Tiếp tục cuộc hành trình xuyên bang từ Texas sang Bờ Tây nước Mỹ, sau khi ghé nghỉ đêm ở Kingman, Arizona, chúng tôi men theo Route 66 xuôi hướng Tây Nam, xuống thị trấn Needles bên kia biên giới California…

Đường 66 tiến vào Black Mountains. Ảnh: ianbui/trẻ 

Khi đi lộ du chúng tôi hay chọn khách sạn nào có điểm tâm miễn phí. Nhưng từ khi có Covid hầu hết các khách sạn đều ngưng phục vụ điểm tâm, nên trước khi ra khỏi Kingman chúng tôi quyết định ghé vào một quán nhỏ bên đường làm một bụng cho chắc ăn. Rutherford cũng giống như bao nhà hàng Diner bình dân kiểu xưa nằm dọc Ðường 66. Dù được chấm 4.5 điểm trên Yelp nhưng đồ ăn ở đây không ngon, nếu không dám gọi là dở. Tuy nhiên điều làm tôi ngạc nhiên hơn là những ánh mắt không mấy thiện cảm của dân địa phương. Có lẽ ở vùng núi đồi xa xôi này ít khi họ thấy người Á Ðông ghé vào ăn. Một cặp vợ chồng già ngồi bàn đối diện lâu lâu liếc nhìn chúng tôi một cách khó chịu; chúng tôi giả bộ tảng lờ.

Ðường 66 từ Kingman đi về hướng Nam hoàn toàn khác xa lộ xuyên bang I-40. Xe chúng tôi leo chậm chạp qua vùng núi Black Mountains trong cái nóng Arizona. Dân cư thưa thớt, nhà cửa nghèo xơ nghèo xác. Thỉnh thoảng bắt gặp một lá cờ Confederate của “bên thua cuộc” bay phất phới giữa sa mạc sỏi đá, trông ngộ mắt hết sức. Thời Nội Chiến, Arizona là một lãnh địa trong vùng lãnh thổ New Mexico được Hoa Kỳ sát nhập sau chiến tranh Mỹ-Mễ năm 1848. Phe miền Nam do quân đội Texas cầm đầu cũng có lần tìm cách đánh sang Arizona hòng chiếm đoạt các mỏ vàng trong vùng. Nhưng sau vài trận đụng độ thua tá lả năm 1862 họ phải rút về lại Texas. Lãnh địa tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền liên bang; đến năm 1912 Arizona mới trở thành tiểu bang thứ 48 của nước Mỹ.

Cách Kingman khoảng 20 dặm về hướng Nam, Ðường 66 trở nên ngoằn ngoèo, băng qua một khe núi hiểm trở. Những con đèo quanh co bên vách núi đầy xương rồng thật là đẹp. Nhờ có chuẩn bị trước, chúng tôi đã download bản đồ khu vực vào phone để có thể tiếp tục sử dụng GPS trên điện thoại, vì giữa núi đồi sa mạc này không thể bắt sóng để cập nhật bản đồ. Nhờ kinh nghiệm từ những chuyến lộ du trước, lúc nào trong xe cũng thủ sẵn cái Garmin GPS phòng hờ — và chúng tôi đã có dịp dùng đến nó trên đường về từ Cali.

Thimble Mountain. Ảnh: ianbui/trẻ

Ðang luồn lách qua rặng núi Black Mountains bỗng chúng tôi nhìn thấy hai bên đường xuất hiện những con lừa. Chúng không tỏ vẻ gì sợ người mà lại rất thân thiện. Lâu lâu chúng tôi phải ngừng xe vì bị lừa đi đủng đa đủng đỉnh chặn đường. Một con nọ tiến đến bên cạnh xe chúng tôi, cạ đầu vào kính chiếu hậu để gãi ngứa làm mấy đứa nhỏ la om sòm vì sợ gãy kính. Tới lúc đó chúng tôi mới để ý thấy một tấm bảng cho biết trong vòng 8 dặm sắp tới sẽ có rất nhiều lừa, tài xế cần phải cẩn thận.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Ði hết quãng đèo thì thấy một khu mỏ khá lớn có nhiều xe đậu, chứng tỏ còn hoạt động. Dưới chân đèo có một ngôi làng cổ xưa tên Oatman. Hai bên đường là tửu điếm, saloon, tiệm ăn, lữ quán… y hệt như trong phim cao bồi của Clint Eastwood, chỉ khác ở chỗ thay vì ngựa thì có lừa đi lại khắp nơi, đông còn hơn xe hơi. Ðến giữa làng bỗng bị kẹt xe, phải dừng lại. Chúng tôi đang thắc mắc chưa hiểu chuyện gì, chợt nghe một tiếng nổ đoàng thật lớn. Tôi nghĩ thầm trong bụng, chả lẽ lại có bắn nhau? Thời buổi súng đạn đầy đường này, làm sao biết được. Vài phút sau xe cộ di chuyển trở lại, khi ấy chúng tôi mới thấy trước một quán rượu nọ có tấm bảng ghi rằng đúng ngọ mỗi ngày sẽ xảy ra một vụ bắn nhau (giả) cho du khách coi chơi.

