So với kỳ bầu cử tổng thống 2016, năm nay số người đi bầu sớm đạt kỷ lục chưa từng thấy. Ngoài việc đích thân đến phòng đầu phiếu, để tránh nhiễm dịch nhiều người đã bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện. Còn gọi là bầu khiếm diện, truyền thống này có một lịch sử gắn liền với chiến tranh.

Tấm bảng nhắc nhở lính Mỹ ở Nam Hàn năm 1952 nhớ “đi bầu khi còn sống”. Ảnh: Michael Rougier/LIFE Collection

Hệ thống bầu cử ở Mỹ khá phức tạp. Mỗi tiểu bang có luật và lịch bầu cử riêng. Không những vậy, mỗi quận hạt (county) phải in lá phiếu riêng cho cư dân vì mỗi nơi còn có những cuộc tranh cử cấp địa phương. Tại những tiểu bang như Texas, việc bỏ phiếu qua bưu điện rất hạn chế, chỉ dành cho người già yếu, bệnh tật, hoặc binh sĩ đóng quân xa nhà. Nhưng so với ngày xưa thì bầu chọn người đại diện thời nay tương đối dễ hơn nhiều.

Tại các vùng đất thuộc địa ở Mỹ vào thế kỷ 18, việc bầu bán đều bằng tiếng nói (voice vote) chứ không bằng lá phiếu, và thường xảy ra trong … bàn nhậu. Thoạt nghe tưởng chuyện đùa, nhưng sự thật là thời bấy giờ chỉ có đàn ông da trắng có đất đai tài sản mới có “tiếng nói.” Sử sách ghi, vào năm 1758, trong cuộc bầu cử vào Nghị viện Virginia, một nhà đại điền chủ nọ đã mở một buổi tiệc tranh cử thật linh đình bia, 150 lít rượu vang, và gần 300 lít rượu rum pha nước trái cây. Khỏi phải nói, ứng cử viên ấy đã thắng lớn; tên ông ta chắc ai cũng biết: George Washington.

Sang đầu thế kỷ 19 vài tiểu bang bắt đầu bỏ phiếu kín bằng giấy, nhưng vẫn chỉ là tờ giấy trắng và cử tri phải tự điền tên người mình chọn. Mãi về sau người ta mới nghĩ ra cách in tên các ứng cử viên lên lá phiếu. Năm 1888 New York và Massachusetts là hai tiểu bang đầu tiên dùng lá phiếu in sẵn. Nhưng trước đó hai thập niên người Mỹ đã phát minh ra một kiểu bầu cử mới, đó là bầu khiếm diện.

Quang cảnh nhộn nhịp ngày bầu cử tại Philadelphia năm 1815. Nguồn: Archive photos/Getty

Thời Nội Chiến (1861-1865), một số tiểu bang miền Bắc thông qua các đạo luật cho phép quân nhân bỏ phiếu khiếm diện trong cuộc bầu cử năm 1864. Một số tiểu bang còn gởi người đến tận các đồn trại để gom phiếu của lính. Nhưng nhiều nhà lập pháp không đồng ý với việc cho phép binh sĩ bầu; họ lo ngại đa số sẽ nhắm mắt bầu cho vị tổng tư lệnh của mình, tức đương kim tổng thống, để chứng tỏ lòng trung thành. Vì thế một số tiểu bang đã không ban hành luật bầu khiếm diện cho quân nhân.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Kết quả cuộc bầu cử 1864 cho thấy những người bày tỏ lo ngại ấy đã đoán đúng. Trong khi Abraham Lincoln chỉ nhận được 55% số phiếu từ cử tri Mỹ nói chung, tỉ lệ quân binh sĩ bỏ phiếu cho ông lên đến 78%. Thành thử sau khi Nội Chiến kết thúc các đạo luật ấy đã được xếp xó. Khi Ðệ Nhất Thế Chiến xảy ra, chính phủ cũng đã không cho phép quân nhân bỏ phiếu từ xa trong mùa bầu cử giữa kỳ năm 1918.

Vào những năm Hoa Kỳ tham gia Ðệ Nhị Thế Chiến, có trên 16 triệu người Mỹ phục vụ trong các binh chủng. Trong số đó có khoảng 11.5 triệu người ở nước ngoài hoặc đồn trú cách nơi cư ngụ của họ hàng ngàn dặm nên không thể đi bầu trực tiếp được. Ðể giúp họ bỏ phiếu, năm 1942 và 1944 Quốc Hội quyết định ban hành một số luật cho phép binh sĩ và những người phục vụ trong quân đội bỏ phiếu khiếm diện cho các chức sắc liên bang. Tuy các đạo luật sơ khai ấy còn nhiều kẽ hở và chưa hoàn chỉnh lắm, chúng vẫn cho hàng triệu quân nhân cơ hội bỏ phiếu trong thời chiến.

