Phong trào thể thao cho người khuyết tật bắt đầu ở Anh sau Đệ Nhị Thế Chiến. Một vị bác sĩ người Do Thái gốc Đức tên Ludwig Guttmann dùng thể thao như phương pháp trị liệu cho các thương binh bị phế cột xương sống. Năm 1948, BS Guttmann tổ chức một giải thể thao cho cựu chiến binh ngồi xe lăn, diễn ra cùng ngày với lễ khai mạc Olympics tại London. Lần ấy con số lực sĩ tham dự chỉ có 16 người, và bộ môn tranh tài duy nhất là bắn cung.
Năm 1960 giải được đặt tên là Paralympics và diễn ra tại Rome vài tuần sau khi Olympics kết thúc cũng tại đây. Số lực sĩ kỳ đó đã lên đến 400 người đến từ 23 quốc gia, tất cả đều bị thương cột xương sống và phải ngồi xe lăn. Số môn thể thao đã tăng lên thành 8, và tất nhiên bắn cung vẫn là một trong những bộ môn quan trọng nhất. Tại Paris 2024, môn này lại đạt thêm một thành tích mới nữa là có đến 4 cung thủ không những bị khuyết tật mà còn không có cả 2 tay.
Người sáng chế ra cách bắn cung bằng chân để tranh tài này là Matt Stutzman, biệt danh “Armless Archer” – Cung thủ không tay. Ra đời với dị tật bẩm sinh, Matt được vợ chồng Leon và Jean Stutzman ở Iowa mang về làm con nuôi từ khi mới 13 tháng. Từ nhỏ Matt đã mê thể thao và chơi nhiều thứ. Nhưng mãi đến năm 2010, khi đã 28 tuổi, Matt mới bắt đầu thử nghiệm môn bắn cung. Anh bỏ ra rất nhiều thì giờ để hoàn thiện phương pháp độc đáo của mình và thường xuyên thi đấu với các cung thủ không khuyết tật. Thậm chí năm 2015 Matt đã phá kỷ lục thế giới cho mũi tên chính xác nhất, trước đó thuộc về tay một người khoẻ mạnh bình thường.
Tại giải Paralympics London 2012, Matt Stutzman là người không tay đầu tiên tranh tài môn bắn cung, với kết quả khá bất ngờ là một chiếc huy chương Bạc. Chiến thắng của Matt đã tạo niềm hứng khởi cho nhiều người không tay khác, trong số đó có 3 người đã đạt được đẳng cấp cao nhất để được quyền đại diện cho đất nước họ tại Paralympics năm nay. Trong ảnh là Piotr Van Montagu đến từ Bỉ. Giống như Matt Stutzman, anh cũng là trẻ mồ côi được nhận làm con nuôi từ bé. Anh mê bắn cung nhờ xem nhân vật Legolas trong phim “Lord of the Rings”. Năm 2021 là cung thủ không tay thứ nhì tham dự Paralympics 2020.
Victor Sardina Viveros (phải), đại diện cho Mễ Tây Cơ, chỉ mới bắt đầu bắn cung từ năm 2022. Thế mà đến năm 2023 anh đã được chọn vào đội tuyển Mexico tham dự giải Para Pan-American Games ở Chí Lợi. Giống Matt Stutzman và Piotr Van Montagu, Victor cũng chơi nhiều môn thể thao trước đó như điền kinh, đá banh, bơi lội và karate. Nhưng có lẽ bắn cung là môn thích hợp nhất. Tại Paris Victor đã đụng độ Matt trong một trận vòng loại lịch sử khi cả hai cung thủ đều không có tay. Tuy Victor bị đánh bại bởi nhà lão tướng đầy kinh nghiệm, song ta có thể đoan chắc sẽ còn gặp lại Victor Viveros trong những kỳ Paralympics tới.
Hiện tượng mới nhất tại giải bắn cung năm nay là một cô gái 17 tuổi người Ấn Độ tên Sheetal Devi. Mới bắt đầu tập bắn cung từ năm 2022 mà chỉ trong vòng một năm Sheetal đã giỏi đủ để tranh tài thế giới. Tại giải Asian Para Games 2023 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Sheetal đã đoạt huy chương Vàng. Cùng năm ấy, Sheetal đã gặp Matt Stutzman tại giải World Para Championships ở Pilsen và được Matt chia sẻ kinh nghiệm bắn cung của mình đồng thời giúp Sheetal cải tiến kỹ thuật bắn bằng chân của cô. Nhờ vậy cô đã thắng thêm một chiếc huy chương Bạc tại Tiệp Khắc.
Tại giải Paralympics 2024, rất tiếc Sheetal bị loại trước vòng tứ kết tiết mục Đơn Nữ chỉ bởi một điểm. Nhưng bù lại cô và nam cung thủ Rakesh Kumar đã đoạt chiếc huy chương Đồng cho Ấn Độ trong tiết mục Đôi Nam-Nữ Hỗn-Hợp (Mixed Compound). Đáng lý họ đã vào được chung kết, nhưng bị Iran đánh bại trong trận bán kết chỉ bởi vài mili mét cách tâm điểm. Dù gì chăng nữa, đây vẫn là chiếc huy chương Paralympic đầu tiên cho Sheetal Devi, và chắc chắn ta sẽ còn gặp cô trong những giải kế tiếp. Với tài năng hiếm có và nghị lực phi thường, việc người phụ nữ mang biệt danh “poetry in motion” này giành được huy chương Vàng chỉ là vấn đề thời gian.
Trước khi đến Paris, Matt Stutzman tuyên bố 2024 sẽ là giải Paralympics cuối cùng trong sự nghiệp của anh. Năm nay đã 41 tuổi, Matt nói bao nhiêu năm tập luyện bắn cung bằng chân đã khiến cho hông của anh có vấn đề. Hơn nữa, nhà tiên phong này nói đối với anh điều quan trọng không phải là mình thắng hay thua mà là tạo cảm hứng cho những người khuyết tật như mình tham gia môn bắn cung. “Tôi có thể đánh đổi hết tất những chiếc huy chương của mình để nhìn thấy những người không tay khác thành công,” anh thổ lộ.
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.