bên kia.

Dưới thời Tổng Thống Trump, bà Melania cũng đã cho chỉnh trang lại Vườn Hồng khá nhiều. Các loại hồng xưa nay khó sống trong khí hậu D.C. đã được thay thế bởi những loại hoa khác thích hợp hơn. Hàng gạch lát vòng quanh vườn sẽ giúp người ngồi xe lăn cũng như phụ nữ mang giày cao gót đi lại dễ dàng v.v. Tuy nhiên, việc đốn hạ các cây crab apple đã gây nhiều phản ứng. Nhiều người cho rằng nó làm hàng cột của West Wing trở nên quá lộ liễu, mất đi không khí riêng tư đằm thắm của Vườn Hồng ngày xưa.

IB