Lính miền Bắc xếp hàng đi bầu ngày 8/11/1864. Nguồn Interim Archive

Năm 1942 Quốc Hội thông qua đạo luật Soldier Voting Act cho phép quân nhân khắp nơi bỏ phiếu từ xa. Nhưng đạo luật này gặp sự chống đối từ một số tiểu bang vì bị cho là lấn chiếm quyền tự trị của tiểu bang. Lý do là lá phiếu khiếm diện mà các binh sĩ khắp nơi nhận được thì đồng nhất, nhưng lá phiếu của địa phương mỗi nơi mỗi khác mặc dù nhiều tiểu bang không có luật bầu khiếm diện riêng. Tuy đa số dân biểu đồng ý quân nhân phải được phép bỏ phiếu, một số lại cực lực phản đối việc dùng lá phiếu của chính phủ liên bang.

Xem thêm:   Chó...

Có những vấn đề thoạt tiên tưởng nhỏ nhưng biến thành chướng ngại khi Quốc Hội thảo luận dự luật này. Chẳng hạn như các phiên bản đầu cho phép quân nhân không phải trả thuế đi bầu, tức poll tax, hoặc bất cứ lệ phí gì khác. Ðiều khoản này đã gây nên làn sóng chống đối mạnh mẽ từ tám tiểu bang miền Nam nơi poll tax vẫn được áp dụng từ thời hậu Nội Chiến để hạn chế việc đi bầu của người nghèo và cựu nô lệ. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra tại Hạ Viện. Nói về các binh sĩ da Ðen đang phục vụ trong quân đội, dân biểu John Jennings của tiểu bang Tennessee tuyên bố, “họ cũng là công dân Mỹ, cũng bảo vệ đất nước này như bao nhiêu người khác, họ có quyền bỏ phiếu.”

Vỏn vẹn hai tháng trước ngày bầu cử, Jennings và đồng minh của ông kiếm đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật vào tháng 9, 1942. Ðạo luật ghi rõ: “Tất cả những ai phục vụ trong quân đội không thể có mặt nơi mình cư ngụ vào ngày bầu cử” sẽ được quyền bỏ phiếu khiếm diện trong các cuộc bầu cử liên bang. Thêm vào đó, “Không binh sĩ nào đang phục vụ khi đất nước có chiến tranh sẽ phải đóng thuế đi bầu.”

Nhân viên hãng Lockheed Martin chờ mua “poll tax” để được ghi danh đi bầu ở Texas. Nguồn: Lockheed Martin

Tuy được xem là chiến thắng bất ngờ vào giờ thứ 25, trên thực tế đạo luật này đã không thành công cho lắm. Trong số gần 4 triệu binh sĩ năm 1942, chỉ có 28,000 người bỏ phiếu khiếm diện. Một trong những lý do là vì các tiểu bang không có nhiều thời gian chuẩn bị lá phiếu. Nhưng lý do lớn hơn là vì Bộ Chiến Tranh (thời đó Mỹ chưa có bộ quốc phòng) viện cớ họ không có khả năng vận chuyển phiếu từ các vùng chiến địa xa xôi, mà Quốc Hội thì lại không cấp ngân sách để tăng cường hệ thống bưu cục ngoài chiến trường nhằm bảo đảm các lá phiếu sẽ về đến Mỹ kịp thời.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Rút kinh nghiệm từ thất bại ấy, Quốc Hội thông qua đạo luật thứ nhì kịp thời cho cuộc bầu cử 1944. Một trong những thay đổi quan trọng là chỉ dùng một lá phiếu chung cho tất cả mọi nơi. Mỗi người phải tự tay điền tên ứng cử viên mình bầu chọn vào lá phiếu. Sáng kiến này có cái dở là không phải ai cũng biết hoặc nhớ tên người mình muốn bầu, và nó không cho phép ta bỏ phiếu cho các chức vụ tại tiểu bang hay địa phương. Nhưng ngược lại nó đơn giản hoá việc in ấn và phân phối phiếu đến các đơn vị xa xôi. Một mẫu phiếu chung cho mọi người sẽ giảm trọng lượng thư từ, và binh sĩ không cần yêu cầu gởi cho họ tờ phiếu trắng. Tuy nhiên trong một bước lùi khó hiểu, đạo luật 1944 lại cho phép các tiểu bang thu thuế đi bầu. Phải đến thập niên 60 tình trạng này mới chấm dứt.

Thập niên 60 cũng là lúc Mỹ nhảy vào chiến trường Ðông Dương. Trong số binh sĩ được gởi sang Việt Nam, có rất nhiều thanh niên ở lứa tuổi 18-20 chưa đủ tuổi để đi bầu. Mặc dù họ lớn đủ để cầm súng bảo vệ đất nước, họ không có “tiếng nói” trong việc chọn người lãnh đạo quốc gia. Nghịch lý này đã dẫn đến một thay đổi quan trọng khác trong Hiến Pháp. Năm 1970 Tu Chính Án 26 ra đời, giảm tuổi đi bầu từ 21 xuống 18. Nhờ vậy số lính Mỹ được bỏ phiếu từ Việt Nam trong mùa bầu cử tổng thống 1972 cũng tăng đáng kể. Năm ấy Nixon thắng McGovern với mức áp đảo: 67% trên 37%, trong đó có nhiều lá phiếu khiếm diện.

Thanh niên 18-19 tuổi bị bắt quân dịch năm 1943. Nguồn: Bettmann Archive

IB