Bất cứ trong chiến tranh nào, người thiệt thòi nhất vẫn là đàn bà và trẻ em. Sau đây là câu chuyện hai phụ nữ qua lời kể của họ, đăng trên trang Ukraine World.

Bảo sanh việnh ở Kyiv sau trận pháo kích. Nguồn: AP    

Yulia

Ðây là lần đầu tiên tôi có thai nên hai vợ chồng tôi đều rất háo hức. Tôi làm nghề trang điểm [makeup artist].. Tôi rất yêu nghề và vẫn đi làm cho đến khi có bầu được tám tháng mới ngưng. Bác sĩ cho biết tôi sẽ sanh khoảng ngày 1 tháng 3.

Ðêm 23 tháng 2, tất cả các đài TV radio chỉ nói toàn chuyện chiến tranh. Tôi thật sự không tin nổi. Nhưng để giữ gìn sức khoẻ cho mình và đứa bé, tôi tắt TV đi ngủ sớm. Ðêm hôm đó chồng tôi rất bồn chồn lo lắng.

Nửa đêm tôi bị khó thở, phải gắng dậy đi vào buồng tắm. Lúc bấy giờ tôi chỉ có nghĩ đến đứa bé trong bụng. Tôi tự nhủ: “Không được làm nó hoảng sợ!” Nhưng những lời tự trấn an không có vẻ gì hiệu quả. Thế rồi bỗng dưng chồng tôi bảo phải gom hết đồ đạc và giấy tờ quan trọng ngay lập tức.

Tôi nghĩ thầm đi đâu bây giờ? Tại sao phải đi? Nhưng chúng tôi cũng chất đồ lên xe và rời nhà mặc dù chưa biết sẽ làm gì. Thành phố bắt đầu hoảng loạn. Cây xăng nào cũng có hàng dài. Thấy đi về miền Tây Ukraine quá nguy hiểm, vả lại tôi có thể sanh nở bất cứ lúc nào, hai vợ chồng chọn phương án ở lại Kyiv.

Chồng tôi quyết định sang bên kia sông, phía bờ bên phải của Kyiv, và mướn phòng khách sạn gần bảo sanh viện. Chúng tôi đến đó thật nhanh để kịp check-in và ăn sáng. Quá mệt mỏi, tôi nằm xuống ngủ liền một giấc. Nhưng chỉ được một tiếng đồng hồ thì chúng tôi được yêu cầu rời khỏi nơi đó vì khách sạn nằm cạnh một trại lính; họ sợ bị pháo kích.

Chúng tôi phải tất tả đi tìm khách sạn khác. Vừa xuống xe là tôi bắt đầu bị đau bụng đẻ. Tôi cố gắng thở thật sâu, hy vọng cơn quặn thắt thứ nhất sẽ qua nhanh. Chồng tôi check in lấy phòng thật lẹ. Những cơn đau liên tục kéo đến chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Anh bèn gọi bác sĩ và đưa tôi vào bệnh viện cách đó chỉ năm phút. Tôi thầm cảm ơn Trời Phật mình đã quyết định đúng là ở lại Kyiv, và cũng mừng là không mắc đẻ trong xe.

Phụ nữ chờ sanh trong một bệnh viện ở Ukraine. Nguồn: Reuters

Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng; có lẽ đứa bé trong bụng cũng biết tình hình nghiêm trọng nên không làm khó cho mẹ nó. Mười lăm phút sau khi sanh, tôi được đưa sang phòng nghỉ; nhưng còi báo động lại hụ lên khắp nơi; chúng tôi được lệnh di chuyển xuống hầm trú ẩn. Xuống tới nơi tôi thấy có rất nhiều phụ nữ đã ở dưới đó. Có người vừa sanh giống tôi, có người còn mang bầu. Tôi quấn chặt con mình trong tấm chăn và ôm thằng bé trong lòng, suốt thời gian đó chồng tôi lúc nào cũng ở bên cạnh.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Sau hai tiếng đồng hồ dưới hầm, chúng tôi được phép trở về giường của mình để nghỉ ngơi. Nhưng chỉ được 20 phút lại phải chạy trở xuống. Gương mặt các bà mẹ và bà bầu dưới hầm đều hằn lên nét âu lo và căng thẳng. Ai nấy đều mệt mỏi vì mới sanh con mà đã phải chạy lên chạy xuống. Ðã vậy trong hầm không có chỗ nằm nên họ ngồi la liệt trên những chiếc ghế gỗ. Có vài bà mẹ đẻ khó phải nằm xuống luôn dưới đất, rên rỉ không ngừng.

Ðến sáng thì chúng tôi được giấy phép rời nhà thương để trở về nhà vì bệnh viện đã hết chỗ. Những người phụ nữ có bầu từ ngoài vào không ngừng. Hầm trú bom quá nhỏ để chứa hết tất cả mọi người, và thức ăn thức uống cũng không có đủ.

