Chiếc trực thăng Sikorsky S-76 cất cánh từ phi trường John Wayne vào 9:06 sáng Chủ Nhật. Trời Los Angeles hôm đó nhiều sương mù, nhưng phi công Ara Zobayan quá quen thuộc với đường bay này nên anh không lo lắm.

Gia đình Bryant (từ trên, trái): Gianna; Kobe Bryant; Capri Kobe; Natalia; Bianka; Vanessa (vợ) nguồn: Vanessa Bryant    

Hành khách của Zobayan cả thảy 8 người; trong đó có ba cô gái tuổi mới 13 là Alyssa, Gianna và Payton. Alyssa và Gianna chơi cho đội bóng rổ Lady Mambas. Bố mẹ của Alyssa – John và Kerri Altobelli, cùng với mẹ của Payton là Sarah Chester đi theo tháp tùng. Ngoài ra còn có cô giáo Christine Mauer, coach bóng rổ tại một trường tư thục trong vùng. Người thứ tám là Kobe Bryant, bố của Gianna và coach của Lady Mambas. Bryant là cựu cầu thủ siêu sao của đội NBA L.A. Lakers với biệt danh “Mamba” – một loài rắn cực nhanh và độc sống ở Phi Châu.

Zobayan sẽ đưa họ đến Mamba Sports Academy tại thành phố Thousand Oaks phía Bắc L.A. để tham dự một cuộc thi đấu. Ðây không biết là lần thứ mấy anh đã chở Kobe và Gianna đến nơi ấy. Và trước đó nữa, khi Kobe còn chơi banh cho đội Lakers, anh đã từng đưa Mamba đến Staples Center như cơm bữa để tập banh hay đấu trận. Như nhiều dân nhà giàu khác ở L.A., Kobe dùng trực thăng thường xuyên để tránh bị kẹt xe. Từ Newport Coast nơi anh ở đến downtown, nếu đi xe mất cả tiếng rưỡi, có thể lâu hơn. Trong khi đó lịch làm việc của anh thì kín mít. Một chuyến “taxi bay” như vậy chỉ tốn Kobe vài ngàn đô; so với mức thu nhập mấy chục triệu đồng một năm thì vẫn quá rẻ nếu tính bằng thì giờ anh tiết kiệm được.

Vài giờ trước đó hai cha con Kobe vừa dự một buổi thánh lễ sớm tại ngôi nhà thờ Công Giáo Our Lady Queen of Angels ở Newport Beach. Ðức Cha Steve Sallot kể rằng sau khi nhận thánh thể, hai người đã rời nhà thờ khoảng trước 7 giờ để đi đến phi trường. Mười lăm phút sau khi cất cánh từ John Wayne, Zobayan phải cho trực thăng bay lòng vòng 5-6 lần trên khu vực Sở Thú L.A. để chờ lệnh từ tổng đài, vì giao lộ trên không bị ùn tắc.

Chiếc trực thăng xấu số. nguồn: Long beach airport

Ðến khoảng 9:33am thì Zobayan mới được phép tiếp tục bay về hướng Bắc dọc theo xa lộ I-5, dưới chế độ Special Visual Flight Rules – SVFR là một hiệu lệnh đặc biệt cho phép phi công bay trong thời tiết xấu hơn bình thường. (Sáng hôm đó tất cả trực thăng của Cảnh Sát L.A. đều không cất cánh vì sương mù.)

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Sau đó không lâu, Zobayan chuyển kênh từ tổng đài Burbank qua tổng đài Van Nuys và yêu cầu được trợ giúp bằng radar để tránh giao thông. Nhưng Van Nuys cho biết radar của họ không theo dõi Zobayan được vì trực thăng của anh đang bay quá thấp. Ít phút sau Zobayan báo với tổng đài anh sẽ bay lên cao để tránh một lớp mây dày. Ðó là cuộc liên lạc cuối cùng giữa hai bên. Khoảng 9:45am chiếc S-76 đâm sầm vào một sườn đồi ở Calabasas và bốc cháy. Tất cả 9 người trên chuyến bay đều thiệt mạng.

Tin Kobe Bryant tử nạn lan nhanh như điện chớp trên TV, radio, Internet và mạng xã hội, gây sốc trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới. Có thể nói cú sốc ấy mạnh không thua gì khi mọi người hay tin John Lennon bị ám sát tại New York năm 1980 ở tuổi 40. Kobe Bryant cũng chỉ mới qua ngưỡng 40, với cả một tương lai xán lạn đang mở ra trước mặt. Trong giới thể thao nhà nghề, anh được xem như một người cha biết lo cho gia đình, một công dân gương mẫu. Sau khi giải nghệ năm 2016, anh dành nhiều thì giờ cho bốn cô con gái, đứa nhỏ nhất mới sanh hồi năm ngoái. Ngoài việc làm HLV cho đội banh của con gái, Kobe còn tham gia vào nhiều công việc từ thiện, mở trường đào tạo bóng rổ cho trẻ em, nhất là các bé gái, đồng thời là một người ủng hộ thể thao nữ rất nhiệt tình, nhất là hiệp hội Bóng Rổ Nữ WNBA.