Tối hôm đó nằm trong khách sạn tôi bèn tra Google để tìm hiểu thêm về lai lịch của làng Oatman. Thời tìm vàng giữa thế kỷ 19, nơi đây đã có người đến ở nhưng không đông đúc lắm. Ðến khoảng đầu thế kỷ 20 có hai người nọ tìm được quặng vàng trị giá $10 triệu (tiền thời 1910). Thế là thiên hạ đổ xô về vùng này, biến nó thành một thị trấn trù phú, dân số có lúc lên đến 3,500 người. Một trong hai người tìm ra mỏ vàng đặt tên làng là Oatman, lấy tên cô bé da trắng Olive Oatman bị người da đỏ Yavapais bắt cóc tại đây trong chuyến di cư sang miền Viễn Tây của gia đình cô năm 1851. Cha mẹ và năm anh chị em của Olive bị người Yavapais giết chết. Riêng Olive và em gái 7 tuổi bị bán cho một bộ lạc người Mohave. Người Mohave có tục xăm mình, phụ nữ thì xăm mặt. Olive Oatman cũng bị xăm lên mặt. Phải 5 năm sau cô mới được giải cứu. Olive Oatman có viết sách kể lại cuộc thảm sát gia đình mình. Chuyện của cô được truyền bá sâu rộng, về sau còn được soạn thành kịch.

Oatman Highway. Ảnh: ianbui/trẻ

Khi mỏ vàng được mở mang tại đây, người ta đem lừa đến để giúp việc. Trong vòng khoảng chục năm sau đó công ty United Eastern Mines đào hết quặng vàng rồi đóng cửa mỏ năm 1924 sau khi sản xuất được gần $250 triệu đô la vàng (tiền 2020). Dân chúng lần lượt dọn đi nơi khác kiếm việc. Nhưng nhờ nằm ngay trên Route 66 nên Oatman không trở thành một ngôi làng chết (ghost town) như số phận nhiều ngôi làng của dân tìm vàng khác. Có điều khi người ta bỏ làng ra đi họ đã không mang lừa theo mà thả cho chúng chạy rông trong núi.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Vào thập niên 1950, khi hệ thống xa lộ xuyên bang được khởi công, I-40 đã mở ra một con đường mới từ Kingman xuống Needles mà không băng qua Black Mountains. Thế là Oatman vốn đã nghèo giờ còn gặp cái eo, dân số xuống còn chưa tới hai trăm. Ðể cứu vãn tình thế, họ biến ngôi làng thành một điểm du lịch. Các căn nhà cổ được bảo quản và phục hồi để tái dựng không khí Viễn Tây. Ðàn lừa được biến thành diễn viên phụ. Du khách có thể mua đồ khô hay cà-rốt cho chúng ăn. Không bao lâu Oatman trở thành một trong những địa danh thu hút du khách đến từ Cali, nhất là những gia đình có con nhỏ.

Olive Oatman, 1863. Nguồn: wikipedia

Trên Ðường 66 hôm đó chúng tôi làm quen với hai ông bà cụ dẫn hai đứa cháu. Chúng tôi cùng dừng chân trên một điểm cao trên đèo và nhờ chụp hình cho nhau. Hai đứa bé cứ trầm trồ khi nhìn thấy mấy con lừa, cứ xin được đến gần để xem và xoa chúng. Tất nhiên ông bà cụ không cho phép, nhưng có lẽ chúng sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp này. Biết đâu sau này khi có gia đình chúng lại sẽ dẫn con mình đến đây, tiếp tục truyền thống lộ du lâu đời của dân Mỹ.

Mùa Lễ Ðộc Lập năm nay thiên hạ đi chơi đông kinh khủng. Xe camper van, RV đủ kích cỡ chạy đầy xa lộ. Các cây xăng, truck stop dọc đường lúc nào cũng đông khách. Nhưng có điều số người đeo khẩu trang không còn nhiều nữa, nhất là ở những tiểu bang như Texas, Nevada, Arizona. Trong khi đó thì dân Cali có vẻ cẩn thận hơn hết, nhất là ở các khu vực phía Bắc. Nhưng Nam Cali thì ngược lại; người ta đeo khẩu trang ít hơn, và tỉ lệ dính bệnh trong cộng đồng người Việt cũng cao hơn.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Thành phố Los Angeles vừa ra khuyến cáo kêu gọi dân chúng mang khẩu trang trở lại cho dù đã chích ngừa đầy đủ vì biến thể Delta đang hoành hành. Tiểu bang Nevada cũng mới cho hay hơn nửa số ca nhiễm trong hai tuần qua đến từ biến thể này. Thành thử bà con nếu có tính đi chơi cũng đừng nên quá ỷ y với Cô Vi.

IB

Kỳ tới

Cali đi dễ khó về