Ngày 6 tháng 6, 1944, quân đội Đồng Minh do Mỹ và Anh dẫn đầu đổ bộ lên bờ biển Normandy của Pháp trong chiến dịch bí danh OVERLORD nhằm giải cứu Âu Châu khỏi gọng kềm của Hitler. Cuộc tổng tấn công vô tiền khoáng hậu này không những được lưu danh sử sách mà còn tạo cảm hứng cho những cuốn phim để đời như The Longest Day (1962), và Saving Private Ryan (1998).

Một cảnh trong phim Saving Private Ryan của đạo diễn Steven Spielberg

Ngày 6 tháng 6 vừa rồi, một buổi lễ kỷ niệm thật long trọng đã diễn ra tại nghĩa trang Normandy American Cemetery, nơi chôn cất thi hài chiến sĩ Mỹ tử vong trong trận đánh ác liệt ấy. Đây là chỗ tạm chôn những người lính tử trận đầu tiên, vào ngày 8 tháng 6. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nó được biến thành một khu tưởng niệm rộng 173 mẫu, với 9,388 ngôi mộ và một bức tường ghi tên 1,557 người chết mất xác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng hai đệ nhất phu nhân tiến vào khu tưởng niệm. (AP)

Buổi lễ đặc biệt có sự hiện diện của 11 cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến dịch OVERLORD. Hầu hết đều cả trăm tuổi, tất cả đều ngồi xe lăn và phải trùm mền cho đỡ lạnh. Nhân dịp này Tổng thống Macron trao mỗi người huy chương cao quý nhất của nước Pháp – Légion d’Honneur (Legion of Honor), bắt đầu từ năm 1802 dưới thời Napoleon. Nhìn các cụ cố gắng đứng lên cho bằng được để nhận huân chương, ta không khỏi bùi ngùi nghĩ trộm có thể đây là lần cuối ta được thấy họ — một thế hệ lẫy lừng mang biệt danh The Greatest Generation.

Ảnh: Youtube screenshot

Trong số quan khách tham dự, ngoài những gia đình thân nhân tử sĩ, các nhà quân sự và chính trị gia, còn có sự hiện diện của tài tử điện ảnh Tom Hanks (trái) và đạo diễn Steven Spielberg (đội mũ). Sau chiến thắng vang dội của phim Saving Private Ryan tại giải Oscar 1999, cặp bài trùng này đã tiếp theo với bộ phim TV 10 tập Band of Brothers trên HBO (2001). Phim dựa theo câu chuyện có thật về Đại Đội “Easy Company” và Trung uý Richard Winters của Sư Đoàn 101 Nhảy Dù, của tác giả Stephen Ambrose. Được xem như loạt phim TV về Đệ Nhị Thế Chiến hay và gần với sự thật nhất, Band of Brothers thắng hàng tá giải thưởng năm 2002.

Ảnh: Youtube screenshot

Nhà văn Stephen Ambrose còn là người đã vận động không mệt mỏi cho dự án xây dựng Bảo Tàng Viện Quốc Gia Đệ Nhị Thế Chiến tại New Orleans, một địa chỉ không thể bỏ qua cho du khách thích tìm hiểu về lịch sử và chiến tranh. Bảo tàng viện vĩ đại này được chia làm nhiều khu vực; riêng cuộc đổ bộ Normandy đã chiếm một phần rất lớn. Hàng năm nơi đây vẫn thường tổ chức các buổi lễ tưởng niệm cho những sự kiện quân sử quan trọng. Kỷ niệm D-Day thứ 80 tất nhiên đã được chuẩn bị chu đáo, với sự tham dự của một vài cựu chiến binh hiếm hoi còn sống sót.

National World War II Museum, 6/6/2024 (Brett Duke/Times-Picayune)

Hàng Thập Tự Giá

Xem thêm:   Dân Đức & Quan Đức

Nguyên tác “The Crosses”, Cựu Đề Đốc William H. McRaven

Tôi từng đứng trước hàng thập tự giá

nhìn đoàn quân chôn cất xác anh em:

liệm trong bóng chiều rơi, hồn tơi tả

gò đất khô người sống xới vội lên.

 

Tôi vẫn nhớ tiếng quân kèn da diết

len giữa hàng thập tự giá chứng nhân —

khúc tây du tiễn người đi biền biệt,

điệu binh chinh giải thoát cõi tục trần.

 

Tôi đã khóc bên hàng thập tự giá,

lần trên tay từng chuỗi hạt mân côi;

nguyện cầu sao Trời ban ơn phép lạ

cho hồi sinh kẻ cứu chuộc đời tôi:

 

Một cuộc đời đầy hồng ân, tiếc hối

đo phận người đồng đội thác vô danh

đã bảo vệ đến cùng hơi thở cuối,

mong ngày mai một thế giới yên lành.

 

Tôi từng ngó vào huyệt sâu ảm đạm,

tự vấn mình sao không phải vong nhân?

Rồi so sánh niềm tin, lòng dũng cảm

với con người vừa vị quốc vong thân:

 

Kẻ nào dám liều mình như họ đã —

đến tận miền đất lạ chẳng ai quen

để đổ máu ngoài xa xôi chiến địa

hòng bảo toàn hạnh phúc của bàn dân?

 

Tôi từng đứng sau hàng thập tự giá

nhìn chân trời hiu hắt ánh hoàng hôn.

Trong bóng tối còn thơm mùi đất đá

nấm mồ tươi mượn nhát cuốc chiêu hồn.

 

Tôi từng ngắm triền cỏ xanh thoai thoải

cắm những hàng thập tự trắng như khuôn.

Khô dòng máu, ngàn con tim bất hoại

sẽ không già mà trẻ mãi luôn luôn.

 

Xem thêm:   Những nhà ga đẹp

Tôi quỳ xuống bên hàng thập tự giá,

tự ru mình vào giấc ngủ hằng đêm

bằng lời khấn không thay lòng đổi dạ

một câu thề sâu thẳm, khắc trong tim:

 

Tôi phải sống dâng mình cho nghĩa cả,

cho đàn anh đàn chị được hiển vinh —

cho chiến hữu dưới hàng thập tự giá

được ơn đền ngày nợ nước hy sinh.

Nghĩa Trang Lính Mỹ tại Colleville-sur-Mer, Normandy. Nguồn: Wikimedia

Ianbui dịch (2021.06.06)