9 nạn nhân trên chuyến bay định mệnh. nguồn: ksfm5news

o O o

Kobe Bean Bryant sanh năm 1978 tại Philadelphia. Tên Kobe do cha mẹ anh đặt sau khi hai người được ăn món thịt bò Kobe của Nhật. Bean đến từ biệt danh “Jellybean” của bố anh, Joe Bryant. Bản thân Joe cũng là một cầu thủ bóng rổ có hạng, từng chơi trong NBA từ 1975 đến 1983. Năm 1984 ông dọn gia đình sang Ý để chơi banh bên Âu Châu, khi ấy Kobe mới lên 6. Kobe lớn lên ở Ý và biết nói tiếng Ý lưu loát. Ngoài khả năng chơi bóng rổ giống cha cậu bé cũng mê đá banh, và là fan của hai đội A.C. Milan và L.A. Lakers. Lớn lên chút nữa, Kobe được gởi về Mỹ hàng năm để dự các trại Hè bóng rổ.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Ðến năm 1991 Joe Bryant đưa gia đình về lại Philadelphia. Kobe theo học trường Lower Merion High School. Trong bốn niên học tại đây Kobe đã giúp đội Lower Merion đoạt vô địch tiểu bang Pennsylvania bốn năm liên tiếp. Ra trường năm 1996, dù được rất nhiều đại học nổi tiếng ve vãn nhưng Kobe chọn con đường chuyên nghiệp, đi thẳng vào NBA. Ðược đội Lakers bốc về, Kobe đã tạo nên một sự nghiệp hết sức lẫy lừng trong 20 mùa banh với Los Angeles.

Những thành tích của Kobe Bryant quả thật quá nhiều, liệt kê đầy đủ sẽ rất tốn giấy. Xin kể một vài điểm chính: vô địch NBA 5 lần; 18 năm liền được chọn vào All-Star Team; 2 lần được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất (MVP) trong giải chung kết; 4 lần MVP trong trận All-Star Game; 9 lần được chọn vào đội All-Defensive Team (gồm những cầu thủ chơi phòng thủ giỏi nhất NBA); 2 Huy Chương Vàng Thế Vận Hội; 1 HCV giải bóng rổ thế giới FIBA…

Fan của L.A. Lakers đặt hoa trước Staples Center – “Ngôi nhà do Kobe xây” – ngày 27/1/2020. ảnh: ringo chu/ap

Nhưng song song với những thành tựu sáng chói ấy là một vết nhơ. Năm 2004 Kobe Bryant bị một thiếu nữ 19 tuổi tố cáo là anh đã hãm hiếp cô trong một khách sạn ở Colorado. Khi ấy Kobe đã có vợ và một con (Kobe lập gia đình năm 2001, con gái đầu lòng, Natalia, sinh năm 2003.) Thoạt tiên Kobe phủ nhận tất cả, nhưng qua những chứng cứ cảnh sát thâu lượm được như máu và DNA, công tố viên khép Kobe vào tội hiếp dâm. Thế nhưng vào phút chót cô gái đã không ra toà làm nhân chứng. Nhờ vậy Kobe thoát cảnh tù tội. Về sau cô gái khởi kiện Kobe trước toà án dân sự và được bồi thường một số tiền; đồng thời Kobe phải công bố một bức thư xin lỗi. Sau vụ này hãng Nike và một vài công ty khác đã ngưng hợp đồng quảng cáo với Kobe Bryant.

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Gianna Bryant ra đời hai năm sau đó; câu chuyện không mấy đẹp kia được giới truyền thông và thể thao cho chìm vào quên lãng. Tiếng tăm của Kobe bắt đầu nổi lên trở lại khi anh đạt thành tích ghi điểm nhiều nhất trong hai mùa 2006-2007, và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất NBA năm 2008. Hãng Nike cũng quay trở lại với anh.

Một số thiếu nhi trai gái trong chương trình Mamba League do Kobe Bryant khởi xướng. nguồn: Nike.com

o O o

Là một người yêu thể thao, từng được xem Kobe Bryant chơi banh trong mùa đầu tiên khi Lakers đấu với Mavericks tại Dallas năm 1996, người viết không khỏi ngậm ngùi khi thấy một tài năng hiếm có như anh phải đột tử một cách thảm khốc như thế. Nhưng nhìn từ góc độ của một người cha có con gái, người viết cũng cảm thấy vô cùng tiếc rằng Kobe Bryant đã không làm gì nhiều hơn khi còn sống để ủng hộ phong trào phụ nữ chống sự lạm dụng và quấy nhiễu tình dục, nhất là bởi những kẻ có tiền hay có quyền.

Nếu Kobe muốn làm cái gì đó để chuộc lại lỗi lầm, có lẽ không gì hay hơn là góp sức cho những người phụ nữ vẫn còn đang đi tìm công lý trong một thế giới luôn bị đàn ông lấn áp. Tiếng nói của Mamba sẽ hàm chứa nhiều trọng lực biết bao. Chắc chắn nó sẽ tạo ảnh hưởng tích cực trong giới thể tháo viên mà, như ta biết, vẫn còn đầy dẫy nhiều trường hợp tương tự.

Giờ thì cơ hội ấy đã biến mất trong màn sương mù dầy đặc trên bầu trời L.A. một sáng Chủ Nhật khó quên. Âu cũng là số mệnh. Xin thắp nơi đây nén hương lòng cho những nạn nhân trên chuyến bay định mệnh kia. Và mong rằng người sống, khi nghĩ đến Mamba, cũng nhớ cho rằng phàm là người thì không ai toàn thiện, kể cả thiên tài. R.I.P. Mamba!

IB

Dallas