Tài tử Matt Smith, người đóng vai Prince Philip trong bộ phim ‘The Crown’ mùa 1 & 2 trên Netflix, kể có lần anh gặp Prince Harry và hỏi ông nội của cậu là nhân vật như thế nào. Harry trả lời bằng vỏn vẹn một chữ: “Legend” – huyền thoại.

Nữ hoàng Elizabeth II cùng Hoàng phu Philip trên đỉnh Coyles of Muick, Scotland năm 2003. Ảnh: Sophie, nữ Bá tước Wessex/Buckingham Palace 

Thứ Bảy tuần rồi, buổi tiễn đưa Prince Philip về nước Chúa đã diễn ra thật nghiêm trang tại nhà thờ St George trong khuôn viên lâu đài Windsor Castle, tư gia của nữ hoàng. Vì lý do đại dịch, chỉ có 30 người tham dự, tất cả đều là người thân trong gia đình. Ðám tang của vị hoàng phu lâu đời nhất của nước Anh tuy đơn sơ, không có sự hiện diện của các nhân vật quan trọng trong chính quyền hay các nhân vật lãnh đạo trên thế giới, nhưng đượm đầy màu sắc và biểu tượng dành cho một người lính vừa nằm xuống.

Cậu ruột của Philip là Bá tước Mountbatten, Tổng đô đốc Hải Quân Hoàng Gia. Từ nhỏ ước vọng của Philip là được phục vụ trong quân đội. Trước khi lấy trưởng nữ của Vua George VI năm 1947, Philip từng tham chiến trong Ðệ Nhị Thế Chiến, phục vụ trên nhiều chiến thuyền khác nhau từ Ðịa Trung Hải sang Ấn Ðộ Dương. Thậm chí ông còn có mặt trong Vịnh Tokyo khi Nhật đầu hàng năm 1945, lúc bấy giờ chiến thuyền HMS Whelp của ông có nhiệm vụ hộ tống chiến hạm USS Missouri của Mỹ tiến vào vịnh để đón phái đoàn Nhật sang làm lễ đầu hàng.

Năm 1950, lúc mới 29 tuổi, Philip đã từng chỉ huy chiến thuyền HMS Magpie. Nhưng chỉ 5 năm sau ngày cưới Elizabeth ông buộc phải từ bỏ mộng binh nghiệp của mình khi Vua George VI băng hà (1952) để trở thành một vị hoàng phu, tức chồng của nữ hoàng Elizabeth II. Bù lại, ông được trao chức Tổng đô đốc Hải Quân, Tổng tư lệnh Quân đội, Tổng tư lệnh Không Quân, và Tổng tư lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến.

Linh cữu Hoàng phu, với thanh gươm và chiếc nón Hải Quân của ông, được đặt trên chiếc xe nhà đòn Land Rover do ông thiết kế, Ảnh: Justin Tallis/AFP

Tất nhiên đây chỉ là những chức tước do vương triều ban phát, chứ bản thân ông không có kinh nghiệm chiến trường nào ngoài hải quân. Dẫu vậy, tất cả các binh chủng của Hoàng gia đều được đại diện trong lễ tang của ông — từ các đoàn trống kèn quân nhạc cho đến đội hộ tang khiêng linh cữu. Quan tài của ông được di chuyển từ Windsor Castle đến nhà thờ St George trên một chiếc Land Rover màu xanh lá cây đậm của quân đội. Ðây là chiếc xe nhà đòn ông bắt đầu thiết kế năm 82 tuổi, với sự giúp đỡ của kỹ sư hãng Land Rover, để chở quan tài của mình.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Là một người yêu khoa học kỹ thuật, thiên nhiên và thể thao, năm 1957, Philip đề xuất chương trình “khoẻ vì nước” cho thanh thiếu niên mang tên ‘The Duke of Edinburgh Award’ (Công Tước Edinburgh là tước vị Vua George VI phong cho Philip trước ngày cưới.) Ban đầu giải này chỉ dành cho thanh niên 15-18 tuổi và dựa trên các sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời của nhà giáo Kurt Hahn (1886-1974), hiệu trưởng trường nội trú Gordonstoun ở Scotland nơi Philip từng là thủ quân đội Cricket. Những năm đầu, giải được trông nom và cai quản bởi John Hunt (1910-1998), một cựu sĩ quan trong quân đội và là người dẫn nhóm thám hiểm Anh đầu tiên lên đến đỉnh Everest (1953).

Sang năm 1958 giải thưởng được mở rộng cho thiếu nữ tuổi 14-20, với một số sinh hoạt riêng cho con gái. Ngày nay Giải thưởng Công tước Edinburgh đã phát triển ra khắp thế giới, có mặt tại 144 quốc gia từ Âu sang Á, từ Phi Châu đến Mỹ Châu. Nam Hàn, Singapore, Mã Lai đều có giải thưởng này. Ở Mỹ nó ít được biết đến hơn là tại các nước trong khối Mỹ Latinh hay Canada. Chỉ có khoảng 7000 thanh niên thiếu nữ Mỹ tham gia chương trình này mỗi năm.