Cuối cùng chồng tôi chịu hết nổi, anh quyết định đưa tôi và con sang Tiệp (Czech Republic). Mới đầu tôi không muốn đi nếu không có anh đi cùng. Nhưng cuối cùng bản năng người mẹ trỗi dậy khiến tôi đồng ý. Chúng tôi đi bằng xe hơi. Lúc đó con tôi mới được có hai tuần. Hành trình mất bốn ngày, trong đó có khoảng 7-10 tiếng phải ngồi chờ ở biên giới. Ban đêm chúng tôi phải đậu tại mấy cây xăng và ngủ trong xe vì không khách sạn nào còn phòng.

Tôi bị cực kỳ căng thẳng vì phải trải qua bao nhiêu chuyện liên quan đến chiến tranh. Dọc đường tôi chỉ biết cầu nguyện cho con mình. Tinh thần tôi suy sụp, linh hồn như không còn hy vọng gì nữa. Cuối cùng chúng tôi cũng đến Tiệp trong mệt mỏi tột cùng. Chỉ khi sang đến vùng đất tự do tôi mới có thì giờ nhìn lại những gì mình vừa trải qua và cho phép mình khóc. Và tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng tôi muốn để dành câu chuyện đó cho một dịp khác.

Kateryna và con trai đầu lòng. Nguồn: Twitter

Kateryna

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Ngày 24 tháng 2 tôi mới có bầu được bảy tháng. Khoảng 5 giờ sáng tôi thức dậy để vào buồng tắm. Tôi không ngủ được vì nhà trên lầu chạy tới chạy lui rần rần, hò hét suốt đêm. Một bà hàng xóm dắt con đi đâu mất không biết. Thấy lạ, tôi mở báo ra xem. Tôi bị sốc: Nổ lớn ở Kyiv, Kharkiv, Vinnytsia. Chiến tranh đã bùng nổ. Nga chơi xấu, tấn công vào giữa đêm lúc mọi người đang ngủ.

Tôi đánh thức chồng tôi dậy. Chúng tôi bật TV lên: lửa cháy khắp nơi. Chúng tôi bàn tính phải làm gì bây giờ. Bỗng dưng tôi nghe có tiếng một vật gì đang bay ở bên ngoài nhưng không phải phi cơ. Ðùng một cái có tiếng nổ to. Tôi tưởng kính cửa sổ sắp vỡ toang, liền chạy vào phòng con gái để bế cháu dậy.

Hai vợ chồng lập tức gom góp giấy tờ quan trọng, quần áo, đồ ăn và nước uống. Chồng tôi ra chợ mua thêm thực phẩm. Anh gom hết những gì có thể mua được. Tôi và con gái ngồi trong nhà run bần bật, mở radio nghe tin tức suốt buổi.

Chúng tôi dọn ra thành phố Kyiv ở cho đến ngày 4 tháng 3. Những ngày đầu, mỗi khi còi hụ là cả đám chạy xuống một căn hầm trú bom. Nhưng dưới đó vừa ẩm vừa lạnh, không tốt cho người mang bầu như tôi. Trước chiến tranh tôi đã bị Covid một lần, trú dưới hầm khiến tôi bị thêm lần nữa. Thế nên chúng tôi quyết định trở về nhà mình. Ngày nào tôi cũng khóc vì lo cho con gái, cho đứa con trong bụng, cho gia đình.

Trốn bom dưới một bệnh viện. Nguồn: Anadolou Agency

Thấy không ổn, chồng tôi nghĩ phải đi tìm chỗ an toàn hơn. Chúng tôi lái xe 18 tiếng đồng hồ không nghỉ. Thật là một cực hình đối với tôi. Nhưng cuối cùng cũng đến nơi và lần đầu tiên tôi được ngủ một đêm ngon giấc. Ngày 14 tháng 3 chúng tôi có một buổi tiệc nhỏ mừng sinh nhật 10 tuổi của con gái.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Kế đến là bàn tính nên đi đâu để đẻ. Theo lịch thì còn hơn 6 tuần nữa tôi mới sanh. Thế mà mới đến ngày 21 tháng 3 tôi đã vỡ ối. Xe cứu thương phải chở tôi tới hai bệnh viện vì cái đầu tiên không có trang bị cho trẻ sinh thiếu tháng. Lúc tôi đang sanh thì còi hụ lên. Bác sĩ phải tiếp tục đỡ đẻ cho tôi chứ không thể xuống hầm trú nửa chừng. Con trai tôi, Yaroslav, chào đời lúc 4:10 chiều trong tiếng còi báo động.

Tôi nằm trong bảo sanh viện hai tuần. Cứ mỗi khi nghe tiếng còi là tôi phải quấn Yaroslav vào chăn rồi ôm con chạy xuống hầm. Có khi chúng tôi phải núp dưới đó cả 5 tiếng đồng hồ. Những lần như vậy gây rất nhiều căng thẳng tinh thần cho trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhất là khi có tiếng động lớn như bom nổ hay pháo bay ngang trời.

Khi Yaroslav được một tháng chúng tôi phải trở lại Kyiv vì trẻ thiếu tháng cần được chăm sóc đặc biệt, với bác sĩ và thuốc men riêng. Làng tôi ở quá nhỏ để có những dịch vụ ấy.

Giờ đây chúng tôi đã được trở về nhà mình, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cuộc chiến tranh này.

Cha với con vừa sinh trong chiến tranh. Nguồn: Abadolu Agency

IB