Công nương Diana và bố chồng. Nguồn ảnh: Rex Features

Luật của hoàng gia Anh không cho phép chồng của nữ vương được phong vương. Không những vậy, vương phu hay hoàng phu cũng không được xem như ngang hàng với nữ vương hay nữ hoàng trong chuyện quốc sự. Nguyên do là để tránh bị mất nước vào tay ngoại bang qua đường hôn phối. Ðể đền bù, Elizabeth II trao cho Philip chức “Gia trưởng của Hoàng gia”, tức người có quyền quyết định những chuyện liên quan đến nhà cửa, con cái v.v.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Philip là một người chồng, người cha rất yêu thương con cháu, phần vì tuổi thơ ông thiếu tình thương của bố mẹ, phải sống với bà ngoại và cậu từ khi mới lên 9 tuổi. Mẹ ông bị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), còn bố ông (hoàng tử lưu vong Andrew của Hy Lạp) thì sống ở Monte Carlo. Tuy nhiên mối quan hệ giữa ông với người con trai trưởng, hoàng thái tử Charles, không được mặn mà cho lắm vì tánh tình hai cha con hoàn toàn trái ngược. Philip là dân nhà binh, thích kỷ luật và sống thực tế. Trong khi đó thì Charles thuộc loại người nghệ sĩ. Khi Charles vào tuổi teen, Philip gởi con mình đến trường Gordonstoun với hy vọng nếp sống khắc khổ tại đó sẽ giúp Charles trở nên cứng rắn hơn. Nào ngờ Charles cực ghét chuyện này, hố ngăn cách giữa hai cha con càng sâu thêm.

Khi cuộc hôn nhân giữa Charles và công nương Diana sắp đổ vỡ, Philip là người đứng về phe Diana và tìm mọi cách để giúp hàn gắn mọi chuyện, nhưng bất thành. Trong một bức thư cho Diana (được công bố sau này) ông viết: “Một người có đầu óc bình thường không ai lại bỏ cô để đi theo Camilla. Ý tưởng điên khùng đó chưa bao giờ nảy ra trong đầu chúng tôi.” Khi hay tin Diana mất vì tai nạn xe cộ, ông là người đã bỏ rất nhiều thì giờ với hai đứa cháu nội, William và Harry, để giúp chúng khuây khoả. Ông cũng là người thuyết phục chúng cùng ông đi bộ sau quan tài, một trong những hình ảnh xúc động nhất trong đám tang của Diana. Những năm sau này, khi Thái tử Charles đã già dặn hơn xưa, quan hệ giữa hai cha con có vẻ đỡ hơn trước nhiều.

Ba thế hệ nhận Huy chương Vàng giải Duke of Edinburgh Award được Công tước mời đến Lâu đài St James năm 2016 Từ phải: Tony Mullins (1957), con gái Karen (1980), cháu ngoại James (2016). Nguồn: BBC

Trước khi mất, Philip đã dặn dò gia đình ông muốn đám tang mình phải ra sao. Ngoài việc yêu cầu các binh chủng phải có mặt đầy đủ, ông còn tự chọn cho mình phần âm nhạc. Trong số các bản nhạc hôm đó có bài thánh ca Psalm 107 tựa đề ‘Cho người gặp bão tố giữa biển khơi’; bài ‘Jubilate’ mà ông đã nhờ đại nhạc sĩ Benjamin Britten soạn vào năm 1958 cho ca đoàn của nhà thờ St George; bài Psalm 104, nói về cái đẹp của thiên nhiên, cũng do ông nhờ nhạc sĩ tây ban cầm William Loveday phổ nhạc và trình diễn lần đầu trong dịp sinh nhật thứ 75 của mình vào năm 1996. Ca đoàn hôm đó chỉ có bốn người, ba nam một nữ, nhưng có lẽ vì vậy mà mỗi giọng hát, từng câu chữ vang lên rất rõ trong căn nhà nguyện trống trơn.

Xem thêm:   Allen PAC

Trong lúc quan tài của ông được hạ xuống hầm mộ, một nhạc sĩ thổi kèn bagpipe bài ‘Lament’ (Bi ai) thật xúc động. Sau đó là đội quân kèn với những bài quân nhạc: ‘The Last Post’ dùng để báo hiệu một người lính vừa hy sinh; ‘Reveille’ để đánh thức binh lính. Ðặc biệt nhất là bài cuối cùng — ‘Action Stations’ — một điệu kèn ngắn gọn, cấp bách được thổi trên chiến thuyền để báo động mỗi khi có biến, kêu gọi thuỷ thủ ai vào chỗ nấy chuẩn bị lâm trận. Có lẽ Hoàng phu Philip chọn bài này để kết thúc tang lễ của mình như thông điệp cuối cùng gởi đến mọi người, nhắc nhở chúng ta hãy bắt tay vào việc.

Nữ hoàng Elizabeth II ngồi một mình (trái) trong nhà thờ St George trước linh cữu của chồng bà ngày 17/4/2021. Ảnh: Dominic Lipinski/AP

IB